12/10/2010 - 15:53
‘Hiền tài là nguyên khí của quốc gia’ là câu nói được nhiều người biết đến. Thế nhưng thực tế cho thấy từ bao năm qua, tại Việt Nam việc đào tạo, nuôi dưỡng và sử dụng nhân tài vẫn chỉ là đề tài thảo luận ‘suông’ và không có giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, mỗi khi có một nhân tài đất Việt đạt được một thành tích xuất sắc nào đó thì vấn đề này lại được tiếp tục đưa ra bàn luận sôi nổi.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng việc đào tạo, sử dụng và nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam còn nhiều điều bất cập (Hình tác giả cung cấp)
Bay Vút đã thực hiện cuộc phỏng vấn Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn thuộc Đại học New South Wales, Sydney về đề tài này. Ngoài việc giảng dạy, ông Tuấn còn là chuyên gia chuyên ngành loãng xương tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan từ khoảng 20 năm qua. Ông từng giảng dạy tại Đại học Wrights States (Hoa Kỳ) và là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều nước như Anh, Hongkong. Giáo sư Tuấn đã có gần 150 công trình nghiên cứu khoa học mà 70% là về di truyền học và 30% là dịch tễ học. Ngoài lãnh vực chuyên môn, ông cũng tham gia viết về văn học, báo chí và các sự kiện đương thời cùng đóng góp nhiều bài vở cho báo chí cũng như mở trang blog riêng mang tên mình.
Bay Vút: Thưa giáo sư những yếu tố nào cần có để đào tạo ra nhân tài?
G.S. Nguyễn Văn Tuấn: “Tôi nghĩ đây là câu hỏi rất lớn và cũng khó có câu trả lời đầy đủ nhưng theo tôi có 4 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là môi trường học thuật. Đây là yếu tố rất quan trọng vì nó giúp cho mọi người có cơ hội tự do trao đổi các ý tưởng và học hỏi lẫn nhau. Khái niệm ‘môi trường tự do học thuật’ có thể được hiểu là nơi các nhà nghiên cứu có thể thoải mái theo đuổi các các dự án để góp phần đem lại lợi ích cho xã hội mà không phải chịu bất cứ sự gò bó hoặc định hướng nào.”
“Yếu tố thứ hai là văn hóa khoa học. Yếu tố này có nhiều tiêu chí, nhiều đặc điểm mà một trong những nổi bật là người nghiên cứu phải ‘nói có sách mách có chứng’
“Yếu tố thứ ba là cơ sở vật chất. Hiện nay, nếu muốn làm nghiên cứu khoa học một cách thực sự có ý nghĩa và có đóng góp cho quốc tế thì cơ sở vật chất phải khá dồi dào. Cơ sở vật chất không đầy đủ như ở nhiều nước thuộc thế giới thứ Ba hoặc các nước đang phát triển thì khó mà nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học. ”
“Yếu tố thứ tư là nhân sự. Theo tôi, các quốc gia phải có những nhà khoa học hàng đầu hoặcđi tiên phong trong những lĩnh vực nào đó vì họ có thể đưa ra những định hướng tốt để nghiên cứu.”
Bay Vút: Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất?
G.S. Nguyễn Văn Tuấn: “Tôi nghĩ nhân sự là số một, kế đó là môi trường học thuật, cơ sở vật chất xếp thứ ba rồi sau đó là văn hóa khoa học. ”
Bay Vút: Sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields trong thời gian vừa qua đã gây xôn xao dư luận. Theo ông, nếu Ngô Bảo Châu chỉ học tập và làm việc ở Việt Nam thì liệu chúng ta có được một Giáo sư Ngô Bảo Châu như ngày nay hay không?
G.S. Nguyễn Văn Tuấn: “Theo những suy luận của tôi dựa trên cơ sở thực tế về những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam trong vòng mấy chục năm qua và trong thời gian gần đây, tôi nghĩ với môi trường học thuật và làm việc của Việt Nam, chúng ta không thể có được một Ngô Bảo Châu là chủ nhân của giải thưởng Fields.”
“Có rất nhiều lý do nhưng tôi nghĩ một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là Việt Nam còn thiếu môi trường tự do học thuật cũng như chưa hẳn đã có văn hóa học thuật theo đúng nghĩa. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng còn yếu kém. Về nhân sự thì mặc dù Việt Nam cũng có nhiều nhà khoa học tiếng tăm nhưng con số những người đứng ở vị trí hàng đầu trên thế giới thì lại vô cùng ít ỏi. Đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên bởi Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo và đang phát triển. Tuy nhiên, nó cũng là một vấn đề đáng để suy nghĩ.”
Bay Vút: Như vậy, theo giáo sư, Việt Nam không phải là môi trường tốt để đào tạo nhân tài?
G.S. Nguyễn Văn Tuấn: “Tôi nghĩ như vậy. Và không phải là chỉ mình tôi nghĩ như vậy mà gần đây, một số giáo sư trong cũng như ngoài nước cũng bắt đầu đề cập tới vấn đề đó rồi. Một trong những hiện tượng nổi bật nhất ở Việt Nam hiện nay là hiện tượng ‘tị nạn giáo dục’ vì các bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm tới nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục. Do đó, những người có khả năng tài chính thì thường cho con đi du học hoặc cho con học ở các trường quốc tế theo mô hình đào tạo của nước ngoài. Theo tôi, đây là điều rất đáng buồn và ai cũng nhận thấy nhưng để thay đổi nó là cả một vấn đề nan giải.”
Bay Vút: Vậy còn việc sử dụng nhân tài thì sao?
G.S. Nguyễn Văn Tuấn: “Rất tiếc là câu trả lời của tôi cũng là ‘Không’ (cười). Tôi đã có cơ hội đào tạo một số nghiên cứu sinh người Việt ở Úc và được biết nhiều người khi về nước chỉ làm việc trong vòng vài tháng, thậm chí người lâu nhất cũng chỉ được 1- 2 năm rồi sau đó lại tìm đường ra nước ngoài.”
“Họ nói rằng môi trường học thuật trong nước còn nhiều điều bất cập. Đó là chưa kể đến cái gọi là ‘văn hóa đố kỵ’ của người Việt. Khi một người nào đó mang một ý tưởng mới, một phương pháp mới về làm việc trong nước thì lập tức người này thường bị dèm pha, chỉ trích và ý tưởng mới đó sẽ bị dìm đi. Thành ra nhiều người vốn đã quen với phong cách làm việc ở nước ngoài thì khó có thể chấp nhận được điều này, kể cả đối với một số người Việt ở nước ngoài có tâm huyết khi về nước một thời gian cũng cảm thấy rất ngột ngạt với môi trường học thuật ở Việt Nam.”
Bay Vút: Với tư cách là người đã tham gia các hoạt động nghiên cứu ở nhiều nước từ hơn 30 năm qua, giáo sư thấy Việt Nam cần làm những gì để có thể đào tạo, nuôi dưỡng và sử dụng nhân tài một cách hiệu quả nhất?
G.S. Nguyễn Văn Tuấn: “Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên là con người bởi như tôi đã nói, chúng ta còn thiếu một đội ngũ giáo sư nghiên cứu hàng đầu. Do đó, điều quan trọng là làm sao đào tạo ra được một thế hệ các nhà khoa học tiên phong để họ tiếp tục sự nghiệp đào tạo các thế hệ kế cận.”
“Kế tiếp là việc xây dựng một môi trường học thuật tốt để giúp các nhà khoa học được tự do nghiên cứu mà không phải chịu bất cứ sức ép nào.”
“Một điều quan trọng nữa giải quyết các vấn đề tiêu cực trong khoa học hiện nay vì tôi thấy tại Việt Nam, vấn đề ‘thật – giả’ rất lẫn lộn. Có những người có bằng cấp ‘thật’ nhưng lại học ‘giả’ và ngược lại có những người học ‘thật’ nhưng lại chưa có được vị trí xứng đáng. Nếu không giải quyết được những vấn đề đó thì các nhà khoa học chân chính rất khó lòng bám trụ. Người ta thường hay nói nhiều đến tham nhũng trong chính trị, trong xã hội nhưng tham nhũng trong khoa học rất ít được đề cập đến mặc dù tác hại của nó cũng kinh khủng không kém. Lý do là vì nó có thể gây ảnh hưởng đến không chỉ một mà là nhiều thế hệ.”
“Kế đến là phải có một chế độ đãi ngộ thích đáng.. Không thể nào chỉ trả lương 1- 2 triệu cho một tiến sĩ từng phải bỏ cả mười mấy năm trời học hành bởi đồng lương đó không hơn gì lương của một người thợ làm việc các công xưởng.”
“Cuối cùng là nên bỏ thói chạy theo phong trào ví dụ lúc thì ‘hai không’ lúc thì ‘ba không’ hoặc chạy theo các giải thưởng thấp như giải Olympic dành cho học sinh trung học. Mình không lo những cái lớn hơn mà mình chỉ chạy theo những cái tầm thường. Nó làm tiêu hao cả một lực lượng xã hội để chạy theo những cái rất bình thường. Ngay cả nước láng giềng Thái Lan cũng không làm như chúng ta mà làm ngược lại: Họ xây dựng những cái lớn hơn rồi mới bắt đầu tranh các giải thưởng khoa học và giải quốc tế. Mình thì làm ngược lại.”
Bay Vút: Xin cám ơn giáo sư về cuộc trò chuyện hôm nay.
--------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment