Nicholas Bequelin
Theo Foreign Policy
Theo Foreign Policy
Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Bảy, 09/10/2010
Việc trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba là sự thất bại của chính quyền ở Bắc Kinh - và chiến thắng cho nhân quyền ở khắp nơi...
Cập nhật: Các chương trình truyền hình quốc tế bị cắt sóng ở Trung Quốc hôm thứ Sau, khi Hội Đồng Giải Thưởng Nobel tuyên bố rằng Lưu Hiểu Ba chính là chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa Bình 2010, nhấn mạnh vào "cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông cho các quyền con người cơ bản ở Trung Quốc". Bài báo sau đây được đăng hôm thứ Tư, trước khi tuyên bố chính thức được đưa ra.
Đa số các giải thưởng quốc tế đều được chính quyền Trung Quốc vui mừng đón nhận, nhưng cũng có những ngoại lệ. Một trong số đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay dành cho Lưu Hiểu Ba, một nhà văn và viết tiểu luận chính trị Trung Quốc hiện đang thụ án 11 năm tù vì quan điểm không khoan nhượng của mình. Ông là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, được biết tới vì đã đấu tranh không sợ hãi cho tự do ngôn luận, nhân quyền và dân chủ trong hai thập niên. Năm 2009, ông bị kết án với tội danh "xúi giục chống phá chính quyền và lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa", vì vai trò của ông trong việc soạn thảo "Linh Bát Hiến Chương" (Hiến chương 08), một bản hiến chương chính trị kêu gọi dần dần cải cách chính trị ở Trung Quốc, và vì là tác giả của một vài tiểu luận khác trên mạng chỉ trích chính quyền, được đăng tải trong thời gian 2005 đến 2007.
Sinh năm 1955 tại Trường Xuân, một thành phố công nghiệp phía đông bắc Trung Quốc. Lưu Hiểu Ba tốt nghiệp cử nhân văn chương từ trường đại học Cát Lâm và chuyển tới Bắc Kinh để tiếp tục học tập. Sau khi lấy bằng Tiến Sĩ tại Đại học Sự Phạm Bắc Kinh, ông bắt đầu công việc như một giảng viên tại đây. Vào cuối 1988, ông đến làm khách tại trường Đại học Columbia, nhưng sau đó đã về nước sớm để tham gia phong trào dân chủ năm 1989 tại Trung Quốc. Trong buổi sớm ngày 4/6/1989, khi Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc tiến vào Bắc Kinh và bao vây những sinh viên còn lại trên quảng trường Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba đã đóng vai trò người thương thuyết giữa sinh viên và quân đội, và cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận khiến nhiều sinh viên tránh được cuộc đổ máu, điều đã xảy ra ở nhiều khu vực khác trong thành phố.
Được ghi nhận trong sổ đen của chính quyền như "đầu lĩnh" và "bàn tay đen" của phong trào sinh viên, Lưu Hiểu Ba bị bắt ngày 6/6 và bị giam 18 tháng tại nhà tù Qincheng vì tội "phản cách mạng". Ông được thả vào tháng Một năm 1991, nhưng bị cấm giảng dạy hoặc nắm giữ các chức vụ liên quan đến giảng dạy. Ông tiếp tục viết các bài luận ủng hộ tự do ngôn luận và nhân quyền, và tạo được sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước như "lương tâm của Trung Quốc" vì sự đấu tranh hòa bình, không sợ hãi, không vị kỷ cho các tư tưởng của mình. Năm 1995, ông bị giam giữ tại gia và sau đó bị kết án 3 năm "cải tạo lao động" do một loạt các bài viết chỉ trích chính quyền. Vào thời điểm ông được thả tháng Mười năm 1999, Lưu Hiểu Ba tiếp tục viết các tiểu luận phê phán, đa số được đăng ở nước ngoài nhưng sau đó được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc.
Thế rồi vào 8/12/2008, Lưu Hiểu Ba lại bị bắt giữ. Đó là sát vào ngày Nhân Quyền Thế Giới, ngày mà hơn 300 người Trung Quốc đã chọn để công bố bản Linh Bát Hiến Chương mà họ đã ký tên ủng hộ.
Linh Bát Hiến Chương được bắt chước có chủ ý của Hiến Chương 77, một tài liệu công bố năm 1977 trong đó các trí thức Czech và Slovakia đã dũng cảm thề "đấu tranh bằng sức mạnh cá nhân và tập thể cho sự tôn trọng các quyền con người trên đất nước Tiệp Khắc và trên toàn thế giới". Nó kêu gọi chấm dứt sự lãnh đạo độc tài của Đảng CS và thiết lập một hệ thống mới dựa trên quyền con người, pháp trị và dân chủ tại Tiệp Khắc trước đây (nay là Czech và Slovakia). Lưu Hiểu Ba đôi lúc được gọi là Vaclav Havel của Trung Quốc.
"Những công dân Trung Quốc", những người ký tên dưới bản hiến chương đã viết, "là những người đã cam chịu các thảm hoạ về nhân quyền và vô số sự vất vả trong suốt những năm tháng này, bây giờ gồm cả nhiều người đang nhìn thấy rõ rằng tự do, bình đẳng, và nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại; và nền dân chủ với một chính phủ hợp hiến là khuôn khổ cơ bản để bảo vệ những giá trị này."
Linh Bát Hiến Chương, được soạn thảo trong nhiều tháng, đã không rơi vào tầm ngắm của nhà cầm quyền Trung Quốc cho đến vài ngày trước khi nó được công bố. Sau khi Lưu Hiểu Ba bị bắt, một chiến dịch lớn dưới sự điều phối của cơ quan an ninh được tiến hành để "nhổ tận gốc những người tổ chức" và ngăn cản sự phát tán của bản hiến chương. Sau đó nhiều tuần và nhiều tháng, công an thẩm vấn từng người trong số 303 người ký đầu tiên, trong số đó là nhà văn, luật sư, nhà báo, nhà nghiên cứu, cựu đảng viên, và cả các thường dân; nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc có cách nhìn Linh Bát Hiến Chương khác với các tuyên bố của các nhóm bất đồng chính kiến trước đây và "đây là một vấn đề tương đối nghiêm trọng".
Chính quyền Trung Quốc có thể ban đầu đã lo ngại về một sự phản kháng toàn cầu trước việc bắt giữ nhà bất đồng chính kiến có tiếng tăm nhất tại quốc gia này. Tuy nhiên, phản ứng ngoại giao của quốc tế là không đáng kể.
Trong khi đó, vào tháng Hai 2009, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hứa trước chuyến viếng thăm Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ sẽ không để các vấn đề nhân quyền "ảnh hưởng" đến các khía cạnh quan trọng khác của mối quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ.
Vào 23/62009, Lưu Hiểu Ba chính thức bị bắt giữ và chuyển tới trại tạm giam chính Beikan của Bắc Kinh. Phiên tòa, kéo dài chưa đến 2 tiếng đồng hồ, diễn ra vào 23/12/2009 và bản án dành cho Lưu Hiểu Ba - một bản án dài chưa từng có dành cho hoạt động lật đổ kể từ khi tội danh này được đưa vào luật Hình sự Trung Quốc năm 1996 - được tuyên vào ngày Giáng Sinh năm 2009, khi hầu hết các tòa báo quốc tế đang nghỉ lễ, với mục tiêu rõ ràng là để giảm thiểu lời ra tiếng vào trên phạm vi quốc tế.
Trong phiên tòa xử Lưu Hiểu Ba, chính quyền đã cho rằng Lưu Hiểu Ba đã đi quá giới hạn của tự do ngôn luận bằng các bài luận đã "công khai phỉ báng và xúi giục người khác lật đổ chính quyền". Phiên tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án 11 năm tù viết: "thêm vào đó, hành vi phạm tội đã diễn ra trong thời gian dài, và đối tượng rõ ràng có ác ý. Các bài viết được công bố đã được phát tán và được xem rộng rãi. Bị cáo là một tội phạm nguy hiểm và cần chịu bản án nặng nề theo luật pháp."
Trên thực tế, trong 9 bài luận mà bên công tố chọn ra, Lưu Hiểu Ba liên tục bảo vệ tư tưởng rằng thay đổi chính trị chỉ có thể được tiến hành một cách từ từ và hòa bình. Lưu Hiểu Ba nhấn mạnh trước tòa các tuyên bố mà ông đã chuẩn bị nhưng không được phép nói ra: "trong hai thập niên vừa qua... tôi đã luôn bày tỏ quan điểm rằng cải cách chính trị Trung Quốc phải diễn ra từ từ, hòa bình, có trật tự và có kiểm soát. Tôi cũng đã liên tục phản đối cuộc cải cách cấp tiến một bước, và càng phản đối cách mạng bạo lực".
Luật sư của Lưu Hiểu Ba đã đưa ra những lời bào chữa dựa trên đường hướng này, trích dẫn các luật của Trung Quốc cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về tự do ngôn luận. Đáp lại từ tòa án là một dòng phía cuối bản án: "Không có đủ lập luận trong lời bào chữa của phía bảo vệ cho Lưu Hiểu Ba; đó đó tòa án không chấp nhận lời bào chữa".
(Chín bài luận được đưa ra như bằng chứng phạm tội bởi công tố viên, cộng với các tài liệu luật sư dùng trong phiên tòa Lưu Hiểu Ba, đều được đăng tải trên trang China Rights Forum, một tạp chí in và báo mạng thuộc một nhóm đấu tranh cho Nhân Quyền tại Trung Quốc có trụ sở tại New-York.)
Phiên tòa là một vỏ bên ngoài nhằm che đậy quyết định chính trị của lãnh đạo Trung Quốc dành cho Lưu Hiểu Ba. Bản thân Lưu Hiểu Ba đã biết rõ kết cục của nó: "Tôi đã từ lâu biết rằng khi một trí thức độc lập đứng lên trước một nhà nước độc tài, bước đầu tiên để đi đến tự do là phải bước vào tù". Ông viết trước khi bị bắt. "Giờ đây tôi sẽ đón nhận bước đi đó, và tự do thực sự đang đến gần".
Lưu Hiểu Ba là nhân vật nổi tiếng nhất trong vô số người chỉ trích chính quyền Trung Quốc bị bắt giam vì bày tỏ quan điểm một cách hòa bình. Ông là một ứng cử viên thích hợp cho giải Nobel Hòa Bình, một giải vốn có truyền thống vinh danh những nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi đổi mới chính trị một cách hòa bình. Các nhân vật dành giải Nobel Hòa Bình trước đây như Kim Dae-jung, Lech Walesa, và Aung San Suu Kyi đều nằm trong khuôn mẫu tương tự.
Nếu Lưu Hiểu Ba được vinh danh, một hiệu ứng tích cực nhất là công luận sẽ chú ý hơn đến Hiến chương 08 và những gì Lưu Hiểu Ba viết về Trung Quốc. Trước đây, những tài liệu này trước đây chỉ được lưu truyền bằng email trong một nhóm nhỏ các công dân Trung Quốc, những người biết cách vượt qua hệ thống tường lửa và kiểm duyệt. Với giải Nobel, Lưu Hiểu Ba sẽ trở nên nổi tiếng đến mức không có cách nào ngăn chặn được sự phát tán hàng loạt của Linh Bát Hiến Chương và các bài viết khác của Lưu Hiểu Ba.
Như nỗi lo ngại của nhà cầm quyền Trung Quốc lúc họ quyết định bỏ tù Lưu Hiểu Ba, nhiều người trong công chúng Trung Quốc - bao gồm cả những đảng viên và quan chức chính phủ - có thể sẽ nhận ra chính mình trong các nguyên tắc mà Linh Bát Hiến Chương đặt ra.
Những nhân vật nổi tiếng, bao gồm cả chính Havel [người chủ xướng Hiến Chương 77 ở Tiệp Khắc] đã thúc giục Ủy ban Giải thưởng Nobel trao giải năm nay cho Lưu Hiểu Ba. Bất chấp lời cảnh báo của chính quyền Trung Quốc rằng trao giải Nobel cho Lưu Hiểu Ba là "một sai lầm", lịch sử có thể sẽ có cách đánh giá khác.
.
.
.
No comments:
Post a Comment