Friday, October 8, 2010

NGƯỜI RƠM : SAU RÈM BÍ MẬT CẦN SA (Phần 1)

Người rơm – phần 1: Sau rèm bí mật cần sa
Huỳnh Tâm – viết riêng cho DCVOnline trên mạng
05-10-2010

Tại công viên Villemin quận 10 Paris, Pháp Quốc, tôi được một thanh niên Việt nhập cư bất hợp pháp gọi là ân nhân, chỉ vì tặng cho họ một phần ăn McDonald’s mà trở thành ân nhân tình cờ. Từ ấy cho tôi một bất ngờ để viết bài phóng sự Sau rèm bí mật cần sa.
Người thanh niên trong công viên Villemin cho biết quê quán Hải Phòng, nguyên là chủ của một trang trại trồng hoa màu phụ tại Tiệp Khắc. Tôi vẫn bình thản xem như không để ý và tỏ vẻ không tha thiết gì về trồng hoa màu của họ. Thực tế chính họ là người trồng thảo mộc cần sa, vì tôi đã khám phá thấy trên thân thể của thanh niên này có dấu đặc biệt “chính hiệu con nai” cần sa.

Người thanh niên cầm một số tiền Euros đưa cho tôi và nói :
– Cháu có tiền, nhưng mấy hôm nay không dám đi mua đồ ăn, vì sợ cảnh sát truy nã. Có tiền thế này mà khi gặp hoàn cảnh sống chết thì tiền lại hóa ra vô dụng. Cũng may cho cháu gặp được bác mới qua khỏi cơn đói khát, tuy của ít mà tình nhiều, tuy xa lạ mà bao dung, chúng cháu đa tạ bác và xin hoàn lại bác số tiền này.
Tôi không nhận tiền của bốn phần ăn McDonald’s, và đáp:
– Bạn trẻ à, bốn phần ăn McDonald’s này chẳng là bao, tình người Việt gặp nhau ở xứ người còn lớn hơn nhiều, chúng ta trợ giúp nhau được một việc, tuy nhỏ, là lòng vui rồi. Bạn trẻ hãy an tâm, đừng để lòng làm khách sáo với tôi.
Người thanh niên với nét mặt thiện cảm hơn, xem tôi như một ông già từ thiện, rồi nói:
– Bác có bao giờ đi Tiệp Khác chưa ?
Tôi không bỏ lỡ cơ hội liền đáp thực thà :
– Tôi chưa có dịp đến Tiệp vì không có bạn bè và thân nhân. Tôi nghe nói đồng hương của mình ở đó buôn bán, làm ăn rất là vất vả, cũng vì muốn đổi đời. Tôi đã dự định đi một chuyến cho biết thủ đô Praha, nhưng đến nay vẫn chưa đi được.
Người thanh niên không ái ngại tình sơ, kẻ thân, hay thù liền đáp :
– Nếu bác đi Tiệp thì ở nhà cháu. Hiện nay anh ruột của cháu đang ở Tiệp sẽ đón tiếp bác về nhà rất là chu đáo. Cháu xem bác như trong gia đình. Cháu đây không sợ bác thì bác cũng đừng lo ngại gì cả. Cháu tin bác là ân nhân tốt, không làm phương hại nào đối với gia đình cháu.

Tôi muốn tận mắt thấy người Việt trồng cần sa tại Tiệp, mà lòng rất sợ rủi ro. Cũng như trước đây chúng tôi đã chuẩn bị một kế hoạch xâm nhập nông trại cần sa của người Việt tại Anh Quốc, nhưng không thực hiện được. Lý do khi anh Lê liên hệ với cảnh sát Anh Quốc thì phải giải quyết phóng sự trong 24 giờ. Phần khác, khi đi làm phóng sự với cảnh sát là việc đã kết thúc, cho nên chỉ diễn lại tại hiện trường, làm những phóng sự này không lý thú lắm vì được cảnh sát bảo vệ.
Từ đó tôi lấy quyết định thử đi làm phóng sự cần sa tại Tiệp Khắc thì may ra khám phá chiều sâu và súc tích hơn, nhưng rất nguy hiểm. Thừa dịp bất ngờ này, tôi liền nhận lời đề nghị của cậu thanh niên ấy. Tôi vẫn biết đây cũng là một ván bài liều lĩnh, nhưng lòng đã quyết định, không cần chọn lựa đỏ đen, tôi vui vẻ đáp:
– Cũng được, đây là một dịp tốt và được lợi cả hai, biết thủ đô Praha và thăm viếng gia đình của cháu.
Cậu ta liền dùng điện thoại di động, gọi về Tiệp Khắc, báo tin cho gia đình biết sẽ có ân nhân đến thăm nhà. Bên kia đầu điện thoại đồng ý tiếp đón ân nhân. Tôi liền cho biết ngày giờ đến và điểm hẹn tại Tiệp Khắc, dấu hiệu của tôi là người đứng tuổi, đầu đội mũ nỉ đen.

Đến Tiệp Khắc


Hai ngày sau, vào lúc 23 giờ. Tôi có mặt tại tại Ruzyné, thủ phủ Hostivice gần phi trường cách thủ đô Praha 20km thì thấy một thanh niên khuôn mặt như là anh em sinh đôi với cậu ở công viên Villemin. Chúng tôi nhận diện hình hài và chào nhau, trao đổi vài câu thân mật. Cậu ta hướng dẫn lối đi ra bãi đậu xe hơi trong phi trường. Khi tôi cúi đầu vào xe thì thấy có hai thanh niên lạ mặt, cùng chào nhau bằng giọng xứ Nghệ. Người tôi se lại, có cảm giác bất ổn, lòng nghĩ thầm “Không lẽ tính mạng tôi đang trên đường phiêu lạc chín suối sao?”

Xe lăn bánh ra khỏi phi trường áng chừng 5 phút, thì cậu ngồi kế bên trịnh trọng thưa :
– Thưa bác, trước khi đến nhà, chúng cháu mạo phạm xin bịt mắt của bác lại vì đây là luật Việt giang hồ Tiệp Khắc, dù ân nhân hay thân sơ cũng phải bịt mắt, bác đừng sợ, đây chỉ là cử chỉ bảo vệ cho nhau mà thôi. Chúng cháu bảo đảm khi vào cũng như ra đều an toàn.

Tôi thấy họ lấy ra một ca–vat đen, thì người tôi thực sự ngạc nhiên và lấy làm sợ. Đúng là "Sợ mẹ sợ cha, chẳng bằng sợ bịt mắt". Tôi lấy lại điềm tĩnh và sự thản nhiên phải có để tồn mạng, liền đáp:
– Quý bạn trẻ cứ tự nhiên. Tôi hiểu mà. Chúng ta tin nhau cũng nửa chừng thôi, sơ thân không biết lòng người, bảo vệ cho nhau để sống đó là việc cần làm. Quý bạn cứ bịt mắt tôi lại đi. Tôi rất tin quý bạn là thiện nhân và nay tôi tình cờ đến với quý bạn bằng chân thực không đem đến phương hại nào đâu.

Bản thân tôi như đang bị ngạt thở từng hồi, đã đến đây rồi không biết cầu cứu ai, nên tự nhủ chính mình rằng “Mầy phải nhớ, ở sa trường không bao giờ bỏ mạng, đã đến hang hùm thì chỉ ngang ngọn giáo, vào ngàn hang beo, hy vọng không đến nỗi bỏ xác trong hang cùng ngõ hẻm này”. Tuy nhiên tôi vẫn cầu nguyện lý trí sáng trong tâm, bởi ở đây chưa phải là cửa thiên đàng hay địa ngục.
Bỗng người anh của cậu mà tôi đã gặp tại công viên Villemin, đang lái xe nói :
– Thưa bác, ai cũng phải bịt mắt như vậy, trừ người trong nhà. Bác an tâm. Chúng cháu tiếp đón bác không đến nỗi tệ đâu. Hơn nữa, bác là ân công của em cháu, bác giúp cho em cháu cũng đâu có tính toán gì nào, đây cũng là dịp để cháu thay mặt gia đình báo ân, tình nghĩa với bác, nợ giang hồ phải trả là vậy đó, bác cảm thông.

Trong đêm, hồn vía phân ly, sợ chưa hết tái mặt thì sợ nửa thực nửa hư, từ cung cách tiếp đón quái dị này, lần đầu tiên trong đời bị rơi vào hoàn cảnh hung kiết khó phân và chưa biết thực lòng của họ được bao nhiêu phần trăm. Rồi thầm “thôi đành phải chờ đến chiều ngày mốt hy vọng ra khỏi ổ mafia cần sa, lúc ấy mới biết họ thực tâm thế nào”.
Lại một lần nữa bộc phát trong người ớn lạnh, bây giờ tôi mới biết đâu là cõi chết để tìm ra cõi sống. Lúc này tứ chi đã mềm nhũn mà miệng cứng, nhưng vẫn ung dung nói đùa:
– Thân già này đã gác kiếm giang hồ từ lâu rồi, chỉ muốn sống ẩn, nay đây, mai đó mà thôi. Ân tình nghĩa đáp làm chi nặng nề để rồi các cậu bận tâm.

Tất cả ba người thanh niên lạ mặt cùng cười. Tôi đánh hơi, biết họ rất mê đọc kiếm hiệp. Xe đã chạy trên 40 phút mà vẫn chưa nghe nói đến nơi, đường sá xa xôi lại gồ ghề, trong lòng mỗi lúc tăng lên sợ hãi, đêm khuya trời lạnh buốt hơn, không biết vì sao. Bụng nhỏ, lòng lo lại bâng quơ nghĩ thầm “Bây giờ mình đi vào ổ mafia thì thân đứng thẳng, không biết lúc đi ra thì thân có nằm thẳng không?”
Cầu nguyện ơn trên phù hộ cho con, lỡ khôn một lần, con xin hứa sau này không xía vào chuyện trồng cỏ của người ta nữa. Hy vọng bĩ cực linh thiêng chứng lòng, ngày mai thái lai con xin hứa một đầu heo, giò thủ hậu tạ !

Tôi đang đê mê hung kiết, thì người thanh niên tài xế, bảo người trẻ kế bên:
– Long, mầy mở khăn bịt mắt cho bác, đêm nay mầy và Sáu ở đây nhé. Cậu ấy nói tiếp, Thưa bác, đã đến nhà rồi, vừa đúng 1 giờ 30 phút sáng. Mời bác nghỉ đêm ở đây và hẹn 7 giờ 30 phút sáng mai, bác cháu mình gặp lại.
Tôi liền đáp:
– Cảm ơn cậu em, chúc quý cậu và cả nhà ngủ thấy tiên thấy tiền, hẹn sáng mai hạnh ngộ.

Tất cả đồng cười vì câu chúc đêm nay của tôi ngồ ngộ, riêng tôi thì trằn trọc thâu đêm, suy nghĩ về người lạ, việc lạ, tứ bề đều lạ, cảnh vật lạ, cả tiếng âm ba trong đêm vù vù cũng lạ (tiếng quạt máy trong nhà trồng cần sa phát ra), mùi cây cần sa xông vào mũi khó chịu, trong nhà chỉ có một đèn điện 15w leo lét, còn ở bên kia khe cửa thì rực sáng màu vàng của hừng đông và hơi nóng hanh khô từ khe cửa phát ra như núi lửa đang hoạt động.
Miệng tôi ngáp dài, mắt híp lại thế mà ngủ nghê không được vì trong lòng quá lo âu, chuyện bất trắc, nhỡ ngày mai bị bắt về tội trồng cỏ thì oan uổng lắm, ngồi tù bỏ con vợ già không biết ai yêu! Đêm khuya suy nghĩ quá nhiều, rồi người cũng mỏi mệt, thả thân ru ngủ một hơi đến sáng.
Sáng hôm sau, người anh của bạn trẻ tại công viên Villemin Paris thiện đãi tôi như một ân công đúng nghĩa. Riêng trong lòng, tôi để ý theo dõi cử chỉ của họ và ngạc nhiên rất nhiều, tôi phải lấy bình thản và không để ý sinh hoạt của họ, nhất là cử chỉ của tôi không được luộm thuộm, phải thận trọng từ lời ăn tiếng nói, nếu không thì hỏng hết mọi sự, tôi hy vọng đem đến cho họ một cảm giác thân thiện nào đó.
Họ cũng quan sát một người lạ như tôi, vì đến với họ một cách tình cờ qua người em giới thiệu, thử hỏi ai mà tin được ai, nhất là họ đang sống trong hoàn cảnh bảo vệ quyền lợi, cho nên mọi nghi ngờ là lẽ thường tình. Sau buổi ăn sáng thì đến lúc trà dư tửu hậu, tâm tình rộng mở nhận nhau bằng lòng người chứa ít nhiều lâm ly bi đát.

Mãi đến đã 9 giờ sáng, có một thanh niên ngồi cùng bàn lên tiếng:
– Anh Ba à, hôm nay chúng em làm việc gì?
Tên anh Ba là người chủ nhà, tức là anh sinh đôi của thanh niên mà tôi đã gặp tại công viên Villemin Paris, đáp :
– Cậu Tư lấy chậu mới vô đất, cô Tư đi mua chậu, cậu Sáu thì đi mua đất, còn việc nhà có tôi lo.
Riêng phần tôi vẫn ngồi như phỗng đá, đang nhâm nhi café, cậu Ba hỏi:
– Bác đến thăm chúng cháu trong 2 ngày, vậy ngày đầu tiên mới bác đi thăm thành phố ở đây hay là đi Praha cũng được tùy ý bác quyết định ?

Tôi hiểu ý của họ, muốn tránh né sự hiện diện của tôi và phòng hờ việc làm ăn nếu có trở ngại, họ không thể tin hết ân nhân, quỉ thần một khi viếng nhà thì phải tống đi nhanh không để ở lâu. Riêng tôi thì muốn tiếp cận họ càng nhiều càng tốt, nên từ chối khéo:
– Bác đến đây chủ yếu là thăm gia đình em của cháu mà thôi. Còn đi thăm thành phố thì ở Âu Châu này có cùng kiến trúc như nhau, chỉ có thôn trang mới lạ đối với người mình, vì văn hóa của họ ẩn tàng trong đó, nếu mình có dịp tham dự lễ hội của người Tiệp thì rất hay. À bao giờ chúng ta đi thăm em dâu của cháu đây?

Người thanh niên lặng lẽ một hồi lâu rồi đáp :
– Đúng rồi từ đầu bác có nói đi thăm gia đình em của cháu, nhưng em dâu của cháu muốn tiếp Bác vào sáng mai. À hình như bác đã đi hết Âu Châu cho nên biết nhiều về kiến trúc và văn hóa. Bác nói cũng phải cháu thường thấy họ tổ chức lễ hội nhưng không biết thế nào là văn hóa của họ, cứ tưởng rằng họ ca hát và nhảy múa cho vui thế thôi, cháu nhớ ở quê mình chỉ rước cộ đèn hay rước bài vị thần linh của đình làng, lễ hội rất trang nghiêm, chứ không như ở đây hát múa lung tung và quần áo ăn mặc sặc sỡ, lạ mắt hơn ngày thường.

Tôi lấy máy quay phim để trên bàn, rồi đáp:
– Thật tình mà nói, các nước Âu Châu tôi chỉ đi phía Nam, Tây và Bắc. Còn phía Đông thì chưa đi, nay đến Tiệp là lần đầu tiên, nhưng không chủ đích là đi thăm thủ đô Praha.

Thừa lúc này tôi muốn chuyển ý vào trọng điểm hơn, nói tiếp:
– Các bạn mua đất, vô chậu, làm tôi nhớ tác dụng của đất xốp, vừa thấm nước và không úng tắc gốc cây, công thức đơn giản mà thành công lớn, nhất là nuôi thúc hoa màu rất kết quả.

Sau khi nghe tôi trình bày thì đôi mắt cậu Ba này sáng ngời, xem ra tôi đã giải tỏa được thành lệ của người trồng cần sa, mà cậu Ba cũng đã có ít nhiều buồn bực khi tôi hiện diện.
Cậu Ba bèn hỏi:
– Ngày trước bác trồng hoa màu có khó không ?

Đúng lúc mở cờ thì gió lộng tung bay. Tôi chỉ chờ câu hỏi này và lời đáp đúng khớp sẽ khiến được lòng người trở về lương thiện, dù hoàn cảnh khó tránh cho mấy, tôi cũng phải vận dụng hòa nhã để thuyết phục họ, đáp:
– Trồng hoa màu trong chậu khó hơn trồng ngoài đất, nhất là trồng trong chậu mà lại để trong nhà hay nhà lồng kiếng, đương nhiên sự tăng trưởng sẽ kém rất nhiều, bởi đất ít cho nên rễ hút màu mỡ nhiều để nuôi cây, trồng như vậy người ta gọi là phép ép cây, tất cả vật gì cũng vậy, sống thiên nhiên thì bao giờ cũng tốt hơn.

Lúc này cậu Ba gật đầu từng hồi, chú ý theo dõi từng câu nói, tỏ vẻ tâm đắc lắm. Đôi mắt của cậu Ba đang chú ý cái máy quay phim hình dạng như máy điện thoại di động, hỏi :
– Bác muốn gọi điện thoại cho người nhà hả? xin bác cứ tự nhiên.

Tôi hiểu ý và cảm thấy cậu Ba này khó chịu vì cái máy để trên bàn. Còn tôi thì cố ý tạo ra tự nhiên, để cậu Ba không phát hiện được lúc tôi làm việc trong nhà bằng cái máy quay phim này, đáp:
– Bạn trẻ à, đây là cái tật của người sử dụng điện thoại di động, lúc nào điện thoại cũng trong tư thế, hay để trên vật nào đó thuận tiện nhất cho sự hồi âm. Từ hôm nay và ngày mai tôi không gọi và không hồi âm cho ai cả, nếu có cầm cũng chỉ là để làm cảnh mà thôi, cũng như bạn đang cầm điện thoại di động trên tay vậy.

Bạn trẻ cười thoải mái, nói qua chuyện khác :
– Bác phân tích trồng hoa màu rất hay và cách nhận xét không sai về thói quen của người có điện thoại di động, như cháu đây có những lúc không gọi điện thoại, nhưng vẫn cầm nó trên tay theo tư thế sẵn sàng bấm nút hồi âm, lâu ngày trở thành thói quen.

Cậu nói tiếp:
– Bác có thể chỉ cho cháu kinh nghiệm về trồng hoa màu được không ?

Quả thực tôi đang “khao khát” câu hỏi này để bước vào tình cảm của họ, lòng tôi vui vẻ như gặp luỵ duyên, còn trên khuôn mặt cậu Ba như lòng tưởng rằng đang gặp nghiệp lớn, trả lời:
– Nếu như trao đổi bằng lời chưa đủ, chi bằng học và tập một lúc, có thế mới rút ra nhiều kinh nghiệm, trong ngành nông nghiệp học hành liền tay.

Bạn trẻ mặt sáng, nụ cười ẩn chứa sự hài lòng, liền mời :
– Cháu mời bác đi ra sau vườn, để xem vô đất có đúng cách không ? Và nhờ bác hướng dẫn hộ.

Tôi nhủ thầm “Đương nhiên, ai mà từ chối cho đành, cá mập đã vào lưới thì phải kéo lên bờ chứ, điên gì mà bỏ chài chì”. Chân tôi bước theo chủ nhà, đi ra khỏi phòng khách, thấy ba ngôi nhà lớn xây cất san sát với nhau và nối liền với phòng khách, cửa đóng, then cài. Đi một chặp thì đến sau vườn thấy đất và chậu ương lớn nhỏ.
Gặp lại thanh niên tên Tư đang lấy chậu vô đất, tất cả cùng chào tôi. Rồi cậu Ba giới thiệu từng loại đất như đất bột cá có chất lân, đất đạm, sỏi v.v…

Cậu Ba đưa mắt ngó tôi, hỏi :
– Thưa bác, làm đất theo phương pháp nào để cho thu hoạch cao?

Lúc này thấy đôi mắt của chủ nhà chăm chiêu dành cho tôi một tình cảm khác thường, tuy nhiên tôi phải có cách nói để thuyết phục hơn nữa, vì những bí ẩn khác ở trong ba gian nhà mà tôi muốn trực tiếp thấy, nhất là diện tích mặt bằng, thiết kế và phương tiện nuôi trồng cần sa, liền đáp:
– Tôi thấy cậu Ba chú ý về cách thức làm đất, điều này không sai đối với một nhà nông chuyên nghiệp, nhưng đất này có khác vì sử dụng quá ít chất đạm, như vậy chăm sóc và thúc cây không đạt kết quả cao. Cậu Ba phải thay đổi công thức trồng, phải dùng đất đạm đặc biệt để thúc cây cảnh và không cần phải trộn sỏi làm cho xốp đất. Cậu mua đất xốp có bán sẵn, nếu không có thì lấy cỏ xanh ủ oi, đây cũng là công thức tạo ra phân xanh, rồi trộn với đạm rẻ tiền để làm xốp đất như vậy thì thu hoạch nhiều kết quả hơn. Nhà nông có nói “Rẻ tiền kết quả cao”.
Khi làm đất vào chậu thì phân thành ba phần. Thứ nhất, lân và đạm rẻ tiền trộn chung lại, cho vào chậu ba phần. Thứ nhì, đất xốp một. Thứ ba, cho vào chậu đất đạm đặc biệt một phần, khi tưới nước tùy theo thời tiết trong nhà ngoài sân, như vậy cây cảnh mới phát triển hợp lý, làm đất đúng công thức thì biết kết quả trước khi cây chưa nẩy mầm, bạn trẻ hãy chú ý đạm đặc biệt là chất thúc hoa màu, cho ra sản phẩm giá trị cao.

Cậu Ba khoái chí, cười hít mắt, miệng khen:
– Thưa Bác, cháu vô tình gặp được may, bác đúng là một chuyên gia nông nghiệp, nói đâu ra đó, cháu đã từng học hỏi những người trồng cây, nhưng họ không có kinh nghiệm bằng bác, nhất là họ chưa sử dụng đúng mức về đất xốp, phân xanh và đạm thúc hoa màu, cảm ơn bác. Mời bác vào nhà dùng cơm rồi sau đó viếng thăm cơ sở sản xuất hoa màu phụ của cháu.

Tôi tự nhủ thầm :
– Trồng cần sa thì nói toẹt mẹ ra cho rồi, còn bịa đặt rằng trồng hoa màu phụ. Xem ra gã thanh niên này cho tôi là một ông già ngờ nghệch. Thôi mặc kệ chuyện ai nấy làm, miễn chấp, mỗi người mỗi mục đích để theo đuổi.

Vào đến phòng ăn lớn, thực ra nơi này là phòng khách, ăn, ngủ và vệ sinh cũng là một, vì đêm trước tôi ngủ ở nơi này.
Sau bữa cơm, chủ nhà mời tôi qua phòng kế bên, chân bước theo sau, vừa vào ngạch cửa, rèm màn vén trên ánh sáng vàng hừng hực nóng, tôi liền cho máy quay phim OK, không bỏ qua một chậu gốc cây cần sa nào. Máy quay phim vô tư thu hình và thu âm thanh tại hiện trường, thay tôi quan sát tường tận trại trồng cần sa như hệ thống đèn điện chiếu sáng, ống thông gió, dụng cụ tưới, đo nhiệt độ, cây và chậu lớn nhỏ. Đặc biệt mỗi gian nhà thiết kế khác nhau theo tuổi cây nuôi trồng, không khác nào phòng thí nghiệm của trường đại học Nông Lâm Súc tọa lạc tại Thủ Đức trước 1975.
Trong gian nhà thứ nhất trồng cần sa từ một ngày đến mười tám ngày, gian nhà thứ hai trồng cần sa sau 18 ngày đến bốn tháng, gian nhà thứ ba thu hoạch lá và hoa cần sa. Diện tích nhà 50m x 6m, nhiều tầng kệ từ đất lên trần nhà và một hầm ngầm, diện tích chứa cây trồng tổng cộng khoảng 400 – 500m², tổng cộng trong 3 gian nhà nuôi trồng trên 19.650 gốc cần sa, thu hoạch 375 kg cần sa khô mỗi tháng. Trị giá tiền đầu tư thiết bị trên 450 ngàn đô la, còn sản phẩm bán ra, vốn lời thu vào thì khó mà biết được giá của mỗi kg là bao nhiêu.
Tiếp cận người trồng cần sa.
Cuối cùng cậu Ba cũng mở lòng, không còn giấu diếm đối với tôi nữa và càng không thể đối xử tệ với ân nhân, xem ra người thanh niên Hải Phòng này cũng còn tính thành thực, cho biết:
– Thưa bác, đây là cây cần sa, chứ không phải loại hoa màu như cháu đã giấu diếm với bác. Ở xứ Tiệp Khắc này có trên mấy ngàn địa điểm, tất cả do người Việt mình lập ra, hiện nay bọn Tiệp nhức đầu về vụ trồng cần sa của người Việt.

Tôi lắng nghe lời nói của cậu Ba, mà trong lòng muốn nhảy bổ lên, vì bí mật cần sa đang chuẩn bị mở màn, hỏi :
– Tôi hoàn toàn không biết, vì trước 1975 ở Miền Nam Việt Nam, trong chương trình học không nghe thấy hoa màu này và cũng không biết chủng tánh và họ của nó. Hôm nay, lần đầu tiên, tôi thấy mà không biết loại cây gì. Cậu nói thì tôi chỉ biết vậy. Có thể cậu Ba cho tôi biết tỉ mỉ hơn về cây cần sa và xuất sứ của nó được không ?

Lời nói của tôi đương nhiên là phụ họa vào câu hỏi trên, để đo lường sự thành thực đến đâu của cậu Ba này. Cậu ta cho biết:
– Đúng thế. Cháu mua đất và chậu từ các trại trồng cây cảnh ở Ba Lan, Slovakia và đôi khi còn ở Đức nữa, chia thành nhiều lần đi mua có chừng mực. Còn giống cần sa thì mua từ mối lái trung gian. Chúng cháu đã hoạt động trong nghề này trên bốn năm, mà vẫn lờ mờ không rõ tướng mạo người giao hàng vì trong đêm họ bịt mặt kín mít từ đầu đến cổ. Mỗi lần giao hàng, hai bên phải đứng xa. Mua bán giá cả đều do họ. Chọn lựa địa điểm khác nhau và giải quyết trong giờ. Tuy nhiên, theo sự tò mò dò hỏi thì nghe đâu như người của sứ quán Việt Nam tại Praha bán ra.

Tôi để ý từng lời nói của cậu Ba và không ngần ngại khuyên để lấy lòng:
– Từ nay, cháu phải cẩn trọng lời nói trong sinh hoạt và bảo vệ gia đình. Nhất là khi mua bán, đừng để vốn lãi bốc hơi hoá khói, hay nữa, khi di chuyển đất và chậu ương cây phải cẩn thận hơn. Nhất là phân đạm nó có mùi dễ dàng phát hiện. Khi mua giống thì phải đề phòng bất trắc v.v...

Lúc này tôi vờ ngạc nhiên, nhưng lòng hiểu tâm trạng của thanh niên này lúc nào cũng sợ hãi. Cậu Ba thấy tôi thực lòng lo lắng, liền đáp:
– Bác an tâm. Chúng cháu đã đề phòng việc này hơn bốn năm rồi. À thưa bác, hôm nay tại hai tỉnh BydgoszczTorun ở Ba Lan cảnh sát khám phá hai trại trồng cần sa, ở đó có một người bạn đồng hương, không biết họ thế nào. Cháu lo lắm vì có liên hệ.

Tôi móc vào chuyện trên để tìm cơ hội xâm nhập ổ trồng cần sa tại Ba Lan:
– Nếu cháu muốn biết, thì nên đi Ba Lan càng sớm càng tốt.

Cậu Ba do dự một hồi rồi nói:
– Thưa bác, cháu muốn đi gấp vào chiều ngày mai.

Trong lòng tôi có chủ kiến liền, nhất định phải đi cheo cậu Ba đến Ba Lan. Đây cũng là dịp tốt, ngàn năm một thuở, mà không có lần thứ hai. Thấy trên khuôn mặt có nỗi buồn riêng, rồi cậu Ba nói tiếp:
– Thưa bác, cháu tự lòng không nói dối với bác và cũng không tự biện hộ cho mình là phải. Chúng cháu đang sống ở trong xã hội này, lúc nào cũng ăn ngồi không yên, mỗi giờ trôi qua là nỗi sợ nơm nớp. Từ khi đảng và nhà nước Việt Nam đưa đi lao động rồi xô đẩy đến hoàn cảnh thế này. Bác có biết không, thực chất cộng sản không công bố giết dân Việt Nam, nhưng dân Việt Nam thực sự đã chết vào tay của đảng cộng sản Việt Nam. Một kẻ thân bạo đồ như đảng cộng sản Việt Nam, dựng ra nguyên nhân lường gạt người dân, gạt quá lâu ngày, cái gì dân cũng tin là thiệt. Bởi vậy người dân cứ sống trong háo hức mà không bao giờ có hạnh phúc, cho nên hậu quả hôm nay không ai đo lường được, gia đình cháu là một trong những người bị cộng sản gạt, đã ba đời rồi cho đến nay vẫn chưa hoàn hồn.
Đi thăm gia đình người em của cậu Ba
Sáng hôm sau tôi được gia đình người em của cậu Ba mời. Được biết, gia đình họ vẫn liên lạc với nhau mỗi ngày bằng điện thoại di động từ Anh Quốc và Tiệp Khắc. Sự tiếp đón chào nhau rất lịch sự, thân thiện. Đặc biệt là hai cháu trai và một gái vòng hai tay thưa:
– Chúng cháu kính chào ông ạ, chúc ông khoẻ mạnh.

Hai cháu có giọng hót nho nhỏ của tuổi thơ rất dễ thương, thân hình chúng bụ bẫm, làm cho tôi cảm tưởng gia đình hạnh phúc, đúng mẫu mực gia giáo. Lúc này, quanh tôi và trước mắt không còn ý niệm nào về hình ảnh của những người trồng cần sa.
Hiện trong nhà này có hai gia đình ở chung, gồm gia đình cậu Ba và gia đình cậu em đang ở Anh Quốc. Phòng ăn và ở riêng biệt, phòng khách rộng rãi, họ thiện đãi tôi như một ân nhân từng đem đến cho họ một hài lòng nào đó…
Trong buổi thiện đãi chủ khách, kể cho nhau nghe về ký ức của quê hương, kẻ kể Nam người kể Bắc và thành bại trong cuộc đời. Tôi chú ý nhất về cuộc đời của họ trên đất Tiệp Khắc, phải trải qua biết bao là gian truân để rồi gia đình được ổn định, nhưng họ vẫn nơm nớp sợ hãi một ngày trắng tay.
Họ nghe tôi kể về xã hội, tình tự con người miền Nam và Sài Gòn trước 1975 như một thế giới hiền hòa và thanh bình, tuy lúc ấy có chiến tranh giữa Nam Bắc, thảm họa là miền Nam không biết trân quý nó, cho nên bị mất vào tay người cướp chính quyền.
Họ kể cho tôi nghe nhiều chuyện động trời của người Việt Nam sống ở Đông Âu, nghe qua không thể chấp nhận được, nhưng ai đã ở Đông Âu rồi thì xem đó là chuyện bình thường trong cộng đồng sức mạnh của máu, mồ hôi và nước mắt. Họ còn kể về chuyện mafia Việt Nam sát phạt trong giới thầu cần sa, cách thức vay tiền mở trang trại và buôn bán thế lực cần sa trong đại sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc.
Đến 13 giờ họ mời tôi thăm trang trại cách nhà 5 phút đi xe hơi, vào đến cửa nhà là gian phòng khách, đầu tiên họ hướng dẫn tôi đi qua một cánh cửa nguỵ trang bằng cái tủ đứng cao, dùng đựng quần áo, rồi đi qua hai lớp màng mới thấy toàn bộ trang trại. Ở đây họ thiết kế trồng cần sa cũng như những ngôi nhà hôm qua mà tôi đã thấy, chỉ có khác là đồ sộ hơn, thu hoạch cần sa mỗi tháng là 485 kg. Họ cho biết hai trang trại cần sa là tài sản của chú em tên Tư đang ở Anh Quốc, còn cậu Ba là người quản lý. Hai cơ sở trồng cần sa của cậu Tư có đến tám nhân công làm việc.
Đặc biệt người chủ trồng cần sa có dấu hiệu riêng, chỉ có cảnh sát mới khám phá được. Cho nên mỗi khi cảnh sát bắt, phải bắt cho được trọn ổ, chứ không bắt lẻ tẻ từng người một. Tôi rất tiếc không thu được phim ảnh và âm thanh ở đây.

Sự thân thiện không còn ngăn cách chủ khách, tôi đánh liều hỏi:
– Có lẽ chú Tư không hài lòng việc làm này, cho nên đi Anh Quốc để mạo hiểm chứ gì ?

Vợ của chú Tư đáp:
– Thưa bác, mạo hiểm thì ít, nhưng nguy hiểm thì nhiều. Cháu và anh Ba cũng có thảo luận với nhà cháu, để phân giải chừng mực, cháu sợ anh Tư phóng quá sẽ bất lợi. Thế mà anh Tư không để lòng. Từ khi anh Tư đến Anh Quốc đã thay đổi cách nhìn rất nhiều và anh cho biết sẽ về lại Tiệp Khắc vì lý do “rừng nào cọp đó”. Nay cháu hy vọng anh Tư về sớm hơn.

Có tiếng điện thoại reo, cậu Ba nói chuyện và cho biết hiện ở nhà có bác ân nhân ghé thăm, em có gì hỏi thăm bác không ? Rồi cậu Ba đưa điện thoại cho tôi:
– Chào cậu, thế nào có khỏe không. Những người cùng đi với cậu có gặp lại không. Làm việc thế nào và bao giờ về lại Tiệp?

Những câu hỏi của tôi rất dồn dập, cậu Tư đáp:
– Thưa bác, trước hết cháu cảm ơn bác đến thăm gia đình cháu. Anh của cháu mến mộ bác lắm và xem bác như người nhà, cháu cũng an tâm. Mấy hôm nay cháu vẫn điện về nhà hỏi thăm bác luôn. Cháu khỏe nhưng lo âu nhiều là do (...) những người cùng đi hôm ấy, đến nay cũng chưa có dịp gặp lại bởi họ (...) Cháu có liên lạc trong nghề nghiệp nhưng không khá vì (...) Trong tháng này, cháu nhất định về lại Tiệp. Hy vọng gặp lại bác, cháu sẽ nói nhiều về Anh Quốc nhất là an ninh và sinh hoạt trồng cỏ, như (...) Chúc bác vui khoẻ, tạm biệt.

Nhờ cú điện thoại của cậu Tư, mới thấy chuyến đi Tiệp Khắc lần này rất đặc biệt, biết được nhiều tổ chức và đường dây buôn người theo dạng lao động bất hợp pháp, nhập cư lậu và trồng cần sa từ Anh Quốc đến Tiệp Khắc và Slovakia. Trước mắt cũng có thể ngày mai sẽ tiếp cận được giới trồng cần sa tại Ba Lan.
Hai ngày trôi qua, tình cảm thấm thía. Cậu Ba cho số điện thoại:
– Thưa bác, bác lấy điện thoại di động để cho số điện thoại của cháu vào, từ đây bác cháu mình không còn ái ngại nữa, lấy phương tiện này để làm liên lạc tốt hơn.

Cũng may sáng hôm qua, tôi đã chuẩn bị trước tình trạng bất trắc có thể đưa đến nguy hiểm, bởi vậy đã vứt máy quay phim Sony HD vào bao rác nilông tại địa điểm đến đầu tiên và xe rác đã đưa đi từ sáng sớm, chỉ còn giữ lại thẻ Sony, memory stick 4gb (1) lưu trữ phim ảnh tại nhà của cậu Ba. Khi cậu Ba hỏi về cái máy điện thoại di động, đó là cái máy quay phim mà mấy hôm nay cậu Ba cứ ngỡ rằng cái máy điện thoại di động, tôi xem ra rất an lòng vì tránh được hậu quả mà tôi không thể nào lường trước được. Khi đi Tiệp Khắc, tôi ăn mặc đơn giản, chỉ một bộ đồ trên mình và đem theo máy quay phim để làm vốn. Tôi giả vờ tìm kiếm mãi cái máy điện thoại, cả nhà đều thấy sự lo lắng của tôi cho nên họ cảm thông, cậu Ba hỏi tiếp:
– Bác còn nhớ máy điện thoại cầm trên tay vào lúc nào không, từ đó suy ra là biết rơi ở đâu.

Tôi liền đáp:
– Không sao cả, cũng có thể điện thoại rơi hôm qua, nhưng không biết ở đâu, nếu có mất thì cũng không có gì quan trọng. Vậy cậu cho tôi số điện thoại viết trên giấy cũng được.

Thế là tôi có điện thoại của cậu Ba v.v… Trưa hôm đó, tôi từ giã cả nhà cậu Tư, còn cậu Ba thì chở tôi đến phi trường. Theo lịch trình đã hẹn, bạn Kha sẽ chờ tôi tại phi trường Ruzyné vào lúc 20 giờ.

Từ cõi lòng bức xúc
19 giờ tối, cậu Ba đưa tôi đến phi trường Ruzyné. Trên đường đi với một nỗi lòng bức xúc, lúc này, cậu Ba mới chân tình nói:
– Bác thử nghĩ xem, hiện nay Việt Nam có 86 triệu dân, thế mà trên toàn quốc có đến 59,4 triệu lao động đang ngáp gió cho nên người dân mới túa ra đi tìm đường tự sống. Ngay tại xứ Tiệp này có trên 44.970 người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp, chưa kể 63.430 người thuộc chương trình “Xóa Đói Giảm Nghèo” và “Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động”. Có trên 29.600 người Việt du lịch ở lậu đang xếp hàng từ đằng xa để tìm kiếm sống. Trên 39.500 người xin đoàn tụ thân nhân lậu, họ đang bán thân mua vui, trồng cần sa, bán lậu thuốc lá, khuân vác hàng hóa lậu, mua bán chợ lậu, hôn nhân lậu, nay đã trở thành luồng nước vô gia cư quốc tế. Cùng lúc có người Việt đến từ Nga, Ba Lan, Đức, Hungary cũng đang tham gia sinh hoạt tại đây v.v… Còn lao động chính thức và định cư tại Tiệp với con số ổn định không là bao, muốn biết số người Việt tại Tiệp Khắc là bao nhiêu thì chỉ nhìn vào chợ Sapa sẽ thấy một khối lớn trên 173.900 người Việt.
Nguyên nhân đơn giản, đảng bác đẩy người dân vào đường cùng cực, mới có sự lưu lạc hải ngoại ngày nay. Họ sống rải rác từ thủ đô Praha, Tiệp Khắc, đến ngoại ô và những thành phố nhỏ tận biên giới Tiệp – Đức và Tiệp – Áo v.v… Một xã hội chủ nghĩa nghèo đói cùng tận, một chính quyền tham nhũng không tạo được công ăn việc làm cho dân. Đảng bác tổ chức và khuyến khích nhiều hình thức xuất khẩu người để đẩy dân ra nước ngoài, đây là một phương thức móc ruột dân, họ được quyền ngồi trên xơi hưởng tài sản và thu lấy đô la trên xác người.
Bác có biết không, tinh thần người Việt ở đây không được bình tĩnh lắm. Đời họ xem ra rất là đen tối, nhất là các chị em đi lao động, nhỡ có mang bầu với người yêu thì phá thai liền, nếu không phá thai thì bị chủ hãng đuổi về nước. Như vậy, muốn ở lại thì phải lập tức âm thầm giải quyết cho sạch sẽ và gọn nhẹ, nhất là không cho người mình yêu biết. Cũng có những ca thương tâm hơn, chị em lao động phải bỏ hợp đồng để đi làm gái điếm, hay tham gia vào những tổ chức buôn lậu, lý do là kiếm tiền nhiều để trả nợ cho ngân hàng ở Việt Nam vì cầm sổ đỏ để mua chỗ đi lao động, nay họ phải vùng vẫy ở xứ người chỉ mong đổi đời, nhưng đổi đời thì xa vời vợi vì thế cõi lòng hy vọng một thời nay phải chết dần hồi. Họ trở thành người ăn thời ở thì, tranh nhau ánh sáng cuộc đời để sống, như con thiêu thân.
Bác có biết không, đảng cộng sản Việt Nam tạo ra một cộng đồng Việt Nam ở Đông Âu để rồi biến họ thành mảnh đời chua xót, có người còn nói “Trên danh nghĩa, nhà nước Việt Nam xuất khẩu lao động, đó chỉ là che đậy sự thực. Thực tế là họ xuất khẩu dân Việt ra nước ngoài để làm nô lệ cho họ!”
Bác đã đến Tiệp Khắc, thì cần phải biết việc đầu tiên là “tiền đâu”, có thế mới hiểu được ông quan đảng rất thèm khát ngân lượng. Đó là cá tính của đảng cộng sản chỉ biết cướp mà thôi, dù đã tỷ phú đỏ cũng không bỏ qua tranh nhau cướp bóc tài sản của dân và tham nhũng trong những đầu tư và tài nguyên quốc gia, đảng rút ruột ngân hàng nhà nước để rồi thiếu nợ khắp thế giới, người dân phải gánh nợ cho đảng bác.
Kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, đưa ra “Định hướng XHCN” để tham nhũng, từ đó tự do cho vào hỏa táng để phi tang và những tập đoàn, tổng công ty, kho đụn, nhà máy trở thành như túi tiền của riêng cá nhân của đảng. Nay nước Việt Nam lưu hành hai loại tiền, thứ nhất tiền âm binh không giá trị, đang lưu hành trong quần chúng. thứ hai Đô la và Euros lưu hành trong giới đảng cộng sản, nhà nước Việt Nam và Việt kiều. Đau lòng nào hơn, đảng cộng sản Việt Nam cầm dao cắt từng miếng thịt Việt Nam dâng hiến cho hổ đói Trung Hoa. Thế đó bác ạ!

Ngồi trên xe hơi, nghe cậu Ba lên án đảng cộng sản Việt Nam quá đã, làm cho tôi cũng phải đờ người ra sững sờ. Thực ra chúng tôi đã nghe những lên án về tội ác của đảng cộng sản Việt Nam rất đã tai như thế này từ mấy mươi năm qua, ấy mà chưa hề thấy đảng cộng sản Việt Nam bưng mặt sám hối, còn thua loài khỉ mỗi khi xấu hổ hai tay bưng mặt để tỏ ra hổ thẹn trước mọi người. Lời lên án này rất giá trị vì người đi ra từ trong lòng cộng sản, nhưng rất tiếc người dân còn vô cảm, không tìm ra phương thuốc diệt côn trùng rận Việt cộng, hay là cả thảy dân tộc Việt Nam vẫn ỳ ạch và còn ngủ trong mê hồn cộng sản. Chỉ cần chịu khó nấu nước sôi là luộc được cái chăn rận bẩn thỉu ấy.
Nghĩ cho cùng phải kính mộ các quốc gia Đông Âu lấy quyết định từ giã cộng sản, để ngồi lại hòa giải hòa hợp dân tộc, rồi cùng nhau đưa đất nước trở thành quốc gia tiên tiến đa nguyên đa đảng.

Đi hơn một phần đường cậu Ba hỏi:
– Thưa bác, cháu đi thăm người bạn ở hạt Pruszkow, Ba–Lan. Bác có muốn đi luôn không ?

Lòng tôi háo hức. Đây cũng là cơ hội tốt đưa tôi gần với giới trồng cỏ. Suy nghĩ trong lòng điên sao là từ chối. Mi mời ăn thịt cọp? Thì đi. Không ngại tôi liền đáp:
– Tôi không bận bịu vì thời gian, đi thì đi, chứ không có dịp lần sau. Vậy cậu Ba đi mấy hôm ?

Cậu Ba miệng cười nói:
– Thưa bác, sáng mai là đến hạt Pruszkow, sau 14 giờ chiều về lại Tiệp, đương nhiên cháu sẽ chở bác đến phi trường Ruzyné vào lúc 20 giờ.

Tôi gật đầu đồng ý, xe hơi thẳng hướng Ba Lan và đành lỡ hẹn với bạn Kha tại phi trường.
Tôi đến Tiệp Khắc đã hai ngày trôi qua, sống trong môi trường ngạt thở từng hồi, nhờ vậy mới hưởng được những thú vị nguy hiểm, nhưng rất tiếc không có dịp thăm viếng chợ Sapa của cộng đồng Việt Nam ở đây, nhất là chiêm ngưỡng sơn thanh, thủy tú, lệ tùng của thủ đô Praha. Tôi đành từ giã để lên đường đi Ba Lan, hẹn mai này có dịp sẽ tái ngộ thủ đô Praha.

© DCVOnline
------------------------
(1) Tất cả Phim và Ảnh, làm phụ bản trong bài phóng sự này đều lấy ra từ thẻ Sony, memory stick 4gb.

-------------------------

.
.
.

No comments: