Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bài này nói về hệ thống giáo dục Việt Nam dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976 đến nay).
Xem thêm: Giáo dục Việt Nam Cộng hòa và Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bài này nói về hệ thống giáo dục Việt Nam dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976 đến nay). Hệ thống giáo dục này là một sự tiếp nối của hệ thống giáo dục thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thừa hưởng một phần di sản của nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Khi hai miền Nam và Bắc thống nhất năm 1976 thì khuôn mẫu giáo dục ở miền Bắc tiếp cận với hệ thống giáo dục đã được thiết lập ở miền Nam; cụ thể nhất là học trình 10 năm tiểu học và trung học ở miền Bắc phải đối phó với học trình 12 năm ở trong Nam. Hai hệ thống này song hành; Miền Bắc tiếp tục hệ 10 năm và miền Nam giữ hệ 12 năm từ năm 1976 đến năm 1986 thì cho áp dụng hệ 12 năm cho toàn quốc.[1] Năm 1975 cũng là năm giải thể tất cả những cơ sở giáo dục tư thục từng hoạt động ở miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa.
Triết lý giáo dục
Nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chưa có lời phát biểu rõ ràng và chính thức về triết lý giáo dục của mình. Có người cho rằng Việt Nam cần thiết phải có một triết lý giáo dục và đặt vấn đề là phải chăng "giáo dục [Việt Nam] chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập".[2]
Tháng 9 năm 2007, Học viện Quản lý Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Triết lý giáo dục Việt Nam" nhằm tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Triết lý giáo dục là gì? Việt Nam đã có triết lý giáo dục chưa? Tại sao triết lý giáo dục lại quan trọng?...[3] Ở hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng nền giáo dục Việt Nam từ trong truyền thống và hiện đại đều có triết lý giáo dục, thể hiện qua những câu như: "Không thầy đố mày làm nên"; "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu mến thầy"; "Học thầy không tày học bạn"; "Tiên học lễ, hậu học văn"; "Học phải đi đôi với hành"; "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người"; "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"; v.v... Tuy vậy, theo tường trình của Tạp chí Cộng Sản, hội nghị này vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa cụ thể về triết lý giáo dục của Việt Nam.[4] Các bài tường trình của Tạp chí Cộng Sản, và của tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội,[5] không nhắc đến triết lý nhân bản, dân tộc, và khai phóng từng tồn tại ở miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến 1975.
Mục tiêu giáo dục
Mục tiêu phấn đấu chung của cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng của Việt Nam là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 142 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết này chỉ rõ những mục tiêu giáo dục như sau:
"... Xây dựng cho được một độ ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế đông đảo vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và ngành nghề, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, liên hệ chặt chẽ với công nông, vừa có trình độ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ giỏi, nắm vững những quy luật của tự nhiên và quy luật xã hội, có năng lực tổ chức và động viên quần chúng, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế do thực tế nước ta đề ra và có khả năng tiến kịp trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới."[6]
Giáo dục cấp nhà trẻ - mẫu giáo
Nhà trẻ và mẫu giáo dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi với mục đích hình thành tư duy cho trẻ. Tạo những thói quen, tập tính ngay trong giai đoạn này.
Giáo dục cơ bản
Giáo dục cơ bản kéo dài 12 năm và được chia thành 3 cấp: cấp I (tiểu học), cấp II (trung học cơ sở), và cấp III (trung học phổ thông).
Cấp tiểu học
Bài chi tiết: Tiểu học
Cấp tiểu học hay còn được gọi là cấp I, bắt đầu năm 6 tuổi đến hết năm 11 tuổi. Cấp I gồm có 5 trình độ, từ lớp 1 đến lớp 5. Đây là cấp học phổ cập, bắt buộc đối với mọi học sinh. Học sinh phải học các môn sau: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, và 3), Khoa học (lớp 4 và 5), Lịch sử (lớp 4 và 5), Địa lý (lớp 4 và 5), Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Thể dục, Tin học, Tiếng Anh (lớp 3, 4, và 5). Để kết thúc bậc tiểu học, học sinh phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Hiện nay đã chính thức bãi bỏ.
Cấp trung học cơ sở
Bài chi tiết: Trung học cơ sở
Cấp II gồm có 4 trình độ, từ lớp 6 đến lớp 9, bắt đầu từ 11 đến 15 tuổi.
Học sinh đến trường phải học các môn sau: Toán, Vật lý, Hoá học (lớp 8 và 9), Sinh học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân, Ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật), Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học (máy vi tính hoặc điện toán).
Ngoài ra học sinh có thêm một số tiết bắt buộc như: giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp (lớp 9), sử ca học đường...
Hết cấp trung học cơ sở, học sinh được xét tốt nghiệp dựa trên thành tích học tập tích lũy trong bốn năm. Trước đây hết cấp THCS học sinh phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp, nhưng từ năm 2006 đến nay đã chính thức được bãi bỏ. Muốn theo học tiếp trình độ cao hơn (cấp III) học sinh phải tham dự các kỳ thi tuyển sinh.
Cấp trung học phổ thông
Bài chi tiết: Trung học phổ thông
Cấp III gồm 3 trình độ, từ lớp 10 đến lớp 12, bắt đầu từ 15 đến 18 tuổi. Để tốt nghiệp cấp III, học sinh phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Học sinh muốn được theo học tại các trường trung học phổ thông công lập phải dự một kỳ thi tuyển sinh sau khi học hết cấp trung học cơ sở. Các kỳ thi này được tổ chức hàng năm, do Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chủ trì. Ở cấp học này, học sinh cũng phải học các môn tương tự như ở cấp học trung học cơ sở, nhưng bỏ bớt hai môn năng khiếu là Âm nhạc và Mỹ thuật. Tuy nhiên, học sinh trung học phổ thông còn được tham gia một số hoạt động khác như hướng nghiệp, dạy nghề...
Giáo dục chuyên biệt
Trung học phổ thông chuyên, năng khiếu
Từ năm 1966, hệ thống trung học phổ thông chuyên được lập ra, bắt đầu với những lớp chuyên Toán tại các trường đại học lớn về khoa học cơ bản, sau đó các trường chuyên được thiết lập rộng rãi tại tất cả các tỉnh thành. Mục đích ban đầu của hệ thống trường chuyên, như các nhà khoa học khởi xướng như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum... mong đợi, là nơi phát triển các tài năng đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.[cần dẫn nguồn]
Trong thời kì đầu của hệ thống trường chuyên, khi chỉ mới hình thành một vài lớp phổ thông chuyên tại các trường đại học, mục tiêu này đã được theo sát và đạt được thành tựu khi mà phần lớn các học sinh chuyên Toán khi đó tiếp tục theo đuổi các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Tin học (máy tính)... Đây là giai đoạn mà hệ thống trường chuyên làm đúng nhất trách nhiệm của nó. Những học sinh chuyên trong thời kì này hiện đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại chốt tại các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu của Việt Nam cũng như là những cá nhân tiêu biểu nhất của nền khoa học nước nhà.[7]
Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng của hệ thống trường chuyên cũng như việc Việt Nam tham dự các kì Olympic khoa học quốc tế "hào hứng" hơn, mục tiêu ban đầu của hệ thống này ngày càng phai nhạt. Thành tích của các trường chuyên trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kì thi tuyển sinh vào đại học và cao đăng vẫn thường rất cao. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lý do chính cho những thành tích này không phải là chất lượng giáo dục mà là phương pháp luyện thi. Tỉ lệ học sinh các trường chuyên tiếp tục theo đuổi khoa học hay các lĩnh vực liên quan cũng ngày càng thấp, và khiến cho giới khoa học Việt Nam không khỏi quan ngại.[8]
Để được vào học tại các trường chuyên, học sinh tốt nghiệp cấp II phải thoả mãn các điều kiện về học lực, hạnh kiểm ở cấp II và đặc biệt là phải vượt qua các kỳ thi tuyển chọn đầu vào tương đối khốc liệt của các trường này.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú
Đây là các trường nội trú dặc biệt, có thể là cấp II hoặc có thể là cấp III. Các trường này dành cho con em các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ cho các địa phương này. Học sinh được ở tại trường và được cấp kinh phí ăn, ở.
Trường giáo dưỡng
Đây là loại hình trường đặc biệt dành cho các thanh thiếu niên hư hỏng, phạm tội. Trong trường, các học sinh này được học văn hoá, được dạy nghề, giáo dục đạo đức để có thể ra trường, về địa phương sau một vài năm. Các năm trước, các trường loại này do Bộ Công an Việt Nam quản lý, nhưng bây giờ, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội quản lý.
Chương trình sau phổ thông
Dự bị đại học
Các học sinh dân tộc ít người nếu không trúng tuyển vào đại học có thể theo học tại các trường dự bị đại học. Sau một năm học tập, các học sinh này có thể chọn một trong các trường đại học trong cả nước để theo học (trừ Trường Đại học Ngoại thương và các trường thuộc ngành quân sự).
Trung cấp, dạy nghề
Đây là chương trình học dạy nghề dành cho người không đủ điều kiện vào đại học hoặc cao đẳng.
Cao đẳng
Sinh viên phải tham gia kỳ thi tuyển sinh trực tiếp vào cao đẳng hoặc điểm thi vào đại học thấp hơn điểm quy định nhưng lại đủ để vào cao đẳng thì đăng ký vào học cao đẳng. Chương trình cao đẳng thông thường kéo dài 3 năm. Tuy nhiên, một số trường cao đẳng có thể kéo dài đến 3,5 năm hoặc 4 năm để phù hợp với chương trình học.
Đại học
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, tính đến nay, cả nước đã có 409 trường ĐH, CĐ, trong đó có 307 trường được thành lập mới hoặc nâng cấp trong 10 năm qua.Với số trường mới này, 35 tỉnh, thành đã có thêm trường ĐH, CĐ mới; số tỉnh, thành có trường ĐH là 40, có trường CĐ là 60, có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ là 62. Trong số 307 trường ĐH, CĐ mới, có 245 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn; 8 trường được nâng cấp từ khoa trực thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng, chỉ có 32 trường xây dựng hoàn toàn mới. Kết quả giám sát cho thấy, các trường ĐH được thành lập trên cơ sở nâng cấp một khoa trực thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng hoặc chia tách từ một trường ĐH, có ưu thế hơn trong việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt về đội ngũ giáo viên, năng lực tổ chức, quản lý thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Còn các đơn vị được nâng cấp từ bậc học thấp hơn, CĐ lên ĐH và trung cấp lên CĐ lại gặp khó khăn rất lớn trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ để đáp ứng yêu cầu đào tạo ở bậc học cao hơn.[9] Học sinh tốt nghiệp cấp III muốn vào các trường đại học phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Chương trình bậc đại học của Việt Nam kéo dài từ 4 đến 6 năm; 2 năm đầu là chương trình đại học đại cương, 2 (hay 4) năm sau là chương trình chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng đại học với các tên gọi như: cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ...
Tuyển sinh
Bài chi tiết: Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng tại Việt Nam
Tất cả công dân tốt nghiệp trung học (trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp) đều được tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, tôn giáo, dân tộc và cả quốc tịch nữa. Điểm thi tuyển sẽ được công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các thí sinh nếu thấy điểm của mình có sai sót so với dự tính được quyền phúc tra xem xét lại bài. Các thí sinh nếu đạt từ điểm chuẩn của trường đi ra trở lên được mời làm các thủ tục nhập học.
Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, có ưu tiên bằng cách cộng vào tổng điểm thi một số điểm nhất định đối với các đối tượng sau: con Anh hùng lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; con thương binh; học sinh là người dân tộc thiểu số; học sinh tốt nghiệp trung học tại các cùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi khó khăn về kinh tế - xã hội; học sinh nông thôn. Dưới đây là các đối tượng được ưu tiên:
Các đối tượng sau đây được ưu tiên xét tuyển: Học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; tốt nghiệp trung học phổ thông loại khá trở lên và thi phải đạt điểm sàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Các đối tượng sau đây được tuyển thẳng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động đã tốt nghiệp trung học; học sinh là thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế hàng năm.
Chỉ riêng đối với các trường công an, quân đội thì muốn được dự thi phải đạt các tiêu chuẩn về sức khoẻ, mức độ nhạy cảm, phản xạ, năng lực và phẩm chất đạo đức, chính trị. Ngoài ra, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng yêu cầu thí sinh muốn dự thi phải là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.[10]
Sau đại học
Cao học
Các cá nhân sau khi tốt nghiệp đại học, có nhu cầu học cao học, vượt qua được kỳ thi tuyển sinh cao học hằng năm sẽ được tham dự các khoá đào tạo cao học. Thời gian đào tạo thường là 3 năm, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn phụ thuộc vào quy định của chuyên ngành và của cơ sở đào tạo. Các cá nhân đi học cao học có thể theo hai diện: tự đi học thì phải trang trải toàn bộ chi phí học tập; cơ quan cử đi học thì sẽ được cơ quan chi trả chi phí học tập, tuy nhiên, các đối tượng này khi đi học phải có sự đồng ý của cơ quan cử đi học. Sau khi tốt nghiệp, các học viên cao học được cấp bằng thạc sĩ.
Nghiên cứu sinh
Đây là bậc đào tạo cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Tất cả các cá nhân tốt nghiệp từ đại học trở lên đều có quyền làm nghiên cứu sinh với điều kiện phải vượt qua kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh hàng năm. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có có sự định thay đổi trong cách tuyển chọn nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu sinh. Thời gian làm nghiên cứu sinh thường là 4 năm với người có bằng cử nhân hay kỹ sư và 3 năm với người có bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, thời gian làm nghiên cứu sinh còn phụ thuộc vào ngành học và loại hình học (học tập trung hay không tập trung). Sau khi hoàn thành thời gian và bảo vệ thành công luận án, các nghiên cứu sinh sẽ được cấp bằng tiến sĩ.
Danh sách các cơ sở giáo dục Việt Nam
Xem thêm
Chú thích
^ “Giáo dục và thi cử từ năm 1975 đến ngày nay”. Truy cập 14 tháng 8, 2009.
^ “Giáo dục: Cần một triết lý”. Truy cập 14 tháng 1 năm 2010.
^ “Triết lý giáo dục Việt Nam: 'Phải tư duy hai lần'!”. Truy cập 14 tháng 1 năm 2010.
^ “Về triết lý giáo dục Việt Nam”. Truy cập 14 tháng 1 năm 2010.
^ “Về triết lý giáo dục và triết lý giáo dục ở Việt Nam”. Truy cập 4 tháng 3 năm 2010.
^ Giới thiệu các ngành đào tạo đào tạo và Nội dung ôn thi vào các trường đại học. Hà Nội: Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. tr. 13.
^ “Đâu rồi học sinh giỏi toán "ngày xưa"?”. Vietnamnet. Truy cập 14 tháng 3, 2008.
^ Vũ Vân. “40 tỉnh, thành đã có trường đại học”. Báo Hà Nội mới. Truy cập 7 tháng 4, 2010.
^ “Thông báo tuyển sinh đại học thứ hai năm 2009”. Truy cập 16 tháng 1 năm 2010.
Liên kết ngoài
.
.
.
No comments:
Post a Comment