Friday, October 8, 2010

NÓI XẤU DÂN TỘC VẪN ĐƯỢC VINH DANH

Lê Diễn Đức
08/10/2010 | 11:53 sáng

Ngày 6 tháng 10 Quốc hội Ba Lan đưa ra dự thảo nghị quyết lấy năm 2011 là “Năm Czesław Miłosz”, mang tên một nhà văn Ba Lan, với nhiều tranh cãi.

Sơ lược về Czesław Miłosz
Czesław Miłosz sinh ngày 30 tháng 6 năm 1911 tại Szetejnie, qua đời ngày 14 tháng 8 năm 2004 tại Kraków, Ba Lan – là luật gia, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn, sử gia văn học, dịch giả.
Trong giai đoạn 1951-1989 Czesław Miłosz sống lưu vong tại Pháp cho đến năm 1960, sau đó ở Hoa Kỳ. Ông đã đoạt giải thưởng “Neustadt International Prize for Literature” (1978) và giải Nobel Văn học (1980); là giáo sư văn học Slavic tại Đại học Berkeley và Đại học Harvard; năm 1993 ông trở về nước, là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan và Hội Nhà văn Ba Lan.
Sau Đệ nhị Thế chiến, Czesław Miłosz làm việc cho chính phủ cộng sản Ba Lan trong ngành ngoại giao như là một tùy viên văn hóa. Năm 1951 ông xin tị nạn chính trị ở Pháp, nơi ông bất ngờ quyết định đến Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa (Kultura) yêu cầu xin giúp ẩn náu cho đến khi được hưởng quy chế tỵ nạn, vì sợ bị bắt cóc, để rồi sau này trở thành biên tập viên của tạp chí nổi tiếng này.
Tạp chí “Văn hóa” được phát hành ở Paris bởi các trí thức, học giả Ba Lan từ năm 1947 đến năm 2000. Sau khi xoá bỏ chế độ cộng sản, tổng kết các yếu tố chủ yếu thúc đẩy phong trào tranh đấu chống lại chế độ, đưa Ba Lan tới đích của tự do, dân chủ vào năm 1989, người Ba Lan đã khẳng định vai trò quan trọng của báo chí truyền thông qua tạp chí Văn hoáĐài Châu Âu Tự do (Radio Free Europe).

Kết cục tốt đẹp
Cuộc tranh luận tại Quốc hội Ba Lan đã diễn ra sôi động, trực diện, nếu không nói là một cuộc khẩu chiến thực sự, về các đoạn trích trong các tác phẩm của Czesław Miłosz.
Phát biểu của Robert Kołakowski, đại diện đảng đối lập “Luật pháp và Công lý” (PiS) rằng, Czesław Miłosz “thường xuyên có thái độ gay gắt trong các đánh giá về đạo đức của người Ba Lan”, “ông thấy mình như là công dân của thế giới và cũng có vấn đề với nguồn gốc Ba Lan”, đã làm nóng diễn đàn Quốc hội.
Bà Anna Sobecka, cũng thuộc PiS, nhắc nhở Quốc hội về “diện mạo bài xích Ba Lan của Czesław Miłosz” khi trích các câu văn, thơ của ông như: “Đối với Ba Lan không có chỗ nào trên trái đất” (trong cuốn “Năm của Hunter“), “Nếu người ta cho tôi phương pháp, tôi sẽ làm nổ tung đất nước này trong không trung” (trong cuốn Châu Âu gia đình), “Ba Lan là mảnh vườn tối tăm” (trong cuốn Nghĩa vụ cá nhân)… “Nhiều sự sỉ nhục tương tự không thiếu trong các tác phẩm của Milosz”, dân biểu Sobecka nhấn mạnh.
Có dân biểu đưa ra thắc mắc phải chăng Quốc hội Ba Lan không biết còn các nhà văn và nhà thơ nào xứng đáng hơn, sao lại lựa chọn Czesław Miłosz.

Chúng ta biết rằng, ngoài Czesław Miłosz, ba người Ba Lan khác cũng đã đoạt Giải thưởng Nobel Văn học là Heryk Sienkiewicz (1905), Władysław Reymont (1924) và nhà thơ nữ Wisława Szymborska (1996).

Một dân biểu khác nói mặc dù đoạt giải Nobel, sinh thời Czesław Miłosz ghét người Ba Lan, vì không có cách nào khác để hiểu câu nói của ông: “Người Ba Lan phải là một con lợn, bởi vì sinh ra là người Ba Lan”. Hoặc: “Ngôn ngữ của người Ba Lan không có cội nguồn, khó hiểu và người Ba Lan căm ghét lẫn nhau nhiều hơn các quốc gia khác, một thứ tiếng nói trơ tráo.” Và cuối cùng họ đưa ra kết luận: Lẽ nào lại đi tôn vinh một người Ba Lan chế nhạo người Ba Lan, lòng yêu nước và tính anh hùng dân tộc của họ?

Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của các đảng đối lập chống lại việc Ba Lan chọn năm 2011 mang tên Czesław Miłosz.
Chuyên gia về lịch sử văn học, ông Alexander Chłopek, phản ứng rằng, “Các nhân vật lớn thường gây tranh cãi, và chúng ta phải nhớ điều đó. Mỗi nhà thơ lớn của dân tộc Ba Lan đều có vấn đề về gốc Ba Lan.”
Trên cơ sở này ông đã dẫn lời của Stefan Żeromski (1864-1925), một nhà văn lớn của Ba Lan (1864-1925), người đã viết: “Khu nhà tự thân nô lệ là Ba Lan, nơi các đảng phái sừng sộ và nền báo chí vu khống đưa ra các bản án.”
Ông cũng trích lời của Cyprian Kamil Norwid (1821-1883), nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn Ba Lan: “Ba Lan là một dân tộc tuyệt vời và một xã hội vô giá trị.”
Kết thúc, ông nói tới nhận định của Czesław Miłosz về ngôn ngữ Ba Lan: “Về ngôn ngữ Ba Lan, tôi quyết định sống với nó, mặc dù với nó tôi chỉ là bụi bặm chẳng đáng kể.”
Thế nhưng, bất chấp những mối nghi ngờ và thành kiến, tất cả các đảng đều chính thức tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kỷ niệm Czesław Miłosz trong năm 2011.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, nhà thơ Ba Lan vào năm 2011 cũng đã được xếp trong lịch trình của UNESCO.
Năm Czesław Miłosz 2011 được tổ chức không chỉ ở Ba Lan và Lithuania, mà còn ở Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Nga và một số các nước khác.[1]

Bao giờ “người Việt xấu xí”?
Nghĩ về một người Ba Lan danh tiếng từng nói xấu dân tộc mình, nay được nhà nước Ba Lan tôn vinh, tôi liên tưởng ngay đến tác phẩm Người Trung Hoa xấu xí của nhà văn Bá Dương và thói chỉ thích được khen của người Việt cùng với tính tự ái nặng nề và sẵn sàng sửng cồ ăn thua nếu bị ai nói xấu.
Có người đã nhận định rằng, dịch giả cuốn Người Trung Quốc xấu xí, ông Nguyễn Hồi Thủ, đã cho rằng, trong quyển sách này có quá nhiều bóng dáng của chính người Việt chúng ta và ông mà đi chợ dễ bị “anh em” chặn đường… hỏi tội, nếu đưa ra tựa đề Người Việt xấu xí.
Theo tôi, chân thực mà nói, không phải đã không có những người Việt dám phê phán cái xấu của dân tộc mình.
Tuy nhiên, một nhân vật nổi tiếng nào đó (ví như Ngô Bảo Châu với huân chương Fields chẳng hạn) chỉ cần sơ suất thốt ra vài lời như nhà văn Ba Lan Czesław Miłosz, đảm bảo sẽ bị dư luận đánh cho mềm mình!
Chưa nói đến nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay.
Cứ xem, công chúng vừa mới phê phán cách thức tổ chức ồn ào và lãng phí quá mức Đại lễ Nghìn năm Thăng Long và sự vô tâm, nghịch chướng trước thảm cảnh lụt lội ở miền Trung, đã bị chụp mũ ngay là “đã xúc phạm niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam”, thì thấy rõ![2]

© 2010 Lê Diễn Đức
© 2010 talawas
----------------------------------
[1] Các trích dẫn và tin trong bài theo đài truyền hình tin tức Ba Lan TVN24 ngày 6/10/2010:
[2] Hà Nội Mới 6/10/2010: “Họ đã xúc phạm niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam”:
.
.
.

No comments: