Monday, October 11, 2010

GIẤC MƠ ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

Nguyễn Văn Tuấn
Thứ ba, 12 Tháng 10 2010 08:46


Câu chuyện đại học đẳng cấp quốc tế có thời gian rất đình đám (từ thời TT Phan Văn Khải), rồi chìm, và nay lại được nhắc đến qua 2 bài dưới đây trên Thanh Niên. Tôi thì nghĩ VN không nên đặt mục tiêu đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm làm gì; vấn đề là xây dựng cái mà tiếng Anh gọi là “capacity” cho nghiên cứu khoa học cho thật tốt, rồi hãy nhắm đến tầm quốc tế.

Cụm từ Đại học đẳng cấp quốc tế ở đây là nói theo tiếng Anh “World class university”. Không có ai định nghĩa thế nào là world class university, nhưng hình như ai cũng hiểu đó là trường danh tiếng, là nơi có những giáo sư tầm cỡ quốc tế, nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai, nơi mà môi trường học thuật được hoàn toàn tự do, nơi mà ngân sách nghiên cứu khoa học dồi dào.  Đó là những tiêu chí chung về đẳng cấp quốc tế.

Từ tiêu chí chung, người ta đề ra những tiêu chuẩn cụ thể.  Một số nhóm trên thế giới từng nghiên cứu và đề ra những tiêu chuẩn có thể cân đo đong đếm cho từng đại học, và từ đó họ xếp hạng đại học.  Mỗi nhóm có tiêu chuẩn riêng dựa vào triết lí và phương pháp nghiên cứu của họ. 

Chẳng hạn như nhóm Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) đề ra 6 tiêu chuẩn như sau :
Số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Field : trọng số 10%
Số giáo sư đoạt giải Nobel và Field : trọng số 20%
Số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần : trọng số 20%
Số bài báo khoa học trên tập san NatureScience : trọng số 20%
Số bài báo khoa học trên tập san trong danh bạ SCIE, SSCI : trọng số 20%
Thành tựu của giáo sư và đội ngũ khoa bảng : trọng số 10%

Còn nhóm Times Higher Education Supplement (THES) thì cũng đề ra 6 tiêu chuẩn, nhưng rất khác với nhóm Giao thông Thượng Hải :
Đánh giá của giới khoa bảng từ các trường khác : trọng số 40%
Số sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các công ti toàn cầu : trọng số 10%
Phần trăm giáo sư là người nước ngoài : trọng số 5%
Phần trăm sinh viên là người nước ngoài : trọng số 5%
Tỉ số sinh viên / giáo sư : trọng số 20%
Số lần trích dẫn tính trên đầu mỗi giáo sư : trọng số 20%

Chẳng có tiêu chuẩn nào hoàn hảo cả, nhưng dù sao đi nữa thì các tiêu chuẩn trên cũng cho chúng ta một vài ý niệm thế nào là đẳng cấp quốc tế.  Theo đó, tiêu chuẩn số 1 của “đẳng cấp quốc tế” là đại học phải có thành tích nghiên cứu khoa học rất tốt, thể hiện qua những công trình được công bố trên các tập san hàng đầu không phải của chuyên ngành, mà là hàng đầu trong khoa học nói chung; những công trình được trích dẫn nhiều lần (thể hiện chất lượng nghiên cứu cao). Kế đến là tiêu chuẩn các giáo sư tầm cỡ quốc tế, tức là những người có tên tuổi trong chuyên ngành được đồng nghiệp quốc tế công nhận (như bác Hoàng Tụy chẳng hạn), chứ không phải giáo sư hàng đầu ở Việt Nam.

Nên nhớ rằng đại học đẳng cấp quốc tế không phải chỉ có sinh viên giỏi như 2 bài báo dưới đây đề cập đến.  Sinh viên giỏi, nhưng khi ra trường các sinh viên ấy làm gì, làm ở đâu, và đem lại thanh danh gì cho đại học mới là vấn đề quan trọng. Đó là một tiêu chuẩn cho đẳng cấp quốc tế.

Đối chiếu với những tiêu chuẩn trên chúng ta thấy gì? 

Thử kiểm tra lại một cách cụ thể, trước hết là theo tiêu chuẩn của nhóm Giao thông Thượng Hải:
Số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Field : chưa có ai.
Số giáo sư đoạt giải Nobel và Field : chưa có ai.
Số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần : chưa có.
Số bài báo khoa học trên tập san NatureScience : chưa có.
Số bài báo khoa học trên tập san trong danh bạ SCIE, SSCI : có, nhưng rất ít.
Thành tựu của giáo sư và đội ngũ khoa bảng : có, nhưng đếm đầu ngón tay.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn của THES :
Đánh giá của giới khoa bảng từ các trường khác : chưa biết, nhưng chắc chắn không cao vì bằng cấp từ VN ít được công nhận.
Số sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các công ti toàn cầu : chắc có, nhưng chưa biết bao nhiêu.
Phần trăm giáo sư là người nước ngoài : có, nhưng rất ít.
Phần trăm sinh viên là người nước ngoài : có, nhưng sinh viên từ Lào và Campuchea là chủ yếu.
Tỉ số sinh viên / giáo sư : Cần nghiên cứu.
Số lần trích dẫn tính trên đầu mỗi giáo sư : rất thấp.

Với những dữ liệu thực tế trên, tôi nghĩ viễn cảnh Việt Nam có một đại học đẳng cấp quốc tế là rất xa. Do đó, tôi không hiểu bằng cách nào mà người ta nghĩ rằng đến năm 2020 (tức là chỉ 10 năm nữa) chúng ta sẽ có 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế.  Làm sao trong 10 năm chúng ta có giáo sư với công trình nhiều trích dẫn? Làm sao trong vòng 10 năm chúng ta có bài báo trên Science và Nature? Giải Nobel cần phải có thời gian 30 năm để thẩm định, chứ đâu phải 10 năm. Chúng ta có quyền có tham vọng và mơ tưởng về một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng cũng nên dựa vào thực tế để thấy và biết mình đang ở đâu, chứ nếu không thì hóa ra giấc mơ chỉ phản ảnh tính tự ti và mặc cảm mà thôi.

Môi trường đại học VN chỉ là môi trường trung học kéo dài. Không có tranh luận khoa học sau giờ học. Sinh hoạt sinh viên cũng rất hạn chế. Làm seminars thì thủ tục rườm rà. Sinh viên đi học như là công chức đi làm 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thật khó tưởng tượng khi thấy thầy cô không có văn phòng riêng! Lab thì thật là nghèo nàn và có khi rất dơ bẩn, nhếch nhác, thiếu an toàn. Nhìn qua thư viện của đại học VN thật là buồn, vì nó giống như thư viện trường trung học bên Mĩ. Hệ thống internet thì chập chờn, rất ít ai dám dùng cho việc nghiêm chỉnh. Vân vân. Với những cơ sở vật chất như thế thì làm sao chúng ta có thể nói đến đẳng cấp quốc tế? Do đó, tôi nghĩ chiến lược tốt nhất là tập trung xây dựng capacity cho nghiên cứu khoa học thật tốt, tạo môi trường tự do học thuật, và đầu tư vào thư viện và cơ sở vật chất. Chỉ với những cơ sở vật chất và nhân lực tốt thì mới nghĩ đến đẳng cấp quốc tế.
NVT
====
 

VN đang xây dựng 4 trường đại học (ĐH) theo mô hình mới với mong muốn đến năm 2020 sẽ có trường thuộc tốp 200 trường ĐH tốt nhất thế giới. Dù hiện nay đã có 2 trường đi vào hoạt động nhưng điều đó vẫn chưa đủ sức tạo nên niềm tin cho mục tiêu đặt ra trong 10 năm nữa.
Trường hàng đầu vắng bóng sinh viên
Bộ GD-ĐT đã cho phép 2 trường có cơ chế tuyển sinh riêng với rất nhiều thuận lợi nhưng hiện có rất ít sinh viên (SV) giỏi đầu quân vào đây.

Giảm chỉ tiêu, giảm cả tiêu chuẩn xét tuyển
Trường ĐH Việt - Đức (VGU) thành lập tháng 3.2008, với vốn vay 180 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa 2 chính phủ VN và Đức. Với định hướng là trường ĐH nghiên cứu theo mô hình tiên tiến và trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của VN đạt chuẩn quốc tế, năm đầu tiên, trường có 80 chỉ tiêu, đào tạo 2 ngành bậc ĐH là Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin. Đối tượng xét tuyển là những thí sinh dự thi khối A theo đề chung của Bộ GD-ĐT, đạt 21 điểm trở lên. Thông báo tuyển sinh được phát đi từ khi trường chưa có quyết định thành lập nhưng đến tháng 9.2008, trường chính thức khai giảng khóa đầu tiên chỉ với 32 SV.
Đến năm thứ hai, chỉ tiêu của trường giảm xuống một nửa, mức điểm xét tuyển chỉ còn 17 nhưng cũng không tuyển đủ khi chỉ có 28 SV nhập học. Năm 2010, VGU thực hiện hình thức tuyển sinh mới với 60 chỉ tiêu. Xét tuyển thí sinh có tổng 6 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh và Văn) của 3 năm cuối cấp THPT thuộc loại  khá giỏi. Bên cạnh đó, trường tiếp tục tuyển những thí sinh có điểm thi ĐH khối A từ 21 trở lên. Kết quả, kỳ tuyển sinh năm 2010 trường cũng chỉ tuyển được 39 SV trong 60 chỉ tiêu, trong đó có chưa tới 20 SV đạt mức điểm 21 trở lên.

“Đãi cát tìm vàng”
Tình hình tuyển sinh khó khăn cũng diễn ra tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trường được thành lập theo hiệp định song phương giữa Chính phủ VN và Pháp với mô hình là ĐH công lập quốc tế. Năm 2010 trường chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên. Để tạo cơ hội cho trường, Bộ GD-ĐT đã có công văn cho phép trường được tuyển với một cơ chế riêng. Đầu tháng 9, trường thông báo tuyển sinh 40 chỉ tiêu cho 2 ngành Công nghệ sinh học - dược học và Khoa học vật liệu - công nghệ nano. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh dự thi ĐH khối A, B, D với mức điểm từ 19 điểm lên.
Đến ngày 25.9, hạn cuối cùng nộp hồ sơ, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Để mở rộng đầu vào, trường đã quyết định hạ mức điểm tuyển xuống chỉ còn 15. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng trường cho biết, đến trước ngày khai giảng 7.10, trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Tổng số hồ sơ nộp đến chỉ có 51, qua sơ tuyển chỉ có hơn 30 SV đủ điều kiện nhập học. Ông Nguyễn Văn Hùng thừa nhận: “Những SV vào trường năm nay chưa phải là những người xuất sắc nhất. Trong tổng số hơn 30 SV trúng tuyển, chỉ có 5-6 em từ trường khác chuyển sang, còn lại là những SV thi ĐH nhưng chưa trúng tuyển. Mức điểm cao nhất của SV đăng ký vào trường là 22,5 và chỉ có 1 SV”.

Khó tuyển vì học phí cao
Theo một cán bộ của trường ĐH Việt - Đức, việc trường khó khăn trong tuyển sinh một phần vì rào cản ngoại ngữ đầu vào, phần do hạn chế về sự lựa chọn ngành học. Hiện nay trường chỉ có một ngành đào tạo bậc ĐH, lại thuộc lĩnh vực kỹ thuật nên khó thu hút học sinh giỏi. Bên cạnh đó, mức học phí lại khá cao (1.500 USD/năm). Thêm nữa, dù thời gian học tập chủ yếu ở VN nhưng vì chưa có phòng thí nghiệm nên SV phải mất từ nửa năm đến 1 năm sang Đức học tập, các khoản sinh hoạt phí (khoảng 500 USD/tháng) trong thời gian trên SV đều phải tự lo. Do vậy, dù muốn nhưng không phải SV nào cũng có thể theo học tại trường này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng nguyên nhân trường tuyển không đủ chỉ tiêu là do thời gian thông báo tuyển sinh muộn (ngày 9.9.2010), nên thí sinh đã vào trường khác. Ngoài ra, mức học phí cao cũng là một trở ngại. Hiện trường này cũng có mức học phí 1.500 USD/năm nhưng SV chỉ phải đóng 750 USD, còn lại được Nhà nước hỗ trợ.
-----------------------------
Đề án xây dựng 4 trường ĐH mô hình mới của Bộ GD-ĐT là một trong nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008 - 2020. Với vốn vay khoảng 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... ngoài 2 trường ĐH Việt - Đức và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, theo kế hoạch, 2 trường nữa sẽ được xây dựng tại Đà Nẵng và Cần Thơ.

V.T
-------------------------------

Đầu tư cho con nhà giàu?
“Tôi nghĩ mục tiêu để có trường ĐH của VN nằm trong tốp 200 trường hàng đầu thế giới vào năm 2020 là quá tham vọng. Để đạt đến đẳng cấp quốc tế cần nhiều thời gian chứ không chỉ cần tiền và cơ sở vật chất. Các trường trong tốp 200 trên thế giới hiện nay có bề dày ít nhất 50 năm, đa số cả trăm năm trở lên, còn ĐH Việt - Đức thì từ nay đến 2020 chỉ còn 10 năm. Số tiền 180 triệu USD tuy lớn nhưng thật ra để xây dựng một trường đẳng cấp quốc tế không phải là nhiều. Vấn đề là sau khi SV học xong từ một ngôi trường do Nhà nước đầu tư thì các em này sẽ phục vụ ai, hay phục vụ nước ngoài (ra nước ngoài sinh sống, hoặc làm cho công ty nước ngoài ở VN)? Và làm sao quản lý điều này? Tôi cho đây là vấn đề công bằng xã hội, vì theo cách làm của VGU thì dường như hiện nay Nhà nước đang tập trung đầu tư cho con nhà giàu (vì không phải ai cũng có tiền đóng 1.500 USD/năm). Vậy người nghèo dù có tài cũng sẽ phải học ở trường công của VN với mức đầu tư thấp.
Tôi thấy đây là một vấn đề đau đầu, và rất thông cảm với Nhà nước và Bộ GD-ĐT. Một mặt, mô hình này có lẽ là cần thiết để tạo ra những trường ĐH tốt ở VN, nếu chúng thành công. Mặt khác tôi lại thấy đây là sự bất công đối với các trường công, vì đầu tư thấp, thầy và trò phải giật gấu vá vai, lại có cơ chế quản lý trói buộc, ít tự chủ, nên làm sao mà làm tốt được. Lẽ ra nên lấy ý kiến rộng rãi trước khi triển khai”.
Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM

“Đẳng cấp quốc tế” chỉ mới trên giấy
“Việc mong muốn có một số cơ sở đào tạo có chất lượng cao là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hình thức và bước đi như thế nào cho hiệu quả thì cần phải suy xét. Việc tuyển sinh gặp khó khăn là điều dễ hiểu bởi cái gọi là “đẳng cấp quốc tế” mới chỉ được khẳng định trên giấy tờ hoặc lời nói chứ chưa có gì để chứng minh cả. Mặt khác, cơ hội chọn lựa học tập của học sinh bây giờ rất đa dạng, chẳng ai muốn mạo hiểm chọn vào học ở một nơi mà đẳng cấp và chất lượng vẫn còn đang nằm ở thì tương lai, vì như nhiều người đã nói, giống như thuốc chữa bệnh, giáo dục là một sản phẩm không thể dùng thử vì khắc phục nó sẽ mất nhiều thời gian, công sức và cả cơ hội nữa.

Về quan điểm đầu tư xây dựng một trường mới thì, xin nhắc lại lời của hiệu trưởng một trường ĐH rằng: "Nếu Chính phủ đầu tư cho chúng tôi một số tiền lớn như vậy thì chúng tôi cũng đảm bảo được chất lượng giáo dục quốc tế mà không cần phải nhờ đến một trường ĐH nước ngoài nào hết".
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN THƯ
Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
H.A (ghi)

-----------------------------------


12/10/2010 0:19

So với những mục tiêu mà đề án xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp đặt ra, những gì đang diễn ra trong thực tế lại có biểu hiện trái ngược.
Tuyển nhân tài nhưng thu học phí cao
Theo đề án của Bộ GD-ĐT thì 4 trường ĐH đẳng cấp xây dựng theo mô hình ĐH công lập phi lợi nhuận, đa ngành, chất lượng cao để tạo nên 4 "máy cái" nhân rộng các tri thức mới.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có lần cho biết, với các trường này thì khâu tuyển sinh đầu vào phải khắt khe, sinh viên (SV) nhập học phải là những người xuất sắc.
Tại các cuộc tọa đàm để triển khai đề án này, các giáo sư đến từ Mỹ cũng khuyến cáo: Phải chọn lựa SV giỏi, không chỉ là đối tượng tiếp thu kiến thức mà cần có mối quan hệ 2 chiều với giảng viên, để có thể làm việc trực tiếp trong các dự án, công trình...
Thế nhưng, đến nay cả 2 trường theo mô hình này đều có mức thu học phí cao (gấp khoảng 10 lần so với mặt bằng chung của các trường công lập). Thực tế này đặt ra một câu hỏi: mặc dù là 2 trường công lập được chính phủ thành lập với đối tác nước ngoài, và số tiền đầu tư lớn nhưng lại thu học phí cao thì liệu có phù hợp với mục tiêu tuyển chọn người xuất sắc?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu phó trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng: "Mức học phí này so với chất lượng đào tạo sẽ không cao. Nhà nước cũng hoàn toàn có thể "bao cấp" được, nhưng sẽ không tạo được động lực thúc đẩy SV học tập. Khi phải đóng học phí, SV mới có trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra. Còn nếu SV học giỏi thì nhà trường đã có học bổng toàn phần và bán phần để khuyến khích các em".
Lưu ý rằng cả 2 trường này cũng đã triển khai các chương trình học bổng dành cho SV xuất sắc. Trường ĐH Việt - Đức cho biết có 60% SV vào trường nhận học bổng ở nhiều mức khác nhau. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội còn khuyến khích SV các trường khác vào với học phí chỉ bằng trường mà SV đang theo học. Mặc dù vậy 2 trường này vẫn chưa thu hút được những SV xuất sắc.
Thế nên, có thể thấy, áp dụng mức  học phí cao  ngay từ đầu có lẽ sẽ không phù hợp với mô hình này trong hoàn cảnh VN hiện nay. Vì Chính phủ đã đầu tư số tiền khá lớn vào đây nên cũng cần thực hiện triệt để mục tiêu đặt ra: tuyển chọn và đào tạo SV giỏi.  Nếu muốn  thu học phí cao, nhà trường cần phải có thời gian khẳng định thương hiệu của mình. Ở giai đoạn đầu, khi các trường chưa xây dựng được tên tuổi thì càng phải tìm cách thu hút người giỏi. Cách tốt nhất là tài trợ học phí, có chính sách học bổng lớn. Về sau, khi khẳng định được vị thế của mình, người giỏi đã tự tìm đến thì có thể nâng dần mức học phí lên.

ĐH Việt Nam, bằng cấp nước ngoài
Bộ GD-ĐT cho biết, trong giai đoạn phát triển ban đầu của trường ĐH Việt - Đức, các giáo sư Đức giữ vai trò chủ yếu trong việc điều hành và giảng dạy của trường. Tuy nhiên, thực tế phía Đức không chỉ điều hành và giảng dạy mà việc cấp bằng cho SV sau khi tốt nghiệp cũng được trường ĐH đối tác tại Đức cấp. Thông báo tuyển sinh của trường cũng nhấn mạnh: bằng ĐH do trường ĐH Khoa học ứng dụng danh tiếng Frankfurt của CHLB Đức cấp ngay tại VN.
Câu hỏi  đặt ra là tại sao Chính phủ VN đầu tư để thành lập trường nhưng SV lại không nhận được bằng của trường ĐH VN? Trả lời câu hỏi này, GS-TS Wolf Rieck, Hiệu trưởng trường ĐH Việt - Đức nói: "Hiện tại trường đang sử dụng chương trình đào tạo, giáo sư và các công trình nghiên cứu của Đức nên SV ra trường sẽ được cấp bằng của Đức. Tuy nhiên, trong tương lai khi các giáo sư VN có thể thay thế hoàn toàn các giáo sư Đức thì bằng cấp của SV sau khi tốt nghiệp sẽ do VN hoặc cả hai bên cùng cấp". Ông Wolf Rieck còn nói thêm: "Hình như SV Việt Nam thích cấp bằng của Đức hơn"!?
Trao đổi với PV Thanh Niên, một giáo sư đã nhiều năm nghiên cứu về giáo dục ĐH cho biết: Chúng ta chấp nhận "nhập khẩu" chương trình đào tạo của các trường ĐH hàng đầu thế giới, "nhập khẩu" phương pháp và công nghệ quản lý của các chuyên gia nước ngoài  nhưng không nên "nhập khẩu" cả bằng cấp như vậy. Vì để tiến lên thành trường ĐH VN đẳng cấp quốc tế nhưng bằng cấp lại do trường nước ngoài cấp thì có đạt được mục tiêu hay không? Vị giáo sư này cũng cho biết, những trường ở nước ngoài đạt được đẳng cấp tốt nhất thế giới thì suất đầu tư trên một SV không dưới 15.000 USD/năm. Với cách làm và đầu tư như hiện nay thì VN không thể đạt được mục tiêu.

Lùi mục tiêu do chưa có trường?
Trong kế hoạch phát triển của trường ĐH Việt - Đức thì đến năm 2014 quy mô sẽ là 1.000 SV, đến năm 2020 sẽ là 5.000 SV. Tuy nhiên, sau 3 khóa tuyển sinh, hiện chỉ có 200 SV theo học. Trả lời về lộ trình tiến tới mục tiêu này, ông Wolf Rieck cho biết: "Có thể chúng tôi phải lùi lại một vài năm nữa mới có thể đạt được mục tiêu trên, cụ thể là 5.000 SV vào năm 2022. Bởi lẽ, không thể phát triển số lượng SV khi chưa có thêm phòng học. Chúng tôi đang triển khai thuê thêm cơ sở vật chất trước khi khuôn viên trường được hoàn tất dự kiến vào năm 2016". Hiện tại, trường ĐH Việt-Đức đang thuê một phần tòa nhà điều hành trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM để làm cơ sở đào tạo.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 8.000 SV. Tuy nhiên, mục tiêu trở thành ĐH hàng đầu thế giới thì được trường lùi đến năm 2030!
Như vậy, cả 2 trường đầu tiên thành lập theo mô hình này đã không thể đảm bảo mục tiêu mà đề án đưa ra.
-----------------------------------------------

.
.
.

No comments: