Wednesday, October 13, 2010

HỒI KẾT CÂU CHUYỆN "HẠT LÚA 3000 NĂM"

Nguyễn Văn Tuân
14-10-2010

Hôm nay đọc tin trên báo Người lao động thấy các giới chức khoa học nông nghiệp quyết định ngưng nghiên cứu hạt giống 3000 năm. Những hạt giống mà người ta cho rằng có độ tuổi khoảng 3000 năm đã được gửi sang Nhật để phân tích, và kết quả cho thấy đây không phải là những hạt giống cổ.  Thế là kết thúc một câu chuyện làm tốn giấy mực báo chí cũng khá nhiều.

Thoạt đầu, người phát hiện ra hạt lúa này tin rằng đó là hạt lúa cổ. Cũng không khó hiểu về niềm tin này. Nhưng trong khoa học thì niềm tin là một chuyện, dữ liệu là một chuyện khác có khi chẳng nhất quán với niềm tin.  Thật ra, ngay khi thông tin hạt giống 3000 năm được báo chí loan tin, một chuyên gia nông học là Ts Trần Đăng Hồng đã có một bài phân tích chi tiết cho thấy không có chuyện hạt lúa nào tồn tại đến 3000 năm.  Là người ngoại đạo, nhưng đọc qua bài phân tích của Ts Hồng và thử làm vài tính tóa dựa vào mô hình trong bài báo, tôi cũng dễ dàng đi đến kết luận rằng xác suất 3000 năm là rất thấp.

Ấy thế mà chẳng hiểu sao các giới chức trong Viện Di truyền Nông nghiệp vẫn làm … nghiên cứu.  Bao nhiêu chuyên gia với những danh hiệu rất cao như tiến sĩ, giáo sư, viện trưởng, viện phó lao vào bình luận và nghiên cứu, phân tích DNA.  Chẳng biết nghiên cứu này làm như thế nào, tốn bao nhiêu, và có công bố bài báo nào để cộng đồng khoa học quốc tế thưởng lãm? Chắc là không. 

Đến đầu tháng 9, Viện công bố kết quả (trên báo chí đại chúng, chứ không phải tập san khoa học quốc tế) rằng đó không phải là hạt lúa cổ, mà là lúa giống Khang Dân.  Đến nay thì kết quả phân tích bên Nhật, theo bài báo này, cũng cho thấy đó không phải là hạt lúa cổ.  Có thể nói toàn bộ câu chuyện là một scientific hoax.

Sự kiện hoax thì vẫn xảy ra trong thế giới khoa học, nhưng rất hiếm.  Ở đây, câu chuyện này nói lên ít nhất là 2 khía cạnh: tầm lí thuyết và nghiên cứu khoa học. Thứ nhất là sự bất chấp lí thuyết khoa học. Nếu am tường lí thuyết như Ts Trần Đăng Hồng thì có lẽ chẳng cần tốn tiền và công sức làm nghiên cứu.  Thứ hai là nó phản ảnh một phần phong cách khoa học bên nhà.  Tập trung những chuyên gia chỉ để xác định một vài hạt lúa mà ý nghĩa khoa học của nó chẳng là gì thì quả là khó hiểu. 

Làm khoa học bên nhà phần lớn chỉ có thế, tức là làm xong, báo cáo nghiệm thu và chẳng ai hay biết dữ liệu ra sao.  Với đà này thì chắc còn nhiều sự kiện làm mất công sức và tiền bạc của Nhà nước dài dài.
NVT
===

Ngừng nghiên cứu “lúa cổ” Thành Dền

(NLĐ)- Sau khi Báo NLĐ có bài phản ánh “Lúa cổ chỉ là lúa Khang Dân?”, chiều 11-10, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN – PTNT), khẳng định: “Giám định các - bon phóng xạ mới đây của các nhà khoa học Nhật Bản đã cho kết quả những hạt lúa được các nhà khảo cổ cung cấp tại di chỉ khảo cổ Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh – Hà Nội) không phải là lúa cổ”.
Ông Ngọc nhấn mạnh: “Không có hy vọng nào về sự kỳ diệu vì rất nhiều khả năng những hạt lúa này đã lọt vào khu di chỉ khảo cổ Thành Dền. Do vậy, Bộ NN - PTNT dừng tham gia và hỗ trợ đối với việc này vì câu chuyện đã khép lại”. Theo ông Ngọc, lúc đầu, Bộ NN-PTNT cho rằng việc hạt lúa 3.000 năm nảy mầm là điều viễn tưởng nhưng thấy các nhà khảo cổ quá kỳ vọng nên bộ cũng muốn làm rõ về mặt khoa học. “Trên thế giới chưa từng xảy ra trường hợp nào như vậy” – ông Ngọc thừa nhận.

TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) - cơ quan trực tiếp chăm sóc, gieo trồng những hạt “lúa cổ” - khẳng định kết quả phân tích cho thấy rõ ràng đây không phải là những hạt “lúa cổ”. Có thể những hạt lúa này xuất hiện do sự sơ sót của các nhà khảo cổ. “Chúng tôi quyết định dừng việc nghiên cứu vì nó không có ý nghĩa gì cả” – ông Hàm nói. Theo ông Hàm, một hạt lúa tồn tại trong điều kiện tự nhiên sau 50 - 100 năm mà vẫn trổ bông thì đã quá phi thường, đằng này tận 3.000 năm là điều không thể.
.
.
.

No comments: