Tuesday, October 26, 2010

HUMAN RIGHTS WATCH KÊU GỌI TTK LIÊN HIỆP QUỐC NÊU VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN KHI TỚI VIỆT NAM (VOA)

Trà Mi - VOA | Washington, DC
Thứ Ba, 26 tháng 10 2010

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) trụ sở đặt tại Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam hủy bỏ những cáo buộc với những tiếng nói chỉ trích chính phủ ôn hòa trên mạng và trả tự do ngay lập tức cho các blogger bị bắt vì lên tiếng về những đề tài nhạy cảm ở Việt Nam như Trường Sa-Hoàng Sa hay dự án bauxite Tây Nguyên.
Human Rights Watch cho biết đã gửi thỉnh nguyện thư đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Ban Ki-moon, kêu gọi ông thúc giục Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Trà Mi có thêm chi tiết:

Elaine Pearson: “Chúng tôi kêu gọi ông Tổng thư ký LHQ thúc giục Việt Nam hủy bỏ những quy định giới hạn quyền tự do internet, tự do bày tỏ tư tưởng, việc dùng tường lửa để ngăn chặn người dân, cùng các điều khoản trong luật giới hạn hoặc hình sự hóa quyền bất đồng quan điểm một cách ôn hòa."

Trong thông cáo đề ngày 23/10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch lên án Hà Nội vi phạm nhân quyền của công dân được bảo đảm theo luật pháp quốc tế cũng như chứng tỏ cho thế giới thấy tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam qua việc bắt giam và truy tố những blogger có quan điểm đối lập, trong đó có blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, và Anh Ba Sài Gòn, tức Phan Thanh Hải.
Phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA, Phó Giám đốc Phân vụ Châu Á trong Tổ chức Human Rights Watch, nhấn mạnh:
“Chúng tôi cho rằng Việt Nam nên bỏ ngay các cáo buộc đối với blogger Điếu Cày và Anh Ba Sài Gòn. Những cáo buộc này hoàn toàn bịa đặt và vi phạm các quyền căn bản được cả thế giới công nhận và bảo vệ bằng luật quốc tế. Hành động của chính quyền Việt Nam thật sự mang động cơ chính trị. Chúng tôi cho rằng đây là một phần trong chiến dịch đàn áp rộng lớn của Hà Nội đối với các tiếng nói bất đồng trước thềm Đại hội đảng vào tháng giêng năm sau.”
Khi được hỏi về các cơ sở nào khiến Human Rights Watch cho rằng những sự việc này có động cơ chính trị, bà Pearson phân tích thêm:
“Tại Việt Nam luật về các vi phạm an ninh quốc gia quá rộng và điều này cũng có nghĩa là hàng loạt các hoạt động ôn hòa có thể bị hình sự hóa. Những gì các blogger bị bắt đã làm là chia sẻ thông tin trên trang nhật ký cá nhân. Tại một quốc gia như Việt Nam, nơi mà các phương tiện truyền thông đại chúng đều bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ, thì những trang blog thông tin đóng một vai trò rất quan trọng. Cho nên chúng tôi cho rằng các hoạt động chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa phải được nhà nước cho phép và người dân không phải đi tù.”
Những hoạt động mà Human Rights Watch cũng như giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới cho là quyền căn bản của công dân, quyền tự do bày tỏ tư tưởng và quan điểm, dưới cái nhìn của chính quyền Việt Nam, là những việc làm phạm pháp như chống đối nhà nước và gây hại cho an ninh quốc gia.

Phó Giám đốc Phân vụ Châu Á của Human Rights Watch, phản bác:
“Human Rights Watch chỉ thúc đẩy việc phản đối các luật lệ hình sự hóa các hoạt động ôn hòa. Chúng tôi cảm thấy quan ngại trước các luật lệ bao quát quy định về các hoạt động vi phạm an ninh quốc gia của Việt Nam ở chỗ các luật này vi phạm những quyền con người được luật quốc tế bảo đảm. Luật về an ninh quốc gia chỉ nên giới hạn ở những hoạt động bạo lực hay cố ý gây ra các hoạt động bạo lực.”
Human Rights Watch nói ngoài trường hợp của các blogger như Điếu Cày hay Anh Ba Sài Gòn, họ cũng đang theo dõi sát phiên tòa ngày 26/10 tại Trà Vinh xét xử ba nhà hoạt động trẻ cổ súy quyền cho người lao động bị bắt giữ từ tháng 2 năm nay là Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Ba người này bị truy tố về tội gây rối an ninh và bị chính quyền cáo buộc là đã phát truyền đơn chống nhà nước và giúp công nhân đình công, đòi tăng lương.
Bà Elaine Pearson cho biết thêm là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng gửi thư đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, yêu cầu ông lưu ý đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam khi ông đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh ASEAN vào những ngày tới đây:
“Chúng tôi kêu gọi ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc thúc giục Việt Nam hủy bỏ những quy định giới hạn quyền tự do internet, tự do bày tỏ tư tưởng, việc dùng tường lửa để ngăn chặn người dân, cùng các điều khoản trong luật giới hạn hoặc hình sự hóa quyền bất đồng quan điểm một cách ôn hòa. Chúng tôi đề nghị ông Tổng thư ký bày tỏ quan ngại về những trường hợp bị bắt bớ vì bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Trong thư, chúng tôi nêu rõ rằng chúng tôi cảm thấy chính quyền Hà Nội đang liên tục tăng cường chiến dịch đàn áp quyền tự do bày tỏ quan điểm qua việc sách nhiễu và bắt bớ những ngòi bút ôn hòa, các nhà hoạt động dân chủ, và những người bảo vệ nhân quyền.”

Theo Human Rights Watch, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 khai diễn tại Hà Nội vào ngày 28 tháng này là một cơ hội tốt cho nguyên thủ các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á cũng như các chính phủ khác bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam đàn áp những người chỉ trích nhà nước. Human Rights Watch nhấn mạnh các nước ASEAN nên yêu cầu Việt Nam phóng thích những tù nhân này và tôn trọng các quy tắc về nhân quyền trong Hiến chương ASEAN.

Tin liên hệ
.
.
.

No comments: