Thursday, October 7, 2010

DÂN CHỦ HÓA ĐỂ ĐỪNG BỎ LỞ CƠ HỘI LỊCH SỬ

Thông Luận
Đăng ngày 06/10/2010 lúc 16:33:33 EDT

Việt Nam không phải là một nước nhỏ. Chúng ta đứng hàng thứ 13 trên thế giới về dân số với 90 triệu dân, cứ 1000 người trên mặt đất này thì có 15 người Việt Nam. Hơn thế nữa chúng ta lại có một địa lý thuận lợi mở rộng ra đại dương và nằm trên một trục giao thông trọng yếu. Nhưng chúng ta không được thế giới chú ý và kính nể chỉ vì chúng ta nghèo và lạc hậu. Chúng ta không có một đóng góp khoa học, văn hóa, nghệ thuật nào đáng kể cho nhân loại, cũng không có được một nền công nghiệp hiện đại. Sản lượng bình quân trên mỗi đầu người của chúng ta, 1000 USD mỗi năm, chỉ bằng một phần mười trung bình thế giới. Chúng ta càng không được cảm tình của thế giới vì vẫn theo chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa tệ hại đã bị cả thế giới văn minh vất bỏ và lên án. Tình trạng này không những chỉ đáng tủi hổ mà còn nguy hiểm vì chúng ta đang rất cần cả sức mạnh của chính mình lẫn sự hỗ trợ của các cường quốc dân chủ trước chính sách lấn chiếm ngày càng trắng trợn của Trung Quốc. Thế nhưng gió đã đổi chiều! Một cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam.

Trung Quốc khiến cả thế giới lo ngại vì mạnh lên nhanh chóng mà vẫn duy trì chính sách độc tài chuyên chính. Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông một cách tham lam và xấc xược đã làm choáng váng cả khu vực Đông Nam Á. Hậu quả tự nhiên là các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, đã nhiệt liệt hoan nghênh sự trở lại của Hoa Kỳ.

Căng thẳng trên Biển Đông chưa lắng xuống thì một sự cố quan trọng khác đã xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại khu vực đảo Senkaku /Điếu Ngư. Nhật giữ viên thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị coi là đã cố tình khiêu khích, dùng tàu húc tàu tuần tra Nhật và Bắc Kinh đã phản ứng một cách giận dữ chưa từng thấy. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã 6 lần triệu tập đại sứ Nhật tại Bắc Kinh, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từ chối gặp người đồng nhiệm Nhật tại diễn đàn Liên Hợp Quốc và đồng thời đe dọa nhiều biện pháp trả đũa khác. Cuối cùng Nhật đã phải nhân nhượng và trả tự do cho viên thuyền trưởng. Dư âm của vụ việc này sẽ còn kéo dài, nhưng ngay từ bây giờ người ta có thể nhớ lại những ngư dân xấu số của Việt Nam đang đánh cá trên phần biển truyền thống của mình bị hải quân Trung Quốc bắn chết, các đồng nghiệp bắt đem về Trung Quốc giam giữ và bắt nộp phạt trong khi chính quyền CSVN không dám phản đối. Chắc chắn Bắc Kinh không nghĩ rằng người ngư dân Việt Nam có quyền ngang hàng với ngư dân Trung Quốc.

Ổn định trong khu vực Đông Á đang bị đảo lộn bởi Trung Quốc. Sau vụ việc này liên minh Nhật–Mỹ sẽ được củng cố, đồng thời Nhật Bản cũng như các cường quốc dân chủ sẽ càng phải quan tâm hơn đến Trung Quốc. Hệ quả là họ có thể giúp các nước lân bang với Trung Quốc trong đó có Việt Nam có thêm sức mạnh để cân bằng lực lượng với Trung Quốc hầu bảo đảm hòa bình trong vùng. Đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh. Việt Nam không nhất thiết "liên minh quân sự" với bất cứ nước nào nhưng việc hợp tác toàn diện với các cường quốc để xây dựng đất nước Việt Nam phú cường là nhiệm vụ sống còn của bất cứ chính quyền Việt Nam chân chính nào.

Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu sáp lại với Hoa Kỳ, đây là lựa chọn đúng đắn và sáng suốt cần được tiếp tục và đẩy mạnh. Thời cơ đang rất thuận lợi cho sự thắt chặt quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, đồng thời với một thái độ hữu nghị nhưng bình đẳng và tự trọng đối với Trung Quốc. Hy vọng lời tuyên bố của ông Nguyễn Minh Triết tại diễn đàn ASEAN-Hoa Kỳ ngày 24/9: “ASEAN rất mong muốn nâng quan hệ với Mỹ lên một tầm cao mới để duy trì hòa bình ổn định, và phát triển trong khu vực” phản ánh đúng định hướng đối ngoại mới của Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam sẽ không thể tranh thủ được sự tin cậy và giúp đỡ tận tình của các cường quốc dân chủ nếu vẫn là một nhà nước cộng sản. Ý thức hệ quyết định chính sách đối ngoại và các đồng minh; dân chủ hóa là việc là điều kiện bắt buộc để đất nước, và chính đảng CSVN, ra khỏi bế tắc.

Thông Luận
Thông Luận số 251, tháng 10-2010
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: