Monday, October 11, 2010

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM: VÌ SAO CHƯA THỂ BAY CAO BAY XA?

Song Chi
Monday, October 11, 2010

Na Uy, một quốc gia nhỏ bé với dân số 4,8 triệu người, mỗi năm sản xuất khoảng trên 20 bộ phim truyện điện ảnh. Hồng Kông, dân số độ 7 triệu người nhưng lại là một trong những nền điện ảnh lớn nhất châu Á, thời hoàng kim mỗi năm sản xuất hơn 200 phim, nay còn khoảng 100 phim. Việt Nam, với dân số 86 triệu người, nhưng mỗi năm sản xuất chỉ khoảng trên 10 bộ phim! Tính trên tỷ lệ dân số, phải nói là quá ít! Đó là mới nói đến số lượng. Còn chất lượng?
Vì sao điện ảnh Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có vị trí nào trên bản đồ điện ảnh thế giới? Câu hỏi này chắc không chỉ một lần làm day dứt những người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và cả của quần chúng yêu mê bộ môn nghệ thuật thứ bảy này. Trả lời câu hỏi này thật ra cũng không có gì là khó, thậm chí còn là “chuyện ai cũng biết”, nhưng để thay đổi và chấn hưng nền điện ảnh Việt Nam, điều đó chỉ ở cấp độ nhà nước mới có thể giải quyết.

Có thể nhìn thấy nguyên nhân vì sao điện ảnh Việt Nam chưa thể phát triển thành một nền công nghiệp hái ra tiền cũng như chưa có được những tác phẩm có tiếng vang trên thế giới là từ những lý do sau:

YẾU TỐ CON NGƯỜI

Lĩnh vực nào cũng vậy, yếu tố đầu tiên là con người. So với các bộ môn nghệ thuật khác, con người làm nên những tác phẩm điện ảnh lại càng cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp bởi điện ảnh không chỉ đơn thuần là một bộ môn nghệ thuật, sáng tác chỉ cần đến tài năng và yếu tố cá nhân như văn học hay hội họa. Trong điện ảnh có yếu tố kỹ thuật, công nghệ và là một công việc của tập thể đòi hỏi mọi việc phải được sắp xếp, lên kế hoạch một cách khoa học. Thế nhưng một điều khá ngạc nhiên là so với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, ở Việt Nam, số lượng người hoạt động điện ảnh được đi du học, đào tạo bài bản ở nước ngoài rất ít. Trong số những người đang làm phim tại Việt Nam hiện nay, có một số đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhà lý luận phê bình phim thuộc phía Bắc của Việt Nam được gửi đi học ở Liên Xô từ khi nhà nước Liên Xô còn tồn tại, một số đạo diễn, quay phim phía trong Nam trước đây được đào tạo ở Pháp, Mỹ… còn lại các thế hệ trẻ hơn từ năm 1975 cho đến nay được đi học ở nước ngoài đếm trên đầu ngón tay.

Trong nước có hai cơ sở đào tạo chính thống chuyên ngành về điện ảnh: Hà Nội có một trường đại học điện ảnh, tại Sài Gòn trước đây có một chi nhánh của trường điện ảnh VN tại TP.HCM và một trường Cao đẳng Sân khấu, sau sáp nhập thành trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, mãi đến gần đây mới được nâng lên thành trường đại học Điện ảnh Sân khấu nhưng thành phần giáo sư có bằng cấp trên đại học để giảng dạy cũng không nhiều hơn. Việc đào tạo tại các trường này vẫn còn xa mới đạt được tầm khu vực với tình trạng thiếu hụt từ giảng viên giỏi, tài liệu sách vở, kho phim tư liệu cho đến điều kiện thực tập trên phim nhựa thật sự.

Các trường này chủ yếu cũng chỉ đào tạo các khoa đạo diễn, biên kịch hay người viết kịch bản phim (screenwriter), quay phim, lý luận phê bình phim và diễn viên. Còn các nghề nghiệp khác từ sản xuất phim (film producer), họa sĩ thiết kế (production designer), giám đốc thiết kế mỹ thuật (art director), chuyên viên hóa trang (make-up artist), thiết kế âm thanh (sound designer), thiết kế phục trang (costume designer), cho đến phó quay phim (assistant cameraman), trợ lý đạo diễn (assistant director), thư ký trường quay (script girl)… hầu như không có. Thường là nghề dạy nghề hoặc đi từ thấp lên như phụ hóa trang rồi thành hóa trang chính, trợ lý đạo diễn lên phó đạo diễn rồi lên đạo diễn… Trong lĩnh vực phim truyền hình, điều này là phổ biến. Tình trạng không có những người chuyên nghiệp ở các thành phần này đã dẫn đến hai hệ quả: bộ phim không chuyên nghiệp, không hoàn hảo ở khâu này khâu kia và đạo diễn rất cực vì không có được một êkíp chuyên nghiệp để hỗ trợ mình.

YẾU TỐ KỸ THUẬT, CÔNG NGHIỆP

Điện ảnh là kỹ thuật, là cả một nền công nghiệp từ sản xuất cho đến quảng cáo, phát hành. Ở Việt Nam chưa hề có một nền công nghiệp điện ảnh từ khâu đầu tiên: sản xuất kịch bản cho tới khâu cuối cùng: phát hành. Và cũng chưa có một thị trường điện ảnh để có thể tái sản xuất, quay vòng vốn nhanh cho ra đời nhiều bộ phim mới.

Sản xuất phim trong nước lâu nay vẫn mang tính nghiệp dư, làm phim nào biết phim đó; chưa có phim trường, chưa có kho phục trang, đạo cụ (prop)… cần dùng cho các phim qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau để khi cần thì thuê, mướn cho tiện; kỹ thuật thì lạc hậu, hiện nay phim chiếu rạp cũng là phim video còn phim nhựa thì họa hoằn lắm mới làm một bộ, do nhà nước bỏ tiền đầu tư, còn tư nhân chả ai muốn làm phim nhựa vì kinh phí đắt hơn nhiều lần mà máy móc thiết bị, quy trình thực hiện các công đoạn của phim nhựa ở Việt Nam trong giai đoạn hậu kỳ (post production) từ công nghệ in tráng, dựng phim (montage) cho đến việc làm âm thanh… quá cũ kỹ lạc hậu, còn nếu quay xong phải ra nước ngoài làm hậu kỳ thì rất tốn kém. Cả nước mỗi năm sản xuất khoảng trên chục phim, làm thế nào có thể có một nền công nghiệp điện ảnh? Hiện nay phim làm ra chủ yếu nhắm vào mùa Tết, mà nguồn thu hồi vốn cũng chỉ trông vào mấy thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội là có khá nhiều rạp, còn những thành phố nhỏ, rạp chỉ có một vài cái, số lượng vé bán ra chả được bao nhiêu. Muốn trở thành một nền công nghiệp thì ít nhất từ số lượng phim sản xuất hàng năm, số lượng rạp khắp toàn quốc cho đến kinh phí đầu tư cho mỗi bộ phim phải tăng lên gấp 15-20 lần thì may ra…

KINH PHÍ

Phim ở Việt Nam hiện nay do hai nguồn sản xuất: nhà nước và tư nhân.

Phim do các hãng phim nhà nước sản xuất thường có hai loại: phim phục vụ mục đích chính trị, được nhà nước “đặt hàng” cụ thể về đề tài, nội dung… để chiếu trong các dịp lễ lớn, các ngày kỷ niệm… thường được gọi bằng một cái tên rất đẹp là dòng phim sử thi-anh hùng ca ví dụ như Đất nước đứng lên, Ngã ba Đồng Lộc, Hoa ban đỏ, Tổ quốc tiếng gà trưa, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội 12 ngày đêm, Ký ức Điện Biên, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hà Nội mùa đông 1946, Đêm Bến Tre, Tiếng cồng định mệnh... và phim nghệ thuật có chú trọng đến sự sáng tạo của tác giả, đạo diễn… miễn là đề tài, cách thể hiện không phạm vào những vùng cấm của chính trị, cũng có khi có sự đầu tư hợp tác về nguồn vốn, nhà sản xuất hay đạo diễn… bên ngoài nước như Thương nhớ đồng quê, Mê Thảo thời vang bóng, Người đàn bà mộng du, Chuyện của Pao, Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi… Phim do tư nhân sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn phải coi nặng yếu tố giải trí, yếu tố kinh doanh, lấy lại vốn trước hết nên đề tài, câu chuyện phải làm sao hấp dẫn người xem, chủ yếu là tuổi trẻ, thành phần bỏ tiền đi xem phim nhiều nhất. Đa phần là phim tình cảm tâm lý xã hội nhẹ nhàng hoặc phim hài như Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Những cô gái chân dài, Nụ hôn thần chết, 2 trong 1, Khi đàn ông có bầu… gần đây có thêm sự góp mặt của các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim như các phim 14 ngày, Chuyện tình xa xứ… các thể loại phim cũng mở rộng ra hơn với phim võ thuật, phim liêu trai, phim kinh dị… như Dòng máu anh hùng, Khi yêu đừng quay đầu lại…

Số tiền trung bình để sản xuất một bộ phim truyện ở VN so với thế giới còn rất thấp -phim do tư nhân làm thường chỉ khoảng trên dưới 5-6 tỷ đồng Việt Nam, cao lắm là 10 tỷ-nghĩa là từ 300.000 -hơn 500.000 USD. Một số phim do nhà nước đặt hàng sản xuất nhiều khi lại có kinh phí lớn hơn nhưng có thật tất cả số tiền đó được bỏ vào bộ phim hay không thì không biết. Số tiền này với VN là lớn nhưng so với mức đầu tư của các nước khác trong vùng, chưa nói đến Âu Mỹ, vẫn là thấp.

KHÔNG CÓ MỘT NỀN VĂN HỌC LỚN

Nhìn lại các nền điện ảnh lớn trên thế giới từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Ấn, Trung Quốc… họ đều có một nền văn học lớn, là nguồn kịch bản dồi dào cho những bộ phim. Có thể nói thẳng, Việt Nam chưa có một nền văn học lớn thì đừng mong có một nền điện ảnh lớn. Ngoài ra, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật sinh sau đẻ muộn so với một số bộ môn nghệ thuật khác đồng thời lại mang tính tổng hợp, được xây dựng từ cái nền của những bộ môn này. Cái nền càng dày dặn thì điện ảnh càng có sức bật để tạo ra những tác phẩm lớn.

KHÔNG CÓ MỘT CHÍNH SÁCH VÀ MỘT CHIẾN LƯỢC BẢO HỘ, ĐẦU TƯ TỪ PHÍA NHÀ NƯỚC

Khi đề cập đến ví dụ về điện ảnh Hàn Quốc với chính sách và chiến lược bảo hộ, đầu tư của chính phủ Hàn Quốc cũng đồng thời hàm ý cho phần này.

MÔI TRƯỜNG SÁNG TẠO TỰ DO

Và cuối cùng là một môi trường tự do cho sự sáng tạo. Không chỉ điện ảnh mà tất cả các bộ môn văn học nghệ thuật khác ở VN đều đang bị kìm hãm trong một môi trường thiếu tự do, dân chủ. Điều này thật sự đã làm thui chột những ý tưởng cách tân táo bạo, những câu chuyện gai góc, dữ dội lấy cảm hứng từ hiện thực của đất nước, những cái nhìn khác biệt, trái chiều với “hệ thống”… bởi ngay từ khi câu chuyện phim còn trên giấy, những người sáng tác đã tự biên tập mình khỏi mọi “vùng cấm” có thể, cho đến suốt quá trình kịch bản được hoàn thiện, thông qua rồi đến khi bộ phim hoàn tất sau này, qua bao nhiêu công đoạn biên tập, góp ý, sửa chữa, kiểm duyệt…bộ phim trở thành “tròn trịa”, không bao giờ có thể chệch hướng khỏi quỹ đạo của nhà nước. Một môi trường thật sự tự do dân chủ là mảnh đất tốt cho mọi hạt giống sáng tác có thể nảy mầm vươn lên.

Như đã nói, nguyên nhân vì sao điện ảnh Việt Nam chưa thể phát triển dù Việt Nam có một hiện thực vô cùng giàu có về đề tài, chất liệu cho những người làm phim -một hiện thực mà nhiều quốc gia có đời sống quá bình yên, ổn định như các nước Bắc Âu chẳng hạn không thể có được; Việt Nam là một quốc gia đông dân thuộc hàng thứ 13 trên thế giới trong đó số lượng người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao -một môi trường lý tưởng cho việc tăng số lượng phim sản xuất, tăng số lượng rạp chiếu phim trên toàn quốc cũng như triển vọng thu hồi vốn làm phim từ nguồn thu trong nước v.v… Tất cả những điều này ai cũng có thể biết, việc làm thế nào để cải tổ và phát triển nền điện ảnh nước nhà ai cũng có thể đề ra phương pháp, còn việc thực hiện, là tùy thuộc hoàn toàn vào chính quyền.

Bên cạnh đó, trong xã hội Việt Nam bây giờ có quá nhiều vấn đề thiết thực, cần kíp hơn cần phải được đầu tư, cải tổ triệt để mà còn chưa làm được, như giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội… nói gì đến điện ảnh? Nhưng dù sao, nếu muốn cho điện ảnh Việt Nam chừng vài thập niên nữa có thể ngang tầm khu vực (chứ chưa nói thế giới) thì nhà nước Việt Nam cần phải có sự đầu tư ngay từ bây giờ, với một chiến lược dài hơi, một quyết tâm thật sự muốn xây dựng và phát triển lâu dài nền điện ảnh nước nhà.

Có thể lấy ví dụ từ nền điện ảnh Hàn Quốc. Năm 1919 Hàn Quốc có bộ phim đầu tiên nhưng suốt mấy chục năm trời, nền điện ảnh nước này vẫn chìm trong bóng tối và cũng phải chịu một sự kiểm duyệt gắt gao cả về quan điểm chính trị, đạo đức… Cho đến khi chính phủ Hàn Quốc khẳng định điện ảnh phải trở thành một ngành công nghiệp chiến lược đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua Luật điện ảnh (1986) rồi Luật khuyến khích phim điện ảnh (năm 1995) để vực dậy ngành công nghiệp giải trí này.

Trước đó, từ cuối những năm 80, đầu 90, nhiều nhà làm phim trẻ của Hàn Quốc đã được cho đi du học ở các nước có nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, hình thành một lực lượng làm phim có chất lượng dẫn đến sự ra đời của những tác phẩm có chất lượng; ngành điện ảnh mở cửa giao lưu với nước ngoài; chính phủ thi hành một chính sách bảo hộ ưu ái dành cho điện ảnh, cụ thể là từ năm 1966, các rạp chiếu phim phải dành 146 ngày trong năm để chiếu phim nội. Nhờ đảm bảo được thời gian ra rạp nên các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Hyundai và Daewoo cũng mạnh dạn bỏ tiền vào các dự án làm phim khiến chất lượng phim ngày càng tăng. Bên cạnh đó là việc đầu tư vào hệ thống rạp, phương tiện máy móc thiết bị để làm phim, các hãng tư nhân đua nhau ra đời… Kết quả là điện ảnh Hàn Quốc phát triển vượt bực trong vòng vài thập niên, nhiều bộ phim có doanh thu vượt qua cả các phim bom tấn của Hollywood tại các quầy vé nội địa, điện ảnh xứ này còn mang về không ít giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim quốc tế. Điện ảnh Hàn Quốc trở thành một biểu tượng thành công của điện ảnh châu Á nói chung trong việc chống lại sự xâm lăng của Hollywood, không những thế còn làm mưa làm gió tại nhiều quốc gia châu Á trong vùng, là phương tiện hữu hiệu truyền bá văn hóa Hàn Quốc ra với nước ngoài, đồng thời khi xâm nhập vào các nước châu Á từ cơn sốt phim Hàn quốc trong khán giả kéo theo cơn sốt về thời trang Hàn quốc, mỹ phẩm Hàn Quốc, du lịch đến Hàn Quốc…

Nhìn người lại nghĩ đến mình, không dám mơ xa về một sự phát triển thần kỳ như thế nhưng nếu có quyết tâm, có chiến lược đầu tư thì ngành điện ảnh Việt Nam cũng có thể làm ra tiền góp phần đáng kể vào nền kinh tế quốc dân và tạo thêm công ăn việc làm cho rất nhiều người. (Thay vì bỏ tiền vào những dự án mà lợi nhuận chưa chắc đã bù lại được sự thiệt hại to lớn về môi sinh môi trường, về an ninh quốc phòng và nhiều mặt khác nữa như dự án cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên chẳng hạn!)
SONG CHI
.
.
.

No comments: