Tuesday, October 12, 2010

NGƯỜI HÀ NỘI ĐANG LÀM "XIẾC TẬP THỂ" ?

Cập nhật lúc 16:08, Thứ Hai, 11/10/2010 (GMT+7)

"Đây không phải là giao thông nữa, mà là một màn xiếc tập thể. Tôi không hề biết rằng có nhiều xe máy đến thế xếp lọt trên đường, như thể nước chảy trên sông vậy".

Cùng thế hệ với Daniel Kehlmann và Judith Herrman, Juli Zeh (sn 1974) được đánh giá là một trong những nhà văn trẻ tài năng nhất của Đức hiện nay. Lần đầu tiên tới Việt Nam, Juli Zeh sẽ đi dọc từ Bắc tới Nam. Chị sẽ dừng chân ở Mai Châu, Hà Nội, Hạ Long, Hoa Lư, Huế, Hội An, Nha Trang và TP Hồ Chí Minh. Dọc đường hành trình, chị đã viết ra những trải nghiệm của mình dưới dạng nhật kí du lịch và gửi cho VietnamNet.
Xin giới thiệu bài viết đầu tiên của Juli Zeh với tựa Khởi hành. Ấn tượng đầu tiên về Hà Nội với bản dịch của Viện Goethe Hà Nội.
----------------------
Khắp Berlin, những con ngựa chùm áo mưa đứng dầm chân trên những cánh đồng, tai rủ xuống. Ở Hà Nội cũng thế, theo tin từ Internet, cũng mưa, mà mưa còn được dự báo sẽ kéo dài đến hết tuần sau nữa. Nhưng nhiệt độ ở đó không phải 8 độ C, mà là 35 độ C. Khi chuẩn bị đồ đạc, tôi mới chợt phát hiện ra rằng mình không có cái áo mưa nào cả. Ôi, không lẽ trong suốt 36 năm qua, tôi chưa từng cần đến áo mưa hay sao - mà lại ở Đức nữa cơ đấy?

Mệt nhừ tử: Cái mẹo cho mỗi chuyến ra đi là: những tuần trước đó, bạn có cả núi việc phải làm, đến nỗi sau đó bạn mệt tới mức thực sự muốn nghỉ ngơi. Một loạt các nhà cung cấp hợp đồng đột nhiên thấy rằng, họ cần tôi gửi gấp một bài viết, một chương trình, một cuộc phỏng vấn, hoặc họ muốn tôi phải đưa ra một quyết định nào đó. Như thể có nguy cơ tôi sẽ không trở về nữa. Với cảm giác khoái trá, tôi đặt một hộp thư điện tử tự động, nói rằng, trong thời gian tôi đi vắng tất cả E-mail gửi đến sẽ, thứ nhất, không được đọc, và thứ hai, sẽ tự động bị xóa (một việc chẳng khó khăn gì). Nhưng thực ra cả hai đều không đúng, bởi tôi nghe nói, ở Việt Nam người ta có thể truy cập Internet công cộng còn dễ hơn ở Brandenburg nhiều. Nhưng dù sao, một hộp thư tự động như thế ít ra cũng có tác dụng như một rào chắn vậy.

Cẩm nang du lịch Việt Nam, Cẩm nang du lịch Thái Lan, Cẩm nang du lịch Trung Quốc, Cẩm nang du lịch Campuchia đặt cạnh nhau tại quầy châu Á tại khu vực Check-in của Sân bay quốc tế Frankfurt. Ấn tượng đầu tiên về đất nước và con người: những phụ nữ xinh xinh, những đứa trẻ ngoan ngoãn, những người đàn ông chất phác. Tất cả đều khiến bạn có thể bật cười, mặc dù hàng người đứng xếp hàng trước quầy kéo dài như thể đến Hà Nội vậy.

Có cảm giác thủ tục xuất cảnh cho mỗi hành khách kéo dài cả nửa tiếng: Quang cảnh xung quanh hàng người trông giống như ở một công ty vận tải vậy. Những hành khách Việt Nam đi cùng chuyến mang theo đủ thứ về Hà Nội, nào là lò vi sóng, máy trộn, máy hút bụi, máy in laser, thậm chí cả nồi cơm điện nữa. Một vị còn mang theo nguyên cả bộ hộp tắm, bao gồm bệ, thành và phụ kiện, đựng trong năm thùng các-tông khổng lồ.

Made in Vietnam: Có lẽ một nửa số quà tặng cồng kềnh này đang trên đường trở về quê hương của nó, đắt hơn hai mươi lần, nhờ được cấp nhãn hiệu chất lượng hàng hóa Đức theo một cách nào đấy, qua cửa hải quan Frankfurt. Như thể tai tôi nghe được những lời này từ những người thân ở Hà Nội: „Quạt máy miễn chê. Ông anh tớ vừa mang từ Đức về đấy!“. Tôi nhìn xuống trang phục của mình: Áo khoác hiệu Jack-Wolfskin, dép quai hậu hiệu Nike – tất cả đều made in Vietnam.

Trên thực tế: Bạn có thể nhận ra ngay dân Tây Âu du lịch châu Á khi nhìn vào những ba lô nhựa, quần nhựa, áo nhựa, giày thể thao nhựa, túi buộc bụng nhựa và túi xách tay nhựa. Đàn ông hay đàn bà – mỗi người du lịch đều mang trên mình ít nhất năm thứ của các hãng „Jack Wolfskin“ hoặc „The Northern Face“. Cứ như thể thế giới bên ngoài khối Liên hiệp Châu Âu là một cuộc leo núi Himalaya duy nhất vậy.

Khi đi tôi có mang theo một câu, một câu chợt đến với tôi sáng nay khi tỉnh dậy, nhưng vì vội chuẩn bị nên tôi đã không ghi lại: „Cô cảm thấy như thể mình vừa bước ra khỏi một bữa tiệc thành công, để hít thở không khí trong lành ngoài cửa trong chốc lát, và khi cô quay trở lại thì đột nhiên một người đàn ông ngồi chắn cửa đòi cô phải trình giấy mời, nếu không sẽ không cho cô vào trở lại – thế là cuộc đời cô trở thành một xã hội khép kín, và cô là kẻ đứng ngoài.“

Cảm giác bay như thể nằm trong nhà thương vậy: Mắt nóng, tai nặng, mũi chảy, cổ rát. Co quắp chăn đệm, chúng tôi ngồi cứng đơ khi bữa ăn tối đã được tiêu hóa hết từ lâu, dài cổ đợi cô tiếp viên rầu rĩ trong bộ áo đỏ của Hãng hàng không Việt Nam đến dọn để chúng tôi có thể đứng dậy vào nhà vệ sinh. Dưới tấm đệm, cứ phải dậm chân cho máu đỡ dồn xuống. Thỉnh thoảng lại thèm thuồng ghen tị nhìn qua tấm chắn lên khoang hạng nhất dành cho các „con bệnh“ giàu có. Tivi cứ bật, cảm giác đau ê ẩm khắp người, không thể ngủ được. Thôi cứ kệ mọi sự: có lẽ mọi chuyện sẽ tốt và bạn sẽ sớm được giải thoát thôi.

Tiếng quẹt đường băng chát chúa kéo dài khi máy bay hạ cánh, và chấm dứt. Mở cửa: Hà Nội. Mệt nhừ người. Không khí nóng hầm hập. Những vệt sáng xẹt qua vùn vụt. Thực tế đó là những vệt sáng phát ra từ những đôi dày thể thao của những cậu bé, giống như những vệt sáng ở một sàn nhảy disco vậy.

Nhiều thành phố lớn trên thế giới nổi tiếng vì giao thông hỗn loạn, như thể một khi là người nước ngoài bị thả vào đó thì bạn sẽ khó mà sống nổi. Paris, Roma, Bắc Kinh, New York, Moscow, thậm chí ngay cả Berlin cũng vậy. Như thể tắc đường là chuyện đương nhiên ở các đại đô thị, giống như một anh gác cửa đương nhiên phải có đôi bắp tay lực lưỡng vậy. Ở những nơi ấy, tất cả đều có phần quay cuồng. Nhưng mà ở đây, mong Chúa làm chứng cho tôi! Mọi thứ còn quay cuồng gấp đôi, không, gấp cả mười lần như thế! Đây không phải là giao thông nữa, mà là một màn xiếc tập thể. Tôi không hề biết rằng có nhiều xe máy đến thế xếp lọt trên đường, như thể nước chảy trên sông vậy.

Tôi không hề biết rằng một gia đình gồm vợ chồng với hai đứa con có thể thoải mái ngồi lọt trên một chiếc xe Vespa. Tôi không biết rằng người ta lại có thể chở nguyên cả một cái tủ đá bằng xe máy. Tôi không hề biết rằng, người ta vừa có thể hút thuốc, vừa gọi điện thoại, vừa giữ một đứa bé trong lòng, trong khi vẫn đang lái xe máy. Mỗi chiếc xe chạy trên đường chỉ có vừa đủ chỗ bằng chính độ lớn của nó, bởi vì ngay sát cạnh chiếc xe đó là những chiếc xe khác. Thỉnh thoảng cũng có ôtô, vài người đi xe đạp và khách đi bộ (chúng tôi hay vài khách Tây balô khác).

Như thể một dòng sông, tác-phẩm-nghệ-thuật-tổng-thể này không chỉ chuyển động về một hướng, mà tràn ra đủ mọi hướng. Nó hòa vào, nó tách ra, nó quấn lấy nhau, nó đan cài nhau. Nó tự trôi chảy không ngừng nghỉ. Một hoạt cảnh thiên nhiên kì vĩ, hình thành từ quá trình cơ giới hóa nhanh chóng kết hợp với sự vắng bóng triệt để của tất cả các loại hình giao thông công cộng đô thị. Ở Hà Nội không có tàu điện ngầm, không có tàu điện trên mặt đất, không có tàu nội tỉnh, không có tàu trên không. Chỉ có một vài tuyến xe buýt gần như vô hình với những chuyến xe cứ như thể mất hút ở đâu đó vì tắc đường. Nếu một ngày nào đó mọi người dân ở đây đều đủ giàu có để có thể sắm ô tô riêng, hay một ngày kia Việt Nam bị WTO ép phải bỏ mức thuế 200% cho ô tô nhập khẩu, có lẽ mọi sự sẽ chấm dứt với giao thông ở đây.
Bài sau: Đội quân cướp nhà băng sặc sỡ
-------------------------------------------

Juli Zeh sinh năm 1974 tại Bonn (CHLB Đức cũ). Chị học ngành Luật tại Passau và Leipzig, đồng thời tốt nghiệp ngành ngữ văn tại Viện văn học Đức tại Leipzig. Sau đó, chị có nhiều chuyến lưu trú du học hoặc làm việc tại Mỹ, Ba Lan, Hungary và Bosnia-Herzegowina. Các trải nghiệm nước ngoài cũng như những kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều dân tộc khác nhau đã được thể hiện rõ nét trong những tiểu thuyết của chị. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Adler und Engel ( Thiên thần và đại bàng) của chị đã được dịch ra 29 thứ tiếng. Tiểu thuyết Spieltrieb đã được chuyển thể và dựng kịch tại Nhà hát Hamburger Schauspielhaus năm 2006.
Tác phẩm Alles auf dem Rasen. Kein Roman bao gồm các tiểu luận về xã hội, chính trị, luật pháp và văn học đã từng được đăng trên các báo, tạp chí lớn của Đức. Juli Zeh còn viết vở kịch Corpus Delicti, vở kịch đầu tay của chị, cho chương trình RuhrTriennale 2007. Cùng năm này, chị xuất bản cuốn tiểu thuyết trinh thám Shilf (Thám tử Shif). Năm 2009, chị cho ra mắt phiên bản tiểu thuyết của Corpus Delicti. Cùng với Daniehl Kehlmann và Judith Herrman, Juli Zeh được đánh giá là một trong những nhà văn trẻ tài năng ở Đức hiện nay.

Juli Zeh
.
.
.

No comments: