Lâm Hoàng Mạnh
03/10/2010 | 1:59 sáng
Tôi có anh bạn rất mộ đạo, Chủ nhật nào cũng đưa vợ con đến Linh Sơn Tự, bảo: “Người Việt rơm đến chùa đông lắm.”
Tôi hỏi: “Sao biết?”
Anh cười: “Cứ đến khắc biết, họ đến xin đức Phật phù hộ độ trì, đi may về mắn, gặp nhau thông báo tin cậu A, cô B vừa bị tóm, chị C., anh D. mới sang.”
“Sao lên chùa toàn nói chuyện động trời ấy?”
“Chuyện này chịu, biết làm sao trả lời.”
“Người rơm đông không?”
“Đông, đông hơn mình, toàn dân Hải Phòng, muốn gặp, chịu khó lên chùa.”
“Sao biết dân Hải Phòng?”
Anh cười: “Nói ngọng, l, n tùm lum.”
“Tôi đâu có nói ngọng.”
Không trả lời tôi, anh cười, rồi hỏi: “Có phải chính phủ chấp nhận họ được định cư không?”
“Không rõ, chỉ thấy nhiều người rơm lẩn trốn nay ra đầu thú, có giấy gọi đi tiếp kiến tìm việc làm.”
Chuyện như thế này: tháng 2-2010, trong chiến dịch tổng bầu cử Quốc hội, có nghị sĩ phe Tory đưa ra ý kiến, “hơn 3 triệu người rơm (không riêng người Việt) lẩn trốn, khó mà truy quét, nếu được, trục xuất cũng mất vài chục tỷ bảng. Cho họ nhập cư, bắt họ đi làm đóng thuế”. Nhiều nghị sĩ không tán thành, “đó là tiền lệ xấu, bất cứ ai vào được Anh, lẩn trốn một thời gian sẽ được định cư thì mười năm nữa Anh quốc sẽ có 30 triệu dân nhập cư bất hợp pháp.” Tổng tuyển cử lần này (5-2010) không có đảng nào thắng tuyệt đối, Đảng Bảo thủ (Tory Party) liên minh với Đảng Tự do (Liberal Party) lập chính phủ mới.Chính sách ân xá (amnesty) người nhập cư lậu không thấy công bố trên báo, đài phát thanh truyền hình, nhưng mấy tháng nay, dân Việt Nam nhập cư lậu ùn ùn đua nhau đi trình diện. Họ đồn, chính phủ cho phép dân nhập cư lậu cư trú vĩnh viễn.
Khi chưa có chính sách cho “rơm” định cư, mỗi tháng có tới hàng trăm người nhập cư lậu bị bắt và trục xuất; nếu chính sách dễ dàng như thế, chắc chắn chỉ một thời gian ngắn, Anh quốc trở thành thiên đường cho những người nhập cư lậu toàn thế giới, băng đảng tội phạm khắp nơi đổ về, dân số tăng lên chóng mặt, người bản xứ hết việc làm, thiếu nhà ở không biết chừng.
Nick Thorpe, phóng viên BBC, trong bài “EU’s biggest crackdown on Vietnamese illegal migrants” ngày 26/6/2010, viết: “Người Việt định cư hợp pháp khoảng 30 ngàn, nhưng số người bất hợp pháp lên đến 35 ngàn”.
Trong trang Web Wikipedia ghi: “Điều tra dân số Vương quốc Anh năm 2001 ghi nhận có 23.347 người sinh tại Việt Nam, người miền Bắc chiếm 65% dân số. Theo tài liệu khác, dự đoán gần đây, ít nhất có tới 55 ngàn người Việt định cư tại England và xứ Wales, trong đó có 20 ngàn không có giấy tờ cư trú và 5 ngàn sinh viên du học.”
Có nghĩa, chính phủ Anh cũng không biết rõ con số chính thức có bao nhiêu người Việt nhập cư bất hợp pháp!
Vậy người Việt rơm nhập cư vào Anh từ bao giờ?
Trước năm 1975, Anh quốc có chừng 250 người, từ sau 30-4-1975, khi có cuộc chạy trốn cộng sản Việt Nam bằng đường biển, năm 1979 chính phủ Anh chấp nhận khoảng 20 ngàn thuyền nhân từ các trại tỵ nạn Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Ma Cao, Hong Kong, Phi Luật Tân…
Đến năm 1990, khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, kinh tế Việt Nam bên bờ vực thẳm, chính phủ Việt Nam buộc phải “đổi mới”, cho phép “bọn phản động lưu vọng” được về thăm quê, thân nhân trong nước dễ dàng nhận “tiền và đồ” của hải ngoại, mở rộng cấp hộ chiếu du lịch, du học, thăm thân nhân ở “các nước đế quốc”. Từ đó, người Việt rơm bắt đầu đổ bộ vào Anh, tuy chưa có tổ chức hay đường dây lớn như ngày nay.
Tết Nguyên đán năm 1992, vợ chồng tôi đến thăm gia đình X., cô vợ cười tươi, giới thiệu, “thằng cháu con bà chị sang đây du học (đưa hàng may) anh chị có định làm thông gia với bà chị em không?” Theo vợ chồng X., khu Hackney, Peckham, Camberwell (Southward), Brixton… các cháu sang “du học” đông lắm.
Có cậu, tôi biết từ hồi ở Scotland, cựu “lính B quay”, trốn sang Hong Kong từ 1979, định cư ở UK 1980, năm 1990 về Việt Nam thăm gia đình, chả biết “ba hoa chích chòe” thế nào, hàng xóm có hai đứa con gái đang ở trại cấm Thái Lan chuẩn bị hồi hương đến nhờ vả, về London lên Bộ Nội vụ, khai hai đứa con hàng xóm là cháu gọi bằng cậu. Thế là được đoàn tụ!
Thời bấy giờ Luật Di dân ở Anh còn nhiều khe hở, chính luật sư đã tiếp tay cho dân nhập cư lậu. Từ năm 1994, sau khi Tổng thống Bill Clinton bỏ lệnh bao vây kinh tế, lượng người Việt rơm sang Anh tăng nhanh. Nhưng phải kể từ năm 1998, người Việt “tỵ nạn kinh tế” mở tiệm Nails, họ đã ồ ạt đưa thân nhân sang, từ Hải Phòng, Quảng Ninh, đến Hải Hưng, Thừa Thiên, Huế… bằng các con đường: du học, du lịch, thăm thân nhân, xuất khẩu lao động rồi trốn ở lại, nhiều câu chuyện gây tai tiếng cho cộng đồng người Việt.
Việt Nam , một đất nước nổi tiếng tham nhũng hàng đầu trên thế giới, vì thế tất cả bằng cấp, giấy khai sinh, giấy li hôn, giấy kết hôn… kể cả bằng đại học người ta có thể mua được bằng tiền. Vì vậy, em ruột biến thành vợ, thành con, lương tâm, đạo lý và nhân phẩm của một số người Việt đã nhấn xuống bùn đen chỉ vì muốn đưa người sang Anh.
Tôi biết, có anh li dị (giả), về Việt Nam kết hôn (giả) với chính em gái mình, năm sau đón được “vợ” sang. Sau khi được nhập tịch, họ ly hôn, cô em gái lấy chồng (thật), chồng (hờ) “cưới” vợ cũ. Có chị, mua được giấy khai sinh, em gái (út) thành con đẻ, lên Cục Di dân xin đoàn tụ. Sau nhiều lần phỏng vấn, không đủ điều kiện, buộc hồi hương. Ngay hôm sau, cô ta biến như bóng ma từ 2002, đến nay, hiện nguyên hình ra trình diện Cục Di dân. Hôm nọ gặp, khoe, “Cháu được ở lại, sắp được như bác!”
Những người rơm này, họ làm nghề gì để kiếm sống?
Đầu thập niên 1990, làm chân đưa hàng (may), thợ may, thợ ủi, đóng khuy, bồi bàn, bồi bếp, từ năm 2000 cho đến 2005 đa số làm trong tiệm Nails, bồi săm khách sạn gần phi trường Heathrow và Gatwich do người Việt làm cai thầu. Thời bấy giờ nghề trồng cỏ chưa nhiều. Đầu năm 2005, trước khi một số nước cộng sản Đông Âu (cũ) nhập EU, chính phủ Anh gửi giấy cảnh báo các cửa hàng Nails, nhà hàng, khách sạn… nếu tuyển dụng người nhập cư lậu sẽ bị phạt 5000 bảng/người và truy tố trước pháp luật. Người rơm không chịu chết đói, chuyển sang trồng cỏ. Từ đấy, trang trại trồng cỏ (cannabis farm) của người Việt phát triển nhanh chóng.
Theo chỗ tôi được biết, lương người trồng cỏ hiện nay từ 500 bảng/tuần trở lên, tùy thuộc số lượng cỏ. Chủ trại dán giấy tuyển người công khai tại các shop người Việt ở M. Street, Hackney và Southward, London với danh nghĩa “Cần thợ làm Nails, lương từ 500 bảng/tuần, ăn ở miễn phí. Ghi chú, làm tỉnh lẻ.” Không có tiệm Nails nào thuê thợ với giá 500 bảng trở lên, trừ trồng cỏ! Lương thợ Nails hiện nay, trả theo giờ (7 bảng/giờ), hoặc 50/50; thợ Nails giỏi, lương 350 bảng/tuần là hết cỡ và phải nộp thuế. Năm trăm bảng 1 tuần, 15 triệu tiền Việt, 60 triệu một tháng, một năm 700 triệu, ăn ở miễn phí. Một người không nghề nghiệp, không biết Anh ngữ, ai thuê với lương 2.000 bảng/tháng nếu như không phải là nghề trồng cỏ? Lương bảy trăm triệu một năm, được đồng nào bỏ túi đồng ấy, không mất một xu thuế, không mất tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, tiền gas sưởi, tiền thuế cộng đồng, thuế ti vi…, vài năm có bạc tỷ. Mai kia về Việt Nam thành “đại gia, doanh nhân thành đạt”, biết đâu lại được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, tay cầm ly rượu vang, đi tìm như đã từng “Anh Kỳ, anh Kỳ (Nguyễn Cao Kỳ) đâu nhỉ?” trong buổi gặp mặt đầu Xuân của Đảng, chính phủ gặp gỡ doanh nhân Việt kiều yêu nước.
Tiệm bán tạp phẩm ấy còn dán thông tin “Nhận gửi tiền về 64 tỉnh Việt Nam ”! (Việt Nam có 63 tỉnh, nhận gửi về 64 tỉnh, thế mới lạ.) Có nghĩa, yên tâm đi, chịu khó trồng cỏ, có tiền chúng tôi “rửa” cho, kể cả gửi cho người ở tỉnh thứ 64 (tỉnh âm phủ)!
Nhiệm vụ của người rơm trồng cỏ: tưới nước, điều khiển hệ thống điện (ăn cắp) chiếu sáng, thông hơi, chăm sóc cỏ, có trục trặc báo cho chủ. Nhiều trại bị bắt, cảnh sát cho biết, họ ăn ngủ ngay tại bếp, vật dụng chỉ có ấm đun nước, nồi nấu cơm và các thùng mỳ gói.
Năm 2007, trong một buổi liên hoan Tết ta ở nhà một người bạn, lúc ngà ngà say, một cậu “khoe” với tôi: “Tháng trước tí nữa cháu bị tóm.”
“Làm thế nào mà thoát?”
Hồn nhiên, cười thật tươi, kể: “Không hiểu sao, tối hôm ấy tự nhiên mất điện, cháu vội a-lô báo cho ông chủ.”
Nâng cốc rượu vang, nhấp một ngụm, lấy tay quệt mép, cười: “Thuốc lá lại hết, cháu ra phố mua. Trên đường về, thấy xe cảnh sát đèn nhấp nháy chứ không nổi còi hụ, phóng như bay trên phố nhà cháu. Cháu sinh nghi, không về nhà, đứng xa nhìn. May thật, cảnh sát tông cửa, chủ chưa đến, không tóm được ai. Vụ ấy ông chủ mất gần nửa triệu bảng.”
Ngừng một lát, lại cười: “Cháu biết, số cháu có quý nhân phù trợ, tóm sao nổi.”
Tôi tò mò: “Sao biết có quý nhân phù trợ?”
“Chủ nhật nào tụi cháu chả đến chùa cầu trời khấn Phật. Rằm, mồng một cháu toàn ăn chay niệm Phật. Tháng trước, cháu xóc được quẻ thẻ, thánh dạy, cháu có quý nhân phù trợ. Chùa Linh Sơn thiêng lắm, cầu gì được nấy.”
“Nghe tin anh sang London theo đường ngon lành lắm, chứ không chui trong xe tải, phải không?”
Có lẽ ngấm men, khi người ta say dễ phơi bày gan ruột, tay cầm ly rượu vang, tợp một ngụm, lại cười.
“Vâng, bác có tin cháu đi theo đoàn của sứ quán không?”
Tôi đưa anh lên mặt trăng: “Trông anh chững chạc, phong độ, giống cán bộ ngoại giao lắm.”
Mặt đỏ vì sung sướng hay vì men không rõ, vẫn cười tươi, nói: “Cháu cầm hộ chiếu (tên giả) đi theo hai nhân viên đại sứ. Nhập cảnh xong, ra sảnh đường sân bay, cháu nộp cho người đến đón với chị cháu.”
“Thế sao nữa?”
“Cháu lên xe, bà chị trả nốt tiền, thế là xong.”
“Từ hồi đó có liên lạc với sứ quán không?”
“Biết ai mà liên lạc.”
“Đi mười mấy tiếng trên máy bay mà không nói chuyện?”
“Họ kín lắm, họ làm gì cháu làm theo, không hỏi, không nói chuyện.”
“Anh đến lâu chưa?”.
“Cháu đến 2002.”
“Làm sao anh đưa được chị nhà sang?”
“Nhà cháu đi theo đường dây qua Tiệp, sang Đức, đến Pháp phải đợi hơn 6 tháng ở Calais, cuối năm 2004 mới qua đấy.”
“Sao lâu thế?”
“Người đông, mỗi tuần không quá 10 người.”
Làm như ngố, tôi hỏi: “Thế là thế nào?”
“Bác không biết thật à?”
“Tôi đã đi bao giờ đâu mà biết.”
“Thế bác không cho thuê passport?”
“Thế là thế nào?”
Anh ta cười: “Cụ thể thế này, người trong đường dây thuê hộ chiếu của những người như bác, giá 500 bảng/ngày. Chúng cháu hoá trang, đội tóc giả sao cho na ná giống người trong ảnh hộ chiếu, chờ trời tối qua hải quan bên Calais , lên phà P&O sang Dover .”
“Đơn giản thế thôi?”
“Chứ sao!”
Muốn biết rõ hơn, tôi ra vẻ nghi ngờ, “Thật không?”
“Ô hay, bác không tin à? Trong ánh đèn pin, hải quan Tây làm sao mà nhận dạng được người Việt mình giữa ảnh trong hộ chiếu với người trong xe. Đường dây này chưa ai bị bắt bao giờ, chỉ tội tốn kém lắm.”
Ra vẻ thán phục, hỏi: “Tốn là bao nhiêu?”
Anh ta chỉ cười.
“Mười ngàn bảng?”
Anh lắc đầu, cười.
“Hai mươi ngàn bảng?”
“Gần như thế!”
Có lẽ biết lỡ lời hay anh đi làm tỉnh xa, nhiều cuộc liên hoan sau này vắng mặt vợ chồng anh, hơn 3 năm không gặp, không phải anh đã bị tóm hay “phắn” (chuồn khỏi Anh), theo chỗ tôi biết, anh chị còn sinh thêm được một cháu gái. Thế mới lạ, cháu gái (biến) thành con (đẻ) của một gia đình người Việt ở Catford có giấy khai sinh hợp pháp. Hệ thống tổ chức gian manh nào đã làm được chuyện này?
Mấy năm trước, chợ trời ở Catford, ở East Street (Camberwell Green) hay Dartford, nơi đông người Việt, có những chuyện động trời nhưng qua mặt nhà chức trách Anh một cách ngoạn mục.
Một cháu người Việt nhỏ thó, (tuổi thật 17), đứng khóc giữa chợ đông người qua lại. (Bác gái nó đứng trên lầu một cửa hàng người quen gần đấy theo dõi.) Thấy lạ, dân da trắng, da đen xúm lại xem, có người thương tình hỏi, đứa bé chỉ khóc, không trả lời. Người ta gọi 999, cảnh sát đến, nó vẫn khóc, chưa biết xử lý thế nào, vì nó không biết tiếng Anh, định đưa lên xe, lập tức có người phụ nữ Việt, dáng “mệnh phụ phu nhân” ở đâu đi đến, làm “tình nguyện viên” thông dịch. Bà phiên dịch, “Nó người Việt Nam, mới 13 tuổi, bà nó chết, không nơi nương tựa, nhờ người đưa sang London tìm cha mẹ, nhưng không thấy, người ta dắt đến đây rồi bỏ”. Nó là đứa trẻ tội nghiệp, cần được giúp đỡ, cần nơi ăn chỗ ở và học hành. Có nghĩa, nó cần một mái nhà, một gia đình nương tựa.
Tiền bạc chính phủ cung cấp được, còn mái ấm gia đình chịu, họ kêu gọi cộng đồng người Việt giúp. Chỉ sau vài hôm, nó về ở với chính bác ruột nó, nhưng bây giờ, bác nó khoác chiếc áo choàng mới, “người bảo trợ” (foster), được lĩnh tiền trợ cấp nuôi dưỡng nó và cả tiền trợ cấp cho bản thân, khỏi đi ký thất nghiệp!
Cũng có trường hợp bạn thân của cô dì chú bác nhận nó về nuôi, rất ít đứa ở với gia đình cha mẹ nuôi da đen hay da trắng. Chiêu này xảy ra thường xuyên ở khu đông người Việt, qua mặt nhà chức trách dễ dàng. Đến tuổi 18 (+ 4 tuổi), “phải hồi hương”, nó như con giúi đất, tìm lỗ chui một mạch xuống “hầm ngầm”, mất tăm. Chính quyền địa phương đành bótay.com.
Theo thống kê (chưa đầy đủ), London có trên dưới 300 cháu người Việt ở dạng này. Tôi biết có gia đình đưa hai đứa trẻ từ Việt Nam sang và được định cư theo “chiêu quái quỷ” này!
Lang thang khu Hackney, Woolwich, Southward, Lewisham, Brixton… gặp rất nhiều người Việt rơm, họ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, công khai nói chuyện trồng cỏ bằng tiếng (Việt) lóng. Ngày 20-9-2010, trên chuyến tàu từ Hackney về Victoria, giọng cô gái nói tiếng Việt qua điện thoại di động trả lời ai đó, vô tình lọt vào tai tôi, “500 bảng 1 tuần chấp nhận được, giá chung đấy, tính ra bằng 15 triệu tiền Việt. Được, tầu đến ga, chị sẽ đến ngay.” Cô không ngờ có người Việt ngồi hàng ghế sau.
Ngày 18-8-2010 tờ Metro London đăng tin “Theo báo cáo, 2009, cảnh sát đã bắt được 6.866 vụ trồng cần sa, tăng 30% so với năm 2008, 4.951 vụ”. Như vậy, chỉ trong hai năm 2008 và 2009, số “trại trồng cỏ” bị phát hiện gần 12 ngàn, do người Việt điều khiển. Có nghĩa, mỗi tuần cảnh sát bắt gần 140, mỗi ngày 20 vụ trồng cần sa! Chưa kể những trang trại chưa bị phát hiện! Con số trang trại cần sa của người Việt tại Anh phải vài vạn! Kinh hoàng chưa!
Tờ Evening Standard London số ra ngày 02-9-2010 đăng tít “Vietnamese crooks have turned the home-grown drug trade into big business.” Không những trồng cỏ, do cạnh tranh làm ăn, các băng nhóm tội phạm còn giết lẫn nhau, một tờ báo khác có tiêu đề “Untold profits fuel the violent gang word of London’s cannabis farms” ngày 02/9/2010, đưa tin và ảnh về vụ giết nhau cướp cần sa. Xin trích một đoạn:
Đây là một tội ác thật nghiêm trọng. Một nhóm tội phạm đường phố phía Nam Luân Đôn có hẹn mua một lượng hàng cần sa cao cấp trị giá 30 ngàn bảng, do nhóm người Việt trồng trong nhiều năm qua ở quanh vùng. Theo thỏa thuận, giao nhận hàng ở bãi đậu xe gần cửa hàng ăn nhanh McDonald quận Sutton, nhưng thay cho việc trả tiền, nhóm tội phạm dùng súng ngắn dọa, cướp số hàng. Nếu như không có chuyện xảy ra tiếp theo, Nguyễn Khắc và Trần Phác sẽ không bao giờ báo cho cảnh sát.
Nguyễn và Trần về Hackney báo lại với chủ trại, Kim Học Khoa, nhưng chủ trại không tin, cho rằng biạ chuyện bị cướp, bắt phải nộp đủ số tiền, hai người bị đưa đến một trang trại hẻo lánh ở Surrey, bị tra khảo đánh đập đến gần chết.*[1]
Hầu như tuần nào báo địa phương của Vương quốc Anh đều đăng tải tin người Việt bị bắt vì trồng cần sa và nhập cư bất hợp pháp. Xin trích dẫn vài nguồn tin.
“Teenage Vietnamese immigrant is discovered hiding behind car dashboard at Dover” (Daily Mail Reporter) ngày 04/2/2010:
Thật kinh hoàng, khó mà tưởng tượng cô gái Việt Nam nằm trốn trong khoảng nhỏ xíu trong thùng xe bị phát hiện ở Cảng Dover *.
Máy chiếu xạ tia X ở cảng Dover và Calais phát hiện người nhập cư bất hợp pháp*.
Vietnamese illegal immigrant ran cannabis farm (Emily Harman) ngày 28/8/2010:
Một người nhập cư bất hợp pháp, trốn sau xe tải bị tòa kết án hơn 2 năm tù giam vì tội trồng cần sa.
Phạm Thanh, 47 tuổi, hôm thứ Ba bị Tòa Thượng thẩm Kingston (London ) buộc tội sản xuất và tham gia trồng cần sa (chất gây nghiện loại B)*.
Special unit to tackle Vietnamese cannabis farms in Lancashire ngày 07/6/2010:
Đội cảnh sát đặc nhiệm được thành lập đối phó với bọn trùm các trang trại trồng cần sa ở phía Đông Lancashire .
Trong vòng hai năm qua, cảnh sát đã khám phá một khối lượng sản xuất cần sa lớn trong khu vực do một số trùm tội phạm khét tiếng Đông Nam Á đứng đầu.
Bốn người Việt nhập cư bất hợp pháp, trồng cần sa với số lượng rất lớn trong nhà, ở Nelson, gần quán rượu Burnley, khu The Duke of York, bị tống tù 2 năm về tội trồng 1.350 cây cần sa*.
Người Việt không chỉ gây tội phạm ở Anh mà còn ở nhiều nước khác. Xin trích bản tin của Nguyen Hung, phóng viên BBC tại Mạc Tư Khoa ngày 04/4/2010, “Secret world of Vietnamese workers in Russia” (Thế giới ngầm của công nhân Việt Nam tại Nga):
Người Việt nhập cư làm việc đến 20 giờ mỗi ngày tại xí nghiệp này*
Trafficker of illegal Vietnamese immigrants extradited (Kẻ buôn người nhập cư lậu bị dẫn độ) ngày 13/7/2010:
Nguyễn Đỗ Huân
Nguyễn Đỗ Huân bị dẫn độ giao cho Hungary ngày 29-6-2010, một tay sai đắc lực trong tổ chức tội phạn buôn người, đã đưa hơn 50 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào làm trong các trại trồng cần sa ở Vương quốc Anh. Những người Việt này qua Nga vào Hungary nơi có cộng đồng đồng người Việt. Bọn buôn người thường dùng hộ chiếu người Hung gốc Việt rồi hóa trang, đội tóc giả sao cho gần giống người trong ảnh.*
Trang Thế giới và Việt Nam ngày 16/8/2010 có đăng tải chuyện “Kết cục của kẻ trồng cần sa”.
Tôi phạm buôn người và những trang trại trồng cần sa ở Vương quốc Anh cũng như ở nhiều nước khác ngày một gia tăng cả về số lượng cũng như về thủ đoạn buôn người độc ác. Ai đứng đằng sau các tổ chức đó? Đây là câu hỏi không dễ gì có câu trả lời.
(Còn tiếp)
© 2010 Lâm Hoàng Mạnh
© 2010 talawas
-------------------------------------
[1] Các đoạn có dấu * là bản dịch của Lâm Hoàng Mạnh.
.
.
.
No comments:
Post a Comment