Friday, October 15, 2010

TRANH LUẬN Ở TRUNG QUỐC VỀ GIÁ TRỊ PHỔ CẬP

The Economist
Đăng ngày 15/10/2010 lúc 07:26:33 EDT

Chưa hẳn là Trung Quốc khước từ những giá trị Tây phương chẳng hạn như dân chủ. Đúng hơn họ đang tranh cãi về những giá trị này.

Ngày 19 tháng 7, sinh viên tốt nghiệp của một trong những đại học hàng đầu của Trung Hoa về Quản trị kinh doanh đến thính đường đại học để nghe lời từ biệt của ông Khâm Tiếu (Qin Xiao), chủ tịch của một ngân hàng quốc doanh. Họ không ngờ lại được nghe những điều sau đây. Thay vì kêu gọi họ kết hợp để đẩy mạnh tiến trình tấn tiến hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Hoa, ông Khâm kêu gọi họ chống cự lại sức quyến rũ của vật chất thế gian và theo đuổi những « giá trị phổ cập » như là tự do và dân chủ.
Diễn văn của ông Khâm chuyển đạt đến 2.000 người tại trung tâm thể thao Thanh Hoa Đại Học (TsingHua University) tiếp gió vào lửa tranh luận ý thức hệ đang âm ỉ tại Trung Hoa trong hai năm vừa qua. Một câu hỏi triết lý để xét xem những giá trị phổ cập có hiện hữu hay không đã trở thành một cuộc đấu tranh chính trị, chia rẽ các học giả, giới truyền thông và theo một số chuyên gia, ngay cả giới lãnh đạo Trung Hoa. Sự phân hóa đã có phần trở nên rõ rệt vào lúc đảng Cộng Sản Trung Hoa chuẩn bị một cuộc thay đổi toàn diện cấp lãnh đạo vào năm 2012. Nhóm chủ trương tự do sẽ cống lèo lái cấp lãnh đạo tương lai để cho họ thấy rõ đường đi.

Ông Khâm, về hưu vào ngày 21 tháng 9 sau chín năm làm chủ tịch Ngân Hàng Nhà Buôn, một ngân hàng lớn đứng hàng thứ sáu trong nước, nói rằng việc công nhận những giá trị phổ cập là trung tâm điểm của những vấn đề trọng đại mà Trung Quốc đang phải đương đầu với sự phát triển, từ vấn đề đô thị hoá cho đến việc cung cấp những dịch vụ công cộng và việc sở hữu tài sản Nhà Nước. Ông nói : « Giá trị phổ cập cho chúng ta biết là chính quyền phải phục vụ nhân dân, tài sản thuộc về dân chúng và việc đô thi hóa nhằm vào phúc lợi của người dân.».Ông nói tiếp:
« Những người ủng hộ « mô hình Trung Quốc » lại nghĩ trái ngược lại ; họ cho rằng nhân dân phải tuân lệnh chính quyền, Nhà Nước phải kiểm soát những tài sản và quyền lợi của cá nhân phải phụ thuộc vào lợi ích phát triển của địa phương. »
Danh từ « giá trị phổ cập », hoặc pushi jiazhi, là một danh từ mới trong cuộc tranh luận chính trị ở Trung Quốc – một điều đáng ngạc nhiên vì những ý niệm thường đi cùng với danh từ này, chẳng hạn như tự do, dân chủ và nhân quyền đã được đem ra tranh cãi không ngừng nghỉ trong suốt 30 năm. Nhiều học giả Trung Quốc nghĩ rằng cuộc tranh luận thật sự bắt đầu vào năm 2008 sau cuộc động đất tại tỉnh Tứ xuyên đã làm thiệt mạng khoảng 80.000 người. Mười ngày sau khi thảm họa sẩy ra, một tờ báo khuynh hướng tự do ở phía Nam tỉnh Quảng Đông, tờ Nam Phương Chu Mạt, đăng một bài xã luận khen ngợi phản ứng nhanh chóng của chính quyền. Tờ báo viết họ « đã chu toàn trách nhiệm đối với nhân dân của mình và đối với cả thế giới vì đã tôn trọng những giá trị phổ cập ».

Chỉ cần đề cập đến đanh từ này thôi cũng đủ làm nóng máu các nhóm thủ cựu. Một loạt những bài bình luận xuất hiện trên các nhật báo ở bắc Kinh và trên các trang mạng thủ cựu nhằm đả phá ý niệm về giá trị phổ cập và xem đó là là một âm mưu của Tây phương để lũng đoạn quy luật của đảng. Lúc đó Trung Hoa đang chuẩn bị để tiếp đón Thế Vận Hội vào tháng Tám 2008 với khẩu hiệu « một thế giới, một giấc mơ ». Nhưng nhóm thủ cựu lo sợ việc chấp nhận những gía trí phổ cập có nghĩa là chấp nhận ưu thế của những hệ thống chính trị Tây phương. Vào tháng Chín, sau khi Thế Vận Hội kết thúc, chính cơ quan ngôn luận của đảng, tờ Nhân Dân Nhật Báo nhảy vào cuộc tranh luận. Một bài báo có ký tên hẳn hoi tố cáo những kẻ ủng hộ những giá trị phổ cập đang tìm cách Tây phương hoá Trung Hoa và biến nó thành một nền kinh tế thả lỏng và không còn hỗ trợ cho « xã hội chủ nghĩa với bản sắc Trung Hoa ».

Cuộc tranh luận tái diễn vào tháng Chạp năm 2008 khi cả trăm trí thức đòi hỏi tự do và những nhà đối lập ra mặt ký một bản tuyên ngôn ủng hộ giá trị phổ cập, được biết với tên là Linh Bát Hiến Chương (
零八宪章 - Língbā Xiànzhāng). Hiến chương ghi nhận Trung Hoa đang đứng trước một sự lựa chọn là duy trì hệ thống độc đoán hoặc là « công nhận những giá trị phổ cập, xáp nhập vào trào lưu văn hóa của thế giới và xây dựng dân chủ ». Hiển nhiên đây là một bước quá lố đối với giới lãnh đạo của đảng. Gần đây, các giới chức Trung Hoa đã lên tiếng cảnh báo về những trắc trở ngoại giao nếu giải thưởng Hòa Bình Nobel, thông báo vào ngày 8 tháng 10, được trao cho người thảo Hiến Chương 08, ông Lưu Hiểu Ba. Ông Lưu, người được thiên hạ đồn đãi có khả năng thắng giải, đang phải chịu án tù 11 năm vì vài trò của ông . Ngày 28 tháng Chín, một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao tuyên bố những hành động của ông « hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng của Giải Hòa Bình Nobel ».

Thành quả kinh tế lớn mạnh của Trung Hoa trong thời gian khủng hoàng tài chánh toàn cầu là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhóm thủ cựu. Trong một cuộc khoa trương úp mở để chứng tỏ Trung Hoa có những giá trị riêng của mình, các giới chức tại Bắc Kinh tuần này đã tổ chức đại lễ ăn mừng đầu tiên trên quy mô rộng lớn ngày sinh nhật của Không Tử (lần thứ 2.561) từ khi Đảng Cộng Sản bắt đầu lên nắm chính quyền. Nhóm thủ cựu thích trưng bày sự tương phản giữa những trọng điểm của đạo Khổng về sự hài hòa của xã hội và nguyên tắc luân lý với điểm trọng yếu về nhân quyền của Tây phương.

Nhưng nhóm đối kháng vẫn hăm he tuốt kiếm. Nhóm tự do xem Thủ Tướng Ôn Gia Bảo như là vô địch về giá trị phổ cập. Tháng 11 năm 2008, một bài đăng trên những trang mạng của nhật báo Quảng Đông nêu đích danh hai ông Ôn Gia Bảo và Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào là những người ủng hộ ý niệm này. Cả hai vị này chưa hề công khai sử dùng danh từ pushi jiashi( giá trị phổ cập), nhưng họ Ôn, ít ra, đã hỗ trợ mạnh mẽ phe tự do. Năm 2007, ông đã viết « khoa học, dân chủ, pháp trị, tự do và nhân quyền không chỉ duy nhất áp dụng cho chủ nghĩa tư bản, những đó là những giá trị chung mà loài người vẫn theo đuổi trải qua thời gian dài của lịch sử. » Lời kêu gọi của ông Ôn vào cuối tháng 8 nhằm cải cách chính trị đã gây nhiều phản ứng tức khắc của giới truyền thông thủ cựu, lên án kiểu dân chủ Tây phương.

Nhám thủ cựu xác nhận họ được sự hỗ trợ của ngành tuyên truyền của đảng. Ngành này nắm quyền kiểm soát giới truyền thông tại Bắc Kinh. Họ được sự hỗ trợ của Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình qua bài diễn văn ngày 1 tháng Chín. Ông Bình là người có rất nhiều triển vọng nhận lãnh chức vị Tổng Bí Thư đảng từ tay ông Hồ vào năm 2012 và chức Chủ Tịch vào năm sau. Trong diễn văn của ông Tập rải rác nhiều quy chiếu về các giá trị, nhưng những giá trị này không mấy gần gũi với giái trị phổ cập. Ông có đề cập đến gương mẫu của nhiều đảng viên tầm thường, bằng sự tận tụy với quyền lợi của đảng, đã trả lời « câu hỏi cơ bản về những mục tiêu chính và những giá trị cao nhất của một người cộng sản ». Một học giả Trung Hoa có liên hệ mật thiết với các giới chức thủ cựu nói rằng có sự phân hóa trong hàng ngữ lãnh đạo cao cấp về tính chất phổ cập.

Chắc chắn họ đã chao đảo. Bạch thư đầu tiên của chính quyền về dân chủ tại Trung Hoa năm 2005 bắt đầu với những hàng chữ như sau : « Dân chủ xuất phát từ sự phát triển văn hóa chính trị của nhân loại. Đây cũng là nguyện vọng chung của con người trên khắp thế giới ». Một người viết dự thảo văn thư nói rằng hiện nay ông nghĩ rằng những danh từ này « không thích hợp ».

The Economist
30-09-2010
Nguyễn Gia Thưởng chuyển ngữ
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: