Theo Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Biển Đông không phải chỉ là quyền lợi trực tiếp của các quốc gia có chủ quyền, mà còn là lợi ích của các nước khác trong vùng biển quốc tế tại khu vực này. Chúng ta không nên và không thể chỉ xem vấn đề Biển Đông là việc các nước tranh nhau cái sân trước nhà.
LTS: Ngày 11/10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ có phiên họp hẹp, trước khi vào Hội nghị chính thức vào ngày mai, 12/10 tại Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác đối thoại đã tới Hà Nội.
Nhân dịp này, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng phụ trách Đối ngoại, Bộ Quốc phòng.
Nhạy cảm như quốc phòng càng cần minh bạch
Thời gian gần đây, giới quan sát chứng kiến sự tích cực, năng động của giới quân sự – quốc phòng Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại. Nguyên nhân là gì, thưa ông? Liệu có hay không sự chồng chéo với các cơ quan chuyên lo đối ngoại?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đối ngoại quốc phòng nhằm phục vụ đường lối đối ngoại chung, và là một bộ phận quan trọng của đối ngoại nhà nước.
Mục tiêu của đối ngoại quốc phòng là thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng an ninh, đóng góp vào sự nghiệp củng cố môi trường hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Những hoạt động đối ngoại quốc phòng nhằm tạo sự hiểu biết, không khí hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, quảng bá hình ảnh đất nước và nền quốc phòng của Việt Nam.
Quân sự – quốc phòng vốn là lĩnh vực nhạy cảm, và thường gắn với yếu tố mật. Tại sao lại có sự điều chỉnh theo xu hướng cởi mở hơn như vậy, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, không thể mở rộng quan hệ quốc tế mà thiếu lòng tin. Quốc phòng lại là lĩnh vực nhạy cảm nhất, nên tăng cởi mở, minh bạch trong hoạt động quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc phòng chính là để xây dựng và củng cố lòng tin.
Đối ngoại quốc phòng đã có từ lâu và từng bước phát triển nhiều hơn, rộng mở hơn, dựa trên vị thế và sức mạnh của đất nước. Khi thế nước lên, sự quan tâm của thế giới, khu vực với Việt Nam cũng gia tăng, kể cả quan tâm về quốc phòng và vì thế, hoạt động đối ngoại quốc phòng cũng được đẩy mạnh.
Trong những năm đầu thập kỉ 90, việc hợp tác của quân đội ta trong khu vực còn hạn chế do ít kinh nghiệm và còn thăm dò. Sau khi gia nhập ARF năm 1994 và ASEAN năm 1995, hợp tác về quốc phòng đa phương mới chính thức được khởi động, tuy nhiên thời gian đầu ta chỉ tham gia có chọn lọc và ở cấp chuyên viên là chính.
Sang thế kỉ 21, ta đã tham gia với nhiều hình thức hơn (diễn đàn, hội nghị, hội thảo, quan sát viên diễn tập quân sự…) và tham gia ở cấp cao hơn. Việt Nam coi đây là môi trường thích hợp để nâng cao vị thế, tiềm lực quốc phòng, bảo vệ lợi ích, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh quốc phòng và học tập trao đổi kinh nghiệm.
Chúng ta cần nhận thức rằng quốc phòng không đồng nghĩa với quân sự, cũng không thể đồng nhất khái niệm quốc phòng với sức mạnh quân sự và nhiệm vụ quân sự. Nhiệm vụ của quân đội là nhằm xây dựng, củng cố lực lượng để bảo vệ tổ quốc, thông qua nhiều lĩnh vực: xây dựng lực lượng quân sự mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế và đối ngoại.
Quốc phòng đồng nghĩa với bảo vệ tổ quốc, mà kế sách bảo vệ tổ quốc cao nhất của cha ông ta là củng cố hòa bình và không để ai xâm lược nước mình. Việc minh bạch về quốc phòng chứng tỏ Việt Nam mong muốn hòa bình, cũng như minh bạch khả năng và quyết tâm bảo vệ tổ quốc mình.
Đối ngoại quốc phòng vừa để hợp tác vừa để bảo vệ tổ quốc. Trong hai kế sách bảo vệ Tổ quốc – đánh thắng và không đánh mà thắng, đối ngoại quốc phòng nhắm vào cái không đánh mà thắng.
Xung đột: Bày lên bàn để cùng xử lý
Với tư cách là sức mạnh quân sự, lực lượng quân sự, quân đội tham gia đối ngoại ra sao?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Một là, Việt Nam theo đuổi chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình.
Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng minh bạch, công khai, rộng mở không phải để thế giới và bạn bè ca ngợi; thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình cũng không phải để cầu hòa – mà chúng ta thực hiện minh bạch, công khai theo nghĩa Việt Nam vì hòa bình, mong hòa bình và sẽ làm mọi việc một cách hòa bình.
Đồng thời qua minh bạch, công khai chúng ta chứng minh cho thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm và có đủ khả năng để bảo vệ tổ quốc trong mọi tình huống.
Hai là, tương tự như hầu hết các mối quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ quốc phòng – quân sự ngày nay vẫn không thể tránh khỏi những khác biệt, bất đồng, và xung đột lợi ích. Bản chất của các mối quan hệ song phương và đa phương về quốc phòng – an ninh hiện nay vẫn là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Việt Nam chủ trương “tăng điểm đồng, hạn chế bất đồng”, “giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, thương lượng”.
Trước các bất đồng và xung đột lợi ích, chúng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, để tìm kiếm các giải pháp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, kiên quyết không để bất kỳ một thế lực nào lợi dụng chống phá làm cho tình hình xấu đi hoặc phá vỡ môi trường hòa bình và các quan hệ hợp tác, trước hết là quan hệ láng giềng, các nước trong khu vực và bạn bè truyền thống.
Việt Nam chủ trương giải quyết các vấn đề nảy sinh trên cơ sở độc lập tự chủ, với tinh thần hợp tác, xây dựng, cả song phương và đa phương, tùy thuộc vào tính chất của vấn đề. Nhưng dù giải quyết song phương hay đa phương thì đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch dưới con mắt của quốc tế, khu vực.
Giành và khẳng định thế chính nghĩa
Ông nói chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ và khẳng định hòa bình không phải là cầu hòa. Ông có thể làm rõ điểm này?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta mong muốn hòa bình, bằng mọi giá để giữ hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hòa hiếu với các nước, nhất là với láng giềng, nước lớn. Khi Việt Nam đã làm hết sức để giữ hòa bình, hòa hiếu rồi, mọi nỗ lực trong khả năng có thể đã làm rồi, nhưng ai đó vẫn muốn chiến tranh, thì lòng mong muốn hòa bình chính là động lực để giành chiến thắng trước các thế lực ngoại xâm.
Không cuộc chiến tranh nào có thể giành thắng lợi khi không có chính nghĩa, đặc biệt là về chính trị. Và chính sách hòa bình của Việt Nam, lòng mong muốn hòa bình của chúng ta chính là tính chính nghĩa và động lực cơ bản cho sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Chính sách đối ngoại và hoạt động đối ngoại quốc phòng nhằm gìn giữ hòa bình, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Nó giúp thế giới, khu vực thấy rõ tinh thần hòa hiếu, chủ trương vì hòa bình của Việt Nam và là động lực chiến thắng nếu trong tình huống chiến tranh không thể tránh được, sẽ dồn sức đấu tranh cho chính nghĩa, giành hòa bình – nền hòa bình trên cơ sở độc lập tự chủ, trên thế thắng của người bị xâm lược và với mong muốn của một dân tộc yêu hòa bình.
ADMM+: Việt Nam muốn “dọn chiếc bàn trống”
Với Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+8, Việt Nam muốn đặt vấn đề gì lên bàn các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Là chủ nhà, Việt Nam muốn tạo ra những nguyên tắc và cơ chế hợp tác lâu dài, hơn là đưa ra những vấn đề cụ thể trước mắt. Nói cách khác, Việt Nam muốn “dọn chiếc bàn trống” hơn là đặt sẵn cái gì trên bàn.
Tham gia ADMM+, các nước được quyền đặt ra tất cả các vấn đề quan tâm, đồng thuận hay không là chuyện khác. ASEAN và các đối tác sẽ cùng nhận diện – chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề gì, từ đó bàn cách thức giải quyết như thế nào, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam không vận động, lôi kéo một nước nào chống lại nước khác. Đất nước Việt Nam, quân đội Việt Nam mình không bao giờ có ý định xâm phạm lợi ích chính đáng của quốc gia khác. Và vì thế, sẵn sàng đưa tất cả các vấn đề lên bàn hội nghị.
Qua quá trình tham vấn với các nước đối thoại, ông thấy các nước lớn quan tâm đến những vấn đề nào của an ninh khu vực?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Sự quan tâm của các nước lớn với khu vực và các vấn đề an ninh khu vực là lẽ đương nhiên vì sự phát triển nhanh, tiềm năng và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Đông Nam Á là địa bàn can dự của các nước lớn, từ thế chiến thứ nhất đến gần hết thế kỉ 20, sự quan tâm ấy thể hiện bằng chính sách đô hộ, thực dân, đế quốc. Nhưng bây giờ sẽ không một quốc gia nào có thể bảo vệ lợi ích của mình bằng chính sách bá quyền, đô hộ, thực dân như trước.
Muốn tham gia vào các lợi ích khu vực, họ phải can dự bằng biện pháp hòa bình, với nguyên tắc cao nhất là tôn trọng độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác.
Biển Đông không phải là việc các nước tranh nhau cái sân trước nhà
Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay chính là xung đột và an ninh trên Biển Đông. Trong ADMM+ lần đầu tiên, liệu vấn đề Biển Đông có được đặt ra?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mối quan tâm chung của các nước đối với Biển Đông là nếu Biển Đông có vấn đề, thì cả ASEAN và các nước khác đều gặp vấn đề. Biển Đông không ổn định, các nước đều gặp khó, vì thế các nước đều quan tâm và tham gia tích cực vào tiến trình gìn giữ ổn định và hòa bình ở Biển Đông, kể cả các nước không trực tiếp có tranh chấp.
Vậy các nước sẽ hợp tác để giải quyết các vấn đề trên Biển Đông như thế nào? Cho đến nay, Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 cùng với Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông DOC 2002, và tới đây là Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC sẽ cung cấp đủ cơ sở pháp lý quốc tế và khu vực để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Biển Đông không phải chỉ là quyền lợi trực tiếp của các quốc gia có chủ quyền, mà còn là lợi ích của các nước khác trong vùng biển quốc tế tại khu vực này. Chúng ta không nên và không thể chỉ xem vấn đề Biển Đông là việc các nước tranh nhau cái sân trước nhà.
Con đường để giải quyết là tôn trọng độc lập tự chủ, giải pháp hòa bình, không lôi kéo nước này chống lại nước kia, nhưng mọi vấn đề phải công khai minh bạch.
Nghĩa là theo ông, chỉ cần dựa trên cơ sở pháp lý có thể giải quyết vấn đề Biển Đông?
Đó là một mặt của vấn đề, mặt quan trọng nữa là sức mạnh nội tại của từng quốc gia và sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
Không một đàm phán, thỏa thuận nào có thể đem lại lợi ích bình đẳng cho các bên giữa một kẻ yếu và một kẻ mạnh. Không thể có sự bình đẳng khi phân biệt kẻ yếu và kẻ mạnh, điều cơ bản là các bên đều mạnh nhưng ứng xử hòa hiếu với nhau.
Giải quyết tại chỗ, co nhỏ vấn đề
Thời gian qua, hàng loạt các vụ bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt trên Biển Đông. Quân đội làm gì để bảo vệ họ, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quân đội hoạt động với tư cách lực lượng yểm trở hậu cần khi cần và cứu trợ cho các tàu cá. Quân đội là lực lượng quân sự, không tham gia giải quyết vấn đề tàu cá bị bắt, vì đó là vấn đề dân sự.
Với vấn đề Biển Đông, mục tiêu lớn của Việt Nam là giữ cho được những gì thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất kì nước nào có ý xâm phạm, ta nhất quyết chống. Chúng ta kiên trì khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bởi đó không phải là vấn đề của một năm hay mười năm mà là vấn đề của hàng trăm năm.
Trong các xung đột nếu có, chúng ta sẽ nỗ lực giải quyết bằng giải pháp chính trị, kiềm chế để có hòa bình và ổn định. Những vấn đề phát sinh, cần giải quyết tại chỗ và co nhỏ vấn đề lại.
.
.
.
No comments:
Post a Comment