Friday, October 22, 2010

CÓ PHẢI BÁO CHÍ TRUNG QUỐC ĐANG THỨC TỈNH ?

Đăng bởi anhbasam on 22/10/2010

Có phải báo chí Trung Quốc đang thức tỉnh?
Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo đã nhận thấy những gì mà họ cho là những chồi xanh.
John Berthelsen
19-10-2010

Các nhà báo Trung Quốc đang bắt đầu phản đối việc tấn công, sách nhiễu và bắt giữ, theo một báo cáo đặc biệt của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) tại New York. Báo cáo lập luận, cuộc tranh luận về quyền báo chí và lập trường của chính phủ trung ương có thể báo trước tương lai của một cuộc cải cách rộng lớn hơn.
Trong báo cáo ngày 19/10, có thể tìm ở đây, do nhà nghiên cứu CPJ Madeline Earp đưa ra cho biết, những cuộc phỏng vấn với hơn  mười nhà báo, luật sư, nhà phân tích cùng với việc xem xét năm trường hợp gần đây “chỉ ra một cộng đồng báo chí đang khẳng định các nguyên tắc về quyền báo chí – nếu không phải là tự do báo chí – và ít nhất là tìm kiếm sự thành công giới hạn”.
Báo cáo cho biết, thông qua các blog, tin nhắn văn bản và phản đối công khai, ít nhất một nhà báo bị bắt giam đã được thả tự do, lệnh bắt giam một người khác bị hủy bỏ và nhà điều hành một tập đoàn hàng đầu đã đưa ra lời xin lỗi sau cuộc đối đầu với một tờ báo. Theo CPJ, vào tháng 1/2009, Trung Quốc có 24 nhà báo ở trong tù – nhiều hơn bất cứ quốc gia nào.
Sự quả quyết mới của các nhà báo Trung Quốc xuất hiện ở thời điểm khi nhiều người khác bắt đầu lên tiếng, đặc biệt là sau việc nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được chọn lựa cho giải Nobel Hòa bình. Lưu đã bị tống giam do vai trò của mình trong việc soạn thảo bản tuyên ngôn Hiến chương 08 (Asia Sentinel đưa tin ngày 7/1/2009) hai năm trước đây kêu gọi cải cách dân chủ.
Như New York Times tuần trước đưa tin, một nhóm quan chức đảng cộng sản đã đưa ra một bức thư ngày 1/10 yêu cầu chính phủ hủy bỏ kiểm duyệt và kêu gọi thực hiện không kiểm duyệt với sách, báo, tạp chí cũng như dỡ bỏ các hạn chế với Internet. Trong số 23 người ký vào bức thư này, có Lý Nhuệ, nguyên là một thư ký của Mao Trạch Đông, người sau này bị cầm tù vì chỉ trích sự quá mức của Mao, cũng như các cựu quan chức cấp cao khác của Nhân dân Nhật báo, Trung Hoa nhật báo và những người nghỉ hưu khác như một người nguyên là quản lý Tử Cấm Thành và nguyên phó chính ủy Quảng Châu. Theo thông tin của Times, kể từ đó tới nay, hơn 400 người khác đã ký vào lá thư.
“Việc tổ chức những hành động phản đối của các nhà báo vẫn khác thường, nhưng các thông tin về các quyền lợi của nhà báo đang tăng lên”, báo cáo của CPJ dẫn lời Chiêm Cường, một giáo sư Khoa Truyền thông và Báo chí Quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và cũng là nhà phân tích truyền thông nổi tiếng nói. Chiêm cho biết, các sản phẩm trực tuyến và phương pháp kỹ thuật số có vai trò quan trọng trong chuyện bảo vệ báo chí đang nổi lên như một vấn đề được đề cập rõ ràng.
Tuy nhiên, chính phủ tiếp tục có hạn chế gay gắt nhằm vào những sự chống đối với quyền lực trung ương hay đảng cộng sản.
Báo cáo cho biết, rất nhiều nhà báo Trung Quốc mô tả về một xu thế rộng nhưng gia tăng. Các nhà báo nói ít hơn về cụm từ “tự do báo chí”, với nghĩa rộng của nó là dân chủ kiểu phương Tây, hơn là cụm từ “các quyền truyền thông” bởi ý nghĩa của từ “tự do” tại Trung Quốc.

Phản đối để thúc đẩy các ranh giới
Trong vài tháng gần đây, báo cáo cho biết, các nhà báo Trung Quốc đã tiến hành tổ chức hai cuộc phản đối nhằm thúc đẩy những ranh giới của những gì chính phủ cho phép. Mỗi trường hợp đều liên quan tới các lá thư khiếu nại được công bố trực tuyến công khai. Mặc dù những vi phạm về các quyền nghề nghiệp được mô tả ở mức độ tương đối nhỏ, nhưng các tác giả trong đó đã đề cập tới mối đe doạ ngấm ngầm, rộng lớn hơn tới quyền của họ, ám chỉ đến sự liên can của các quan chức chính phủ. Nhà kiểm duyệt đã hạn chế tranh luận về mỗi bức thư, nhưng ảnh hưởng của nó trong ngành công nghiệp này thực sự đáng kể.
Bên cạnh việc gia tăng nhận thức công chúng, các nhà báo nói với CPJ, hai bức thư đã góp phần xây dựng cảm nhận tập thể trong giới truyền thông. Các nhà báo cho hay, họ lạc quan rằng, một thông điệp sẽ được chuyển tải tới các đồng nghiệp và ông chủ của họ. Khi một phóng viên gặp rắc rối, một người nói, “Điều tồi tệ nhất báo chí có thể làm là yên lặng. Điều cốt yếu là nói thẳng thắn, và khuyến khích người khác cũng làm như vậy”.
Trong một trường hợp nhạy cảm, truyền thông im lặng
Sự quả quyết của truyền thông có những hạn chế của nó, báo cáo cho biết. Khi Gheyret Niyaz, người biên tập chừng mực của Uighurbiz, một trang web tiếng Trung Quốc tập trung vào những vấn đề Uighur bị kết án 15 năm tù vì tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, việc kết án được coi là quá nhạy cảm khi đưa ra thông tin trên báo chí chính thống hay tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng nhà báo chuyên nghiệp. Hiệp Hội Nhà báo toàn Trung Quốc im lặng. Sáu ngày sau khi Niyaz bị kết án – cũng giống như các nhà báo từng giành thắng lợi trong những cuộc tranh cãi khác, một toà án Urumqi đã tuyên án với ba người quản lý khác của trang web Uighur với án tù từ 3-10 năm vì tội gây nguy hiểm an ninh quốc gia, báo cáo cho biết. Những trường hợp này hầu như không được đưa tin trong báo chí truyền thông nội địa.
Cũng như các quyền truyền thông, cải cách chính trị đã được tranh luận thường xuyên trong các phương tiện truyền thông Trung Quốc,  và ảnh hưởng từ các nhà lãnh đạo chính trị. Một ví dụ gần đây hồi tháng 8, trong suốt bài phát biểu kỷ niệm 30 năm ngày Đặng Tiểu Bình thành lập một đặc khu kinh thế ở thành phố Thâm Quyến – một cột mốc trong phát triển kinh tế của Trung Quốc – Ôn Gia Bảo đã nói tới sự cần thiết để “thúc đẩy những cải cách hệ thống chính trị” cũng như kinh tế. Những cải cách chính trị ấy phải “bảo vệ dân chủ và quyền lợi hợp pháp của người dân”, ông nói, theo thông tin của báo chí địa phương.
Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản lần thứ 18, khi các nhà lãnh đạo hiện tại gồm Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo được cho là sẽ nghỉ hưu, có thể diễn ra vào mùa thu 2012, báo cáo nhấn mạnh.
“Một số nhà báo và nhà phân tích mong đợi ở thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ biến lời nói đầy hứa hẹn vào cải cách thể chế. Nhiều người khác thì không tin rằng, các nhà lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản thậm chí sẽ thực hiện những cải cách hợp pháp, có ý nghĩa để giảm bớt quyền lực của chính phủ trung ương.
“Một dấu hiệu của những gì có thể xảy ra có lẽ sẽ thấy được trong những tháng tới. Các nhà lãnh đạo Đảng có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi để mở rộng cải cách chính trị bằng việc cho phép các nhà báo, lúc ấy, được tự do đưa tin và viết xã luận”, Earp viết. “Bằng cách thúc đẩy vẻ bề ngoài của các quyền báo chí trong khi vẫn hạn chế nặng nề phương tiện truyền thông, họ sẽ gửi đi một tín hiệu chính trị rất khác biệt, một tín hiệu rằng những cam kết cải cách chỉ trong những điều khoản sẽ bảo vệ quyền lực của đảng”.

Người dịch: Nguyễn Hùng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
Nguồn: asiasentinel
.
.
.

No comments: