Sunday, October 3, 2010

GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA (Wikipedia) (Phần 2)

Các trường nghệ thuật

Hình : Các giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ đồng tấu: Trần Thanh Tâm (đờn kìm), Phan Văn Nghị (đờn cò), Trương Văn Đệ (đờn tam), Vũ Văn Hòa (sáo), và Nguyễn Vĩnh Bảo (đờn tranh).

Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ: Thành lập ngày 12 tháng 4 năm 1956 dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Chương trình học sau được bổ túc để bao gồm các bộ môn âm nhạc cổ điển Tây phương và truyền thống Việt Nam cùng kịch nghệ.[74]

Trường Quốc gia Âm nhạc Huế: Thành lập năm 1962 ở cố đô Huế,[75] chủ yếu dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam, dùng nhà hát Duyệt Thị Đường trong Kinh thành Huế làm nơi giảng dạy.[76]

Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật: thành lập năm 1971, trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (tiền thân là Trường Mỹ nghệ Gia Định, thành lập năm 1940).

Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn: thành lập sau năm 1954; chuyên đào tạo về nghệ thuật tạo hình với các chương trình học 3 và 7 năm. Vị giám đốc đầu tiên là họa sĩ Lê Văn Đệ (1954-1966).

Tài liệu và dụng cụ giáo khoa

Hình : Truyện Kiều bản chữ Nôm của Chiêm Vân Thị do Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa xuất bản năm 1967

Năm 1958, chính phủ Đệ nhất Cộng hòa cho lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để soạn, dịch, và in sách giáo khoa cho hệ thống giáo dục toàn quốc. Tính đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ấn hành xong 39 đầu sách tiểu học, 83 sách trung học, và 9 sách đại học.[77]
Các giáo chức và họa sĩ làm việc trong Ban Tu thư đã soạn thảo trọn bộ sách cho bậc tiểu học. Bộ sách này được đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức. Có nhiều sách đã được viết, dịch, và phát hành để học sinh và sinh viên có tài liệu tham khảo. Phần lớn sách giáo khoa và trang thiết bị dụng cụ học tập do Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục sản xuất và cung cấp với sự giúp đỡ của một số cơ quan nước ngoài. Trung tâm này còn hợp tác với UNESCO để viết và dịch sách dành cho thiếu nhi để giúp các em hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau và tạo sự đoàn kết giữa các nhi đồng trên thế giới. Bộ Giáo dục cũng dành riêng ngân quỹ để in sách giáo khoa bậc tiểu học cho gần 30 sắc tộc thiểu số khác nhau ở Việt Nam.
Ngoài ra, để có sự thống nhất trong việc sử dụng các danh từ chuyên môn, Bộ Giáo dục cũng đã thiết lập Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ Chuyên môn bao gồm nhiều giáo sư đại học. Ủy ban đã soạn thảo và, thông qua Trung tâm Học liệu, ấn hành những tập đầu tiên trong lĩnh vực văn học và khoa học.[78] Trong những dự án đó Bộ cho in lại nguyên bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm.

Nhà giáo
Đào tạo giáo chức

Hình : Trường Đại học Sư phạm thuộc Viện Đại học Sài Gòn

Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn (thành lập vào năm 1957) là cơ sở sư phạm đầu tiên, bắt đầu khai giảng năm 1958.[79] Sau có thêm các trường cao đẳng sư phạm ở Ban Mê Thuột, Huế, Vĩnh Long, Long An, và Quy Nhơn[80] Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên.[81] Ngoài ra còn có Trường Đại học Sư phạm Huế thuộc Viện Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt thuộc Viện Đại học Đà Lạt.[82] Vào thời điểm năm 1974, cả nước có 16 cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học với chương trình hai năm còn gọi là chương trình sư phạm cấp tốc. Chương trình này nhận những ai đã đậu được bằng Trung học Đệ nhất cấp.[83] Hằng năm chương trình này đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học.[84] Giáo viên trung học thì phải theo học chương trình của trường đại học sư phạm (2 hoặc 4 năm).[85] Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho nhà nước ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp.[86]
Nha Sư phạm (thuộc Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên) và các trường sư phạm thường xuyên tổ chức các chương trình tu nghiệp và các buổi hội thảo giáo dục để giáo chức có dịp học hỏi và phát triển nghề nghiệp. Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên cũng gởi gởi nhiều giáo chức đi tu nghiệp ở các nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Đức, v.v...[82]

Đời sống và tinh thần giáo chức

Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người giúp việc trong nhà. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài GònĐà Nẵng. Tuy vậy, lúc nào các nhà giáo cũng giữ vững tinh thần và tư cách của nhà mô phạm (người mẫu mực, người đóng vai trò hình mẫu), từ cách ăn mặc thật đứng đắn đến cách ăn nói, giao tiếp với phụ huynh và học sinh, và với cả giới chức chính quyền địa phương.[82]

Thi cử và đánh giá kết quả học tập

Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965-1966. Đến năm 1974, toàn bộ các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu trắc nghiệm. Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều phải đi dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1.800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời của học sinh để tính độ khó của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu hỏi trắc nghiệm cho thích hợp.[25]
Đầu những năm 1970, Nha Khảo thí của Bộ Quốc gia Giáo dục đã ký hợp đồng với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển... đến các con số thống kê cần thiết. Bảng trả lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. Điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy IBM 534 để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ này được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình, độ lệch chuẩn, chuyển điểm thô ra điểm tiêu chuẩn, tính thứ hạng trúng tuyển v.v... Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp của khoa học thống kê để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn.[25]

Tổ chức quản trị

Hệ thống quản trị giáo dục

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, Bộ Quốc gia Giáo dục có Tổng Nha Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục phụ trách giáo dục tiểu học và trung học; đứng đầu là một Tổng Giám đốc. Tổng Nha này (văn phòng đặt tại số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn) bao gồm Nha Trung học, Nha Tiểu học, Nha Tư thục, Sở Khảo thí, và Ban Thanh tra và Soạn Đề thi. Ở địa phương, mỗi tỉnh có một Ty Tiểu học để quản lý tất cả các trường tiểu học trong tỉnh. Nhưng các trường trung học ở Sài Gòn và ở các tỉnh lỵ và quận lỵ đều làm việc thẳng với Nha Trung học ở Tổng Nha. Khi số trường trung học gia tăng quá nhiều thi Nha Trung học hoạt động không còn hữu hiệu nữa. Ở tại các tỉnh, hiệu trưởng trường trung học tỉnh lỵ kiêm luôn việc kiểm soát các trường bán côngtư thục khiến vị trí công việc này rất nặng nề.[87]

Hình : Bản đồ hành chính với địa giới các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa và bốn khu học chánh (cũng tương ứng với bốn vùng chiến thuật)

Tháng 6 năm 1971, dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, Bộ Quốc gia Giáo dục mở rộng thành Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên (VH-GD-TN). Cơ quan đầu não của Bộ bào gồm: Một Tổng trưởng (ngày nay gọi là Bộ trưởng), một Thứ trưởng, và bốn Phụ tá đặc biệt (ngang hàng thứ trưởng) đặc trách Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, và Kế hoạch. Điều hành văn phòng cơ quan đầu não có Đổng lý văn phòng (chức vụ này bị bãi bỏ từ năm 1974), Chánh văn phòng của Tổng trưởng, Chánh văn phòng của Thứ trưởng, Bí thư của Tổng trưởng, Bí thư của Thứ trưởng, Tham chánh Văn phòng của Tổng trưởng, các Công cán Ủy viên của Tổng trưởng, Thứ trưởng, Phụ tá đặc biệt, và một số Thanh tra đặc biệt tại Bộ.[87]

Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Bộ trông coi khối điều hành ở trung ương với 13 nha, 1 sở, và 1 trung tâm: (1) Nha Sưu tầm và Nghiên cứu Giáo dục, (2) Nha Kế hoạch và Pháp chế, (3) Nha Học chánh (tức là Quản trị Giáo dục), (4) Nha Sinh hoạt Học đường, (5) Nha Sinh hoạt Văn hóa, (6) Nha Sinh hoạt Thanh niên, (7) Nha Công tác Quốc tế, (8) Nha Sư phạm và Tu nghiệp, (9) Nha Khảo thí, (10) Nha Y tế Học đường, (11) Nha Nhân viên, (12) Nha Tài chính, (13) Nha Tạo tác (tức là Kiến thiết và Hậu cần), (14) Sở Văn thư, và (15) Trung tâm Học liệu. Thanh Tra Đoàn được lập ở trung ương, bên cạnh khối điều hành của Tổng thư ký. Tổng Nha Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo dục được giải tán và tất cả các công việc thuộc Tổng Nha được đưa về Bộ và nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Phụ tá đặc biệt đặc trách Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo dục.[87]

Vào năm 1972, Bộ VH-GD-TN thiết lập 4 Khu Học chánh để đại diện cho Bộ ở 4 vùng chiến thuật (quân khu) để đôn đốc, kiểm soát và giúp đỡ công việc văn hóa, giáo dục, và thanh niên ở các tỉnh thuộc phạm vi quân khu của mình. Đây là một cơ quan hoạt động rất hữu hiệu. Tuy nhiên vì ngân sách eo hẹp và vì nhu cầu cải tổ công vụ trên toàn quốc nên Khu Học chánh bị giải tán sau hơn một năm hoạt động. Tại mỗi tỉnh, Bộ VH-GD-TN cho thiết lập một Sở Học chánh để phụ trách tất cả các công việc liên quan đến văn hóa và giáo dục trong tỉnh; Ty Tiểu học được sáp nhập vào Sở Học chánh. Bộ VH-GD-TN mong muốn rằng cơ quan học chánh ở mỗi tỉnh phải có địa vị quan trọng và càng ít bị áp lực của địa phương càng tốt cho nên đã nâng cơ quan này lên thành Sở. Tuy vậy, do tình hình đất nước, điều này không thể thực hiện được, và công cuộc cải tổ công vụ toàn quốc đã đưa đến quyết định chuyển Sở Học chánh thành Ty Văn hóa Giáo dục tại địa phương từ năm 1974. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa lúc này có 50 Ty Văn hóa Giáo dục đặt tại 48 tỉnh lỵ và 2 thị xã.[87]

Về mặt ngân sách vào thời điểm năm 1961 thời Đệ nhất Cộng hòa với ngân sách quốc gia là 15.276 triệu đồng, chính phủ chi 811,4 triệu cho ngân sách giáo dục; chính quyền địa phương góp 563,3 triệu đồng tính tổng cộng là 8,99% ngân sách quốc gia.[64]

Giáo dục là của những người làm giáo dục

Việt Nam, ngay từ thời xa xưa, giáo dục là của những người làm giáo dục. Các vương triều của Việt Nam thường chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo đó là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục. Sang thời Pháp thuộc, người Pháp lập ra một nền giáo dục mới, nhưng việc điều hành và soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được huấn luyện chuyên môn, dù là người Pháp hay người Việt.[88]
Đặc điểm trên được tôn trọng trong suốt thời Quốc gia Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại và đặc biệt là thời Việt Nam Cộng hòa. Các chức vụ bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng các chức vụ khác trong Bộ Giáo dục đều là những nhà giáo chuyên nghiệp đảm trách (ngoài trừ một số chức vụ có tính chất chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư, v.v...). Họ là những người am hiểu công việc, có kinh nghiệm, giàu tâm huyết, và xem chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới quan trọng. Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện đều là những nghị sĩ quốc hội xuất thân từ nhà giáo. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.[88]

Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị.[2] Ở miền Nam trước 1975 không có "Bộ Đại học" cũng không có cơ quan chủ quản kiểu như Bộ Y tế quản lý các trường đại học Y-Dược. Trong ban lãnh đạo của Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học. Công việc của vị này chủ yếu là lo về chính sách chung vì các viện đại học là cơ quan ngoại vi đối với Bộ ở trung ương. Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai.[45]

Về mặt tài chính, tuy các viện đại học công lập có ngân sách riêng nhưng đây là một phần của ngân sách chung thuộc ngân sách quốc gia và phải được Quốc hội chấp thuận. Tất cả các chi tiêu phải qua thủ tục "chiếu hội ngân sách" ("chiếu hội"=kiểm nhận) do Bộ Tài chính kiểm soát và thực hiện. Ngoài ra, giảng viên và nhân viên là công chức quốc gia. Việc tuyển mới, chuyển ngạch, bổ nhiệm, thăng chức, v.v... phải qua thủ tục "chiếu hội công vụ" do Phủ Tổng ủy Công vụ thực hiện để kiểm soát. Trong thực tế, thủ tục này được thực hiện một cách khá dễ dàng và nhanh chóng. Như vậy, về mặt tài chính các viện đại học công lập ở miền Nam không được nhiều quyền tự trị như các viện đại học ở Hoa Kỳ. Lý do của việc này là do các viện đại học này không thu học phí của sinh viên, không có nguồn thu riêng.[45]

Các kỳ đại hội giáo dục quốc gia

Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I: tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958. Triết lý giáo dục nhân bản - dân tộc - khai phóng được chính thức hóa ở hội nghị này.[89]
Đại hội Giáo dục Quốc gia lần II: tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1964. Đại hội này tái xác nhận ba nguyên tắc căn bản nhân bản - dân tộc - khai phóng và tổ chức lại hệ thống học đường nhấn mạnh đến sự học tập liên tục từ lớp 1 đến lớp 12.[89]

Một số nhà lãnh đạo giáo dục tiêu biểu

Trong suốt thời gian 20 năm tồn tại, các vị tổng trưởng (tức bộ trưởng) và thứ trưởng giáo dục của Việt Nam Cộng hòa đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam. Sau đây là vài nhà lãnh đạo tiêu biểu:[90]
Trần Hữu Thế: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 1995 tại Pháp; tiến sĩ khoa học (1952), từng dạy học ở Lyon (Pháp) và làm giáo sư ở Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn; từ 1958 đến 1960 làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục; từng làm Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Philippines. Dưới thời Bộ trưởng Trần Hữu Thế, số lượng học sinh, sinh viên gia tăng nhanh chóng, và nhiều cải tiến trong giáo dục đã được thực hiện. Cùng thời kỳ này, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958 chính thức hóa ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc, và khai phóng làm nền tảng cho triết lý giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
Nguyễn Văn Trường: sinh năm 1930 tại Vĩnh Long; giáo sư tại Viện Đại học Huế; hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhấtĐệ nhị Cộng hòa. Ông là người tích cực vận động và đóng góp vào sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ vào năm 1966.
Trần Ngọc Ninh: sinh năm 1923 tại Hà Nội; bác sĩ giải phẫu và giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, giáo sư Văn minh Đại cương và Văn hóa Việt Nam tại Viện Đại học Vạn Hạnh; Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhấtĐệ nhị Cộng hòa.[91]
Nguyễn Lưu Viên: sinh năm 1919; bác sĩ, từng làm việc tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Bệnh viện Chợ Rẫy, và Viện Pasteur Sài Gòn; từ 1969 đến 1971 làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục rồi Phó thủ tướng kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ở Hội nghị La Celle Saint Cloud trong chính phủ Trần Thiện Khiêm.
Ngô Khắc Tĩnh: sinh năm 1922 tại Phan Rang, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; dược sĩ (tốt nghiệp ở Pháp); từ năm 1971 đến 1975 làm Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên; từ năm 1975 đến 1988 bị tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đỗ Bá Khê: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Southern California); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa. Ông là người đã thiết lập hệ thống các trường đại học cộng đồng ở miền Nam Việt Nam và được xem là "cha đẻ của các trường đại học cộng đồng Việt Nam". Ông còn thiết lập Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức vào năm 1974 dựa theo mô hình của các viện đại học bách khoa ở California (Hoa Kỳ) và làm việc với vai trò viện trưởng sáng lập của viện đại học này.
Nguyễn Thanh Liêm: sinh năm 1934 tại Mỹ Tho; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Iowa State, Hoa Kỳ); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa.

Trợ giúp của quốc tế

Hình : Cuốn tập đọc song ngữ Việt-Kơho do Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1959 với sự hợp tác của Phái bộ Kinh tế Hoa Kỳ

Những nỗ lực phát triển giáo dục của Việt Nam Cộng hòa nhận được sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới. Một vài ví dụ có thể kể đến: UNESCO giúp thiết lập một hệ thống các trường tiểu học cộng đồng. UNDP giúp đỡ trang thiết bị cho Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. New Zealand xây dựng các tòa nhà cho Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Pháp cung cấp nhiều giáo sư, trang thiết bị, khoản tài trợ giúp phát triển nhân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học hiện đại. Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) giúp xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho một trường trung học kỹ thuật, ngoài ra còn hỗ trợ Trường Đại học Y khoa của Viện Đại học Huế, v.v...[92]

Phần lớn sự trợ giúp đến từ Hoa Kỳ. Trong đó có sự giúp đỡ trong việc ấn loát sách giáo khoa, xây dựng Trường Đại học Sư phạm của Viện Đại học Sài Gòn và các trường sư phạm khác ở các tỉnh, 11.000 phòng học trong các ấp chiến lược, 18 trường trung học kỹ thuật, một trung tâm y khoa cho Viện Đại học Sài Gòn, một trường sư phạm và cùng với nó là một trường trung học kiểu mẫu, một trường sư phạm kỹ thuật, một trường đại học nông nghiệp, một trường đại học kỹ thuật, một trung tâm hành chính cho viện đại học, v.v... Tất cả các chương trình này được thực hiện thông qua các nhóm chuyên gia gồm các giáo sư, nhà quản trị, và sinh viên của các viện đại học Hoa Kỳ.[92]

Đặc biệt,năm 1970 bộ quốc gia giáo dục của chính quyền Sài gòn đã được trang bị máy chấm bài thi trắc nghiệm điện tử IBM thế hệ đầu của Mỹ. Đây là loại máy mà đến năm 2004 bộ giáo dục và đào tạo nước Cộng Hòa XHCN Việt nam bắt đầu sử dụng, chỉ khác là máy có thế hệ mới hơn. Điều này cho thấy nền giáo dục miền nam trước 1975 đã có sự khách quan trong thi cử.

Chữ viết

Vào thời đó, chính tả tiếng Việt khác với bây giờ ít nhiều. Điểm khác biệt gồm có việc dùng gạch nối "-" giữa các từ trong một từ kép, ví dụ như "ngân-hàng", "Việt-Nam". Cách viết tên riêng thì có khi viết thành "Nguyễn-văn-Mỗ" thay vì viết hoa mỗi chữ (Nguyễn Văn Mỗ). Những khác biệt này không phải do chính quyền tạo ra hay chỉ mới xuất hiện vào thời buổi đó mà đúng ra là tiếp nối cách viết từ thời tiền chiến.

Đánh giá

Lời đánh giá về nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa trên trang mạng chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định: "Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam. Mỹ-ngụy đã cố sử dụng giáo dục làm công cụ xâm lược Việt Nam. Chúng đã gieo rắc trong học sinh, sinh viên tư tưởng hoài nghi, mơ hồ, tư tưởng an phận, sợ Mỹ, phục Mỹ. Chúng phát triển trong học sinh, sinh viên lối sống thực dụng, quay lưng với hiện tại, chấp nhận cuộc sống vị kỷ ương hèn... Mặt khác, Mỹ-ngụy tìm mọi cách tiêu diệt nền giáo dục cách mạng, tìm cách ngăn chặn, loại trừ những mầm mống cách mạng trong nhà trường."[93] Trong một giáo án về Lịch sử Giáo dục huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị: "Giáo dục Mỹ-ngụy tuy có phát triển về số lượng và có những cải cách nhất định, nhưng không thoát khỏi mục đích nô dịch, thống trị."[94]

Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 6 năm 1975 (tức là sáu tuần sau sự kiện ngày 30 tháng 4), Arthur W. Galston, giáo sư sinh học ở Viện Đại học Yale, viếng thăm miền Bắc Việt Nam (lúc đó vẫn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Theo tường trình của Galston cho tạp chí Science số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975 thì một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với miền Nam. Theo tạp chí Science thì "Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên. Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston nhận thấy các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi vào lúc đó thực sự diễn ra." Theo Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, cụ thể được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) và Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuậtđiện tử cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam (nguyên văn tiếng Anh: "the widespread educational emphasis on engineering and electronics and the system of two-year, community colleges").[95]

Lời chứng và đánh giá của ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt,[96] nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: "Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc [...] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục "xã hội chủ nghĩa" (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng..."[97]

Xem thêm


Chú thích

^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 24-26.
^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 19-21.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 22-23.
^ Nguyen Van Canh, tr. 156
^ “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 54.
^ a b Nguyen Ngoc Bich, tr. 46.
^ Sales, Jeanne M. tr 7
^ Smith, Harvey et al. tr 148
^ Nguyen Ngoc Bich et al., tr. 43.
^ a b Nguyen Ngoc Bich et al., tr. 47.
^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 28-29.
^ Masur, Matthew B., tr. 58.
^ Smith, Harvey et al., tr. 148.
^ Nguyen Ngoc Bich et al., tr. 43.
^ Nguyễn Thanh Liêm, tr. 28.
^ “Giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Lược sử Vovinam”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Phân ban trung học”. Vietnamnet. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Nguyen Thanh Liem (2006), tr. 32.
^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 38-44.
^ Smith, Harvey et al. tr 149
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 189-198.
^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 199-213.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 284-285.
^ “Education - Vietnam”. Truy cập 31 tháng 1 năm 2010.
^ “Collège Fraternité”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Dòng La San”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Smith, Harvey et al. tr 153
^ Nguyen Van Canh, tr. 157.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 312-317.
^ “Gia đình Quốc gia Nghĩa tử”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Press Information Office. Embassy of the Republic of Viet-Nam. News from Viet-Nam. Trang 9.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 174-175.
^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 168-169.
^ a b c d Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 152-157.
^ “Community Colleges in Vietnam”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Masur, Matthew B., tr. 61.
^ Sales, Jeanne M., tr. 8.
^ “Viện Đại học Vạn Hạnh”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Niên biểu An Giang qua các thời kỳ”. Truy cập 4 tháng 2 năm 2010.
^ “Giáo dục Văn hóa Cao Đài”. Truy cập 31 tháng 1 năm 2010.
^ “Viện Đại học Cao Đài”. Truy cập 4 tháng 2 năm 2010.
^ “Duyên Quốc gia Hành chánh...”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 171.
^ “Lần theo vết dấu...”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Lịch sử Học viện Quốc gia Hành chánh”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ a b “UNESCO Profile: Viet-Nam”. Truy cập 31 tháng 1 năm 2010.
^ “Đại học cộng đồng Tiền Giang”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ a b c “Community Colleges in Vietnam”. Truy cập 31 tháng 1 năm 2010.
^ “Đà Nẵng vang bóng một thời”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Nhà văn Hứa Hoành”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Trường Nông lâm súc”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Cựu học sinh Nông lâm súc tái ngộ”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ “Trường Đại học Nông lâm”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Masur, Matthew, tr. 57.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 34.
^ “Lịch sử Đại học Sư phạm Sài Gòn”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ "Khoa Sư phạm". Thế giới Tự do Số 4, Tập X. Sài Gòn: Sở Thông tin Hoa Kỳ, 1961. tr 34-5
^ a b c Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 135-138.
^ “Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa”. Truy cập 28 tháng 12 năm 2009.
^ Nguyen Ngoc Bich. tr 46
^ Sales, Jeanne M. tr 9
^ “Trường Đại-học Sư-phạm Sài Gòn”. Truy cập 31 tháng 1 năm 2010.
^ a b c d Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 44-47.
^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 127-128.
^ a b Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 136-138.
^ Nguyễn Thanh Liêm (2006), tr. 8.
^ “Viện Việt-Học”. Truy cập 5 tháng 1 năm 2010.
^ a b Do, Khe Ba (1995), tr.9-10.
^ “Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Định”. Truy cập 5 tháng 1 năm 2010.
^ “Thư viện Giáo án Điện tử”. Truy cập 5 tháng 1 năm 2010.
^ Deborah Shapley (8 1975). “Science in Vietnam: The Postwar North Seeks American Assistance”. Science 189 (4204): 705-707. doi:10.1126/science.189.4204.705. http://www.sciencemag.org/cgi/content/citation/189/4204/705. Truy cập 5 tháng 1 năm 2010. “[Nguyên văn tiếng Anh đoạn trích dẫn]: In science and education, unification will probably be patchy at best, since the two countries have developed along different lines for decades. But despite a host of difficulties Galston found the leaders in the North to be openly admiring of many features of science and education in the South; they planned to incorporate them in the North when the much-discussed (but still not formalized) unification takes place.”. 
^ “Kỷ niệm về một ngôi trường”. Truy cập 16 tháng 2 năm 2010.
^ “Hãy trút cơn giận vào nơi đáng trút”. Truy cập 5 tháng 2 năm 2010.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Thanh Liêm. “Giáo dục ở Nam Việt Nam: Từ thập niên 1970 đến 1975”. Truy cập 18 tháng 2 năm 2010.
Nam Sơn Trần Văn Chi. “Giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa”. Truy cập 18 tháng 2 năm 2010.
Nguyễn Văn Thành. “Sự giáo dục và thi cử qua các thời đại ở Việt Nam”. Truy cập 18 tháng 2 năm 2010.
Masur, Matthew B.. Hearts and Minds: Cultural Nation-building in South Vietnam, 1954-1963. Ohio State University. 
Nguyen Ngoc Bich et al.. An Annotated Atlas of the Republic of Viet-Nam. Washington, D.C.: Embassy of Viet-Nam. 
Nguyen Van Canh. Vietnam Under Communism, 1975-1982. Stanford, California: Hoover Institution of Stanford University. 
Sales, Jeanne M.. Guide to Viet-Nam. Sài Gòn: American Women's Association of Saigon. 
Smith, Harvey; et al.. Area Handbook for South Vietnam. Washington, D.C.: U.S. Government Printing Office. 
Nguyễn Thanh Liêm. Giáo dục ở miền Nam tự do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975). California: Lê Văn Duyệt Foundation. 
Primary Education” (PDF). Viet-Nam Info 16. 11 1969. http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/1653/16530102013.pdf. Truy cập 4 tháng 2 năm 2010. 
Can Tho University” (PDF). Viet-Nam Info 18. 11 1969. http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/232/2322014002.pdf. Truy cập 4 tháng 2 năm 2010. 
Do, Khe Ba (1995). “The Difficult Path Toward an Integrated University and Community College System in Vietnam”. Truy cập 18 tháng 2 năm 2010. In trong: Yee, Albert H. (ed.), East Asia Higher Education: Traditions and Transformations (Oxford: Pergamon, 1995), tr. 135-154.

Liên kết ngoài

.
.
.

No comments: