Thursday, October 7, 2010

TƯỞNG NHỚ ĐẶNG PHONG, MỘT TRÍ TUỆ và MỘT TẤM LÒNG (Nguyễn Gia Kiểng)

Nguyễn Gia Kiểng
Đăng ngày 06/10/2010 lúc 18:39:58 EDT

Tôi gặp Đặng Phong lần đầu cuối hè 1996, ít lâu sau đại hội 8 của ĐCSVN. Đặng Phong nói về đại hội này và tôi nhận xét anh là người rất có óc khôi hài. Nhận xét này càng rõ hơn sau này, khi chúng tôi thân nhau hơn.

Đặng Phong nhờ một người bạn giới thiệu với tôi sau khi đọc một số bài viết của tôi trên Thông Luận. Khi chúng tôi gặp nhau Đặng Phong cười một cách vui vẻ: "Hay quá nhỉ, tôi cứ tưởng anh phải ngoài 70". Đây là lần duy nhất tôi thấy Đặng Phong cười thành tiếng và nói tương đối lớn. Bình thường Đặng Phong nói nhỏ nhẹ chỉ vừa đủ nghe và có cái cười đặc biệt, tươi nhưng không thành tiếng, ngay sau một câu nói, cái cười tự nhiên nhưng hơi châm biếm và pha chút khinh bạc. Chỉ vài phút sau khi gặp nhau chúng tôi đã như thân quen từ lâu.

Chúng tôi khám phá ra một cách thích thú là có cùng một chuyên môn, kinh tế, và hơn thế nữa đã từng quan tâm tới một vấn đề cụ thể: giá cả. Đặng Phong đang dạy tại Đại Học Kinh Doanh Công Nghệ (sau này anh làm khoa trưởng kinh tế) và làm phó tổng biên tập tạp chí Giá cả & Thị Trường, anh rất thích thú khi được biết tôi từng làm chủ tịch ủy ban vật giá tại bộ kinh tế miền Nam trước 1975 và cũng từng dạy kinh tế tại Sài Gòn.

Anh cho biết đang viết một cuốn sách về chính sách đổi mới kinh tế và hỏi tôi: "Theo anh thì chính sách đổi mới bắt đầu năm nào?". Tôi đáp: "1979!". Đặng Phong cười đưa tay bắt tay tôi: " Đúng! Chính xác là cuối năm 1978". Rồi anh cụng ly với tôi nói tiếp: "Các ông chuyên gia đều nói là đổi mới kinh tế bắt đầu năm 1986!".

Tôi hỏi Đặng Phong: "Trong bộ chính trị mới có ngôi sao nào sáng không?". Đặng Phong đáp: "Không có sao nào sáng cả, chỉ có sao mờ". Kế tiếp là một câu khôi hài làm tôi phì cười và còn nhớ mãi. Tôi nói rằng đại hội này xui xẻo, vừa bầu xong bộ chính trị thì mất ngay ủy viên trí thức nhất, ông tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, chết đột ngột vì nhồi máu cơ tim. Đặng Phong nói: "Còn xui xẻo hơn thế nữa chứ! Một đồng chí đại biểu khác đi chơi gái giữa đại hội bị công an bắt được, Đỗ Mười nổi giận đuổi về. Thế là mất hai ông, một ông nhồi máu cơ tim, một ông nhồi máu cơ chim!". Đặng Phong sẽ còn giỡn mặt tôi như vậy trong tất cả những lần gặp gỡ về sau và mỗi lần chọc quê tôi như vậy anh tỏ ra rất khoái chí. Anh ưa nói đùa, nhưng cái đùa của anh không bao giờ có ác ý.

Hôm đó chúng tôi ăn cơm trưa với nhau gần ba giờ, sau đó còn rủ nhau đi uống cà phê. Mới đầu chúng tôi nói chuyện về kinh tế. Tôi nhận ra là anh có rất nhiều dữ kiện, đúng là một cuốn tự điển sống về lịch sử kinh tế. Trên những diễn biến kinh tế và hậu quả của chúng lên các chính sách chúng tôi gần như đồng ý 100%. Sau đó chính Đặng Phong chuyển câu chuyện qua chính trị. Tôi nhận ra là anh thích nói chuyện chính trị hơn là kinh tế, có lẽ một phần là vì anh thấy không có nhiều điều mới để nói với tôi, nhưng lý do chính là vì Đặng Phong rất quan tâm đến tình hình chính trị, anh theo sát tình hình đảng cộng sản và chăm chú tiên liệu những gì có thể xảy ra; điều này có lẽ ít người nhận thấy nơi anh.

Lối nhận định chính trị của Đặng Phong không lý thuyết và hàn lâm. Nó có cái cô đọng của một con người nắm vững vấn đề. Thí dụ như về ban lãnh đạo cộng sản sau đại hội 8 anh nói: "Không ổn, không thể duy trì một chế độ chuyên chính với những lãnh tụ mờ nhạt". Tôi hỏi anh: "Như vậy theo anh thì chế độ này còn kéo dài được bao lâu nữa?" Đặng Phong nhìn tôi rồi chậm rãi đáp: "Tôi không biết. Đọc những bài viết của anh thì thấy như là nó sắp mãn phần rồi, nhưng tôi không tin như vậy. Nó vô lý, nó vớ vẩn thực đấy nhưng nó vẫn kéo dài, bởi vì những người có thể thay đổi, nghĩa là những người cầm quyền, thì không muốn thay đổi, còn những anh muốn thay đổi thì không dám đấu tranh để thay đổi". Rồi anh nói tiếp: "Hèn cả, ai cũng hèn, tôi cũng hèn!". Thấy anh không vui tôi lái câu chuyện sang hướng khác. Đặng Phong nói cho tôi nghe về cuộc sống hàng ngày trong nước, không khí trong trường đại học nơi anh giảng dạy và ngược lại hỏi tôi cách làm việc tại các nước phương Tây và những chuyện của miền Nam ngày trước.

Từ đó chúng tôi gặp Đặng Phong khá thường, hầu như mỗi năm một lần. Ngoài ra chúng tôi liên lạc e-mail. Đặng Phong đi nước ngoài khá nhiều trong những chuyến công tác và những lần đi thỉnh giảng tại các trường đại học Mỹ và Châu Âu, và đặc biệt thích nước Pháp. Có lần anh đi công tác ở Cuba và gọi tôi khi tới Paris. Tôi hỏi anh ghé Paris có chuyện gì, anh cười đáp: "Thực ra chẳng có chuyện gì quan trọng bắt buộc phải sang Pháp, chỉ có vài chuyện nhỏ giải quyết qua thư tín cũng được nhưng vẫn muốn ghé Paris gặp anh em uống rượu nói phét chơi, nhất là gặp anh để ăn con cá hấp và uống vang trắng". Đặng Phong thích uống rượu và hình như có cảm tình đặc biệt với rượu vang Pháp. Anh có tửu lượng cao, càng uống càng sáng suốt, nói chuyện càng vui. Mỗi lần gặp nhau Đặng Phong đều làm tôi ngạc nhiên vì anh luôn luôn có một tác phẩm mới. Sức viết của Đặng Phong thật là phi thường. Riêng hai tập Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam của anh đã dày hơn hai ngàn trang. Các tác phẩm của anh, trên một chục cuốn biên khảo, đều rất phong phú về tài liệu, kèm theo những nhận định chính xác và sắc bén.

Một điều có thể quả quyết là từ trước tới nay chưa ai đầu tư nhiều thời giờ và cố gắng cho lịch sử kinh tế Việt Nam bằng anh. Người ta nể sức viết của Đặng Phong nhưng ít ai biết rằng để viết ra những công trình đồ sộ đó anh đã phải bỏ ra một thời giờ nhiều lần lớn hơn để sưu tập tài liệu. Một lần anh nói với tôi trong lúc nhâm nhi một ly Bordeaux: "Thời giờ bỏ ra tìm và đọc tài liệu gấp mười lần thời giờ ngồi viết". Như thế không có nghĩa là Đặng Phong ham sưu tập hơn viết. Đặng Phong mê viết và chỉ sưu tập để viết. Anh trước hết là một nhà văn, viết đối với anh là một nghệ thuật và một thú vui. Có lần anh gửi cho tôi lời tựa dự định cho một cuốn sách sắp in để hỏi ý kiến. Đó không phải là một bản đánh máy mà là bản chụp của lời tựa viết tay. Đặng Phong không viết từng hàng từ trên xuống dưới mà viết theo cách riêng của anh. Nó gồm những chiếc bong bóng, nối với nhau bằng những mũi tên, trong mỗi bong bóng là một đoạn văn. Chữ viết rất đẹp, những chiếc bong bóng cũng rất thẩm mỹ, dù chưa phải là bản chót vì có nhiều gạch xoá và thêm bớt. Tôi có thể tưởng tượng ra thú vui của Đặng Phong khi viết. Đặng Phong sử dụng tiếng Việt một cách rất chính xác và duyên dáng. Đây là điều rất hiếm có nơi những tác giả Việt Nam, kể cả nhiều nhà văn có tiếng. Viết về lịch sử kinh tế Việt Nam không ai có thể bằng được Đặng Phong. Anh nắm vững lịch sử kinh tế Việt Nam đến độ bất cứ một sự kiện kinh tế ở giai đoạn nào anh cũng có thể đặt ngay vào logic toàn cảnh của nó. Nói chuyện kinh tế với anh là một niềm vui.

Tuy vậy càng về sau, trong những lần gặp mặt cũng như trong trao đổi thư tín và điện thoại, chúng tôi càng ít nói chuyện về kinh tế. Lý do là vì chúng tôi đồng ý với nhau gần như hoàn toàn nên chẳng còn gì để thảo luận; nhưng còn một lý do khác mà có lẽ không ai biết: Đặng Phong không thích kinh tế như người ta tưởng, anh thích chính trị hơn nhiều.

Nhưng tại sao Đặng Phong lại bỏ thì giờ và công sức sưu tập tài liệu kinh tế như vậy, kể cả những tài liệu không còn một giá trị thời sự nào, và thực ra cũng không hề có một giá trị kinh tế nào ngay khi chúng xuất hiện? Lý do hiển nhiên là nghề nghiệp, Đặng Phong là giáo sư kinh tế, hơn thế nữa còn là trưởng khoa kinh tế, anh cũng làm việc cho Viện Kinh Tế Việt Nam. Nhưng đó không phải là lý do chính. Lý do chính là danh nghĩa "nghiên cứu lịch sử kinh tế" cho phép anh tìm kiếm một cách dễ dàng những tài liệu được giấu giếm một cách cẩn mật và cũng cho phép anh viết và công bố những điều cấm kỵ đối với người khác.

Các cấp lãnh đạo cộng sản không quan tâm tới lịch sử kinh tế. Đó là một môn chán và vô ích đối với họ. Công an cũng không quan tâm. Sách của Đặng Phong vì thế không bị cấm. Anh hầu như được tự do, sách của anh chứa đựng những điều không thể tìm thấy nơi khác. Điều mà Đặng Phong thực sự tìm để công bố là lịch sử cận đại. Lịch sử kinh tế chỉ là một lý cớ. Thí dụ, chính anh đã đưa ra một thống kê đầy đủ và chi tiết về đợt Cải Cách Ruộng Đất, trong đó có con số kinh khủng 172.008 nạn nhân. Đó là một cáo trạng. Khi đưa tặng tôi bộ Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam, Đặng Phong nói: "Trước hết phải đọc chương 3, những chương khác bao giờ có thì giờ thì đọc, mà không đọc cũng không sao vì chỉ có tác dụng tăng cường những nhận định mà anh em mình đã có rồi". Chương 3 chính là chương nói về cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Trong cuốn 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh xuất bản gần đây Đặng Phong cũng đã phá vỡ huyền thoại lấy "tầm vông vạt nhọn" để kháng chiến chống xâm lăng, lấy chính nghĩa, nội lực dân tộc, quyết tâm và mưu trí để đánh thắng một nguỵ quyền được Mỹ cung cấp đủ mọi phương tiện. Anh đưa ra một thống kê chi tiết về các nguồn viện trợ khổng lồ của khối cộng sản cho Hà Nội, trong đó có số lượng hơn bốn triệu khẩu súng cá nhân được chuyển từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Những tài liệu khác trong cuốn sách này cũng cho thấy những phương tiện áp đảo, quân sự cũng như tài chính, của Hà Nội so với Sài Gòn trong những năm cuối cùng. Mọi người đọc đều thấy rõ đây chỉ là một cuộc nội chiến giữa hai phe được các thế lực bên ngoài yểm trợ và sau cùng phe được ngoại bang yểm trợ tận tình đã thắng phe bị đồng minh bỏ rơi. Đặng Phong chỉ viết lịch sử kinh tế như là một phần của lịch sử, để trả lại sự thật cho lịch sử, để chuẩn bị viết lịch sử thực sự.

Trong những trao đổi về sau Đặng Phong nói rất nhiều về chính trị. Anh có niềm tin rằng chế độ chính trị phải thay đổi như một bắt buộc của lịch sử. Chúng tôi chia sẻ với nhau nhận định rằng các dân tộc mà chế độ chính trị không thích nghi với đà tiến hoá, nghĩa là lịch sử nhân loại, sẽ không thể tiếp tục tồn tại, và chúng ta là một trong những dân tộc đang gặp thách đố sống còn đó. Một lần anh hỏi tôi: "Nếu lịch sử thế giới không phải là đấu tranh giai cấp như Marx nói thì là gì?". Tôi đáp rằng tôi không thích những khẳng định kiểu đó, lịch sử phức tạp hơn nhiều, nhưng nếu phải tóm tắt một cách thật giản đơn lịch sử thế giới thì tôi nghĩ đó là cuộc hành trình của con người về tự do, và vì cho tới khi tìm được một công thức mới hay hơn dân chủ là phương thức tổ chức phù hợp nhất để bảo đảm tự do cho nên cũng có thể nói lịch sử là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ. Đặng Phong gật đầu đưa tay bắt tay tôi. Anh có cách rất đặc biệt để bày tỏ sự đồng tình là cười và bắt tay.

Một lần tôi tiễn anh ra phi trường Charles de Gaulle để về Việt Nam. Chúng tôi tới sớm và ăn cơm trưa với nhau tại phi trường để có thời giờ nói chuyện. Anh hỏi tôi về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Thấy anh có vẻ tán thành tôi hỏi: "Thế anh Phong có bằng lòng nhập bọn với chúng tôi không?". Đặng Phong trả lời bằng nụ cười thân ái và đưa tay bắt tay tôi. Chúng tôi rót rượu đầy ly và uống cạn. Đặng Phong nói: "Phải quy tụ được anh em trong mọi môn ngành. Dân chủ đa nguyên thì ai cũng phải đồng ý rồi nhưng điều cốt lõi là phải thực hiện cho được hoà giải và hoà hợp dân tộc để chuyển hoá về dân chủ một cách hoà bình, hợp tình hợp lý, nếu không thì không có tương lai". Từ đó chúng tôi càng thân nhau hơn.

Về sau này cuộc sống của trí thức trong nước, nhất là những người có một vị trí nào đó trong xã hội như anh, đã được cải thiện nhiều, tuy vậy cá nhân Đặng Phong vẫn sống một cách rất thanh đạm. Anh cho tôi biết là thu nhập của anh trên dưới 1500 đô la mỗi tháng, anh có thể kiếm nhiều tiền hơn nếu chịu đảm nhận những công trình nghiên cứu đầu tư nhưng anh dành thì giờ để đọc và viết sách. Một người bạn tôi về Hà Nội nghiên cứu thuật lại cho tôi hay là anh ta rất ngạc nhiên khi Đặng Phong ăn mặc xuềnh xoàng, đi một chiếc xe gắn máy cũ đến gặp anh ta. Đặng Phong sống như một người Việt Nam trung bình. Khi sang Pháp anh luôn luôn ở nhà một người bạn chứ không ở khách sạn. Lần cuối tôi gặp và ăn cơm trưa với anh tại nhà cụ Hoàng Khoa Khôi, anh cho tôi ăn món chả cá đem từ Việt Nam qua.

Đặng Phong là thế. Anh không quan tâm tới danh vọng, hình thức và tiện nghi. Anh sống nhiều bằng nội tâm; hạnh phúc của anh là được uống rượu và chuyện trò với những người hợp ý. Đặng Phong không có nhiều bạn, anh chỉ có những người bạn thân. Một lần tôi hỏi anh về một số trí thức tên tuổi trong nước, Đặng Phong đáp là anh không quen biết họ và cũng không muốn quen vì không thấy gặp họ có ich lợi gì cho những việc anh đang làm. Như thế phải chăng là mâu thuẫn với ý kiến của anh là phải quy tụ anh em thuộc mọi môn ngành? Đặng Phong nghĩ là họ không thực sự muốn đấu tranh để thay đổi, họ chỉ nói ra những điều có vẻ phản kháng vì đó là những điều đúng và có nói ra cũng không hại gì; họ bon chen và anh không thích bon chen.

Còn những người đối lập thực sự và trực diện? Đặng Phong cũng không có nhu cầu gặp họ, anh không phải là người móc nối và tổ chức, anh đóng góp trong cương vị của một nhà nghiên cứu. Và quả là Đặng Phong đã đóng góp cho cuộc vận động dân chủ một cách rất hiệu quả trong cương vị của một học giả. Tất cả mọi tác phẩm của anh đều là những bản cáo trạng gay gắt đối với những sai lầm của chế độ và đều khiến người đọc hiểu rằng những sai lầm đó đã xảy ra vì không có dân chủ. Chúng càng có tác dụng mạnh hơn bởi đó là những tác phẩm do một cơ quan nhà nước, Viện Kinh Tế Việt Nam, xuất bản chứ không phải do "những phần tử phản động".

Đặng Phong đã đóng góp nhiều lắm. Những năm gần đây anh còn tìm được một cách đóng góp khác. Không hiểu bằng cách nào anh trở thành rất thân với ông Võ Văn Kiệt. Anh giải thích: "Hắn có tiếng nói và muốn nói, mình có những điều cần nói nhưng khó nói và nếu nói được cũng không có tác dụng bằng nếu hắn nói. Đó là một hợp đồng". Ít ai biết rằng những bài viết và nói trong những năm cuối đời của ông Kiệt đều là của Đặng Phong. Anh có gửi cho tôi xem trước khi chúng được đưa ra trước dư luận.

Đặng Phong muốn viết sử, anh mê môn sử và viết lịch sử kinh tế chỉ để chuẩn bị viết sử. Cũng có thể anh đã bắt đầu viết từ lâu rồi. Hè 2008 anh rủ tôi viết chung với anh bộ sử này. Dĩ nhiên là tôi nhận lời ngay vì tôi rất tán thành quan điểm về lịch sử của anh. Đặng Phong phê phán các sử gia Việt Nam là quá tập trung vào các vua chúa và Đảng; theo anh những chuyện dân gian, những gia phả, những phong tục tâp quán, ca dao tục ngữ phải được coi là nguồn sử liệu quan trọng. Nói là "viết chung" nhưng thực ra anh viết hết, tôi chỉ được phân công viết phần tổng luận về lịch sử Việt Nam, nghĩa là cuốn đầu, khoảng 100 trang.

Bẵng đi mấy tháng liền không có tin anh, thư tôi gửi đi không có hồi âm. Rồi một hôm nhân được tin sét đánh: Đặng Phong báo tin cho tôi là anh bị ung thư, bác sĩ Việt Nam cho là không cứu chữa được nữa, anh phải sang Trung Quốc điều trị bằng phương pháp phối hợp tây y và đông y, đó là lý do khiến mấy tháng liền anh bặt tin. Anh có vẻ lạc quan, bác sĩ Trung Quốc nói là có nhiều hy vọng qua khỏi. Tôi cố chia sẻ sự lạc quan của anh nhưng trong thâm tâm tôi rất lo ngại. Đầu năm nay Đặng Phong thông báo là sẽ sang gặp tôi vào tháng 7. Anh sẽ ở nhà tôi hai tuần và muốn tôi hướng dẫn thăm lại một vài địa điểm đặc biệt tại vùng Paris, rồi sau đó chúng tôi sẽ ngao du châu Âu bằng xe hơi và đi thăm người con gái anh ở Bắc Âu. Anh nói: "Chúng mình sẽ có đủ thời giờ để thảo luận về bộ sử". Và anh thêm một câu khiến tôi suy nghĩ: "Nhân tiện cũng báo để anh biết tôi vừa bán căn nhà ở làng Yên Phụ được 300.000 USD nên bây giờ rất thoải mái về tài chính, chúng ta không cần phải tiết kiệm gì cả trong chuyến du lịch này". Ba trăm ngàn đô-la là một số tiền đáng kể nhưng cũng không phải là một số tiền lớn, nó chỉ lớn đối với một người nghĩ rằng mình không còn nhiều thời gian để tiêu xài. Có lẽ Đặng Phong cũng không tin lắm rằng anh sẽ qua khỏi. Có một cái gì đó khiến tôi lo âu rằng chuyến du lịch Châu Âu này sẽ không thực hiện được. Tuy vậy tôi vẫn sắp xếp như nó sẽ có, những nơi chúng tôi sẽ đi qua, những người bạn chúng tôi sẽ gặp, những gì chúng tôi sẽ bàn với nhau dọc đường về bộ sử.

Rồi đến đầu tháng 6 Đặng Phong gửi thư cho tôi biết là anh không thể qua Châu Âu. Bác sĩ cho biết là bệnh tình của anh đòi hỏi một giai đoạn điều trị đặc biệt. Đặng Phong có một ý kiến khác, là tôi về Việt Nam gặp anh. Chuyện tôi về Việt Nam từ lâu đã là ý kiến của Đặng Phong, anh đã vận động mấy lần nhưng đều không kết quả. Chính quyền chỉ đồng ý để tôi về thăm quê hương nhưng không kèm theo những đảm bảo mà một người hoạt động chính trị đối lập như tôi cần có khi về nước. Lần này thì khác. Đặng Phong cho biết đã gặp những người bạn – "những người đang cầm quyền chứ không phải những người đã về hưu hay chỉ quen biết những người cầm quyền như tôi", Đặng Phong nhấn mạnh - và họ đã chấp nhận để tôi về nước sau khi nghe anh trình bày lý do. Đặng Phong liệt kê những điều kiện của chuyến về nước này. Nói chung là khá dễ dãi nhưng vẫn có những điều phải nói lại cho rõ, Đặng Phong lại phải dàn xếp tiếp. Công việc đang tiến hành tuy chậm nhưng khả quan thì anh đột ngột cho tôi biết là anh phải nhập viện vì bệnh tình biến chuyển. Tự nhiên tôi có linh cảm là sẽ không gặp được anh nữa. Rồi tôi nhân được tin của thân nhân cho biết anh đã qua đời. Trong đám tang anh có một vòng hoa với dòng chữ "một người bạn ở xa".

Sau khi Đặng Phong mất đã chỉ có rất ít bài viết về anh và các tác giả cũng không tỏ ra biết rõ Đặng Phong. Anh là một người ít ai biết đến, có thể ở Việt Nam người ta cũng không đánh giá cao Đặng Phong vì không biết được giá trị thực của anh. Anh không phải là một người nổi tiếng và cũng không tìm cách để được dư luận biết đến.

Tôi hỏi người thân của Đặng Phong nét đậm nhất của anh là gì và được trả lời đó là tinh thần hoà giải dân tộc. Đúng như thế. Đặng Phong là người chủ trương hoà giải dân tộc ngay từ đầu, khi nhiều người còn huênh hoang trong men chiến thắng và nhiều người khác còn điên cuồng trong thù hận, và anh đã liên tục đóng góp một cách tận tình và quả quyết cho lập trường hoà giải và hoà hợp dân tộc. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến chúng tôi thân nhau.

Nhưng Đặng Phong không phải chỉ là thế. Dưới một bề ngoài giản dị xuềnh xoàng anh là một học giả lớn và trí thức lớn. Những tác phẩm anh viết ra tuy rất ít người đọc nhưng là cả một kho tàng tư liệu quý báu cho những ai còn quan tâm đến cái trở thảnh của đất nước và dân tộc này, một đất nước và một dân tộc mà anh đã yêu một cách tha thiết. Anh đã phân biệt được cái chính và cái phụ, cái tạm bợ và cái lâu dài, sự cao cả thực sự và sự hào nhoáng. Anh đã không chấp nhận làm một sản phẩm của thời thế mà đã đóng góp thay đổi thời thế. Anh đã đến với đất nước này và đã ra đi sau khi đã cố để lại một đất nước lành mạnh hơn, đã sống thực và đã sống xứng đáng. Chúng ta vừa mất một trí tuệ và một tấm lòng.
Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận số 251, tháng 10-2010
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: