Đinh Bá Anh
09/10/2010 | 4:58 chiều
Sáng nay (9.10.2010), khi bật máy tính để đọc tin, thấy hình Lưu Hiểu Ba trên trang nhất của VnExpress, tôi lặng người một hồi lâu. Thật không thể tin nổi: Hỡi thần Công lý, cuối cùng ngươi cũng tới thật rồi sao!
Giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, tác giả chủ chốt của Hiến chương 08, người đang thụ án tù 11 năm ở Trung Quốc, không chỉ là niềm động viên lớn lao dành cho hàng triệu người đấu tranh cho tự do dân chủ ở đất nước khổng lồ này, mà còn là niềm khích lệ khó nói hết dành cho tất cả những ai còn giữ vững niềm tin vào sự thật và lẽ phải – những người không chỉ hành động vì lợi ích mà còn vì những giá trị mà họ tin là tốt đẹp cho cộng đồng, trong đó có quyền tự do ngôn luận và quyền tự do chính trị.
Trao giải cho Lưu Hiểu Ba, Ủy ban Nobel Hòa bình của Na Uy năm nay đã có một lựa chọn dũng cảm, bởi vì chúng ta hiểu rằng, họ phải đối diện với ai. Nhiều năm nay, chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ ngừng thể hiện thái độ sắt đá, cũng như họ luôn sẵn sàng áp dụng những biện pháp hà khắc nhất với dân chúng bên trong và hung hãn nhất với thế giới bên ngoài. Ở đất nước khổng lồ này, hàng nghìn nhà bất đồng chính kiến đang phải chịu cảnh nhũng nhiễu của bộ máy công quyền: họ bị kì thị, bị sỉ nhục, bị tù đày – nhân danh “pháp luật” Trung Quốc. Chỉ vì họ dám đứng về phía lương tâm, chỉ vì họ dám nói lên tiếng nói vì quyền tự do và quyền con người.
Đối với tôi, một công dân nhỏ bé của đất nước Việt Nam nhỏ bé (dù không kém phần hà khắc), việc Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel là một sự kiện đẹp đẽ. Tôi đã đọc Hiến chương 08 do ông và những người cùng chí hướng với ông soạn thảo, và tôi đã luôn cảm phục lương tâm, viễn kiến và lòng dũng cảm của những con người này.
Tôi vẫn thường nhìn lên bản đồ: Trung Quốc luôn hiện ra như một lục địa mênh mông ở phương Bắc, còn Việt Nam, quê hương tôi, hiện ra như một dải lụa mảnh mềm mại ở phương Nam. Là người Việt Nam , dĩ nhiên tôi chưa bao giờ mất cảnh giác với mối đe dọa phương Bắc – lịch sử luôn là bài học đáng giá. Nhưng mặt khác, tôi chưa bao giờ chỉ nhìn Trung Quốc như một mối đe dọa, mà Trung Quốc còn là một trung tâm của các chuẩn mực và giá trị: tôi muốn nói tới các chuẩn mực và giá trị cao quý của văn hóa Trung Quốc, chứ không phải những chuẩn mực ngang ngược của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Nói ngắn gọn: Trung Quốc còn có thể là cơ hội. Và, Trung Quốc còn là định mệnh, bởi vì, sự thật là, chúng ta chẳng có cách nào để hất cẳng anh hàng xóm đầy duyên nợ này ra khỏi quả địa cầu (cũng như người dân Mexico chẳng thể nằm mơ để sáng mai tỉnh dậy, nước Mỹ đáng ghét sẽ biến mất trên bản đồ thế giới).
Nghĩa là, tôi xin được nói ra điều này bất chấp làn sóng chống (chính quyền) Trung Quốc đang dâng cao ở Việt Nam hiện nay: cá nhân tôi có một sự đồng cảm với người dân Trung Quốc, lớn hơn với bất kì người dân nước ngoài nào. Đồng cảm, bởi lẽ, như người ta nói: đồng bệnh tương lân. Người dân hai nước đều có một quá khứ tủi nhục với phương Tây, đều trải qua những kinh nghiệm cay đắng với chủ nghĩa toàn trị. Trung Quốc và Việt Nam trong những thập kỉ qua đều có những bước tiến vượt bậc về kinh tế, và vị thế của hai nước trên trường quốc tế cũng ngày càng trở nên quan trọng. Không nghi ngờ gì, những thành tựu này đang giúp cho người dân hai nước ngày càng lấy lại được niềm tự tin và niềm tự hào chính đáng của mình. Đấy cũng là thành công không thể phủ nhận của hai đảng cầm quyền ở Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng mặt khác, cả hai nước đều đang đứng trước những vấn đề nan giải: nạn tham nhũng tràn lan do sự cấu kết của chính trị độc quyền với chủ nghĩa tư bản rừng rú, nền tư pháp bị lũng đoạn và trở thành công cụ đàn áp của chính quyền với các nhà bất đồng chính kiến, nền giáo dục suy đồi do bị áp đặt các mục tiêu chính trị cứng nhắc thay vì hướng tới chân thiện mỹ, và tất cả những vấn đề này chưa bao giờ được thảo luận công khai và công bằng do sự thiếu vắng triệt để các cơ quan báo chí độc lập.
Nếu chúng ta đọc Hiến chương 08 của Lê Hiểu Ba và các đồng sự của ông, nếu chúng ta đọc những bài viết của Hà Sĩ Phu, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định…, chúng ta đều thấy rằng, hầu hết các nhà bất đồng chính kiến của Trung Quốc và Việt Nam đều không có ý định “lật đổ chính quyền” (hay thậm chí “chống tổ quốc”, “phản dân hại nước”…) như hệ thống luật pháp của hai nước tìm mọi cách cáo buộc họ. Phải, họ đều yêu cầu xóa bỏ nền chính trị một đảng cầm quyền, đòi tư pháp và báo chí độc lập. Nhưng như thế thì có gì quá đáng lắm không? Chẳng phải quyền tự do tư tưởng (tự do báo chí), quyền tự do lựa chọn (tự do chính trị), quyền bình đẳng trước pháp luật (hệ thống tư pháp độc lập) là những giá trị căn bản mà hiến pháp cả hai nước đều thừa nhận hay sao?
Giờ đây truyền thông chính thống Trung Quốc đang trút giận lên đầu Na Uy. Việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba đang được diễn giải như một âm mưu thâm độc của phương Tây chống lại Trung Quốc. Tất nhiên, trong lịch sử không thiếu những âm mưu của phương Tây chống lại Trung Quốc. Thế kỉ 19 và thế kỉ 20, phương Tây đã xâu xé Trung Quốc không thương tiếc. Phương Tây đã mừng rơn khi Mao Trạch Đông hô hào “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hóa”, đưa đất nước tỉ dân này trở về thời mông muội. Phương Tây sẽ còn mừng hơn nữa nếu Trung Quốc cứ mãi giậm chân tại chỗ như một đất nước kém phát triển. Nói ngắn gọn: phương Tây (trong bản chất của nó) chỉ muốn thấy Trung Quốc lụn bại.
Nhưng bên cạnh bộ mặt đáng ghét đó, phương Tây còn có một bộ mặt khác: nó còn là một thực thể nhân văn phát triển cao. Không nghi ngờ gì, bên cạnh khoa học, phương Tây còn là cái nôi phát kiến ra các giá trị của các xã hội hiện đại: những giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền. Các xã hội khác ngoài phương Tây đều tìm cách tiếp nhận những giá trị này với mức độ thành công khác nhau. Ở Đông Á (vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa), ta thấy Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, và bây giờ là Trung Quốc và Việt Nam, đều lần lượt đi con đường này. Càng chủ động đi sớm bao nhiêu thì càng thành công bấy nhiêu. Nghĩa là trên con đường hiện đại hóa, các xã hội Đông Á đều phải trải qua quá trình từ bỏ dần những cơ chế độc đoán, chuyên quyền, để chuyển sang cơ chế dân chủ. Những gì mà Lưu Hiểu Ba và các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc và Việt Nam đang đòi hỏi thực chất cũng không khác gì những điều mà các nhà hoạt động dân chủ Hàn Quốc, Đài Loan đã đòi cho đất nước họ. Rõ ràng, những đòi hỏi chính đáng này không thể bị coi là “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Chúng ta tự hỏi, việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba có phải là một âm mưu của Na Uy, thậm chí của phương Tây chống lại Trung Quốc hay không? Na Uy thì chắc chắn là không rồi. Bởi vì đất nước nhỏ bé này được lợi lộc gì khi chống Trung Quốc? (Các nhà chính trị Na Uy đã phải vội vã giải thích, giải thưởng là quyết định của Ủy ban Nobel độc lập, chứ không liên quan gì tới chính quyền Na Uy!) Còn phương Tây nói chung thì sao? Tôi không nghĩ rằng phần đông các nhà chính trị phương Tây thực lòng muốn Lưu Hiểu Ba được trao giải: họ vẫn thích đi đêm với Hồ Cẩm Đào hơn, vì trên thực tế, Hồ Cẩm Đào mới là người kí các hợp đồng đầu tư bạc tỉ chứ không phải Lưu Hiểu Ba, người đang ở tù và không biết bao giờ mới có ngày về.
Lưu Hiểu Ba đang ở trong tù. Có lẽ ông còn chưa biết tin về giải Nobel Hòa bình được trao cho ông. Là một nhà hoạt động chính trị, có lẽ ông cũng không có nhiều ảo tưởng vào “lòng tốt” của phương Tây, nhưng chắc chắn ông có niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người (trong đó có những điều tốt đẹp của phương Tây). Mong rằng một ngày kia, lý tưởng cao đẹp của ông sẽ được đền đáp bằng thành quả ở quê hương ông. Là một người Việt Nam , một kẻ đồng bệnh tương lân với những người dân quê hương ông, tôi thành thực mong ngày đó sẽ sớm đến. Bởi nếu Trung Quốc trở thành một xã hội dân chủ hòa bình, như lý tưởng của ông, thì đó cũng là điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam vậy.
© 2010 Đinh Bá Anh
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment