Wednesday, October 20, 2010

MỘT SỰ CAN THIỆP KỊP THỜI (The Washington Post)

Washington Post
Đinh Từ Thức dịch
20/10/2010 | 8:08 sáng

Có thể bắt đầu cho rằng thời điểm Ủy ban Nobel tặng giải Hòa Bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) rất ấn tượng. Mặc dầu gặp phản ứng dữ dội từ giới chức Trung Quốc, sự vinh danh một người tù đối kháng đã diễn ra vào lúc một phần quan trọng của giới tinh hoa – kể cả ít nhất một thành viên có chức vị cao – đã tỏ ra sẵn sàng đón nhận hay ít nhất thảo luận về đề tài do ông Lưu nêu ra là tự do ngôn luận, tự do hội họp và các nhân quyền khác.

Một dấu hiệu là bức thư ngỏ của 23 nhân vật lão thành trong Đảng Cộng sản (1), hình như đã được thảo ra trước khi ông Lưu được giải Nobel nhưng chỉ mới công bố tuần rồi. Được ký tên bởi một cựu bí thư của Mao Trạch Đông và một người vốn đứng đầu cơ quan tuyên giáo của Đảng, kể cả những chủ bút hàng đầu của Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc nhật báoTân Hoa Xã, thư ngỏ đòi hỏi tự do ngôn luận được bảo đảm bởi hiến pháp Trung Quốc phải được tôn trọng. Nó lên án giới thư lại của đảng Cộng sản cầm quyền về việc thi hành chế độ kiểm duyệt.
Lá thư viết:
Nước Anh đã không còn kiểm duyệt từ năm 1695. Pháp đã bỏ chế độ kiểm duyệt từ năm 1881… Chế độ kiểm duyệt hiện tại của chúng ta làm cho tin và sách xuất bản tại đất nước chúng ta lạc hậu 315 năm so với nước Anh và 129 năm sau nước Pháp.”

Văn bản của nhóm lão thành đã được nối tiếp vào thứ Sáu vừa qua bằng một lá thư thứ nhì (2), được ký tên bởi hơn 100 nhà trí thức bất đồng chính kiến và các nhà vận động nhân quyền. Thư này đã ngang nhiên hoan nghênh giải Hòa Bình và kêu gọi “phóng thích những người đã bị giữ trái phép” từ ngày 8 tháng Mười, là ngày giải thưởng được loan báo. Nhằm đúng dịp khai mạc hội nghị trung ương Đảng Cộng sản, thư kêu gọi giới thẩm quyền “giữ đúng lời hứa thường nhắc lại là cải tổ chế độ chính trị.”

Điều làm cho tất cả chuyện này đặc biệt hấp dẫn là những lời hứa đó đã được nhắc lại gần đây bởi ông Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao), Thủ tướng Trung Quốc. Từ tháng Tám tới nay, ít nhất đã có sáu lần ông Ôn tuyên bố trước công chúng điều có thể coi là lấy từ Linh Bát Hiến Chương mà ông Lưu đã góp phần thảo ra. Ông nói trong một bài diễn văn tại Thâm Quyến (Shenzhen) rằng: “Thiếu cải tổ an toàn về chính trị, những thành quả về cải tổ kinh tế sẽ không còn và mục tiêu hiện đại hóa sẽ không thành tựu.” Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Fareed Zakaria công bố trên CNN vào đầu tháng vừa rồi, ông nói “nguyện vọng của dân chúng và sự cần thiết của dân chủ cùng tự do là điều không ngăn cản được”, và “tự do ngôn luận không thể thiếu được tại bất cứ quốc gia nào.” (3)

Giới theo dõi tình hình Trung Quốc đang bàn tán liệu những điều ông Ôn nói là nghiêm chỉnh và phải chăng ông nói cho bất cứ ai khác ngoài chính ông. Các bậc lão thành trong đảng chua chát chỉ ra rằng những lời tuyên bố của ông thủ tướng đã không được truyền thông quốc nội nhắc đến. Họ nói: “Ngay cả Thủ tướng của đất nước chúng ta cũng không có tự do ngôn luận hay báo chí.” Dầu sao, một cuộc thảo luận đang diễn ra, tuy vẫn còn yếu và chưa thông suốt. Điều này có nghĩa là những can thiệp của ảnh hưởng từ bên ngoài, giống như của ủy ban Nobel, có thể quan trọng. Chính quyền Obama, mà gần đây đã bắt đầu lên tiếng về nhân quyền, cũng nên nhập cuộc.

Nguồn: “A well-timed intervention, bình luận chính của The Washington Post, ngày 19 tháng 10, 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
--------------------------------------
.
.
.

No comments: