Lê Diễn Đức
09/10/2010 | 6:16 chiều
Ngày 8/10/2010, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) đã được trao Giải thưởng giải Nobel Hòa bình cho “cuộc đấu tranh bất bạo động vì các quyền cơ bản tại Trung Quốc”.
Là giáo sư văn học Trung Quốc, cũng là nhà văn, ông Lưu Hiểu Ba đang phải chấp hành án phạt 11 năm tù về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Không chỉ với án tù hiện tại, ông Lưu Hiểu Ba đã nhiều lần khác bị giam giữ bởi nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ông Lưu Hiểu Ba là đồng tác giả của Hiến chương 08, bản tuyên ngôn kêu gọi xoá bỏ hệ thống độc đảng và thực hiện dân chủ hoá đất nước, được ra đời bởi cảm hứng từ Hiến chương 77.
Hiến chương 77 là nhóm các nhà hoạt động của Tiệp Khắc (cũ) trong những năm 1976 -1992 do các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Václav Havel, Pavel Kohout, Jiří Dienstbier và linh mục Công giáo Václav Malý khởi xướng, với mục đích bảo vệ nhân quyền và dân chủ, chống lại hệ thống toàn trị cộng sản, dẫn đến việc lật đổ chế độ trong năm 1989 bằng cuộc cách mạng bất bạo động được gọi là cuộc Cách mạng Nhung.
Phong trào Hiến chương 77 cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đối kháng với chế cộng sản tại Ba Lan như KOR (Ủy ban Bảo vệ Công nhân) và Công đoàn Đoàn kết.
Sau cuộc Cách mạng Nhung, nhà văn Václav Havel trở thành Tổng thống đầu tiên của nhà nước Tiệp Khắc dân chủ, tự do. Chính Václav Havel là một trong số nhân vật có uy tín đã đề nghị ông Lưu Hiểu Ba là ứng viên Giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2010.
Trước đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chính thức cảnh báo Uỷ ban Nobel Na Uy về những hậu quả nếu trao giải thưởng cho ông Lưu Hiểu Ba.
Theo tuần báo Newsweek (8/10), sau phán quyết của Ủy ban Nobel, Trung Quốc đã đe dọa rằng sự kiện này có thể phá hủy mối quan hệ tốt giữa Trung Quốc và Na Uy. Tuy nhiên, Thủ tướng chính phủ Na Uy cho rằng, nếu Trung Quốc tìm cách trừng phạt Na Uy, có thể sẽ có tác động tiêu cực tới nhà nước Trung Nam Hải.
Trong xã hội Trung Quốc hiện tại, tư tưởng sô-vanh và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang bị kích động. Nhiều người Trung Quốc có cảm tưởng giải thưởng này như là một cuộc tấn công vào Trung Quốc và là nỗ lực nhằm làm xấu hình ảnh của tổ quốc họ. Sự tức giận của Bắc Kinh sẽ đổ dầu vào lửa và có thể làm tổn thương thêm lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Trung Quốc.
Chúng ta vẫn còn nhớ cơn thịnh nộ của người Trung Quốc lục địa hai năm trước đây khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Cộng đồng mạng Trung Quốc đã gầm lên: “Hãy để cho nước Pháp thấy sức mạnh của nhân dân Trung Quốc và sức mạnh của Internet. Chúng tôi kêu gọi không mua sắm hàng ở Carrefour nữa, mà chọn siêu thị khác… Không được xúc phạm Trung Quốc!”
Tập đoàn siêu thị Pháp Carrefour lúc bấy giờ đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc của cộng đồng mạng về sự hỗ trợ tài chính cho người Tây Tạng, nhưng vẫn bị thất thu nặng vì sự tẩy chay. Chính phủ Trung Quốc không ra mặt ủng hộ cuộc trả đũa này nhưng cũng không làm gì để ngăn chặn.
Bây giờ có thể sẽ khác chăng? Bởi vì giải thưởng cao quý được trao cho ông Lưu Hiểu Ba, người mà lãnh đạo Trung Quốc coi là tội phạm hình sự.
Bắc Kinh cũng như Việt Nam luôn cho rằng khái niệm về quyền con người là một cái gì đó khác trong văn hóa phương Tây, không phù hợp với những nền văn hóa Á châu. Trung Quốc còn xem đây là vấn đề nội bộ, không quốc gia nào có quyền can thiệp vào.
Đặng Tiểu Bình, tác giả của phép lạ kinh tế Trung Quốc, đã từng khẳng định “Trung Quốc cần phải mở cửa sổ, nhưng chỉ một nửa và với tấm rèm kéo dày”.
Trên tinh thần đó, suốt mấy thập niên nay lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện cuộc cải cách bắt đầu vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước với cái gọi là những đặc trưng Trung Quốc: cải cách kinh tế không song hành với cải cách dân chủ và mở rộng hơn các quyền tự do dân sự.
Là nhân chứng của các sự kiện tương tự với bối cảnh Trung Quốc trong thời Ba Lan cộng sản, các nhà bình luận Ba Lan đã đưa ra những nhận định xung quanh Giải thưởng Nobel dành cho ông Lưu Hiểu Ba.
Nhà báo và là chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Helsinki Ba Lan, bà Halina Bortnowska, nói:
“Tôi nghĩ rằng giải thưởng này có thể là chiếc phao cứu nạn. Bây giờ là sự bực tức về việc việc Ủy ban Nobel đã không nghe Trung Quốc. Nhưng ai đó dần dần sẽ nhận ra rằng không phải Giải Nobel Hoà bình tạo ra sự giận dữ, mà là việc tận dụng danh tiếng của con người này có thể mang lại cho đất nước nhiều điều tốt hơn. Có lẽ ông Lưu Hiểu Ba sau giải thưởng, giống như trên các bậc của chiếc thang, từ từ sẽ ra khỏi nơi ông đang phải sống.”
Liên hệ với hai nhà bất đồng chính kiến Ba Lan đã đoạt Giải thưởng Nobel: Nobel Văn học cho Czesław Miłosz (1980) và Nobel Hoà bình cho Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Ba Lan Lech Walesa (1983), bà Halina Bortnowska nói rằng, nhà văn Miłosz là con người của sự phản kháng chống lại chế độ nô lệ và chống lại sự biến mất những giá trị truyền thống của văn hóa Ba Lan. Còn Walesa là người đã quyết định hoạt động chính trị, xã hội. Giải thưởng Nobel Hoà bình dành cho Walesa đã mang lại rất nhiều điều tốt, cũng giống như đối với bà Shirin Ebadi (Iran , 2003). Nhờ Giải thưởng Nobel Hoà bình, bà đã có thể tham dự các hội nghị, hoạt động nhân quyền, trong khi những luật gia khác không có cơ hội đó.
Khi báo chí đưa ra nhận xét rằng, các chính trị gia phương Tây thoạt đầu lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền, nhưng sau đó khá nhanh chóng rút lại những lời chỉ trích này, phải chăng họ là những kẻ đạo đức giả, bà Halina Bortnowska nhận định như sau:
“Ở đây nói đến quyền của con người, và là những quyền mang tính phổ quát, chứ không phải của riêng phương Tây. Nếu tôi nói rằng chúng là của phương Tây, sẽ lọt vào bẫy của Trung Quốc. Một mặt chúng ta tiến hành thương mại với Trung Quốc, mặt khác chúng ta biểu thị sự bất bình, và nhắc nhở về nhân quyền. Về điểm này tôi nhìn thấy một số yếu tố của đạo đức giả, nhưng không hoàn toàn. Các yếu tố của đạo đức giả lớn hơn tôi thấy nằm ở sự tham dự trong nhiều thứ không cần thiết, trong các sự kiện hay thi đấu thể thao. Thế vận hội Bắc Kinh 2008 hoàn toàn là miếng bọt biển lớn ướt sũng đạo đức giả. Lẽ ra không thể như vậy. Tất cả điều này không dễ dàng, nhưng có mức độ, và sử dụng thương mại làm ấm lên mối quan hệ là tốt, nhưng không vì thế mà chúng ta phải nghe theo các mệnh lệnh: rằng chúng ta không thể trao giải thưởng này của chúng ta cho người mà chúng ta muốn, chúng ta tôn trọng và công nhận là xứng đáng. Ngược lại sẽ là sự hèn nhát ô nhục. Và như thế chúng ta bác bỏ các giá trị mà chính chúng ta thừa nhận, mặc dù chúng ta không luôn luôn nhất quán.”
Cho rằng châu Âu nên thông qua quan hệ thương mại để tác động tới Trung Quốc, nhưng chỉ có người nào ngu ngốc hay kiêu ngạo mới nghĩ đến tác dụng một trăm phần trăm, bà nói: “Chúng ta phải cố gắng từng bước, nhưng chắc chắn bức tường thành Trung Quốc không giúp đỡ gì. Chúng ta nên có với quốc gia này, với người dân của đất nước này sự tiếp cận hàng ngày, nếu đúng là thương mại thực sự, nhưng dứt khoát nói không với các mánh lới bất lương để hốt bạc nhanh chóng, rồi ca ngợi họ, đồng ý với họ, quên đi những quyền của con người. Loại quan hệ này tôi cho là vô cùng đáng xấu hổ.”
Theo nữ nhà báo Ba Lan, toa thuốc tốt nhất cho sự phát triển quan hệ với Trung Quốc là tính quả quyết. “Bình tĩnh quyết đoán có thể đưa ra rất nhiều và nếu chúng ta phải đối mặt với các vấn đề như sự kiện Tây Tạng, thì sự quyết đoán này có thể không còn bình thản.” – Bà nói.
Ông Adam Pomorski, Chủ tịch Văn bút (PEN Club) Ba Lan phát biểu:
“Lưu Hiểu Ba là một nhân vật cao quý, một nhà hoạt động nhân quyền, nhà bất đồng chính kiến. Ông được nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình là điều rất tốt, nhưng vấn đề nằm ở sức đề kháng của nhà chức trách Trung Quốc trước các ảnh hưởng từ bên ngoài khi nói đến chính trị trong nước của họ. Nói một cách tế nhị, họ hoàn toàn xem nhẹ những gợi ý tinh tế nằm trong việc trao giải Nobel Hòa bình cho nhà văn đang bị cầm tù. Giải thưởng này chắc chắn là bước đi đúng đắn, nhưng hành động đơn lẻ trong trường hợp này không đủ. Điều cần thiết là sự đoàn kết quốc tế, tạo áp lực ngoại giao trong thời gian dài để đạt được mục đích giải thoát nhà văn ra khỏi nhà tù. Thậm chí một Giải thưởng Nobel duy nhất, không làm thay đổi nhiều ở đây.”
Văn bút Quốc tế từ nhiều năm nay có chương trình “Các nhà văn trong nhà tù” (Writers in Prison), chiến đấu cho việc trả tự do hay cải thiện điều kiện đối với những người cầm bút bị ngược đãi chỉ vì có chính kiến khác với nhà cầm quyền. Trên trang web “Writers in Prison“, Lưu Hiếu Ba nằm trong danh sách 50 trường hợp điển hình của những người cầm bút trên thế giới từng hay còn đang bị giam cầm hay quản chế, trong số đó có hai người Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và hòa thượng Thích Huyền Quang. Lưu Hiểu Ba là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Quốc tế độc lập của Trung Quốc và năm 1989 ông từng bị bắt vì tham gia biểu tình chống lại vụ thảm sát tại Thiên An Môn.
Các báo cáo mới nhất của “Writers in Prison” cho thấy một sự gia tăng trên toàn thế giới trong vấn đề đàn áp vì chính kiến. Trong năm 2009, 151 nhà văn và nhà báo đã bị giam giữ (133 trong năm 2008). Đặc biệt đáng lo ngại là sự gia tăng số lượng người cầm bút bị giết hại bởi các cuộc ám sát hoặc các bản án tử hình. Trong năm 2008, 4 nhà văn và nhà báo đã bị chết theo cách này. Trong năm 2009, con số đó là 13.
Văn bút Quốc tế cho hay, các dữ liệu trên có thể chưa đầy đủ so với thực tế, do những khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các nước như Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc.
__________
Chú thích: Bài viết được tổng hợp theo tin tức trên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza và tuần báo Newsweek Ba Lan ngày 8/10/2010 tại các link:
© 2010 Lê Diễn Đức
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment