Friday, October 8, 2010

BẮC KINH KHÔNG NGĂN CHẬN NỔI MỘT THÔNG ĐIỆP QÚA MẠNH MẼ (Perty Link)

Perry Link
Hồ Kim Sơn dịch
08/10/2010 | 8:40 sáng

Tại Trung Quốc, mãi cho đến gần đây, rất khó mà phát biểu công khai rằng chính quyền, tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thực chất chỉ là cái gì đó chẳng dính dấp tí nào đến nhân dân Trung Hoa. Không một phương tiện truyền thông nào dám đăng tải một thông điệp như thế. Nhưng bây giờ, nhờ mạng Internet trơn trượt khó kiểm soát, những thông điệp như thế đã được tung ra và lan rộng, tuy có bị cản trở phần nào, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn.

Trong tháng này, Hàn Hàn, 28 tuổi, người có biệt tài phúng dụ và có lẽ là blogger có lượng độc giả nhiều nhất ở Trung Quốc, đã viết như thế nầy:
Khắp thế giới, quốc gia nào cũng giống như một người phụ nữ và chính quyền của nó thì giống như người đàn ông sở hữu người phụ nữ đó. Một số cặp sống với nhau hạnh phúc và cảm thấy hài lòng. Một số sống chung suôn sẻ. Một số sống với những quan hệ căng thẳng, một số phải chịu đựng nạn bạo hành gia đình. Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể ly dị người đàn ông đó và tái hôn với người khác, và trong những trường hợp khác thì nàng lại không được phép làm điều đó. Nhưng trường hợp nào đi chăng nữa, khi đã yêu một người phụ nữ, bạn không nên ép đẩy chuyện “yêu thương chàng” vào phạm vi mặc cả.

Hàn Hàn có phần nào khác với những “nhà bất đồng chính kiến” ở Trung Quốc. Bút pháp của anh khó nắm bắt và cay độc – thứ ngôn ngữ “thời thượng” của giới trẻ, lớp độc giả chủ chốt của anh – và chẳng bao giờ gặp rắc rối gì với những lời phát biểu có tác dụng công kích chí ít không thua kém gì ngôn từ của các nhà bất đồng chính kiến. Về số lượng độc giả anh cũng khác biệt. Một nhà trí thức bất đồng chính kiến cảm thấy may mắn lắm nếu bài viết tung lên mạng của mình có được 20 ngàn lượt người đọc. Các tiểu luận của Hàn Hàn thường có hàng triệu lượt người đọc và hàng chục ngàn lời bình phẩm. Tính từ khi ra đời vào tháng 11, 2006 cho đến nay, trang blog của Hàn Hàn đã có hơn 421 triệu lượt ghé thăm. Con số độc giả khổng lồ này cũng là tấm bùa hộ mệnh cho anh bởi vì chính quyền Trung Quốc có thể hình dung ra quy mô của cuộc nổi loạn chống đối sẽ lớn đến cỡ nào nếu trang blog của anh bị nhà nước đóng cửa.

Vào ngày 18 tháng 9, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhật Bản xâm lăng những tỉnh lỵ phía đông bắc Trung Quốc vào năm 1931, Hàn Hàn đã viết một bài bình luận sắc bén về những cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản xảy ra ở Trung Quốc. Ngày 8 tháng 9, một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với hai tàu tuần dương của Nhật Bản ngoài khơi bãi đá cằn được gọi là quần đảo Điếu Ngư mà cả Trung Quốc và Nhật Bản cùng tuyên bố là lãnh thổ quốc gia của mình. Giới chức Nhật Bản đã bắt vị thuyền trưởng đưa về Nhật Bản, và ngay sau đó người Trung Quốc đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố để bảo vệ niềm tự hào dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
Những cuộc biểu tình chống Nhật thỉnh thoảng cũng xảy ra ở Trung Quốc, và thường được nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ý hoan nghênh, xem như những phương tiện động viên công luận nhằm ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và để phân tán sự chú ý nhắm vào những vấn nạn trong nước như tham nhũng, bất công, và hủy hoại môi trường. Nhưng những cuộc biểu tình phản đối đó là một con dao hai lưỡi bởi vì chúng nhấn mạnh tính hợp pháp của chính quy trình đối kháng.

Theo quan điểm của Hàn Hàn, những người biểu tình chống đối Nhật Bản hồi tháng qua đã bị lợi dụng. Trang blog của anh đăng lời đối thoại với đồng bào của anh như thế này:
Trên sân khấu Trung Quốc ngày nay có ba vai diễn: chủ, tớ, và chó. Đa số chúng ta hoán đổi vị trí giữa hai trong ba vai này. (Hai vai nào? Thế này nhé, bạn khó có thể tự xem mình là ông chủ, có đúng không nào?) Thông thường điều ông chủ muốn từ những tay đầy tớ là tính dễ bảo yếu hèn, nhưng hiện tại ông chủ đang cần một số chó biết sủa. Dễ thôi! Bởi vì trong tâm trí con chó, không cần biết ông chủ đối xử với mình như thế nào, hễ bất cứ khi nào có người lạ mặt xuất hiện thì nhiệm vụ của bạn là phải bảo vệ lấy căn nhà… Trong thâm tâm, những lãnh tụ của chúng ta không thực sự giận dữ. Họ chỉ cảm thấy như bị thiến. Do vậy, theo quan điểm của họ, chúng ta đáng ra cũng phải cảm thấy bị thiến như họ. Nhưng có ai từng xuống đường biểu tình mà hô vang “Ta đã bị thiến!” bao giờ chưa? Điều đó chỉ làm tình trạng thêm tồi tệ. Những lúc thể diện của lãnh tụ không có gì suy suyển, thì họ vả vào mồm ta; khi họ bị mất mặt, ta buộc phải gỡ thể diện cho họ. Chúng ta tiếp nhận điều này như thế nào?

Rồi Hàn Hàn quay qua nói với chính quyền, như thế này:
Đừng có bảo tôi rằng quý vị và tôi đều bị thương tổn như nhau bởi những vấn đề “đất mẹ” này… Ở đất nước chúng ta, thường dân không có một tấc đất để cắm dùi; tất cả đất đai, như quý vị đã biết, đều là thuê mướn của quý vị mà thôi. Cho nên từ vị trí của tôi, vấn đề này giống như một sự xích mích giữa gã địa chủ với người hàng xóm của tôi về miếng ngói nằm trên mặt đất. Tôi biết miếng ngói đó bị thổi bay từ nóc nhà của địa chủ  trong một cơn gió mạnh, đồng thời tôi cũng biết gã địa chủ e ngại không muốn đánh nhau với hàng xóm, và chưa từng dám đi nhặt lại miếng ngói đó. Nhưng mà chuyện đó có ăn nhậu gì tới thằng tá điền là tôi? Hà cớ gì một kẻ không có một tấc đất cắm dùi lại đi đánh nhau để tranh đoạt lại đất đai cho kẻ khác? Hà cớ gì một tên tá điền chẳng có nhân phẩm lại đi đánh nhau vì nhân phẩm của địa chủ? Những người như thế giá trị đáng được bao nhiêu, nếu cân bằng ký? Bao nhiêu mới gom cho đủ một ký đây?

Cuối tiểu luận, Hàn Hàn bỏ lối viết phúng dụ và tuyên bố thẳng thừng rằng, “Những cuộc biểu tình chống người ngoại quốc do những người không được phép tỏ thái độ chống đối ở quê nhà thực hiện là hoàn toàn vô giá trị. Chúng chẳng khác gì một trò nhảy bè.”

Hiển nhiên chính quyền không dám ngăn cấm blog của Hàn Hàn. Nhưng họ đã xóa đi bài viết đặc biệt đó khoảng 50 phút sau khi anh đăng nó lên. Tuy nhiên, chỉ với 50 phút cũng đủ cho nó lan lên trên mạng Twitter Trung Hoa, và đã trở thành bài nóng thu hút mạnh độc giả suốt cả tuần qua, và từ đó nó đã lan truyền đi khắp thế giới.
-----------------------------
Perry Link là chủ tịch Trung tâm Giáo dục Xuyên Ngành của Đại học California, tại Riverside, tác giả cuốn Tán gẫu buổi tối ở Bắc Kinh, và đồng biên tập viên của cuốn Những tham luận Thiên An Môn.
Nguồn: A Message Too Powerful to Stop”, The New York Times, 29.9.2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Hồ Kim Sơn
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
.
.
.

No comments: