Friday, October 22, 2010

TRUNG HOA SẼ CHỨNG TỎ SỨC MẠNH CỦA MÌNH, NẾU TRẢ TỰ DO CHO LƯU HIỂU BA

Václav Havel và Desmond M. Tutu
Hiếu Tân dịch
23/10/2010 | 3:08 sáng

Ngay sau khi nhà văn đang ngồi tù Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) được tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình trong tháng này, vì hơn hai thập niên theo đuổi công cuộc thay đổi dân chủ ở Trung Hoa, chính phủ Trung Quốc đã đáp trả bằng cách gọi ông là tội phạm và cáo buộc Ủy ban Nobel tội phỉ báng. Chính phủ Trung Quốc cử nhân viên an ninh đến căn hộ của vợ ông, Lưu Hà (Liu Xia) ở Bắc Kinh, tịch thu điện thoại di động của bà, và đặt bà trong tình trạng quản thúc tại gia. Trước đây chúng tôi đã từng gặp điều này: trong những ngày đen tối của chế độ kì thị chủng tộc[1], dưới bóng tối dài dặc của Bức Màn Sắt. Mỗi khi chúng tôi tiến một bước nhỏ về hướng bảo vệ tự do của nhân dân, thì chúng tôi bị tước đi tự do của chính bản thân chúng tôi.

Như chúng tôi đã viết, Lưu vẫn còn bị cách ly tại một nhà tù xa xôi hẻo lánh ở đông bắc Trung Quốc. Bản án thứ tư kết án ông 11 năm tù về việc là đồng tác giả Hiến chương 08, một tài liệu kêu gọi chính phủ Trung Quốc tiến hành những cải cách dân chủ và bảo đảm các quyền tự do hội họp, tự do tôn giáo và tự do bày tỏ ý kiến. Mặc dầu Hiến chương 08 theo kiểu mẫu của Hiến chương 77 của Tiệp Khắc, nhưng những giá trị nền tảng của nó không mang tính phương Tây mà đậm chất Trung Hoa.

Chúng tôi đề cử Lưu nhận giải thưởng Nobel năm nay vì tính phổ biến của sự kêu gọi của ông cho những quyền tự do cơ bản cho nhân dân ông.

Trọng tâm của Hiến chương 08 là yêu cầu chính phủ Trung Hoa tôn trọng các quyền đã được trân trọng ghi trong Hiến pháp Trung Hoa. Chính phủ nước này đã ký Công ước về các Quyền Công dân và Chính trị, và đã phê chuẩn Công ước và các Quyền Kinh tế và Xã hội. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây với CNN, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã công nhận rằng “Tự do ngôn luận là tuyệt đối không thể thiếu được… Nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân đối với dân chủ và tự do là không thể cưỡng lại.”

Đây không phải là một thời điểm hổ thẹn và sỉ nhục đối với Trung Hoa. Đây nên là một thời điểm của tự hào, đánh dấu sự kiện rằng một trong những người con của Trung Hoa đã được công nhận như một người có đóng góp lớn nhất trên thế giới vào điều mà tất cả các dân tộc tìm kiếm: hòa bình. Nó là một khẳng định của một trong những sinh ngữ lâu đời nhất của nhân loại rằng những lời của Lưu trong Hiến chương 08, những lời lẽ bằng Hoa ngữ, có thể gợi nên được một sự ngưỡng mộ như thế. Nó là một bằng chứng rằng chính nhờ sức mạnh và lòng can đảm của nhân dân Trung Quốc mà những hành động của Lưu đã giành được sự kính trọng rộng rãi đến thế.

Mặc dầu những phản ứng ban đầu, vẫn còn một cơ hội cho chính phủ Trung Quốc lật sang trang một thế kỷ cô lập. Chúng tôi biết rằng trong suốt lịch sử có nhiều người đã phạm những sai lầm chống lại Trung Hoa và nhân dân Trung Hoa. Nhưng việc tặng giải Nobel Hòa bình cho Lưu không phải là một sai lầm như thế. Và lời kêu gọi cải cách từ hơn 10.000 người đã dám ký vào Hiến chương 08 cũng không phải là một sai lầm như thế.

Ngày nay, hơn lúc nào hết trong lịch sử, thế giới nhìn Trung Quốc như một nhà lãnh đạo. Trung Hoa có cơ hội để chứng tỏ nó là một dân tộc hướng về phía trước, như nó đã từng là trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Nếu vẫn giam giữ Lưu trong tù, thì chính phủ Trung Quốc không tiến bộ gì hơn chế độ độc tài quân sự Miến Điện bưng bít và hoang tưởng, một chế độ duy nhất giam giữ một người được giải Nobel khác, Aung San Suu Kyi. Thả Lưu thì Trung Quốc tiếp tục nổi lên đầy ấn tượng trên vũ đài thế giới. Bắc Kinh đã giúp giữ cho nền kinh tế thế giới thịnh vượng trong cuộc khủng hoảng vừa qua, lúc này nó có thể tỏ cho thế giới biết rằng nó có đủ tự tin để đối mặt với phê bình và đi theo sự thay đổi.

Trước đây Trung Hoa đã từng có những bước đi can đảm như thế. Cách đây ba mươi năm, trong khi chúng tôi vẫn còn đang bị trừng phạt chỉ vì đã nói lên ý kiến của mình, thì chính phủ Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế và phóng thoát tính cần cù và tài khéo léo của nhân dân Trung Hoa ra thị trường thế giới. Thế giới đã quan sát với sự kính nể khi Trung Quốc tự thoát ra khỏi nghèo nàn và bước vào một tương lai phồn vinh và năng động. Bây giờ là thời điểm để Trung Quốc mở cửa một lần nữa,  cho nhân dân Trung Quốc cái khả năng tranh đua trên thị trường tư tưởng, nơi họ chắc chắn sẽ tỏ ra phi thường.

Chúng tôi đã thấy điều này xảy ra ở các nhà thờ của Soweto và các nhà hát ở Praha. Chúng tôi biết nó kết thúc như thế nào. Chúng tôi hôm nay có thể viết, tự do, thoát khỏi sợ hãi và đầy hy vọng, bởi vì nhân dân chúng tôi đã giành lại tự do cho chúng tôi. Với thời gian, Lưu và nhân dân Trung Quốc sẽ giành lại tự do của họ.

Sau bản án của Lưu năm ngoái, ông đã nói trong một tuyên bố: “Tôi từ lâu đã nhận ra rằng khi một trí thức độc lập đứng lên trước một nhà nước chuyên chế, thì một bước tiến về phía tự do thường là một bước tiến vào nhà tù. Bây giờ tôi đang bước bước ấy đây, và tự do đích thực đã gần lại nhiều.”

Chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục đánh một trận đánh thua, chống lại các lực lượng dân chủ và tự do mà chính Thủ tướng của nó gần đây đã gọi là “không thể cưỡng lại.” Hay nó có thể đứng về phía công lý, trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, và ngay lập tức chấm dứt tình trạng quản thúc áp đặt đối với bà vợ ông.
-------------------
Václav Havel là cựu Tổng thống nước Cộng hòa Czech. Desmond Tutu là Tổng Giám mục danh dự của Cape Town. Hai ông là đồng chủ tịch của Freedom Now, đại diện pháp lý cho Lưu Hiểu Ba với tư cách là luật sư quốc tế của ông.

Bản tiếng Việt © 2010 Hiếu Tân
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Chú thích của talawas: Tổng Giám mục Desmond M. Tutu (1931) được trao Giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực chống chế độ kì thị chủng tộc tại Nam Phi.
.
.
.

No comments: