Tuesday, October 19, 2010

TẠP CHÍ "THƯ QUÁN BẢN THẢO" KỶ NIÊM NĂM THỨ 10

20/10/2010 | 5:35 sáng

 “Trong lúc tình trạng báo văn học nghệ thuật phát hành “dưới đất” càng ngày càng bi quan: Hầu hết đã bị khai tử như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 v.v… thì  tạp chí Thư Quán Bản Thảo – một tạp chí không bán, không quảng cáo – lại kỷ niệm 10 năm có mặt với chủ đề Tưởng Niệm nhà văn Thảo Trường gồm những bài viết chưa hề xuất hiện trên báo (đất hay mạng) của Nguyễn Lệ Uyên, Trần văn Nam, Khuất Đẩu, Nguyễn Văn Trung và Đặng Tiến. Ngoài ra còn giới thiệu hai cây bút thuộc thế hệ thứ hai: Angie Châu (viết bằng tiếng Anh) và Kim Phúc (viết bằng tiếng Pháp). Cộng thêm một bài viết về cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo về những nhân vật trong tiểu thuyết…

Để cắt nghĩa tại sao một tạp chí lại sống vững đến 10 năm, với một số lượng phong phú tác phẩm được liên tục xuất bản, biếu tặng, trong số mới nhất (số 44 tháng 10-2010), người chủ trương – nhà văn Trần Hoài Thư – dưới tiêu đề  “Mười ngọn nến cho ngày sinh nhật TQBT”, đã viết:
Cũng vào thời gian này, 10 năm về trước, số báo đầu tiên của tạp chí Thư Quán Bản Thảo được ra đời, èo ọp, mỏng manh chưa đầy 100 trang, tranh bìa của Trần Quí Thoại, khổ chữ 8 li ti đọc muốn nổ tròng con mắt!
Chúng tôi bắt đầu làm với vốn liếng chỉ là một khẩu súng Hot melt glue gun với giá $15, những thẻ keo chảy (Hot melt  glue sticks), cùng với một máy in hiệu HP 5SI in ruột, một color printer in bìa, một máy cắt giá rẻ mạt mua từ Ebay. Chúng tôi chẳng có một tí ti gì về kinh nghiệm in ấn. Cũng chẳng cần đắn đo tính toán để nghĩ là sau 3 số tặng không, không một quảng cáo, không một mạnh thường quân bảo trợ thì lấy tiền đâu để mua giấy mua mực, hay mua tem làm cước phí cho những số kế tiếp
Vậy mà giờ đây tạp chí đã có mặt được mười năm, với 44 tập. Mỗi tập dày trên 200 trang trừ số 1 và 2! Cộng thêm một cơ sở xuất bản là Thư Ấn Quán, với sự ra đời của biết bao nhiêu đầu sách, nhớ không xuể. Có những tập dày gần 900 trang, khâu chỉ, bìa cứng. Có những tập mỏng khoảng 80 trang, giấy loại quí hiếm đặc biệt. Lại thỉnh thoảng chơi sang. Bìa sách được ép láng bằng phim laminate, ngay cả nhà in cũng không dám chơi vì rất đắt và rất tốn công phu.
Nhiều bạn đọc lo lắng dùm. Cho sức khỏe. Và cho tình trạng tài chánh của chúng tôi. Có bạn bảo chúng tôi khùng - crazy!
Cám ơn quí bạn. Dĩ nhiên là phải cực, là phải hao tốn. Nhưng đổi lại, cho phép chúng tôi kể ra từ sâu thẳm tấm lòng: chúng tôi có một thứ hạnh phúc kỳ diệu: Hạnh phúc của người thợ gặt trúng được mùa màng dư dật niềm vui.
Trên đời này, tùy theo quan niệm cá nhân, một niềm vui nào đó có thể ít hay nhiều, lớn hay nhỏ, tầm thường hay cao cả. Có niềm vui đến rồi đi như thời gian đã bỏ chúng ta, nhưng cũng có niềm vui mang thời gian theo bên đời ở với ta mãi mãi. Có khi nó là liều thuốc quí, giúp ta sức mạnh. Nó không phải là những lời tung hô, vinh danh phù phiếm. Trái lại, nó giúp mình sống đẹp, làm đầu mình ngẩng cao. Nó làm tâm hồn mình lớn dậy chẳng những hôm qua mà mãi đến bây giờ.
Như thể hôm nào: niềm vui rộn ràng từ những buổi sáng tinh sương, cùng với đám con côi cút trở về từ những điểm làm ăn đêm… Áo quần ta dính đầy bùn sình dầm nước, thân thể thì lạnh run. Ta đập cửa quán bên đường để gọi cốc xây chừng và để xin nhờ hơi nóng từ bếp lửa hồng sưởi ấm. Cô hàng thương tình chụm lửa nấu nước. Niềm vui như nồi nước đầu ngày sôi réo gọi và êm ái như tiếng củi cháy lách tách kêu dòn trong bếp quán.
Một quán nghèo bên đường, một cô hàng xinh vẫn còn ngái ngủ, đôi má ửng hồng vì lửa (hay vì e thẹn), một cốc xây chừng chỉ mấy đồng bạc. Đơn giản như vậy đó. Tầm thường như vậy đó. Vậy mà ta mua được một niềm vui cho cả đời cả kiếp.
Cô hàng chợ Huyện mơ gì nhỉ
Mà sao yên lặng như tương tư
Tôi biết đêm rồi không chó sủa
Đêm rồi tôi cũng dệt cơn mơ
Cô hàng chợ Huyện  mơ gì nhỉ
Sáng đã lên rồi cô biết không
Cô hiểu lòng tôi giờ ấm lắm
Khi trống trường vọng lại bâng khuâng[1]
Bây giờ cũng vậy. Thay vì tiếng trống trường vang lên rộn ràng thì nay là niềm vui xôn xao của chữ nghĩa. Từ đó, cánh cửa như những trang sách tiếp tục mở ra. Mở ra cho những niềm vui nho nhỏ nở thêm hoa, thêm búp. Mở ra để chúng tôi biết rằng, hành trình mà chúng tôi đang theo đuổi là có bạn bè độc giả luôn luôn có mặt bên cạnh. Từ đó trước lạ sau thành thân thiết. Có bạn đọc từ số 1 đến bây giờ. Có bạn mới nghe và gởi thư yêu cầu tặng sách. Có bạn tận Phan Rí Cửa ở VN. Có cháu ở Hà Nội xin TQBT cung cấp về Thanh Tâm Tuyền. Có người sinh viên khoa Ngữ Văn ra trường hạng Ưu và gởi thư cám ơn TQBT về những tài liệu Di sản văn học miền Nam. Có bạn ở Úc xin số chủ đề Y Uyên, Nguyễn Bắc Sơn. Có anh ở Cali hỏi Văn, Thời Tập. Có cô em hỏi Chàng Nho Sinh dưới Gốc Tùng của Lữ Kiều. Có bạn tình nguyện bỏ công đánh máy hay tình nguyện giúp sửa lỗi chính tả… Rồi những trang mạng như talawas.org, Damau.org, vanchuongviet.org mong chúng tôi hợp tác về những chủ đề về di sản văn học miền Nam… Chúng tôi cám ơn họ, và trong những lá thư, chúng tôi bảo là rất vui vì họ đã giúp chúng tôi khỏi… thất nghiệp.
Không thổi đèn cầy, không hát happy birthday to Thư Quán Bản Thảo, nhưng những ánh lửa hồng từ 10 ngọn đèn cầy đã thấy đâu đó dưới căn hầm bề bộn này. Qua ba chiếc máy in HP 5SI đang đồng ca. Qua những đường dây cable USB chuyển những tín hiệu, những chữ nghĩa đến các máy in. Qua một đêm mất ngủ, thay vì đầu óc nóng bừng, thì trái lại, để đêm thân mật cùng máy móc, cùng chữ nghĩa. Qua một cuốn sách nữa mới ra lò, giấy còn tươi mực, bìa còn thắm màu tranh. Qua chiếc laminator (máy ép phim plastic) $30 may mắn mới mua từ một ngôi nhà bán garage sale cheo leo trên một vùng chập chùng núi và đồi nào đó cách hơn ba giờ đồng hồ xe chạy mà giá thị trường gấp cả hai, ba chục lần! Nó là một tặng vật vô giá bất ngờ. Nó chạy êm ru. Nó nhả ra những bìa láng bóng. Nó giúp làm sáng lên hình tranh của người hoạ sĩ và sáng cả tâm hồn chúng tôi, bây giờ.

Sách không bán. Muốn có sách xin gởi (tùy tâm) TEM Bưu điện Mỹ làm cước phí.
Thư Quán Bản Thảo
P.O
Box 58
South Bound Brook, NJ 08880″
--------------------------
[1] Trong Ô cửa, tập thơ của Trần Hoài Thư.
.
.
.

No comments: