Sunday, October 17, 2010

ĐỪNG BẮT NHÀ KHOA HỌC VIỆT ĐI BÁN HÀNG


Đôn
Cập nhật lúc 09:47, Chủ Nhật, 17/10/2010 (GMT+7)

Nhân những thảo luận sôi nổi về nạn chảy máu chất xám, tôi muốn viết bài này để làm rõ các vấn đề cơ bản về nghiên cứu khoa học đang hiểu sai và làm sai.


Nghề nghiên cứu khoa học không được trả lương cao
Người ta ai cũng cần một nghề để kiếm sống. Có người làm lao động phổ thông, giản đơn, có người làm kỹ sư, bác sĩ, có người làm chính trị, làm thẩm phán, làm cảnh sát...
Làm nghề gì, cũng phải có kỹ năng và trình độ phù hợp. Những người nào mà định hướng nghề nghiệp là nghiên cứu khoa học thì sẽ phải học cao.
Thường thì họ thử sức với học vị thạc sĩ trước. Nếu thấy không đủ sức thì bỏ ngang đi làm nghề khác, nếu thấy vẫn còn sức thì làm tiếp tiến sĩ, rồi sẽ tập sự với việc làm post-doc, khi đủ kinh nghiệm thì xin làm nghiên cứu viên, giảng viên. Kể từ đó, làm tốt sẽ được lên lương, lên ngạch thành giảng viên chính, thành giáo sư, làm kém thì bị đuổi việc. Không thích làm nữa thì bỏ ra làm nghề khác.
Nói chung, nghề nghiên cứu khoa học không được trả lương cao, mặc dù học vấn cao hơn các nghề khác. Lý do là nghề này không trực tiếp làm ra sản phẩm, lợi nhuận (như kỹ sư, nhân viên bán hàng) hay giải quyết được một vấn đề cụ thể mà người khác cần (như người quét rác, luật sư, bác sĩ).
Sản phẩm của nghề nghiên cứu là tri thức, một thứ không làm ra tiền ngay được. Nhưng muốn làm ra tri thức thì phải đầu tư rất nhiều tiền, một phần để nuôi sống người nghiên cứu và phần còn lại là máy móc, phương tiện, công cụ, nguyên vật liệu,…
Ở đây, cần phân biệt người kỹ sư làm ra máy móc, công nghệ để bán lấy tiền hoặc làm ra tiền, trông có vẻ giống nhưng hoạt động này không phải là nghiên cứu khoa học.
Ví dụ các nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2002 vì đã nghiên cứu các nguyên lý cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), nhưng chính các kỹ sư mới là người làm ra máy chụp MRI sử dụng nguyên lý này để chẩn đoán y học, vì kỹ sư mới có kỹ năng thiết kế máy, cầm mỏ hàn, nối mạch điện, bắt ốc vít, mới chế tạo được, rồi để bán máy MRI cần có người tiếp thị với kỹ năng bán hàng giỏi thì mới thu được lợi nhuận. Các kỹ năng này nhà khoa học không hề có.
Vấn đề là xã hội có cần nghề nghiên cứu hay không, dù là trước mắt chẳng có lợi ích gì mà lại phải đầu tư tiền của quá nhiều. Câu trả lời là rất cần.
Vì dù tri thức do họ làm ra không có ích trong hiện tại, nhưng xã hội luôn có nhu cầu phát triển, các tri thức sẽ là ánh sáng soi đường và nền tảng cho quá trình phát triển đó. Do đó, có thể thấy rằng ở các xã hội mà nghề nghiên cứu không được quan tâm đúng mức thì đều là các xã hội lạc hậu, nghèo đói. Những xã hội đang đói nghèo và lạc hậu muốn tiến lên giàu mạnh đều phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Một đặc điểm của nghề nghiên cứu là không làm ra sản phẩm bán được, nên người hành nghề phải sống nhờ tiền do xã hội đóng góp. Nếu xã hội không góp đủ tiền cho họ sống thì họ phải làm nghề tay trái để đủ sống và hệ quả là sự nghiên cứu không đạt hiệu quả cao nhất được và tiềm năng phát triển của xã hội đó sẽ kém đi. Hay nói cách khác xã hội đầu tư kém cho khoa học sẽ tụt hậu dần.
Một đặc điểm khác của nghề nghiên cứu là do người hành nghề có trình độ học vấn cao, tiếp cận với các tri thức mới nhất, nên họ thường được xã hội kính trọng, hỏi ý kiến và nhờ đến khi cần giải pháp cho các vấn đề mới phát sinh mà những thành phần còn lại của xã hội không giải đáp được. Do đó, ở một xã hội tiên tiến, hệ thống chính trị phải bảo đảm đời sống của người nghiên cứu và phải biết lắng nghe họ.

Vấn đề của nghề nghiên cứu ở Việt Nam
Trước hết, nghề nghiên cứu ở Việt Nam được trả lương quá thấp, không đủ để tồn tại chứ đừng nói là sống. Do đó, người làm nghiên cứu ở Việt Nam phải có các hoạt động phi nghiên cứu để sống, hệ quả là thành quả nghiên cứu không thể khá được.
Một phần vì không đủ sống, một phần vì không được lắng nghe và một phần vì quan niệm ấu trĩ về “ông cử, ông nghè” có từ thời phong kiến nên một bộ phận không nhỏ người được đào tạo để làm nghiên cứu (tức các thạc sĩ, tiến sĩ) lại không làm nghiên cứu mà đi làm quan chức để có bổng lộc và có uy quyền.
Lâu dần đã hình thành nên một quan niệm sai lạc về việc sử dụng học vị thạc sĩ, tiến sĩ, ví dụ để lên ngạch, lên chức. Hoặc xem học vị, học hàm (ví dụ giáo sư) như là danh vọng chứ không phải là một nghề.
Chỉ có ở Việt Nam, giáo sư mới không nằm trong ngạch bậc nghề nghiệp của người nghiên cứu. Ở đại học ta, chỉ có các ngạch giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp, còn phó giáo sư và giáo sư thì chỉ là chức danh, không phải là ngạch công chức.
Và chỉ có ở Việt Nam, trong các bộ trưởng, thứ trưởng có nhiều vị là tiến sĩ, giáo sư, trong khi đó để làm giảng viên lại không cần có bằng tiến sĩ.
Hệ quả là dù đã có mấy vạn tiến sĩ, hàng nghìn phó giáo sư và giáo sư, hàng năm vẫn đào tạo thêm hàng nghìn tiến sĩ nữa, khoa học nước nhà vẫn không tiến lên được. Vì các tiến sĩ đều ra làm quan.
Trước mắt thì không có vấn đề gì, nhưng nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì con đường từ nước có thu nhập trung bình thấp lên nước có thu nhập cao sẽ dài vô tận, trình trạng lạc hậu sẽ tiếp tục kéo dài, nếu không nói là tụt hậu khi mà các nước xung quanh vẫn tiếp tục phát triển.

Hãy làm cho đúng
Nếu ta nhận thức được các vấn đề trên thì ngay bây giờ phải sửa sai đi. Tôi có thể kể ra một số việc cần làm ngay:
- Xóa bỏ việc xét bằng cấp để bổ nhiệm trong hệ thống chính trị. Công chức và cán bộ quản lý nhà nước chỉ cần có trình độ đại học là đủ, quan trọng là phải có kỹ năng làm việc, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân. Tước chức danh giáo sư và phó giáo sư của những người làm công tác quản lý, không liên quan trực tiếp đến nghiên cứu khoa học.
Ví dụ, GS. Lawrence Summers đã từng giảng dạy và làm Giám đốc Đại học Harvard, nhưng khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia thì chỉ còn được gọi là TS. Lawrence Summers chứ không còn gọi là giáo sư nữa.
- Đặt các tiến sĩ, giáo sư về đúng chỗ của họ là trong các trường đại học, các viện nghiên cứu. Bắt buộc giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ.
- Chuyển học hàm phó giáo sư và giáo sư thành ngạch công chức giảng dạy, nghiên cứu. Không coi phó giáo sư và giáo sư là “chức danh” nữa mà là “ngạch công chức giáo dục” với thang lương cụ thể và bản mô tả công việc rõ ràng.
- Tạo ra và nhìn nhận một cách đúng đắn nghề nghiên cứu khoa học gồm các vị trí nghề nghiệp theo hợp đồng có thời hạn như nghiên cứu sinh, trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (post-doc), hay dạng công chức trong biên chế như nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, giảng viên đại học, phó giáo sư và giáo sư. Xét nâng ngạch, nâng lương cho các vị trí này theo thành tích nghiên cứu. Trả lương cho người làm nghiên cứu đủ sống để họ toàn tâm làm nghiên cứu.
- Cung cấp đủ điều kiện, phương tiện làm việc cho người nghiên cứu để họ đạt hiệu suất cao nhất. Thay đổi các định chế về tài chính đối với ngân sách cho khoa học để nhà khoa học không phải lo lắng về hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, thanh toán, quyết toán kinh phí nghiên cứu,… Giảm định mức giờ giảng cho các giảng viên, phó giáo sư, giáo sư để họ có thời gian nghiên cứu nhiều hơn.
- Đừng bắt các nhà khoa học đi bán hàng, bán công nghệ, vì đó là việc của các kỹ sư, nhân viên bán hàng, tiếp thị, của nhà doanh nghiệp. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên thuê nhà khoa học làm tư vấn hay thuê họ làm nghiên cứu đối với những vấn đề cụ thể cần giải quyết.
- Hệ thống chính trị phải biết lắng nghe và tôn trọng một cách chân thành, cầu thị ý kiến của các nhà khoa học khi hình thành các chủ trương, chính sách.
Có như vậy thì mới có tiến bộ và phát triển được.

Đôn (TP.HCM)
.
.
.

No comments: