Monday, October 11, 2010

TỪ TẤM HÌNH MỘT ĐỨA BÉ NGHÈO ĐÓI và LẠNH . . .

7.10.2010

Những người dân nghèo trong lũ lụt…

Trong những ngày này, trùng với dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là đại họa lũ lụt chết người, nhiều nhà rơi vào màn trời chiếu đất, ngủ trong mưa rét ở các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế ra đến Thanh Hóa.

Cách đây hai hôm, tôi đi đền Quảng Trị, trên đường đi, nước đã mem lề đường, ước chừng 3 đến 5 tấc thì tràn qua đường. Những khu chợ tập kết ven đường đông đúc và ồn ào, cảm giác như người ta lo sợ nạn đói cận kề nên mua lấy mua để… Và nhà buôn cứ vậy mà hét giá cao gấp rưỡi, gấp đôi.
Lúc tôi đi ngang cầu Nhật Lệ thì nước đã dâng cao lên báo động III, cả một con đường dài nhìn hai bên nước và nước. Những tàu lớn neo giữa dòng nước cuồn cuộn để vớt gỗ, củi rừng… Dường như mặc con người đang lo lắng trước thiên tai, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, băng rôn treo khắp nơi vẫn cứ đong đưa cợt nhả. Cái đại lễ rầm rộ cách đó không xa chẳng ăn nhập vào đâu với cảnh này.
Người dân còn khổ lắm, lo lắm và cũng đói lắm!

Có lẽ trong thời đại bây giờ, khi mà người ta chủ trương ăn ngon, mặc đẹp, ở ấm mà tôi lại nói đến chữ đói nghe có vẻ không hợp, hơi thổi phồng sự việc, thiếu chính xác chăng?! Cũng có thể là vậy mà cũng có thể tôi đã chính xác, hoàn toàn chính xác nữa là khác. Cái chủ trương như đã nói ở trên chỉ đúng với độ 30% dân số là cùng, số còn lại hiện nay vẫn sống trong nghèo khổ, cơ cực và u tối. Người ta thường nói cháy nhà ra mặt chuột, nước lụt lòi hũ không là vậy. Cứ mỗi mùa mưa lụt, thì người nghèo, cái nghèo túa ra như nấm sau mưa, bù cho những ngày nắng họ đã gắng gượng “thể hiện” mình không nghèo, giữ thể diện với đời.

Sáng nay đọc mấy bản tin trên VietnamNet, Yahoo!, BBC, VOA, Nguoi-Viet.com… thấy những hình ảnh mà tỉnh tôi, huyện tôi, nhà tôi đã trải qua năm ngoái, tôi không tài nào mà không xúc động, không tài nào mà không mủi lòng. Nếu bạn đã từng nhìn thấy những ngôi nhà tốc mái, những cây cột điện xiêu vẹo, những bóng người liêu xiêu trong gió mưa, những gia đình người nào cũng da xanh mét vì lạnh, tái mét vì đói, những người già ngồi thu lu, những em bé cầm gói mì tôm sống nhai ngấu nghiến, nước mắt nước mũi chảy lều thều… Sáng nay tôi đã nhìn thấy cảnh này trên những trang báo trong nước, ngoài nước.
Tự dưng tôi nhớ đến một bà cụ già ngồi ở chân trụ điện ngoài ngã ba thị trấn mà năm ngoái tôi gặp. Bà cụ không phải là người ăn xin, cũng không phải là người đãng trí, đơn giản, bà cụ ấy không có nhà, trước trận lụt bà lên trú ở cơ quan xã, sau trận lụt bà trở về, căn nhà biến mất, bàn thờ chồng bà, con trai bà mất dấu. Bà lẳng lặng mang gói ra chân trụ điện ngồi khóc. Và dường như lúc đó ai cũng bận bịu, chẳng mấy ai lo cho người khác.

Cũng năm ngoái, sau trận lụt, một đàn chị trong văn giới ở hải ngoại gửi tặng tôi 200 USD, tôi trở thành “vương giả” sau trận lụt, mặc dù mọi thứ đã trôi gần như sạch trơn, nhưng tôi còn tiền để thở. Giờ ngẫm lại năm ngoái tôi vẫn còn hãi…
Tôi hơi sang đàng, trở lại câu chuyện bà cụ, thực tình thì tôi nghe bà cụ nói là nhà trôi, giọng bà cùng giọng tôi, nhưng bà không cho tôi biết nhà bà ở đâu, lúc tôi nhìn thấy bà và đến hỏi thì đã gần 12 giờ đêm, hỏi một người già ngồi dưới gốc trụ điện, mặt mày hốc hác, giọng nói run và cái lạnh cũng đang kéo qua da thịt mình làm tôi hơi ớn, lại nghĩ đến những bóng ma không nhà hay lang thang trong đêm mùa đông và người đi chợ khuya thi thoảng gặp họ xin điếu thuốc, vài xu lẻ, đi nhờ một đoạn đường.
Tôi biếu bà cụ mấy đồng nhưng bà từ chối, bà nói bà không cần dùng loại tiền này… Câu nói của bà càng khiến tôi lạnh xương sống, tôi đứng dậy, chào bà xong thì dông thẳng về nhà, tôi đi như ma đuổi, cảm giác bà cụ đang lọ mọ đi theo tôi càng khiến tôi chạy xe nhanh, nhanh hơn nữa…

Về nhà, mẹ tôi còn thức, tôi kể mẹ nghe câu chuyện tôi vừa gặp, mẹ bảo thôi con chịu khó chở mẹ đi, mẹ muốn gặp bà cụ, tôi gật đầu. Mẹ lục vội cái áo ấm len [hơi cũ], một cái mền [cũng hơi cũ] và giục tôi chở đi. Ra đến nơi, bà cụ đang ngồi co rúm vì lạnh, mẹ tôi lại chào bà và khuyên bà theo mẹ tôi về nhà ngủ cho ấm, bà lắc đầu từ chối, sau một hồi nói như van nài, bà cụ đồng ý nhận chiếc mền, cái áo ấm và theo mẹ tôi vào trong mái hiên nhà gần đó và mặc áo ấm, nằm đắp mền.
Mẹ tôi nói thầm với tôi là không chừng mẹ chạy xe, con ẵm bà, bắt cóc bà chở về nhà mình đi, đêm nay không ổn đâu. Tôi đồng tình nhưng lại lo chuyện khác, vì mẹ tôi già rồi, mắt cũng không còn tinh tường, để mẹ chạy xe chẳng khác nào đi trên dây. Hình như hiểu được tôi nghĩ gì, mẹ nói tôi yên tâm mẹ chạy xe được, tôi gật đầu. Nhưng lúc này bà cụ lại lên tiếng: Thôi, con và cháu về đi, cho già cái áo với cái mền già cám ơn lắm rồi, già nằm đây đợi con của già, già không đi đâu hết, đừng làm khó già nữa, già chỉ thích tự do thôi, nằm ở nhà con mà không được tự nhiên thì già ngủ không yên, già quen cảnh ngủ lang vậy rồi, có bữa già đi hái rau má trên núi, mệt quá già nằm lăn ra ngủ, sáng mai trời mưa sớm, ướt mặt, già tỉnh giấc lại đi về… Không có chi đâu! Hai con về đi! Mẹ tôi rơm rớm chào bà rồi đi về.
Tôi biết đêm đó mẹ tôi không ngủ được. Sáng hôm sau, mẹ dậy sớm đi chợ, và cũng về rất sớm, gọi tôi: Cu lớn ơi, bà cụ đêm qua mất rồi! Người ta đang liệm bà cụ, có chôn theo cái áo và cái mền con ơi! A di đà phật! Nghe đến đây, tôi ứa nước mắt.

Những bản tin…
Sáng nay, trên bản tin Yahoo!, tôi nhìn thấy một em bé đứng dầm mình trong nước, trước căn nhà cấp bốn của em cũng đang ngập nước, tay nó cầm gói mì tôm đưa lên miệng, gói mì bóc chưa hết vỏ bao, tôi biết em sợ nếu bóc hết vỏ sẽ làm đổ những sợi mì nát trong bao xuống nước, em tiếc nên làm vậy, mắt em nhắm nghiền, miệng em há tròn đón gói mì, cảm giác ăn vô cùng khoái lạc, cảm giác của ngưới đói gặp miếng ăn, buồn ngủ gặp chiếu manh… Nỗi khoái lạc của đứa bé thơ đang gặm gói mì tôm sống giữa mưa lũ!
Tự dưng tôi lại nghĩ đến những bữa cơm cao cấp, rượu thịt ê hề ứ hự của các quan, các đại biểu 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhìn những căn nhà vách ván tạm bợ, mái tôn hoen gỉ xám xịt, tôi lại nghĩ đến con số mấy mấy tỉ đôla bỏ ra như nước chảy lá môn cho cái gọi là đại lễ này – nơi mà người ta tranh thủ lượm tiền, tranh thủ ăn chơi, đàn đúm, tranh thủ chứng tỏ mình cũng sành điệu cho dù mình là cán bộ… Nơi mà người ta thi nhau vỗ tay…
Không biết trong số những người mặt trắng, da trơn, bụng phệ và khóe môi có phần hơi trễ vì dư đạm kia có ai hiểu được rằng mình có chỗ ăn ngon, có khách sạn để ở, có nhà cao cửa rộng, gái đẹp là do những người đang hằng ngày còng lưng cày sâu cuốc bẫm, đang đóng thuế trên từng chai thuốc sâu, bó rau, con tôm, cái tép, lát thịt heo, con cá vụn…?! Và trong lúc họ phè phỡn, họ thơm tho nước hoa thì đồng loại của họ, đồng bào của họ, kẻ đã góp tiền cho họ tồn tại và sống vương giả, đang phải đối mặt từng ngày với cái lạnh, cái đói và sự thấp thỏm, sự đau đớn vì người thân bị chết, tài sản bị mất?!

Thử làm vài phép so sánh:
- Một suất của một đại biểu trong suốt 10 ngày đại lễ ít nhất là 5.000.000 đồng, tương đương với 260 USD, có trường hợp lên đến 10.000.000 đồng, 15.000.000 đồng. Và trường hợp VIP thì miễn bàn, vì không có khách sạn hạng sang cỡ 4, 5 sao nào có giá dưới 500.000 đồng/đêm cả, và tiền vé máy bay, tiền ăn, tiền phương tiện giao du… con số chẳng nhỏ tí nào.
- Trong khi đó, nếu lũ lụt kéo dài ra chừng 10 ngày, người dân chỉ cần mỗi ngày 10.000 đồng để sống là quá thần tiên, quá diễm phúc. Thậm chí có nhà đông người, 5, 6 người chỉ xài mỗi ngày đúng 15.000 đồng [tương đương 0,70 USD]! Với họ, chi tiêu như vậy là đã lớn lắm rồi!
- Mỗi chiếc trống đồng đúc cho dịp đại lễ trị giá cả 1.000-1.500 đôla, người ta đúc cả trăm chiếc để tặng.
- Nhà người dân ở các vùng quê nghèo khó, có nhiều căn nhà trị giá không quá 300 USD [ba trăm đôla]. Đó là vốn liếng cả đời cấp ca cấp củm họ dành được để làm nên cái chỗ che mưa che nắng.
- Mỗi viên ngọc ru-bi làm mắt rồng cho 1.000 con rồng trong dịp đại lễ trị giá 400 USD, mỗi con có hai mắt như vậy tốn 2.000 viên ngọc x 400 USD = 800.000 USD, cộng thêm tiền đồng, công chế tác là 14.00 USD mỗi con mắt x 2.000 = 28.000 USD.
- Mỗi thùng mì tôm đủ sống cho gia đình nghèo khó gần một tuần trị giá chưa đến 5 USD. Và mỗi khi có thiên tai, mỗi gia đình được tặng nhiều nhất là 20 kg gạo, 10 gói mì là cùng. Nhưng muốn nhận được phần cứu trợ này, phải thông qua cửa cán bộ thôn giới thiệu lên xã, xã lập danh sách và khi có thông báo, người dân phải ngồi la liệt trước sân ủy ban mà chờ nhận [đó là tôi đã loại bỏ chuyện ăn chặn của cán bộ địa phương].
- Dự trù bắn tên lửa đẩy mây cho một ngày trong đại lễ trị giá 1.000.000.000 USD, vị chi 10 này mất 10 tỉ USD.
- Những công trình phòng hộ che chắn lũ lụt, những chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc [ở đây tôi không muốn nhắc tới chuyện bảo vệ rừng, phá rừng nữa!] chưa đâu vào đâu. Nếu không nói là chưa có những dự án qui mô, có tính lâu dài, bền vững cho chương trình này.
- Và những thứ khác có liên quan đến lễ hội có thể đối chiếu với mức sống nghèo khổ của những người đã chung tay đóng thuế cho nhà nước…

Và những kiểu làm dáng…
Không biết ông bà tổ tiên ngày xưa có ưa làm dáng lắm không mà bây giờ chuyện làm dáng đã thành hội chứng cấp báo động đỏ. Biểu hiện của nó rất dễ nhìn thấy, kệch cỡm, hợm hĩnh, lố lăng, vô văn hóa…
Nước Việt Nam vốn là nước có diện tích nhỏ, nền kinh tế nhỏ, tầm văn hóa không lớn [so với các nước lớn trong khu vực và so với thế giới thì lại càng nhỏ hơn gấp nhiều lần] nhưng lại ưa làm những điều “lớn lao”. Ví như làm chiếc bánh chưng nặng một 1.000 kg, chế một chai bia khổng lồ chứa 1.000 lít, đúc một chiếc trống đồng nặng 3.000 kg, thêu một bức tranh nặng 700 kg với độ rộng và dài tổ chảng, đúc một cặp rồng bằng gốm sứ nặng cả chục tấn… v.v. và v.v.!

Việc làm này nói lên điều gì? Nó chỉ thể hiện thêm rõ nét tâm lý nhược tiểu và nỗi mặc cảm mình bé hơn người, kém hơn người. Khi anh thấy mình nhỏ, anh thường làm một việc gì đó cho to ra, “vĩ đại” ra để thiên hạ thấy anh lớn, không phải là nhỏ như họ từng nghĩ về anh [điều này cũng do sự võ đoán sâu thẳm trong chính anh thôi!]. Và kết quả là những gì làm quá sức đều có tính phô trương, khoe mẽ nhiều hơn là chất lượng, độ tinh xảo.

Một nước có nền kinh tế thuộc hạng siêu, có nền văn hóa thuộc hàng ưu tú, có mức độ văn minh vượt bậc như Nhật Bản, họ cũng chỉ làm ra những kỉ lục không lớn, mà phải tinh xảo, phải nghệ thuật, phải mang đậm trí tuệ và sáng tạo. Thậm chí có người lập kỉ lục bằng cách khắc cả ngàn con chữ lên một hạt gạo.
Những cái to bự, thô kệch, chiếm công lao động thì lúc nào cũng dễ làm hơn những cái tuy nhỏ bé mà tinh xảo, đậm tính sáng tạo.

Và điều này cũng thể hiện ngay trong cách phát ngôn của những cán bộ nhà nước, của những nhà lãnh đạo theo kiểu “chúng ta canh giữ hòa bình thế giới…” [trong lúc nhân dân có người còn áo quần chưa đủ mặc, cơm chưa đủ ăn, nhà cửa còn xiêu vẹo…] mà ta thường gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, trong lời phát biểu giữa cuộc họp, với báo chí…

Tại sao không vắt óc suy nghĩ để làm ra chiếc bánh chưng nặng chừng 1% gam hoặc nhỏ hơn nhưng vẫn có đầy đủ nhưn nhị, chất lượng vẫn tốt, mẫu mã đẹp? Như vậy sẽ dư ra một lượng nếp san sẻ cho người nghèo mà vẫn đảm bảo được kỉ lục.
Tại sao không đúc một con rồng nhỏ ở mức phải soi vào kính hiển vi mới thấy được đâu là vảy, đâu là râu, đâu là móng? Và đúc những chiếc chuông theo kiểu này. Như vậy sẽ dư được một lượng đồng để sản xuất dây điện, kéo điện cho khu vực người nghèo, nông thôn miền núi chẳng hạn?!

Chế một chai bia chứa cả ngàn lít có ích gì ngoài việc khích lệ người ta uống bia, nhậu nhẹt và bê tha. Cuối cùng dẫn đến đầu óc dần đần độn, hỗn mang… Có khác gì chính sách ngu dân?
Làm một bức tường gốm sứ dài hàng chục ngàn mét với mức kinh phí khổng lồ trong lúc ngay trung tâm phố cổ Hà Nội, người dân vẫn còn dùng chung một khu vệ sinh công cộng cho cả trăm hộ dân. Làm vậy để được gì? Đẹp? Ai ngắm? Khi mà hơn 60% dân ngoại ô và tầng lớp nghèo chạy vạy từng bữa ăn, đi bán từng hột đậu phộng rang, đậu phộng luộc, đi làm điếm, đi bốc vác, phu xe, phụ hồ, chạy xe ôm, đi bán sức cho các trang trại nước ngoài… Thì liệu có mấy người nhìn thấy bức tường này đẹp? Và liệu cái đẹp đó có tồn tại trong tâm hồn chứa nhiều khốn khó? Cái đẹp này phục vụ, dâng hiến cho ai?

Thay lời kết
Khi mà người ta không còn biết yêu thương đồng loại khốn khó của mình, không còn biết trân quí những giá trị dân tộc, không biết làm việc vì tiếng kêu của cộng đồng, phần lớn cuộc đời chỉ dành cho toan tính, tham lam và khoe mẽ thì việc gì sẽ xảy ra, hệ quả nó nằm ở đâu chắc khỏi cần bàn thêm.
Chỉ tiếc một điều, người Việt càng ngày càng thích khoe mẽ, ba hoa, nói một đàng làm một nẻo, ích kỉ, toan tính và vô cảm. Người càng có chức quyền càng vô cảm và giả dối. Mà sự giả dối, trơ trẽn này được biểu hiện rõ nét nhất trong kiểu làm chương trình mang màu sắc lòe loẹt hình thức nhằm vỗ béo chính trị của Đảng làm tốn cả núi mồ hôi nước mắt của nhân dân – đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội! Chẳng biết nói gì hơn!
--------------------------------

Phạm Toàn – đại lễ là vớ vẩn  -  DCVOnline – phỏng vấn  -  11-10-2010 
.
.
.

No comments: