Monday, October 11, 2010

TRUNG QUỐC và CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT CỔ ĐIỂN

Michael A. Ledeen
26 Tháng 5 2008 - Cập nhật 15h37 GMT

Tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER) trong số tháng 5/2008 có bài của Michael A. Ledeen dưới tựa đề 'Beijing Embraces Classical Fascism' - 'Bắc Kinh tiếp thu chủ nghĩa phát xít cổ điển' - nói về tình hình chính trị Trung Quốc.
Tin cho hay, chính vì bài này mà nhà chức trách Trung Quốc đã cấm phát hành số tháng Năm của FEER và bắt hủy hết các ấn bản tại các sạp báo.
bbcvietnamese.com xin lược dịch và giới thiệu với quý vị bài báo của tác giả Ledeen, người từng tham gia Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế và An ninh Trung - Mỹ (2001-2003).

Hồi năm 2002, tôi đã bình luận rằng Trung Quốc có thể đang trở thành một quốc gia phát xít chín muồi, điều mà chúng ta chưa từng được chứng kiến. Những sự kiện mới xảy ra tại đây, nhất là làn sóng công phẫn trước sự chỉ trích của phương Tây, dường như đang khẳng định chủ thuyết này.
Quan trọng hơn nữa, trong sáu năm qua, ban lãnh đạo Trung Quốc đã củng cố kiểm soát vị thế của họ tại các cơ quan đầu não trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Thay vì tiếp thu chủ nghĩa đa nguyên như nhiều người trông đợi, giới chóp bu nước này lại càng trở nên bảo thủ giáo điều.
Tuy họ vẫn tự mệnh danh là 'người cộng sản', để hiểu được nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chúng ta nên bắt đầu bằng chủ nghĩa phát xít cổ điển.
Hãy hình dung nước Ý, 50 năm sau cuộc cách mạng phát xít. Mussolini đã chết, thế nhưng nhà nước độc tài vẫn cầm quyền. Hệ thống nước này nay dựa chủ yếu vào đàn áp chính trị. Các nhà lãnh đạo không còn theo đuổi lý tưởng mà trở nên thực tế và hoài nghi. Họ thường xuyên hô hào về sự vinh quang của "dân tộc Ý vĩ đại" và kêu gọi noi gương tổ tiên.

Phương pháp chính trị
Nay thay vào những dòng trên cụm từ "dân tộc Trung Quốc vĩ đại", ta sẽ thấy thật quen thuộc. Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không còn chí thú theo đuổi con đường gập ghềnh và nguy hiểm từ chủ nghĩa Stalin tới dân chủ nữa.
Họ hiểu rằng Mikhail Gorbachev đã thất bại khi ông muốn kiểm soát nền kinh tế trong khi cho người dân quyền tự do chính trị rộng lớn hơn.
Bởi vậy, họ muốn làm ngược lại: giữ chặt quyền lực chính trị trong khi cho phép làm ăn kinh doanh một cách tương đối tự do. Phương pháp chính trị của họ gần giống như những gì các chế độ phát xít Âu châu từng làm nhiều năm trước.
Không giống như các lãnh đạo cộng sản truyền thống, thí dụ Mao Trạch Đông, người muốn đào tận gốc văn hóa cổ truyền để thay vào đó bằng chủ nghĩa Marxist Leninist; lãnh đạo Trung Quốc thời nay hào hứng nhắc tới ánh hào quang của lịch sử lâu đời.
Các thủ lĩnh phát xít thời những năm 1920 và 1930 hành xử đúng y như vậy. Mussolini tái thiết thành Rome để tạo dựng lại sự huy hoàng của quá khứ cổ đại. Ông ta cũng lấy lịch sử cổ đại ra để bao biện cho việc xâm chiếm Libya và Ethiopia.
Hitler cho kiến trúc sư của mình xây các tòa nhà tân cổ điển trong suốt Đệ Tam Đế chế và bắt các nhà soạn nhạc tổ chức lễ hội để ngợi ca quá khứ huyền thoại của dân tộc.
Cũng giống như những người tiền nhiệm châu Âu, người Trung Quốc đòi vị trí quan trọng trên thế giới vì lịch sử và văn hóa truyền thống, chứ không phải vì hiện trạng sức mạnh của họ.
Thậm chí Trung Quốc còn thử nghiệm một số ý tưởng lạ lùng vốn nảy sinh từ thời kỳ đầu của chủ nghĩa phát xít, thí dụ chương trình tự cung tự cấp lúa mì mà cả Hitler và Mussolini từng có thời theo đuổi.

Thời thế đổi thay
Tất nhiên thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ đầu thế kỷ trước. Nay thật khó (và đôi lúc không thể) một mình một chiếu. Thế nhưng Trung Quốc, cũng giống như các nước phát xít châu Âu, đặc biệt lo sợ về ảnh hưởng của bên ngoài.
Họ sợ người dân sẽ quay lại chống chính phủ nếu có được nhiều thông tin về thế giới bên ngoài. Bởi vậy mà chính phủ cố sức kiểm soát nguồn thông tin vào trong nước.
Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận định rằng chính quyền Bắc Kinh lo sợ, thậm chí bất an. Điều này được minh chứng bằng phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc trước bất cứ chỉ trích nào hướng về mình, từ nhân quyền tới ô nhiễm không khí, từ việc chuẩn bị cho Olympics Bắc Kinh tới chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Trong các trường hợp như vậy, dễ kết luận rằng chính phủ Trung Quốc đang lo lắng về sự sống còn của mình và để khuyếch trương các tình cảm dân tộc chủ nghĩa, họ phải quay sang mô tả nước này như nạn nhân của quốc tế.
Sự 'nạn nhân hóa' bản thân cũng là một phần trong văn hóa phát xít. Giống như Đức và Ý thời kỳ giữa các cuộc thế chiến, Trung Quốc cảm thấy bị phản bội và sỉ nhục, nên tìm cách trả thù cho các vết thương mà lịch sử gây ra.
Đây không nhất thiết là dấu hiệu bất an, mà là một chỉ dấu cho dạng chủ nghĩa dân tộc quá khích vốn luôn là trọng tâm của các phong trào và chính thể phát xít.
Chúng ta không thể nhìn vào tâm can các nhà độc tài Trung Quốc nhưng tôi không nghĩ rằng nước này là một hệ thống bất ổn bị chèn ép giữa sự thôi thúc của chủ nghĩa tư bản và thái độ trấn áp của nhà cầm quyền.
Đây là chủ nghĩa phát xít đã vào độ chín muồi, chứ không phải một phong trào quần chúng cuồng khích.

Thế giới cần làm gì?
Liệu thế giới có nên chuẩn bị cho khả năng đối đầu khó khăn và nguy hiểm với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay không?
Các quốc gia phát xít thế kỷ thứ 20 có đặc điểm là rất hiếu chiến. Đức Quốc xã và phát xít Ý đều chủ trương bành trướng. Vậy liệu Trung Quốc có đang tìm cách mở rộng lãnh thổ của mình hay không?
Tôi tin rằng câu trả lời chính xác sẽ là: "Đúng vậy, nhưng...".
Nhiều lãnh đạo của Trung Quốc có thể muốn tầm kiểm soát của họ vượt qua phạm vi khu vực. Quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị sức mạnh để có thể đánh bật Hoa Kỳ tại Á châu nhằm phòng ngừa Mỹ can thiệp vào các xung đột ngoại vi.
Tuy nhiên, không giống như Hitler hay Mussolini, các lãnh đạo Trung Quốc chưa muốn mở rộng lãnh thổ địa lý một cách nhanh chóng để thể hiện sự vĩ đại của đất nước và thực chất viễn kiến của họ.
Tạm thời, thành công ở trong nước cùng sự công nhận của quốc tế trước các thành tựu của Trung Quốc xem ra là đủ. Chủ nghĩa phát xít Trung Quốc ít tính tư tưởng hơn phát xít châu Âu và lãnh đạo Trung Quốc cũng mềm dẻo hơn Hitler hay Mussolini.
Thế nhưng, lịch sử ngắn ngủi của chủ nghĩa phát xít cổ điển cho thấy rằng việc Trung Quốc tìm cách đối đầu với phương Tây chỉ là vấn đề thời điểm. Điều đó đã nằm trong gien di truyền của chính thể dạng này.
Sớm muộn nhà cầm quyền Trung Quốc cũng sẽ cảm thấy nhu cầu phải thể hiện sự vượt trội của hệ thống, và ngay cả các thống kê đáng nể nhất về thu nhập quốc dân cũng sẽ không đủ.
Sự vượt trội có nghĩa là các nước khác phải quỳ gối, phải cung phụng quốc gia thống trị. Giống như Mussolini nhìn việc thuộc địa hóa châu Phi, xâm chiếm Hy Lạp và vùng Balkan như các bước đi cần thiết để thiết lập một đế chế phát xít; Trung Quốc rồi cũng sẽ đòi các nước láng giềng, trước hết là người Hoa trên hòn đảo Đài Loan, phải thuần phục để bổ sung việc lấy lại các lãnh thổ bị mất vào danh sách các thành tựu của chế độ.
Các nền dân chủ trên thế giới sẽ phải hành xử thế nào?
Đầu tiên cần phải xóa đi quan niệm rằng của cải có thể bảo đảm hòa bình. Không chắc một nước Trung Quốc giàu có sẽ giảm ý muốn gây chiến với Đài Loan hay dọa dẫm Nhật Bản.
Sự thực có thể là ngược lại: Trung Quốc càng giàu có, quân đội của họ càng mạnh thì khả năng chiến tranh là càng lớn.
Phương Tây cần chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc với hy vọng tránh được điều này.
Trong khi đó, chúng ta cần làm những gì có thể để thuyết phục người dân Trung Quốc rằng tự do chính trị càng lớn thì quyền lợi lâu dài của họ càng được bảo đảm, cho dù nhiều khi có thể khó chịu và lộn xộn.
Nếu chúng ta không làm những việc đó, nguy cơ chắc chắn sẽ tăng lên và các vụ bùng nổ giận dữ dù vô tình hay cố ý của Trung Quốc sẽ còn lặp lại. Dần dần, chúng sẽ biến thành hành động.
--------------------
Bài phản ánh quan điểm của riêng tác giả, không phải của BBC. Michael A. Ledeen hiện là chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại Viện Nghiên cứu American Enterprise Institute for Public Policy Research.
.
.
.

No comments: