Hà Giang/Người Việt
Thursday, October 07, 2010
ÐÀI LOAN - Trong một căn phòng trang trí đơn giản, vừa được dùng làm phòng ăn, vừa là phòng học, ở Ðào Viên, Ðài Loan, gần 40 thanh niên thiếu nữ Việt Nam, tuổi từ 24 đến 30, ngồi quay quần trên những chiếc bàn dài, dùng bữa trưa thanh đạm.
Mặt hằn những nét suy tư, mỗi người chìm đắm trong một nỗi niềm riêng, nhưng họ có chung một hoàn cảnh: Họ cùng đang nương náu ở đây, “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam,” do Linh Mục Nguyễn Văn Hùng điều hành, ủy thác hết những khó khăn của họ vào văn phòng, để nhờ giúp đỡ.
Cách đây không lâu, có thể là một, hai, hay ba năm trước, họ là những người trẻ Việt Nam rời quê hương, hân hoan với giấc mơ đi tìm cho bản thân và gia đình một tương lai bớt nghèo túng.
Nhưng giờ đây, không những giấc mơ kia đã tan vỡ, cuộc đời họ cũng đang gặp những bế tắc, chờ tìm lối thoát.
Ước mơ mang dáng dấp tật nguyền
Như hoàn cảnh của em Lê Thân, 30 tuổi, quê ở Hưng Yên. Em qua đây hợp tác lao động được bảy năm.
Lần xuất khẩu lao động đầu tiên, em may mắn để dành được một ít tiền mang về nước, nhưng khi quay lại lần thứ hai, em lâm nạn!
Lê Thân cho phóng viên nhật báo Người Việt biết, nhờ có chút kinh nghiệm trước, em được làm phụ tá quản lý cho một công ty thiết bị dụng cụ y tế cho người già, nhưng trong đợt đi làm công nhân đợt hai này, gặp phải lúc công nhân bỏ trốn nhiều quá vì điều kiện làm việc khó khăn, quản lý ngặt nghèo, lương trả không đúng, nên họ bỏ trốn.
“Công ty em bỏ trốn hơn 20 người. Em làm quản lý, nên em cứ bị chủ gọi lên ‘chửi,’ vì họ bắt em chịu trách nhiệm.” Thân tâm sự.
“Chủ bắt em phải đi lùng bắt những người bỏ trốn, tình trạng rất căng thẳng, em thấy không thể tiếp tục làm việc được.”
Thân cho biết, sau nhiều ngày suy nghĩ, em định hủy hợp đồng bỏ về nước sớm, nhưng nghĩ đến món nợ ở nhà, lại không dám về.
Cuối cùng Thân quyết định bỏ trốn vào ngày 12 tháng 12, 2008, vì sáng hôm đó “bà chủ bảo bà ấy sẽ chở em ra bến xe, rồi em phải đi rình tìm những người bỏ trốn, tìm nếu thấy họ thì gọi phôn cho cảnh sát để đi bắt về.”
Bỏ đi được vài ngày thì Thân xin được việc làm ở trại chăn heo, và đến ngày 17 tháng 12, em bị tai nạn, cụt mất một chân.
“Văn phòng cha Hùng đang giúp đỡ em thưa kiện đòi chủ bồi thường. Chủ đưa ra con số là 300,000 Ðài Tệ, khoảng $9,000, em không chịu, vì viện phí em phải chi trả là hơn 400 ngàn tiền đài, chân giả hết gần $100 ngàn.” Thân cho biết.
Rất may là nhờ văn phòng cha Hùng bảo lãnh, Thân được ở đây hợp pháp trong khi chờ đợi kết quả vụ án.
“Dù em mong được đền một số tiền khá một chút, để có tiền trang trải nợ nần, nhưng dù có bao nhiêu tiền, em cũng thành kẻ tật nguyền mất rồi.”
“Dù em mong được đền một số tiền khá một chút, để có tiền trang trải nợ nần, nhưng dù có bao nhiêu tiền, em cũng thành kẻ tật nguyền mất rồi.”
Em Hạnh, 28 tuổi, quê ở Bắc Giang, phản đối việc bị bóc lột, nên bị chủ hủy hợp đồng sớm và môi giới đòi đuổi về nước.
“Em ở đây mới được bảy tháng, chủ gọi môi giới đến bảo là em không ngoan, nếu không thay đổi thì phải đi về nước.”
Hạnh cho biết em làm trong một viện dưỡng lão. Sau khi bị chủ đe dọa, em cố gắng nhịn nhục, “làm việc quần quật ngày từ 12 đến 18 tiếng, nhưng chỉ được trả lương ngày 9 tiếng rưỡi, thêm được 4 tháng nữa” nhưng “cũng không yên.”
Lý do?
“Họ lấy của em hai ống máu, nhưng khi nộp máu của em lại để tên người khác, sau em khám phá ra là họ dùng máu của em để nộp hồ sơ nhân viên ma, và lại thắc mắc, nên kỳ này chủ nhất định hủy hợp đồng sớm.”
Hạnh đang nương náu ở “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam ,” để nhờ giúp đỡ kiện chủ đòi số lương trả thiếu và bắt buộc phải cho làm việc hết hợp đồng.
“Em muốn về Việt Nam với gia đình lắm, nhưng không thể bỏ cuộc, vì về bây giờ là tiền đóng cho môi giới bị mất hết” Hạnh chia sẻ.
Những nỗi niềm người mẹ
Bà Riếp, 52 tuổi, quê ở Bến Tre, có con gái làm cô dâu Ðài Loan, chết ngày 28 tháng 6, được cảnh sát Ðài Loan viết thư về Việt Nam gọi qua nhận xác con. Bà đến Ðài Loan vào ngày 1 tháng 9.
Bà Riếp khóc và cho phóng viên nhật báo Người Việt biết, là cảnh sát nói con bà tự tử, nhưng bà đã vào thăm xác con và không tin.
“Tôi vừa qua đến đây thì bị cảnh sát Ðài Loan ép phải ký giấy thiêu xác con, nhưng con chết mà không rõ nguyên do, tôi không đành lòng thiêu nó.”
Bà đang nương náu ở đây để nhờ văn phòng trợ giúp đòi nhà chức trách mang xác đi giảo nghiệm để tìm ra nguyên nhân cái chết của con.
Ôm hình đứa con gái, bà Riếp nói chuyện với bất cứ ai có thì giờ để nghe bà kể lể.
Em Thương, năm nay 26 tuổi, quê ở Nam Ðịnh qua đây gặp phải một công ty sắp bị phá sản.
Em làm công việc dập hàng điện tử.
Cũng như Lê Thân, Thương đang chờ chủ bồi thường. Em kể: “Chủ đề nghị đền bù 30 ngàn Ðài Tệ, tính ra chưa được $1,000, em không chịu.”
“Em còn trẻ thế này mà đã tàn tật rồi chị ạ.”
Ðang nhờ văn phòng cha Hùng trợ giúp pháp lý, Thương cho biết em “thất vọng về đất nước mình nhiều lắm,” vì “ở nhà thì thông tin sai lạc không đầy đủ,” còn ở đây thì văn phòng liên lạc của Việt Nam “hoàn toàn không giúp đỡ gì.”
Linh Mục Nguyễn Văn Hùng than với phóng viên nhật báo Người Việt là văn phòng cha làm mãi không hết việc.
“Hiện giờ văn phòng có khoảng 40 em đang tạm trú, nhưng tôi chắc chắn còn rất nhiều trường hợp khác mà chúng tôi chưa biết đến.”
Cũng theo Linh Mục Hùng thì tình trạng không thấy có gì sáng sủa lên vì Bộ Lao Ðộng Ðài Loan chỉ có một khả năng rất hạn chế trong việc cai quản người lao động và bảo vệ quyền lợi của họ.
Ví dụ, luật Lao Ðộng Căn Bản cho phép những công nhân nước ngoài được quyền thưa kiện nếu chủ nhân vi phạm những quyền căn bản của họ, nhưng trên thực tế, sự bảo vệ này không có hiệu quả, vì người lao động không có khả năng tài chánh để khởi sự một vụ kiện. Vì thế, thay vì truy tố những chủ nhân bóc lột hay ngược đãi mình, đa số phải lựa chọn hoặc lặng lẽ tìm cách về nước, tự động chấm dứt hợp đồng của mình, hay bỏ trốn và ra ngoài tìm cuộc sống bất hợp pháp.
Trong một bài viết phân tích về tình trạng “Lao Ðộng Di Dân” tại Ðài Loan, ông Wu Jing-Ru, tổng thư ký TIWA (Taiwan International Workers Association) vạch ra năm vấn nạn lớn trong chính sách lao động nước ngoài của Ðài Loan, gồm có: Giới hạn đối với thời gian làm việc (hợp đồng ký chỉ 2 năm), hệ thống môi giới, Luật Lao Ðông Căn Bản không thích ứng với thực tế của công nhân nước ngoài, như không cho họ quyền được thành lập công đoàn lao động và lựa chọn chủ nhân.
Ông Wu cho rằng chính sách phân biệt đối xử của Ðài Loan đã tạo ra tình trạng những công nhân nước ngoài bị bạc đãi, hành hạ, và bóc lột, và những tổ chức phi chính phủ phải kết hợp với nhau trong việc đấu tranh để đòi chính quyền thay đổi chính sách.
Linh Mục Nguyễn Văn Hùng thì cho rằng nguyên nhân chính nằm ở Việt Nam, vì vấn đề là đời sống của người công nhân ở Việt Nam quá khó khăn, khiến họ phải mạo hiểm tìm lối thoát.
“Chỉ có ở Việt Nam là nơi chính phủ biến người công nhân thành ra con nợ trước khi người ta có cơ hội làm ra tiền.”
“Thông tin giả dối, ao ước muốn thoát đói nghèo, và sự sơ hãi của người công nhân, tất cả quyện vào nhau tạo thành những trường hợp bi thảm.”
Có cách nào giúp cho người xuất khẩu lao động Việt Nam tránh được những hoàn cảnh này?
Em Lê Thân chia sẻ một nguyện vọng: “Sau khi về nước, có lẽ em sẽ dùng kinh nghiệm bản thân để phổ biến những kiến thức mà người đi xuất khẩu lao động cần phải biết.”
(Kỳ tới: Ði thăm những “Lao Ðộng Di Dân” trong nhà tù xứ Ðài)
Công nhân và cô dâu Việt xứ Ðài (Kỳ 4)
Hà Giang/Người Việt
Friday, October 08, 2010
ÐÀI BẮC (NV) - Nằm trên một ngọn đồi ngoằn ngoèo, Taipei Detention Center, là nhà tù hiện đang giam giữ trên dưới một trăm “Lao Ðộng Di Dân” người Việt Nam bỏ trốn, sinh sống và làm việc tại Ðài Loan bất hợp pháp và chẳng may bị bắt.
Công nhân người Việt Nam bỏ trốn, ra ngoài sinh sống và làm việc tại Ðài Loan bất hợp pháp, bị bắt giam tại Taipei Detention Center . Họ vui mừng tiếp xúc với phái đoàn của “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam ,” để nhờ giúp đỡ. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Khi phái đoàn của “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam ,”đến nơi thì đã hơn mười giờ sáng. Bên phía tù nam, trong một phòng giam tập thể, 52 thanh niên Việt Nam, tất cả đều dưới tuổi 30, trong y phục tù màu đỏ, ngồi bệt xuống đất. Họ đang ngồi đó để chờ người quản tù vào điểm danh.
Phía bên tù nữ, trong một phòng giam tập thể tương tự, 46 thiếu nữ Việt Nam, tuổi cũng còn rất trẻ, cũng trong y phục tù màu đỏ, cũng đang ngồi dưới đất chờ điểm danh.
Ðiểm danh xong, giờ thăm tù bắt đầu.
Phái đoàn của cha Hùng từ “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam ” vào thăm các tù nam trước.
Vừa thấy bóng cha, các “tù nhân” trẻ ùa nhau đến đứng bám sát vào chấn song chia cách họ. Có em đưa cả cánh tay ra ngoài song sắt để vẫy chào và bắt tay phái đoàn.
“Cha khỏe không cha?”
”Cha có mang sách báo cho tụi con không cha?” Các em nhao nhao lên.
“Có bao nhiêu sách báo cha mang đến tuần trước hết rồi, các con xem nhanh thế?”
”Trời, chỉ có mấy cuốn báo, chúng con chia nhau đọc nghiến một cái thì hết. Có cuốn đọc đi đọc lại mãi.”
”Thôi để cha tìm cách xin thêm sách báo rồi gửi vào cho các con.” Cha Hùng cười hiền lành.
Rồi cha cao giọng: “Hôm nay cha mang vài người đến thăm các con.”
“Ðâu, đâu, họ người Việt Nam hở? Người Việt Nam hở?” Các em lại nhao nhao lên.
“Họ là các ký giả bên Mỹ qua, các con có chuyện gì cứ nói cho họ nghe.”
“Hôm nay có nhiều người mới đến không?”
“Dạ có cha, hôm qua họ mới mang thêm 5 người mới đến.”
“Những người mới cần văn phòng giúp đỡ thì điền vào tờ giấy này nhé.” Cha Hùng nói, và người phụ tá đưa ra một xấp đơn đưa qua các song sắt cho các em.
“Tuần này họ cho ăn uống ra sao các con?”
“Bình thường thôi cha.”
“Có ngon hơn bên ngoài không?” Cha Hùng hỏi đùa.
Các em cười ồ lên.
“Tuần này họ có cho các con ra ngoài sinh hoạt không?”
“Thì đó, đang sinh hoạt đó!” Một em pha trò.
Lại có những tiếng cười ồ lên. Tuổi trẻ có những lúc thật hồn nhiên, bất kể hoàn cảnh.
Một em khác, nghiêm túc hơn, lên tiếng giải thích: “Tụi em sinh hoạt ăn uống ở trong phòng này hết, chị nhìn mấy cái giường chồng kìa.”
“Tụi em ở tù có khổ lắm không? Có bị hành hạ không?”
“Thật ra cũng không khổ lắm, không bị hành hạ, chỉ bị tù túng, ăn, sinh hoạt, ngủ, ở đều ở đây. Họ không làm cho mình khổ quá, chỉ làm làm cho mình tù túng, chán để bỏ về thôi.”
Hỏi han trò chuyện xong, giờ “làm việc bắt đầu.” Họ cứ như thế, cha Hùng và người phụ tá đứng ngoài, các “tù nhân” đứng bên trong song sắt.
Các em cần giúp đỡ đều tìm cách đứng gần phái đoàn của cha, vừa điền đơn vừa hỏi cách điền, vừa bỏ chỗ đứng chạy lại chỗ giường mình nằm lúi húi tìm giấy tờ, rồi lại đến gần cha để tiếp tục.
Qua câu chuyện, người ta được biết tất cả các em bị giam ở đây đều là những người “Lao Ðộng Di Dân” bỏ trốn.
Mỗi em bỏ trốn vì một lý do, một hoàn cảnh, nhưng tựu trung là hoặc vì điều kiện làm việc khó khăn, lương trả thiếu. Cũng có em bị chủ, vì kinh tế khó khăn, tự động hủy hợp đồng, bắt các em về nước sớm.
Ða số các em không thể về, vì về thì không đủ tiền trả nợ.
Em Lý Văn Tuấn, 30 tuổi, Hưng Yên, cho phóng viên nhật báo Người Việt biết, em mới làm việc được mười bẩy tháng, chưa hết hợp đồng, nhưng hãng hết việc, nên công ty mội giới bảo em đi về.
“Em bảo về cũng được, em cũng nhớ nhà rồi, nhưng mà lúc đi em đóng hết 6,000 đô, mà chưa hết hợp đồng phải về thì lấy tiền đâu trả nợ?” Em Tuấn tâm sự.
Cũng theo lời kể của Tuấn, em trốn ở ngoài hơn một năm thì bị bắt và bị cảnh sát nhốt ở đây.
”Em ở đây hơn một năm rồi mà chưa có án gì hết, em đang hy vọng là văn phòng cha Hùng có thể giúp được.”
Cha Hùng có thể giúp em được gì ?
“Trước khi em bỏ trốn thì môi giới bảo là nếu mày không chịu về nước, mày bỏ trốn mà bị bắt thì tao không trả hộ chiếu, tao sẽ giam hộ chiếu 3, 4 tháng mới cho mày về.”
”Em đang nhờ cha Hùng giúp đòi tiền lương chủ còn thiếu, và lấy hộ em tiền tiết kiệm.”
“Có ai ở đây hơn 3 tháng rồi mà chưa có án không?” Cha Hùng hỏi.
“Có con, cha! Con ở trong này 5 tháng rồi mà chưa có án, cha!”
Chưa có án có nghĩa là hồ sơ chưa ai giải quyết cả, và “tù nhân” cứ việc “bình thản” tiếp tục ở tù.
Còn đã có án, như kiện thưa chủ đã xong, ngã ngũ có đòi hay không đòi được tiền, mà chưa ở tù hết án thì phải ở tiếp, còn nếu đã ở tù đủ hạn, thì phải về Việt Nam.
“Có ai còn vấn đề gì khác nữa xong?”
“Con xong án rồi, nhưng không có tiền mua vé máy bay về Việt Nam, cha!”
“Rồi, lát nữa nói chuyện riêng với cha sau.”
Em Trinh, 28 tuổi, quê ở Thái Bình cho phóng viên nhật báo Người Việt biết em đang làm việc thì bị máy đè lên chân, và trong thời gian điều trị, chủ dùng tiền lương của em để trả tiền nhà thương, sau đó, lại cho nghỉ việc sớm, nên em đành bỏ trốn.
Em cho biết em lẩn trốn và làm việc bất hợp pháp đã được hai năm, và cũng đã để dành được một ít tiền gửi về nhà.
“Bây giờ em xui bị bắt thì đành phải về thôi, nhưng về bây giờ cũng còn có thêm được một số tiền, còn nếu em không trốn thì chắc chắn không đủ tiền trả nợ.”
Giã từ các em tù nam, chúng tôi ghé qua thăm bên tù nữ.
Cũng nhưng khuôn mặt trẻ nhưng ưu tư, cũng những câu chuyện tương tự, nhưng với bên nữ thì lý do đào tẩu còn có thêm việc bị chủ sách nhiễu tình dục.
Tình trạng ngày càng có nhiều “Lao Ðộng Di Dân” đào tẩu là một vấn đề nan giải mà Bộ Di Trú và Bộ Lao Ðộng Ðài Loan chưa tìm ra được biện pháp đối phó một cách hữu hiệu, và không biết bao giờ mới có thể đối phó hữu hiệu nếu những lý do cốt lõi như tiền môi giới quá cao, luật lao động căn bản không bảo vệ được người lao động di dân.
Hết giờ thăm, phái đoàn cha Hùng rời Taipei Detention Center , mang theo một xấp hồ sơ mới của những trường hợp cần giúp đỡ.
Phái đoàn chưa bước ra hẳn khỏi cửa, thì bốn ông cảnh sát Ðài Loan bước vào nhà tù, áp tải thêm 9 người “Lao Ðộng Di Dân” Việt Nam mới sắp sửa bước vào vòng lao lý.
Lẩn trốn đâu đó ở Ðào Viên, còn có nhiều thanh niên lao động bỏ trốn chưa bị phát giác, như những người chúng tôi đã đến thăm khuya hôm qua.
Một số các thanh niên Việt Nam xuất khẩu lao động qua Ðài Loan bỏ trốn đang sống lẩn lút ở những chung cư hẻo lánh tại Ðào Viên. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
.
.
.
No comments:
Post a Comment