Wednesday, October 13, 2010

Nobel Văn chương 2010 Mario Vargas Llosa: “TÔI BẢO VỆ TỰ DO”

Trần Lê giới thiệu và chuyển ngữ
[07.10.2010 15:21 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) “Nguy cơ lớn nhất đe dọa nền dân chủ là chính trị trở nên quá thực dụng, những kỹ nghệ gia điều khiển quốc gia thay thế các chính trị gia. Chính vì thế, giới trí thức không thể rút lui hoàn toàn khỏi chính trường” - Mario Vargas Llosa, Giải Nobel Văn chương 2010 phát biểu trong một trả lời phỏng vấn tại Hungary.

Văn hào Vargas Llosa - Ảnh: AFP

Sau nhiều năm liên tục nằm trong danh sách những ứng viên, nhà văn 74 tuổi này đã được trao Giải Novel Văn chương 2010 vì những tác phẩm “tái hiện các cấu trúc quyền lực và cách khắc họa hết sức mạnh mẽ sự kháng cự cá nhân, sự nổi loạn và thất bại”. Mang quốc tịch Tây Ban Nha từ 17 năm nay, Vargas Llosa là văn sĩ gốc Peru đầu tiên được vinh danh bởi giải thưởng văn học cao quý này.
Mario Vargas Llosa sinh năm 1936 tại Arequipa (Peru), tốt nghiệp cử nhân Văn khoa tại trường Ðại học San Marcos (Lima), sau đó đậu tiến sĩ Ngữ văn tại trường Ðại học Complutense (Madrid), viết tác phẩm đầu tiên, vở kịch “Trốn chạy” năm 1952 và lập tức được thừa nhận. Ông là chủ nhiệm tạp chí “Literatura” một thời gian, sau đó cộng tác với phân ban tiếng Tây Ban Nha của Đài phát thanh Pháp ở Paris.
Nổi tiếng ngay với tiểu thuyết đầu tay “Thành phố và những con chó” (1962). Một số tác phẩm tiêu biểu của Vargas Llosa trong thời gian sau như “Lầu xanh” (1966), “Những đứa trẻ con” (1967), “Bốn giờ ở đại giáo đường” (1969)... khiến ông trở nên một văn sĩ xuất sắc của thế kỷ XX. Cùng Gabriel Garcia Márquez, ông là một trong hai đại diện lớn trên trường quốc tế của nền văn học Mỹ - Latinh.
Ngoài tiểu thuyết, Llosa còn là tác giả của nhiều tập tiểu luận văn hóa rất đáng kể. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn học như Giải Leopoldo Alaz, Giải Romuldo Gallegos, đặc biệt là Giải Miguel de Cervantès, dành cho những tác giả có công lao đóng góp vào việc phát triển tiếng Tây Ban Nha và văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Ðầu năm 1998, Vargas Llosa được trao giải thưởng của các nhà phê bình Mỹ cho tập tiểu luận “Khơi sóng dậy”.
Song song với hoạt động văn chương, như nhiều nhà văn Mỹ - Latinh khác, Vargas Llosa còn tích cực tham gia chính trường. Năm 1990, ông tranh cử tổng thống Peru và được coi là có khả năng nổi trội để đoạt ghế này, nhưng rồi chịu thua cuộc trước Alberto Fujimori, một chính khách gốc Nhật ít được biết đến vào lúc đó. Hồi tưởng về thất bại cay đắng này được ông ghi lại trong cuốn “Một con cá trong nước” (1993).
Mười năm trước, Vargas Llosa đã có dịp qua thăm Budapest (Hungary) theo lời mời của Viện Thương mại Quốc tế (IBS). Bài phỏng vấn sau đây do nữ ký giả Inotai Edit thực hiện - đề cập đến một số vấn đề đáng quan tâm, như vai trò, sự “dấn thân” của giới trí thức-văn sĩ trong chính trị và xã hội, chỗ đứng của văn học trong thời hiện đại, cảm hứng sáng tạo văn học... mà đến nay vẫn mang tính thời sự - được đăng trên nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság).

*

Ở châu Mỹ - La Tinh, cũng như ở Ðông Âu, giới trí thức, đặc biệt là các văn sĩ, có vai trò chính trị lớn hơn nhiều so với ở các quốc gia Tây Phương. Ông cũng từng ứng cử tổng thống Peru. Tại sao những quốc gia đó lại cần giới trí thức đảm nhiệm vai trò chính trị?
Văn hào Vargas Llosa :  Cần phải tìm nguyên cớ ở sự thiếu dân chủ hoặc tình trạng dân chủ còn yếu kém. Châu Mỹ - La Tinh và Ðông Âu cũng giống nhau ở chỗ tại đây, nền dân chủ chưa có truyền thống lịch sử lâu bền. Thường thường, những xã hội này chưa hình thành một thực tiễn để bảo vệ sự tôn trọng pháp luật, những quyền tự do dân sự và quyền con người; thành thử giới trí thức phải đảm nhận một thứ vai trò dân sự. Ðiều này đã không cần thiết trong các nền dân chủ Tây Âu, như vậy tại đó giới trí thức có thể trở về lĩnh vực chuyên môn của họ.
Về tham vọng tổng thống của tôi: nửa cuối thập niên tám mươi là thời kỳ đặc biệt trong lịch sử Peru, vì thế tôi nghĩ mình phải tham gia một cách tích cực hơn trước vào đời sống chính trị, nghĩa là chẳng những trên cương vị nhà văn, nhà phê bình xã hội, mà trên cả cương vị chính trị gia nữa. Tôi bị dẫn dắt, không phải bởi những suy tính chính trị, mà bởi một động lực đạo đức.

Ða phần các tiểu thuyết của ông diễn biến ở Peru nhưng ông đã cư trú ở châu Âu từ nhiều năm nay. Ông không cảm thấy thiếu thực tế Peru, cội nguồn những tiểu thuyết của ông?
Văn hào Vargas Llosa :  Thực tế tôi luôn sống giữa hai châu lục: tôi qua châu Âu lần đầu khi còn rất trẻ và từ dạo đó, một chân tôi ở Peru, chân kia đâu đó tại đây. Cố nhiên tôi nhớ quê hương nhưng ở đây tôi cũng gìn giữ những điều quan trọng nhất, như các kỷ niệm của tôi và ngôn ngữ Tây Ban Nha kiểu Peru. Tôi cũng không cảm thấy lạc lõng tại châu Âu, sau khi ở Tây Ban Nha, Pháp và Anh, giờ đây tôi qua Berlin sống một năm.

Hiện nay, ông để tâm đến những đề tài nào?
Văn hào Vargas Llosa :   Hiện tại tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về các sự kiện xảy ra ở châu Mỹ-La Tinh, nhưng không phải ở Peru mà ở Cộng hòa Dominica (1), vào những tháng cuối của nền độc tài Truyillo năm 1961. Ðây là một chính thể độc tài đặc biệt, chẳng những vô cùng tàn ác mà còn khá lưu manh; dù vậy, có thể thấy ở đó những đặc tính thuộc hình mẫu sơ khai của thể chế độc đoán Mỹ - La Tinh. Ðó không hẳn là tiểu thuyết chính trị, tôi muốn gọi là tiểu thuyết giả tưởng dựa trên những cơ sở lịch sử.

Cách đây ít lâu, ông được nhận giải thưởng của các nhà phê bình ở Mỹ, nhưng không phải cho tiểu thuyết mà cho tập tiểu luận. Có lẽ trong thời gian gần đây, ông quan tâm đến thể loại này hơn?
Văn hào Vargas Llosa :   Tôi luôn để tâm đến đề tài phê bình xã hội. Tiểu luận và tiểu thuyết không loại trừ lẫn nhau. Thực ra tôi ưa nhất thứ phê bình xã hội nào mà ở đó, trí tưởng tượng có thể đóng vai trò. Nghĩa là không phải luận văn khoa học hay triết lý; có thể diễn giải khái niệm phê bình một cách tự do hơn nhiều. Tôi sẵn sàng viết về những vấn đề của tự do, về quyền con người, về vai trò văn hóa trong đời sống: chúng không thể tách rời khỏi những vấn đề xã hội, khỏi nền dân chủ, khỏi thể chế độc tài, khỏi cuộc sống dân sự.
Tuy vậy, tôi cảm thấy trên địa hạt ý thức hệ, chủ nghĩa cộng sản sau khi tan biến đã để lại một khoảng trống lớn. Tôi ngại rằng chính trị sẽ phát triển theo hướng thực dụng, quá thực dụng. Tôi cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu việc điều khiển chính trường lọt vào tay các kỹ nghệ gia, về cơ bản điều này nguy hại đến nền dân chủ. Cần phải có những xu hướng khác biệt, những cuộc tranh luận về tư tưởng, văn hóa và đạo đức, cần phải có sự sáng tạo trong chính trị, và ở đây, giới trí thức đóng vai trò đáng kể.
Chính vì vậy tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng giới trí thức phải rút lui hoàn toàn khỏi chính trường: đối với tôi, trên phương diện này, sự nhập cuộc của trí thức Trung và Ðông Âu là phương hướng chủ đạo.

Ðã lưu trú từ lâu tại châu Âu, ông không có ý định viết tiểu thuyết về đề tài châu Âu?
Văn hào Vargas Llosa :  Tôi có nhiều dự kiến, song rất tiếc không đủ thời gian thực hiện tất cả. Tôi định viết một cuốn về Flora Tristán, một phụ nữ Pháp sống vào thế kỷ XIX, nhưng được phát hiện lại trong những năm gần đây. Nhiều người đánh giá bà là một trong những người đi đầu trong phong trào bênh vực nữ quyền, mặc dù bà từng trải qua mọi thứ tư tưởng: xã hội không tưởng, vô chính phủ, quân phiệt. Cạnh đó, bà còn cố gắng đưa thuyết nam nữ bình quyền vào một thế giới trong đó đàn ông hoàn toàn ngự trị.
Cố nhiên sự việc này cũng có chút liên quan đến Peru: Flora Tristán đã sống ba năm ở nước chúng tôi và hồi ký của bà về thời gian này là một tư liệu rất thú vị, cho thấy một phụ nữ Pháp có học thức đã nhìn Peru - một nước vốn chịu ảnh hưởng vô hạn của Giáo hội, được đặc trưng bởi những định kiến xã hội và tôn giáo nặng nề - với con mắt ra sao.

Trong một bài phỏng vấn, độc giả được biết ông làm việc theo một lịch trình nghiêm ngặt. Như vậy, nguồn cảm hứng không tự đến?
Văn hào Vargas Llosa :   Trong công việc, tôi phải rất có kỷ luật vì tôi là kẻ khá bừa bãi trong đời tư. Tôi sống theo lịch trình của một viên chức. Trong trường hợp của tôi, nguồn cảm hứng không tự đến, tôi phải bỏ sức để có nó. Tôi phải ngồi vào bàn làm việc và bỗng nhiên, tôi tiến tới thứ trạng thái tinh thần hồi hộp mà người ta gọi là “cảm hứng”. Nếu tôi không nỗ lực, cảm hứng không bao giờ đến. Thường thường tôi làm việc ở nhà buổi sáng, chiều thì vào thư viện: tất nhiên tôi không viết thường xuyên, tôi đọc nhiều, ghi chép và sửa chữa.

Ông thích tác phẩm nào nhất trong số các tiểu thuyết của ông? Cuốn nào thành công nhất?
Văn hào Vargas Llosa :   Ðây là một câu hỏi khó, như khi cha mẹ phải chọn một đứa trong số con của mình. Tôi nghĩ rằng ta ưa nhất cái mà ta bỏ lắm công lao nhất để làm. Chẳng hạn, tôi từng mất nhiều năm để viết “Bốn giờ ở đại giáo đường” hoặc “Chiến tranh ở tận cùng thế giới”. Trên tầm thế giới thì “Dì Julia và nhà văn quèn” (2) là thành đạt nhất. Tuy nhiên, tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha, “Pantaleón và những nữ khách” lại được ưa chuộng nhất. Nhưng đối với tôi, mỗi cuốn sách là một cuộc phiêu lưu mới.

Ðiều lý thú là ông nhắc tới những cuốn sách ra đời trong thập niên 60-70. Thời kỳ thành công của nền văn học Mỹ - La Tinh trên thế giới cũng trùng vào các thập niên này. Từ dạo đó, dường như sự quan tâm có phần thuyên giảm: châu Mỹ - La Tinh không còn hấp dẫn độc giả như xưa?
Văn hào Vargas Llosa :   Hồi đó, Mỹ - La Tinh là cái “mốt”, chẳng những trong văn chương mà trong cả chính trị. Giờ đây, việc ấn hành một tiểu thuyết Mỹ - La Tinh có giá trị không còn là một tin mới mẻ như xưa; ngoài ra, khu vực này cũng đã ổn định, không còn những vấn đề chính trị cấp thời hàng ngày. Trong những năm 80-90, mối quan tâm ngày càng hướng về vùng Trung và Ðông Âu, có lẽ vì những biến đổi chính trị cũng đã làm thức tỉnh sự quan tâm của thế giới đến văn học và văn hóa.

Một văn sĩ có thể có những nhiệm vụ gì vào cuối thế kỷ XX, khi đa số độc giả đã bỏ thói quen đọc sách? Nhà văn có thể chạy đua với truyền hình, với phim ảnh?
Văn hào Vargas Llosa :  Ðây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất cuối thế kỷ này: điều gì xảy ra với văn chương? Theo tôi phải vượt qua bằng mọi giá, vì văn học cho ta nhiều hơn vô tuyến hay phim ảnh. Tôi nói điều này mặc dù bản thân tôi rất ham mê điện ảnh, nhưng chưa bao giờ, chưa có bộ phim nào có thể mang lại cảm xúc như “Chiến tranh và hòa bình”, “Anh em nhà Karamazov” hay “Bà Bovary” (3).
Nhưng văn chương chỉ có thể sống sót nếu nó không chỉ mang tính giải trí, bởi trên phương diện này nó không thể chạy đua được. Tuy nhiên để đổi lại, văn học có thể đem đến những kiến thức sâu sắc nhất, có thể đánh thức những suy tưởng về cuộc sống con người, về các vấn đề xã hội và về thế giới xung quanh chúng ta. Ðiều quan trọng là các nhà văn đừng bao giờ chối bỏ tham vọng này.
Theo những con số thống kê, cố nhiên không có lý do gì để lo ngại bởi chưa bao giờ sách vở được in nhiều như ngày nay. Có điều, đa số sách vở thuộc loại “bestseller”, thực ra được sản xuất hàng loạt. Nền văn học nghiêm chỉnh, có giá trị hoàn toàn không đến tay quần chúng. Có lẽ không cần lo ngại lắm vì chuyện văn chương biệt tăm; đáng sợ hơn nhiều là việc thứ văn học rẻ tiền nói trên thay thế vị trí của sách vở quý báu.
Lẽ ra, không hy sinh tính độc đáo của mình, nhưng giới văn sĩ cũng phải cố gắng để đến với quảng đại quần chúng. Nếu hiện tại các nhà văn không tìm cách tái chinh phục giới độc giả, họ có thể đánh mất vĩnh viễn.

Trong các tác phẩm đầu, ông phê phán chính thể Peru trên cương vị một trí thức cánh tả. Nhưng vào thời gian gần đây ông lại tuyên truyền chủ nghĩa tư bản kinh điển. Ðiều gì gây ra sự thay đổi ý thức hệ này?
Văn hào Vargas Llosa :  Tôi nghĩ rằng trong suốt cuộc đời mình, tôi đã bảo vệ sự cần thiết của các cải cách xã hội một cách tương đối liên tục, tôi đã lên tiếng chống bất công, tệ lạm dụng và nghèo đói. Thời trẻ tôi tin rằng chủ nghĩa xã hội là giải pháp cho các vấn đề này.
Nhưng kinh nghiệm - chẳng những của tôi mà của cả thế giới - đã chỉ ra rằng chính chủ nghĩa xã hội cũng được xây trên những bất công, lắm khi nó đem lại một chế độ độc tài còn vô nhân đạo và tàn nhẫn hơn nhiều so với bất kỳ một ý thức hệ nào khác. Hơn nữa, chủ nghĩa xã hội còn đẩy nền kinh tế đến chỗ diệt vong và tạo nên kết quả nghèo đói không gì đo lường nổi.
Với trí óc ngày nay, tôi bảo vệ nền dân chủ mà tôi đã khước từ thuở đầu đời, vì khi đó tôi cho là hí kịch. Nhưng những mục tiêu của tôi không thay đổi, cùng lắm tôi cho rằng phải thực hiện chúng bằng những phương tiện khác.
Tôi thấy trong thời đại ngày nay, dân chủ là công cụ hữu hiệu nhất trong cuộc đấu tranh chống bất công, nghèo đối và bóc lột. Như một trí thức có tư tưởng tự do, trước tiên tôi bảo vệ tự do, trên cả địa hạt chính trị và xã hội.

Ghi chú:
(1) Một nước cộng hòa vùng Trung Mỹ.
(2) Tác phẩm này đã được dịch ở Việt Nam.
(3) Các tác phẩm lớn của Leon Tolstoy (1828-1910), Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) và Gustave Flaubert (1821-1880).
Trần Lê giới thiệu và chuyển ngữ
.
.
.

No comments: