Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Xem thêm: Giáo dục Việt Nam Cộng hòa và Hệ thống Giáo dục Việt Nam.
Hình : Lễ khai giảng ngày 15 tháng 11 năm 1945 ở Trường Đại học Quốc gia Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nền giáo dục của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức có mặt từ năm 1945 nhưng đến năm 1946 vì phải sơ tán trước cuộc phản công của Pháp nên mãi đến năm 1954 sau khi chính phủ Việt Minh về tiếp thu thủ đô Hà Nội và tiếp quản các cơ cấu hành chính, trong đó có Tổng nha Học chính của Liên bang Đông Dương cũ, thì mới có cơ sở vững vàng để thực hiện. Với chính thể mới, hệ thống giáo dục này tồn tại cho đến năm 1985 khi nền giáo dục hai miền Nam Bắc thống nhất, dù rằng việc thống nhất chính trị giữa hai miền đã diễn ra từ năm 1976.[1] Một đặc điểm của giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là có tính định hướng chính trị và giáo dục được xem là một thành phần phục vụ quan điểm của nhà nước.[2]
Giáo dục tiểu học và trung học
Ngay từ năm 1946 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho áp dụng chương trình học của Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời Đế quốc Việt Nam dưới chính phủ Trần Trọng Kim) ở cấp tiểu học và trung học. Nỗ lực của thập niên 1940 và 1950 cũng là phải xóa nạn mù chữ với sự đóng góp của Nha Bình dân Học vụ.[3] Năm 1950, hai bậc này được quy hoạch lại tổng cộng có 11 lớp: tiểu học (cấp I), bốn năm; trung học cơ sở (cấp II), ba năm; trung học phổ thông (cấp III), bốn năm. Năm 1956, chính quyền lại ra nghị quyết cải tổ giáo dục phổ thông, rút lại còn 10 năm: tiểu học (cấp I), bốn năm; trung học gồm cấp II và cấp III, mỗi cấp có ba năm.[2] Xong năm lớp 10 học sinh thi lấy bằng trung học phổ thông.[1]
Giáo dục đại học
Bậc đại học thì vì lúc đầu phải sơ tán nên chủ yếu vẫn dùng chương trình thời Pháp thuộc kể cả tiếng Pháp để giảng dạy đến năm 1950 mới đổi sang tiếng Việt. Viện Đại học Đông Dương (tiếng Pháp: Université Indochinoise) phải đóng cửa nhưng rồi tái khai giảng vào cuối năm 1945 với tên mới: Trường Đại học Quốc gia Việt Nam với hơn 1.100 sinh viên ghi danh. Lúc đó trường có năm ban: Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội, và Mỹ thuật.[4] Trường này sau đó chuyển lên Việt Bắc và được sắp xếp lại. Trường Đại học Luật bị bỏ hẳn, thay thế bởi Trường Đại học Chính trị Xã hội, đến năm 1948 thì gọi là Trường Pháp chính. Trong khi đó Văn khoa dạy thêm ngoại ngữ: Anh, Nga và Hoa.[2]
Sau khi trở về Hà Nội, Chính phủ ký nghị định ngày 6 tháng 3 năm 1956 tổ chức lại cấp đại học và lập ra năm trường đại học: Bách khoa, Nông lâm, Sư phạm, Tổng hợp (Văn khoa và Khoa học), và Y dược. Cũng kể từ đó giáo trình đại học bỏ mô hình của Pháp và theo chương trình học của Liên Xô.[2] Theo đó thì mỗi trường cũ đứng riêng thành trường độc lập. Bậc đại học của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian hơn 20 năm không cấp bằng tiến sĩ nào nên sinh viên cần đào tạo kiến thức cao hơn thì phải đi du học ở Liên Xô và Đông Âu.[1]
Vì quan niệm giáo dục phải phục vụ mục tiêu chính trị nên bất kể học ở chuyên ngành nào, sinh viên đại học đều phải học triết học Mác-Lê và lý thuyết đấu tranh giai cấp.[1] Trong niên học năm 1975-76 thì lối học tập chính trị được đem áp dụng triệt để ở miền Nam và cả năm học đó được dành cho "công tác chính trị tư tưởng" cho các sinh viên và giảng viên.[5]
Các cơ sở giáo dục đại học
Trường Đại học Y khoa Hà Nội: trước thuộc Viện Đại học Hà Nội nhưng theo nghị định năm 1956 thì tách riêng. Trường Y khoa bị cắt khỏi Bộ Giáo dục và chuyển sang Bộ Y tế và học trình rút bỏ từ bảy năm thành sáu năm, loại bỏ ngoại trú, nội trú và luận án. Ngoài ra Bộ Y tế mở một chương trình hai năm học bắt đầu từ năm 1960 ở Thanh Hóa, Nghệ An (Vinh), Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Hà Đông và Phú Thọ để đào tạo hàng ngàn y sĩ trung cấp trong khi học trình bác sĩ y khoa rút xuống còn bốn năm. Việc này diễn ra được hai năm nhưng vì thấy không hiệu quả nên sau đó lại trở lại học trình sáu năm cho y khoa.[6]
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: thành lập năm 1956 với bốn ngành, Cơ khí, Điện & Mỏ, Luyện kim & Hóa học, và Thực phẩm & Xây dựng.[7]
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: thành lập năm 1956, tập trung vào các ngành khoa học cơ bản. Năm 1993, trường này sáp nhập với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội để hình thành Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: thành lập năm 1951, ban đầu với tên gọi Trường Đại học Sư phạm Khoa học (1951–1956), sau đó là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956-1966), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (1966–1993), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1993–1999) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, và trở lại tên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 10 năm 1999.
Trường Đại học Nông lâm Hà Nội: thành lập năm 1956. Các tên gọi khác: Học viện Nông Lâm (từ 1958), Trường Đại học Nông nghiệp (từ 1963), Trường Đại học Nông nghiệp I (từ 1967), và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (từ 2007).
Chú thích
Xem thêm
Bài này còn sơ khai.
Mời bạn góp sức viết thêm để bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp về cách sửa bài.
Mời bạn góp sức viết thêm để bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp về cách sửa bài.
.
.
.
No comments:
Post a Comment