03:12:pm 23/10/10
LTS: Nhân sự kiện nhà hoạt động Trung Quốc, Lưu Hiểu ba đoạt giải Nobel Hòa Bình, chúng tôi đã gửi 2 câu hỏi tới một số nhà hoạt đông dân chủ hải ngoại với mục đích tìm hiểu xem, bằng cách nào có thể vận động, đề cử giải Nolel Hòa bình cho Việt Nam. Hôm nay, chúng tôi xin chuyển tới bạn đọc, ý kiến của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, hiện sinh sống tại Washington DC . Giáo sư đã nhiều năm tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam và 2 lần bị chính quyền CS kết án tù. Năm 1998, sau gần 20 năm ngồi tù, ông được phóng thích sau những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và bị ép buộc rời khỏi Việt Nam.
——————————————————-
Hỏi: Ông nghĩ gì về giải thưởng Nobel Hòa Bình dành cho Lưu Hiểu Ba?
Trả Lời: Tôi hoan nghênh việc trao giải Nobel Hòa Bình cho ông Lưu Hiểu Ba, dù đúng ra đã phải trao giải này cho một người Việt Nam hoặc Trung quốc từ lâu rồi. Tại hai nước này cuộc vận động cho nhân quyền và dân chủ đã diễn ra liên tục trong nhiều thập niên nay. Riêng ở Trung quốc, kể từ trước và sau sự kiện Thiên An Môn, đã xuất hiện nhiều khuôn mặt đấu tranh nổi tiếng, như Phương Lệ Chi, Vương Đan, Ngụy Kinh Sinh…nhưng mãi đến nay ông Lưu Hiểu Ba mới được chọn để trao giải thưởng cao quý này. Theo tôi có 2 lý do giải thích quyết định chậm trễ nhưng cũng cần thiết này:
a/ Trung quốc đã trải qua hơn 3 thập niên cải tổ kinh tế, đã đạt được những thành tích phát triển đáng kể. Tuy nhiên Trung quốc vẫn chưa tiến hành những cải tổ cần thiết trong lãnh vực văn hóa tư tưởng và chính trị, chưa cho phép người dân, và nhất là giới trí thức, nhà báo, nhà văn, có được các quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do tư tưởng, tự do thông tin, báo chí, tự do hội họp, tự do thành lập các hội đoàn độc lập với đảng và nhà nước CS. Tình trạng thiếu quân bình giữa phát triển kinh tế và phát huy các quyền tự do căn bản của người dân tạo môi trường thuận lợi cho sự câu kết giữa độc quyền chính trị với đặc quyền đặc lợi kinh tế.
Bề mặt phồn vinh, phát triển của một phần nhỏ Trung quốc ở phía đông và vùng ven biển không che giấu được tình trạng lạc hậu, bất công, bất ổn định của phần lớn còn lại của Trung quốc ở phía trung, phía tây và toàn bộ khu vực nội địa. Những người Trung quốc có hiểu biết và có lương tri không thể làm ngơ trước tình trạng đó. Lưu Hiểu Ba là một trí thức đã dấn thân từ trước và trong sự biến Thiên An Môn, và liên tục không ngừng đấu tranh đòi hỏi các quyền tự do căn bản cho người dân. Việc trao cho ông Lưu Hiểu Ba giải Nobel Hòa Bình vừa để vinh danh cuộc đấu tranh của ông, vừa gửi ra một thông điệp rõ ràng: Trung quốc không thể trở thành một quốc gia hiện đại, văn minh nếu không tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân.
b/ Thông điệp này được đưa ra lúc này cũng đúng lúc. Sự lớn mạnh của Trung quốc về mặt kinh tế, quân sự trong một chế độ chính trị độc tài và bối cảnh lạc hậu, kém văn minh về mặt văn hóa tư tưởng, đang tạo ra một nguy cơ mới đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới. Những gì đang diễn ra tại vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á cho thấy rõ điều này. Mỹ và các cường quốc khác đang phải điều chỉnh chính sách tại Á Châu trước hiểm họa Trung quốc. Sau vấn nạn Hồi giáo cực đoan, đã tương đối kiềm tỏa được, Tây phương đang phải trực diện với nguy cơ một nước Trung quốc hùng mạnh và đang bành trướng thế lực ra toàn thế giới. Nếu muốn tránh đụng độ với một Trung quốc có một chính quyền phát xít kiểu mới như hiện nay, quốc tế cần hỗ trợ mạnh mẽ và hữu hiệu để một Trung quốc dân chủ sớm ra đời. Giải Nobel Hòa Bình cho một nhà đấu tranh nhân quyền-dân chủ Trung quốc, theo tôi là chỉ dấu mở màn cho một giai đọan mới trong quan hệ giữa Âu-Mỹ và Trung quốc.
Hỏi: Việt Nam có những người có thể xứng đáng với giải này như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Độ. Bản thân Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhiều lần được đề cử, vậy với tư cách là người hoạt động dân chủ ở hải ngoại, theo ông làm cách nào để giúp cho một người Việt Nam có thể giành được Nobel về Hòa Bình?
Trả Lời: Người Việt hải ngọai nói chung và những người Việt đấu tranh cho một nước Việt tự do, dân chủ nói riêng không những mong muốn có một người Việt Nam được giải thưởng Nobel Hòa Bình mà cũng đã tích cực vận động cho việc này từ nhiều thập niên nay. Phía cộng đồng người Hoa và những người đấu tranh Trung quốc ở hải ngọại không tích cực và bền bĩ vận động cho giải thưởng này như chúng ta. Chúng ta đã liên tục vận động cho HT Thích Quảng Độ rất nhiều năm, với sự tham gia vận động trực tiếp của nhiều nhân vật chính trị, văn hóa lớn của nhiều nước. Và đã có năm tên của HT đã được đưa vào danh sách vài người chọn lựa sau cùng. Điều này đã không xẩy ra với trường hợp Trung quốc nói chung và ông Lưu Hiểu Ba nói riêng. Cũng như đã không xẩy ra với ông Obama năm ngoái.
Điều đó nói lên một sự thật: giải Nobel Hòa Bình là một giải thưởng chính trị, nhằm mục đích đáp ứng một nhu cầu và một vấn đề chính trị lớn của thế giới, ít nhất dưới nhãn quan của những người trao giải. Nhìn lại các giải Nobel Hòa Bình trước đây chúng ta càng thấy rõ điều này. Năm ngoái TT Obama được trao giải dù chưa hoạt động chính trị bao lâu ở Mỹ và trên thế giới, nhưng người ta kỳ vọng ông giúp giải quyết được tranh chấp giữa Âu Mỹ và Hồi giáo cực đoan. Năm nay, một nhà đấu tranh Trung quốc được chọn, dù lần đầu tiên được đề cử, và đã vượt qua một người Việt Nam có thành tích đấu tranh hơn ông rất nhiều, lại đã được liên tục đề cử nhiều năm liền –chỉ vì vấn đề Trung quốc đang nổi bật lên thành một vấn đề lớn của thế giới.
Trong tình hình thực tế đó, theo tôi, một mặt chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi dân chủ, tự do cho người dân VN, đồng thời liên tục vận động giải Nobel Hòa bình cho một vài nhà đấu tranh tên tuổi ở trong nước, với mục đích thực tiễn là, qua cuộc vận động này, tạo dư luận quốc tế quan tâm đến vấn đề Việt Nam, và hỗ trợ tinh thần cho những người đấu tranh trong nước.
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment