Sunday, October 17, 2010

TÂN TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CSVN KHÔNG THẦN PHỤC TRUNG QUỐC ? (Phan Bá Việt)

Phan Bá Việt
Đăng ngày 16/10/2010 lúc 19:52:50 EDT

Bài viết “Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay” của ông Nguyễn Thanh Giang có ghi lại bốn ý chính mà ông Lê Đức Anh trao đổi với ông Đăng Quốc Bảo:
1. Tình hình rất đáng quan ngại là hiện nước ngoài đang tích cực can thiệp vào vấn đề nhân sự đại hội XI của Đảng ta.
2. Điều rất nguy hiểm là họ đang âm mưu dựng Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư.
3. Người ngoan ngoãn vâng lời Trung Quốc đến mức vô nguyên tắc là Nông Đức Mạnh.
4. Dẫu chưa thỏa đáng lắm nhưng, trong tình hình này, có thể là nên chấp nhận Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí thư.

Phát biểu của ông Lê Đức Anh đặt ra hai vấn nạn. Một là Trung Quốc đang là chỗ dựa vững chắc cho đảng cộng sản Việt nam, giúp đảng có thể trụ được để bảo vệ quyền lực. Vậy liệu có thể có một Tổng Bí Thư Đảng không thần phục Trung Quốc hay không? Hai là, với tình hình hiện nay, Trung Quốc có còn là chỗ dựa đủ vững chắc cho Đảng Cộng Sản Việt Nam không?

Vấn nạn thứ nhất đã được kiểm nghiệm với thực tế cho thấy khó có thể có một Tổng Bí Thư Đảng không thần phục Trung Quốc. Bởi vì không thần phục Trung Quốc thì đảng sẽ bơ vơ và sớm muộn sẽ bị mất quyền lực, cùng với mọi đặc quyền đặc lợi, không chừng còn phải trả lời về những lạm quyền trong quá khứ. Dưới thời Lê Duẩn, đảng không thần phục Trung Quốc và dựa vào Liên Xô, khi chỗ dựa Liên Xô bị sụp đổ, đảng đã phải quay về dựa vào Trung Quốc để có thể trụ được, như Hồi Ức của Ông Trần Quang Cơ đã ghi lại. Như vậy việc kêu gọi của ông Lê Đức Anh ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng, con đỡ đầu của Lê Đức Anh mà nguồn tin khác còn cho là con ruột của ông, chỉ là việc hù doạ trong đảng để đưa con mình lên. Nhất là hiện nay Nguyễn Tấn Dũng đang bị mất uy tín với dân chúng và trong đảng vì nhiều vụ tham nhũng tầy trời và vì quá bất tài. Điều đó cho thấy là Đại Hội đảng lần thứ XI sắp tới cũng sẽ chỉ có thể bầu được một Tổng Bí Thư đảng thần phục Trung Quốc không nhiều thì ít để đảng tiếp tục bám trụ. Và như vậy mọi việc sẽ vẫn như cũ.

Vấn nạn thư hai là thực tế đang mau chóng khiến Trung Quốc không còn là chỗ dựa vững chắc cho Đảng Cộng Sản Việt Nam nữa. Ngày sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc, theo một kịch bản tương tự như của Liên Xô hai mươi năm trước đây, đã gần kể. Tình hình sẽ không thể như trước được nữa. Nó hứa hẹn những thay đổi dồn dập và ngoạn mục.

Giải Nobel Hoà Bình cho Lưu Hiểu Ba vừa đem lại cho đối lập dân chủ Trung Quốc một biểu tượng lớn vừa đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với dư luận của cả thế giới. Giải Nobel hòa bình có sức mạnh tinh thần và hiệu quả của nó. Đừng quên rằng Liên Xô đã bắt đầu tiến trình sụp đổ khi Sakharov được giải Nobel Hòa Bình.

Quan trọng hơn là lập trường dân chủ hóa mạnh mẽ của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo. Ông này là nhân vật thứ hai của chế độ nhưng lại là lãnh tụ được lòng dân nhất. Bộ Chính Trị Trung Quốc không thể cách chức và bịt miệng ông ta như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương trước đây. Họ không có cái uy của Đặng Tiểu Bình. Ôn Gia Bảo sẽ còn là một biểu tượng dân chủ mạnh hơn cả Lưu Hiểu Ba.

Thêm vào đó, Trung Quốc hiện rất bị cô lập vì thái độ hung hăng. Lý do của thái độ bá quyền là vì các lãnh tụ hiện nay đều xa lạ với quân đội và không kiểm soát được quân đội. Họ luôn luôn phải lấy lòng quân đội bằng cách lên gân, nhưng như thế lại càng bị cô lập thêm. Sự cô lập này sẽ đưa đến ác cảm với hàng hoá Trung Quốc nếu chính quyền Bắc Kinh tiếp tục ngoan cố thách thức thế giới, trong khi Trung Quốc sống nhờ xuất khẩu khá nhiều.

Một nghiên cứu của giáo sư Désirée Van Gorp thuộc bộ môn International Business Strategy của Đại học Nyenrode tại Breukelen, Hà Lan, cho biết 17% các công ti Hà Lan đã rút khỏi Trung Quốc. Có bốn lí do khiến các hãng này rời Trung quốc. Lí do đầu tiên là việc quản trị các hãng xưởng khó khăn vì ngôn ngữ và văn hoá. Ba lí do còn lại là tiền tốn phí cao hơn dự liệu, phẩm chất kém và việc sản xuất chậm. Ngoài ra những hãng xưởng được phỏng vấn còn cho biết thêm một số lí do khác, như rất khó kiếm được những nhân viên thích hợp, nghĩa là những nhân viên có trình độ học cao, có kiến thức chuyên biệt để làm các công việc như khảo cứu và phát triển (research and development). Với các hàng thời trang thì năng suất và phẩm chất là những yếu tố quan trọng.

Như vậy Trung Quốc sẽ không có chọn lựa nào khác là dân chủ hóa và sẽ rất bối rối. Một kịch bản tương tự như đã thấy tại Đông Âu và Liên Xô khi bức tường Berlin sụp đổ sắp xảy ra cho Trung Quốc và Việt Nam.

Ở đây có một điều quan trọng cũng cần được lưu ý là các chế độ chư hầu KHÔNG đợi mẫu quốc sụp đổ rồi mới sụp đổ. Chúng sống trong niềm tin là chế độ mẫu quốc sẽ bền vững. Ngay khi mẫu quốc chao đảo, chúng sụp đổ. Các chế độ Đông Âu đã sụp đổ trước Liên Xô. Đó cũng sẽ là điều chúng ta sắp chứng kiến tại Việt Nam.

Vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn gì? Muốn đi vào lịch sử như là một đảng đã có công đóng góp vào việc dân chủ hoá và phát triển đất nước hay là một đảng chỉ vì quyền lợi của mình đã thần phục Trung Quốc tới cùng? Tương lai của đảng tùy thuộc vào những quyết định nhân sự của đảng ở kì đại hội đảng lần thứ XI này.

Phan Bá Việt
(Hà Lan)
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: