Saturday, October 23, 2010

TRUNG QUỐC TÌM KIẾM MỘT GIẢI NOBEL VỪA Ý HƠN



Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
21.10.2010

Khi những đại diện của những quốc gia dân chủ phát triển - Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật - kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba trong khi chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục tố cáo ông như là một "tội phạm", rất dễ để muốn nhìn những tranh cãi chung quanh giải Nobel Hoà bình 2010 với một khía cạnh kịch tính và toàn diện hơn: Một cuộc đối đầu vĩ đại giữa nền văn minh chính trị của một bên là tự do ngôn luận và dân chủ phương Tây và bên kia là chính thể chuyên chế độc đảng đầy quyết đoán của Trung Quốc.

"Đây là một thông điệp mạnh mẽ ủng hộ những ai trên thế giới đang đấu tranh cho tự do và nhân quyền," Chủ tịch Hội đồng Liên Âu tuyên bố. "Đấy là những giá trị căn bản của khối Liên Âu." Một nhận định ẩn danh trong một bài báo đăng trên tờ The Independent của Anh viết: "Sự việc đáng buồn trong toàn bộ câu chuyện này đã nhấn mạnh tâm lý đớn hèn của một "Nhà nước Công an," mà Thế giới đang phải "Khảo Tấu"![sic]

Nhưng chú trọng vào khía cạnh của chính sách đối ngoại của giải thưởng dẫn đến nguy cơ làm méo mó khía cạnh đối nội quan trọng hơn của câu chuyện. Mối quan tâm chủ yếu của chính quyền Bắc Kinh về tuyên bố của giải thưởng này thì không phải là đối ngoại mà là đối nội, khi họ đang đợi xem có bao nhiêu triệu người dân Trung Quốc, những người không nhất thiết đã biết về Lưu và Hiến chương 08 cỗ vũ dân chủ của ông phản ứng ra sao về cái tin này. Một tuần trôi qua sau khi giải thưởng Nobel Hoà bình đươc. trao cho Lưu Hiểu Ba, dường như chỉ có một điều nổi lên một cách rõ ràng: Trung Quốc đang bị thật sự phân hoá cỡ nào.

Ngay lập tức khi tình hình có vẻ hợp lý về chính trị sau giai đoạn "đổi mới và mở cửa" hậu 1978, chính quyền Trung Quốc đã thèm muốn những giải Nobel Hoà bình. Như một phần của việc ước muốn những giải thưởng quốc tế sau thời đại Mao và vì "thể diện" (tổ chức Giải Olympic, lọt vào Giải Bóng đá Thế giới, tham gia vào WTO), Bắc Kinh đã mong muốn có được một giải Nobel Hoà bình cho một người Trung Quốc đang sống, làm việc và làm giàu ở Trung Quốc, như là một việc hiệu lực hoá việc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã trở thành một cường quốc trên thế giới.

Nhưng mặc dù Trung Quốc chính thức trải qua hiện tượng "Hội chứng Nobel", việc theo đuổi danh vọng này đã trở nên cay đắng đối với những người cầm quyền. Ví dụ như trong suốt những năm 1980s, chính quyền Trung Quốc đã công khai theo đuổi giải thưởng Nobel Văn học. Cơn sốt Nobel đã trở thành một vấn đề chính sách của nhà nước, thu hút những chính trị gia, nhà văn, nhà phê bình và những học giả, và đã sinh ra những bài viết, hội nghị và những phái đoàn chính phủ đến thăm Thụy Điển. Nhưng đến giữa thập niên 1980, rõ ràng là trường phái văn học được chính phủ Trung Quốc yêu chuộng lại không phải là loại văn học hậu hiện đại không chính thống của những nhà thơ như Bắc Đảo và Giang Luyện vốn được Uỷ ban Nobel ưa chuộng. Hơn nữa, bản thân những tay viết không chính thống này cũng tích cực mong muốn cho Giải Nobel để trực tiếp thách thức định nghĩa của đảng và nhà nước về bản chất của "Trung Quốc" và nền văn hoá của nó. Và đương nhiên, Cao Hành Kiện, một nhà văn lưu vong và người công khai chỉ trích chính quyền Cộng sản, cuối cùng là người lãnh giải Văn học vào năm 2000. Chỉ vài ngày sau khi giải thưởng của ông được công bố vào tháng Mười năm ấy, một tờ báo nổi tiếng ở Bắc Kinh đã đăng tải những bài viết về "Nỗi buồn Nobel" của Trung Quốc. Nhưng khi tin Cao được giải Nobel, chính quyền đã lạnh lùng phản ứng rằng "Giải Nobel Văn học đã được dùng cho những mục đích chính trị và vì thế đã mất đi giá trị của nó" và đã lập tức ra lệnh cấm xuất bản hoặc thảo luận về Cao lẫn Giải thưởng của ông.

Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển trao tặng giải Nobel Văn chương 2000 cho nhà văn Cao Hành Kiện ở thủ đô Stockholm

Nhưng bên ngoài câu trả lời đơn điệu tàn nhẫn của chính quyền, biểu tượng của Giải thưởng được trao cho Cao đã bị phản đối mạnh mẽ bởi những nhà quan sát Trung Quốc. Khi tin này được truyền trên cộng đồng mạng Trung Quốc trên khắp thế giới, tầm quan trọng của nó đã được tranh cãi mãnh liệt, những công dân mạng đã biểu lộ sự vui mừng đối với việc một nhà văn người Trung Quốc đã nhận được Giải Nobel, ngơ ngác trước cái tên Cao Hành Kiện đầy lạ lẫm, và bực bội trước việc một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng trên toàn cầu, nhưng chỉ có những độc giả bên ngoài Trung Quốc mới thưởng thức được. Những phản ứng còn đặc biệt mâu thuẫn hơn trong số những nhà văn Trung Quốc trong nước (những người đã và đang là đối tượng của chế độ kiểm duyệt đã khiến Cao phải rời khỏi đất nước năm 1987). Mặc dù đã không có thắc mắc gì trong việc ủng hộ chủ nghĩa dân tộc của đảng và nhà nước rõ ràng trong phản ứng của chính quyền, nhiều nhà văn không chính thống đã từ chối biểu lộ sự đồng tình với giải thưởng của Cao hoặc công nhận những thành quả văn học của ông, họ đã phê phán ông (được cho là) đã cố tình thoả mãn khẩu vị của phương Tây với những câu chuyện đau khổ thời Mao, hoặc đã không thật sự mang tính "Trung Quốc". Không những đã không qui tụ được điểm đồng thuận của lòng tự hào mà qua đó có thể đoàn kết các tác giả Trung Quốc, giải thưởng của Cao đã tạo ra một cuộc chiến dân tộc tính để giành quyền khẳng định thế nào là văn học Trung Quốc.

Tình trạng bối rối của Bắc Kinh về giải Nobel trước đây lại tái diễn vào sáng ngày 8 tháng Mười, 2010. Sau một khoảng thời gian ngắn im lặng để nhận định, bộ ngoại giao Trung Quốc đã gay gắt phản đối việc công bố giải thưởng: "Quyết định của uỷ ban Nobel đã đi ngược và hạ thấp giá trị của giải thưởng." Cũng giống như năm 2000, một lần nữa, thảo luận về sự kiện này đã bị ngăn cấm nghiêm ngặt: không chỉ về Lưu mà còn về những giải thưởng Nobel khác trong năm, những bài báo vừa đăng về các giải thưởng Văn học và Khoa học đều bị kéo sạch khỏi các trang mạng báo chí và quẳng vào sọt rát ảo. Trong hai bài viết chống lại giải Nobel với mục đính nhắm vào độc giả nước ngoài, tờ báo lá cải Hoàn Cầu Nhật Báo đã tuyên bố rằng "quyết định trên nhằm mục đích hạ nhục Trung Quốc. Quyết định như thế không chỉ gây khó chịu cho công chúng Trung Quốc mà còn làm tổn thương đến thanh danh của giải thưởng." Uỷ ban Nobel đã bị lên án là "kiêu căng và kỳ thị," là một bộ phận của âm mưu quốc tế nhằm phá hoại Trung Quốc.

Ở những nơi khác thì phản ứng có phần phức tạp hơn. Những công dân mạng cấp tiến Trung Quốc đã viết blog và Twitter rằng họ đã khóc lên vì vui sướng, và tin này đã tạo ra những ánh sáng hy vọng cho những ai đang phải chịu đựng trong "đêm đen áp bức từ 1989." Một người viết rằng "Một công dân Trung Quốc tài giỏi và kiên cường đã đoạt giải Nobel Hoà bình!" "Giải thưởng của Lưu thì vô cùng quan trọng: nó cho cả thế giới thấy được Trung Quốc là một quốc gia độc tài, một đất nước thiếu dân chủ và nhân quyền. Uỷ ban Nobel đã tặng một quả đấm mạnh vào mũi Đảng Cộng sản Trung Quốc." Vào ngày 14 tháng Mười, có khoảng một trăm học giả, nhà văn, luật sư, biên tập viên và nhà hoạt động đã vui mừng gửi một bức thư mở đến chính quyền Trung Quốc, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Lưu.

Nhưng tại những nơi khác, phản ứng có vẻ hờ hững hơn. Trong khi một số nhà báo nước ngoài cảm thấy rằng việc cấm đoán giới truyền thông thảo luận về Lưu Hiểu Ba là quá cứng rắn - cho thấy sự lo lắng sâu đậm của giới lãnh đạo nhằm giới hạn những thảo luận rộng hơn về tư tưởng của Lưu - những nhà quan sát khác đã cho rằng tư tưởng của Lưu Hiểu Ba đ không đồng bộ với những người dân thường vốn trở nên thực dụng và chú trọng về kinh tế hơn. Một nhà báo Trung Quốc hiểu biết nhiều đã nói với tôi rằng sau bùng nổ ban đầu về sự chú ý đến Lưu, thế giới blogger của Trung Quốc đã nhanh chóng chìm vào im lặng. Ông cho rằng điều này không đơn giản vì chế độ kiểm duyệt. Thay vì thế, ông hoài nghi rằng chẳng ai biết về Lưu ngoài giới học giả. Trong quan điểm của mình, ông cho rằng thử thách lớn nhất của phong trào dân chủ Trung Quốc vẫn là sự cách biệt rộng lớn giữa tầng lớp trí thức thành thị và giới lao động vùng quê; ông cho rằng Lưu không thể đoàn kết hai khối cử tri này. "Đa số mọi người không biết hoặc không quan tâm đến," một học giả có vai vế và nằm ngoài luồng cũng đồng ý như thế. "Ảnh hưởng của giải Nobel hoà bình sẽ tương đối nhỏ, và Đảng thì rất mạnh."

Những người khác lại quyết định tìm hiểu về giả thuyết âm mưu do Đảng đưa ra, xem giải thưởng như một âm mưu của phương Tây nhằm chia rẽ Trung Quốc: "Đây là một mưu đồ chống Trung Quốc của phương Tây," một người bạn học của một blogger sinh viên đã hói với anh ta. Một bài báo trên trang mạng trong nước Utopia - nơi gặp gỡ của tư tưởng cánh tả cực đoan và chủ nghĩa dân tộc vốn thường chỉ trích cay nghiệt nhà cầm quyền hiện tại - đã lên án Lưu như một kẻ "có máu phản bội nhân dân Trung Quốc," vì tuyên bố của ông vào năm 1988 rằng Trung Quốc nên là thuộc địa ít nhất là 300 năm trước khi đất nước này có thể phát triển ở tầm cỡ như Hồng Kông. "Chúng ta nên nhổ toẹt vào Hiến chương 08 của hắn!" "Hãy tiếp tục giam giữ hắn!" một nhận định trên mạng viết. "Nhân dân nên tử hình hắn!" một người khác hưởng ứng. Ngay cả những nhà bất đồng Trung Quốc - những người đang trải qua sự đàn áp của chính quyền giống hệt như Lưu - cũng không thống nhất trong sự chấp thuận của họ. Ngụy Kinh Sinh, nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu đã than phiền rằng những người khác xứng đáng hơn Lưu: ông ta đã quá ôn hoà và quá sẵn sàng để thoả hiệp với chính quyền Bắc Kinh.

Cũng như trường hợp của Cao Hành Kiện mười năm trước, giải thưởng Nobel Hoà bình cho Trung Quốc hôm nay đã tạo ra một trận chiến trong việc khẳng định Trung Quốc và những quyền lợi cốt lõi của nó, cho chúng ta rút ra một kết luận an toàn duy nhất: Vẫn không thể nào đo lường được quan điểm quần chúng một cách tin cậy tại Trung Quốc hiện nay. Với sự tiếp tục kiểm soát gắt gao của chính quyền trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, việc dựa trên tầm mức của số lượng độc giả của những môi trường truyền thông này để xác định trên thực tế việc nhiệt tình ủng hộ, chấp nhận một cách bị động hoặc chỉ trích một cách riêng tư về sự kiện này là việc không làm được. Cũng như rất khó để có những nhận định tổng quát về quan điểm trên internet, nơi những tiếng nói không bị kiểm duyệt đang chiếm lĩnh đa số. Dường như là vô lý khi nói rằng giải thưởng của Lưu sẽ không tạo ra một ảnh hưởng quan trọng bên trong lãnh thổ Trung Quốc - nhưng chúng ta cũng không thể biết được trong nhiều năm sau nó sẽ ra sao.
.
.
.

No comments: