Tuesday, October 12, 2010

ĐOÀN VĂN NGHỆ LẠC HỒNG KỶ NIỆM 20 NĂM HOẠT ĐỘNG

PHỤNG LINH 
Việt Báo Thứ Ba, 10/12/2010, 12:00:00 AM

Ngày 6-11, Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng Trình Diễn Các Tiết Mục Đặc Sắc Kỷ Niệm 20 Năm Hoạt Động

Hình ảnh văn  nghệ Lạc Hồng

Sau mỗi dịp ra mắt công chúng hàng năm, đoàn Văn nghệ dân tộc Lạc Hồng tại Orange County, Nam California có cơ hội nhìn lại mình, từ con số mười bé nhỏ nay xấp xỉ 120 thành viên. Ngày 6 tháng Mười Một tới là dịp để tất cả các thành viên đoàn Lạc Hồng đem hết sức lực thổi lên ngọn lửa hâm nóng tinh thần yêu thương, gìn giữ nền âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt, nhân kỷ niệm 20 năm hoạt động.

Giáo sư Nguyễn Châu, giám đốc nghệ thuật đoàn Lạc Hồng cho chúng tôi biết, buổi trình diễn sẽ bắt đầu lúc 7 giờ rưỡi tối Thứ Bảy 6 tháng 11 năm 2010 tại Saigon Performing Arts Center, số 16149 Brookhurst, thành phố Fountain Valley, với ba hạng vé: $20, 30 và $50.

PL: Thưa Giáo Sư, lần trình diễn này so với những lần trước đây, nhất là buổi trình diễn đầu tiên, Lạc Hồng đã có những bước đi như thế nào?
GS Nguyễn Châu: Đoàn Lạc Hồng trình diễn nhiều nơi, nhưng riêng tại Orange County, chúng tôi đã ra mắt công chúng khoảng 20 lần. Chúng tôi ước muốn mỗi năm trình diễn một lần tại Orange County để đánh dấu một năm hoạt động, tuy nhiên, đôi khi thực tế không cho phép cho nên trong suốt 20 năm hoạt động đã qua chúng tôi chỉ tổ chức được khoảng 17 – 18 buổi trình diễn.
Có thể nói rằng phẩm chất, qui mô đồ sộ, hình thức nghệ thuật trình diễn của đoàn Lạc Hồng tốt hơn qua từng năm. Buổi trình diễn đầu tiên của chúng tôi chỉ có một ban nhạc và một ban hợp xướng nhỏ thôi, với sỉ số khoảng 10 – 15 người. Sau đó, con số này tăng lên 20 – 30. Các em thiếu nhi đến học ca hát, múa, đàn đông dần giúp chúng tôi xúc tiến việc thành lập các ban thiếu nhi đồng thời với các ban người lớn, đặc biệt từ khi có thầy Lưu Hồng, Vũ Đình Luân phụ trách các ban múa. Hiện nay, Lạc Hồng qui tụ 30 ca viên, với đầy đủ các bộ môn ca - vũ - nhạc, mới nhất là ban trống, tổng cộng khoảng 120 thành viên.

PL: Theo Giáo Sư, phải mất một thời gian bao lâu để có thể trở thành một thành viên chính thức có thể xuất hiện trên sân khấu của Lạc Hồng?
GS Nguyễn Châu: Tính chất đào tạo thành viên của từng môn rất khác nhau. Đối với bộ môn ca - vũ được coi là tương đối dễ nhưng để trở thành người trình diễn chuyên nghiệp cũng mất khoảng vài năm. Trong khi đó, người học đàn muốn trình diễn cùng ban nhạc phải dày công khổ luyện rất công phu, từ ngày đầu chập chững từng nốt đàn cho đến khi trình diễn được là một thời gian rất dài. Hiện nay, anh chị em, các cháu tập ca múa hàng tuần, thường vào cuối tuần. Người học nhạc thì phải học riêng từng người một.

PL: Suốt 20 năm bền bỉ với mục tiêu duy trì hoạt động nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam ở hải ngoại, điều gì khiến Giáo Sư cảm thấy hài lòng nhất?
GS Nguyễn Châu: Chúng tôi không dám tự nhận mục tiêu đào tạo các “nghệ nhân”, mà chỉ có thể nói rằng nơi đây đào tạo một lớp trẻ yêu thích việc học hỏi và trình diễn để duy trì hoạt động, phổ biến ca vũ nhạc cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi chú ý lớp trẻ vì chỉ có các em mới có đủ thời gian và sức lực để gìn giữ, bảo tồn nền nghệ thuật cổ truyền.
Thực tế cho thấy sau 20 năm qua, Lạc Hồng đào tạo được một số em, khoảng mười mấy người cho ba bộ môn ca – vũ - nhạc có kỹ thuật trình diễn rất vững vàng. Các em đã sắp xếp thời giờ dạy lại cho các em trẻ. Còn chúng tôi thì lui về viết bài hoặc chỉ tham dự những buổi tập dợt quan trọng. Công việc hiện nay khá suông sẻ, các “thầy cô giáo trẻ” trở thành nhịp cầu nối liền âm nhạc với các em nhỏ 6  - 7 tuổi. Đó là điều mà tôi cảm thấy hài lòng nhất.
Cũng có những em đến rồi bận rộn vì sinh kế phải đi nơi khác, nhưng có người đi thì lại có em khác đến, vì vậy mà chúng tôi vẫn hoạt động đều đặn.

PL: Và Lạc Hồng là mái nhà mà thầy cô đã đổ công sức làm cho nó trở nên bền vững, xinh đẹp thêm mỗi ngày?
GS Nguyễn Châu: Không chỉ có chúng tôi mà mái nhà Lạc Hồng có rất nhiều người tiếp tay xây dựng suốt 20 năm nay, trong đó có nhiều anh chị em nhạc sĩ, và tất cả đều hoạt động với tính cách thiện nguyện.

PL: Điều gì khiến Giáo Sư cảm thấy chưa yên tâm hiện nay trong mục tiêu theo đuổi?
GS Nguyễn Châu: Tôi băn khoăn về điều làm sao để Lạc Hồng trở thành một thực thể có ngân quỹ điều hành dồi dào, có trụ sở khang trang để các em có chỗ đến tập dợt, cùng chia xẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau… Mười năm nay chúng tôi lận đận vì không tìm ra một địa điểm có diện tích đủ rộng và điều kiện vật chất cũng làm cho chúng tôi chậm bước phát triển.
Mấy năm nay, chúng tôi hoạt động trong tinh thần “liệu cơm gắp mắm”. Mỗi lần Lạc Hồng muốn quy tụ ban hòa tấu, hợp xướng để tập dợt thì hầu như không thể được vì không có chỗ cho cùng một lúc 60 người. Thành thử chúng tôi phải phải tập riêng rồi sau đó kiếm một chỗ để ráp lại. Chúng tôi cố gắng để sống còn và hy vọng ngày nào đó thế hệ sau sẽ tìm ra lối thoát. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng thắp lên ngọn lửa và hy vọng thế hệ đi sau sẽ thổi bùng lên ánh lửa đó.

PL: Lần trình diễn nhân kỷ niệm 20 năm hoạt động tới đây có gì mới so với những lần trình diễn trước đây, thưa giáo sư?
GS Nguyễn Châu: Hầu hết các em từng tham gia trình diễn trên sân khấu Lạc Hồng đều trở về xuất hiện trong lần kỷ niệm 20 năm này. Đây là điều đáng vui mừng. Lạc Hồng trình diễn nhiều nơi với tính cách đại diện cộng đồng Việt Nam cùng với các cộng đồng, sắc tộc khác.
Mỗi năm chúng tôi có một chủ đề khác nhau, hoặc nói về “Mẹ”, hoặc nói về “Làn Điệu Quê Hương”, “Theo Bước Chân Đi”, “Saigon”, rồi “Mười Năm Nhìn Lại”… Vừa rồi trong chủ đề “Làn Điệu Quê Hương”, chúng tôi giới thiệu các tiết mục âm nhạc đặc sắc của quê hương như chèo… Năm nay nhân kỷ niệm 20 năm hoạt động, chúng tôi giới thiệu những tiết mục xuất sắc nhất của đoàn Lạc Hồng và thêm các tiết mục đặc sắc của các cộng đồng bạn như Trung Hoa, Đại Hàn, đoàn trống Taiko của Nhật, coi như là cơ hội để chúng tôi san sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Riêng các màn hợp xướng, dàn nhạc của chúng tôi cũng có nhiều cái mới mẻ. Tổng cộng khoảng 20 tiết mục trong chương trình này gồm toàn những tiết mục xuất sắc nhất, dàn dựng công phu, đẹp, và tính chất nghệ thuật hơn hẳn những năm qua.
Đó cũng là dịp để chúng tôi ngỏ lời cám ơn các vị ân nhân đã hỗ trợ chúng tôi tồn tại và phát triển nhiều năm nay; một dịp để chúng tôi giới thiệu thành quả của đoàn suốt 20 năm qua trước cộng đồng. Chúng tôi gồm người lớn cũng như người trẻ đã tiếp nối, chung vai hoạt động để giữ gìn, bồi đắp, lưu truyền nền âm nhạc cổ truyền, để nền âm nhạc, văn hóa dân tộc không bị mai một. Chúng tôi sẽ cố gắng theo đuổi; vì mục tiêu thiết thực đó mà theo đuổi chứ không nửa chừng mà chán nản, buông tay.

PL: Thưa Giáo Sư, khó khăn nhất mà ông gặp phải hiện nay trong việc duy trì hoạt động của đoàn Lạc Hồng?
GS Nguyễn Châu: Có lẽ khó hơn cả là việc sáng tác bài bản cho các bộ môn. Trước đây tôi học đàn kìm, tranh, cò, bầu… chơi các bản nhạc của ông cha để lại sẵn nhưng nếu cứ mấy bản đó đàn hoài thì mình sẽ không bao giờ thấy được sự phát triển. Vì vậy, chúng tôi lao vào việc sáng tác bài bản và tiếp theo là hình thành một đại ban cho từng bộ môn. Chúng tôi cần những bản trình diễn mới mẻ, nhiều tiết tấu, giai điệu, lúc chậm, lúc nhanh, lúc bi ai, khi hùng tráng… và các đại ban không chỉ trình diễn nhạc thính phòng mà còn có thể cả ở ngoài ngoài… Muốn thành lập một đại ban, chúng tôi phải có vài ba chục cây đàn tranh, vài chục cây đàn cò… Các bản nhạc cổ cũng phải có bài bản mới, không thể cứ Lý Con Sáo, Văn Thiên Tường, mà thêm những bài bản trình diễn sôi động, rầm rộ để trình diễn. Sáng tác bài bản mới thật sự là khó khăn, gai góc.
Chúng tôi còn một nỗi khó nữa là không tìm ra chỗ tập. Có nơi, chúng tôi mới gióng lên tiếng trống rầm rầm thì hàng xóm gọi… cảnh sát. Vì thiếu một trụ sở ổn định nên nhạc cụ, y trang của chúng tôi hiện nay rất nhiều phải phân tán đi nhiều nơi, gởi nhiều nơi, rất cực.

PL: Giáo Sư nghĩ sao về khuynh hướng của một số sinh viên ngoại quốc muốn tìm hiểu, học hỏi nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, chẳng hạn như ca trù, chầu văn…
GS Nguyễn Châu: Điều đó là đương nhiên vì có nhiều người thích những âm điệu lạ trong nền âm nhạc dân tộc của chúng ta. Đoàn Lạc Hồng cũng có thể làm sống lại những bộ môn đó nhưng không xuất sắc như bên nhà vì chúng ta không sống trong cái nôi của nền âm nhạc đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thể ký âm lại, hệ thống hóa và dạy cho các em. Đó là điều mà chúng tôi hoàn toàn có thể làm được.

PL: Cám ơn giáo sư và kính chúc đêm trình diễn kỷ niệm 20 năm của đoàn Lạc Hồng thành công khả quan.

Phụng Linh (thực hiện)
.
.
.

No comments: