Wednesday, October 13, 2010

CHUYỆN NGƯỜI RƠM (2) - Lâm Hoàng Mạnh

Lâm Hoàng Mạnh
13/10/2010 | 5:05 sáng


Trong “The Canadian Connection” tác giả Michael L Gray đặt ra câu hỏi “Why do Vietnamese grow so much dope?” (Tại sao người Việt Nam lại trồng nhiều cần sa đến thế?), ông đưa ra số liệu về những trại trồng cỏ bị bắt không chỉ ở London hay UK mà số trang trại cỏ do người Việt điều hành cũng tràn lan tại Vancouver, Canada từ cuối thập niên 1990 và từ đó tăng lên không ngừng. Do sai lầm của chính phủ Anh năm 2004 khi đưa cần sa từ bảng B hạ xuống bảng C trong bảng thuốc gây nghiện đã vô tình khuyến khích các băng đảng trồng cần sa. Như vậy, những kẻ trồng cần sa khi bị bắt không bị kết tội hình sự, nếu họ trồng một số lượng nhỏ; thay vì phạt tù, họ chỉ bị cảnh cáo hoặc án treo. Do đó, từ năm 2005 nghề trồng cần sa ở Anh coi như được cất cánh, tội phạm người Việt, đa số dân Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, từ các nước trên thế giới đổ vào Vương quốc Anh như trẩy hội. Không những thế, ngày nay các băng nhóm tội phạm người Việt còn sử dụng đội quân trẻ em (khai man tuổi), nếu bị bắt, chính quyền Vương quốc Anh không thể dẫn độ những người này về Việt Nam vì vướng điều 1 trong Luật Trẻ em ban hành 2004.
Đây là một trong nhiều kẽ hở pháp lý của Vương quốc Anh mà những kẻ tội phạm đã lợi dụng. Tại sao từ bảng B lại hạ xuống bảng C? Phải chăng vì số người sử dụng cần sa quá đông không thể kiểm soát nổi nên “đành” hạ? Ngoài các khu vực M. Street, Hackney, Charlton, Woolwich, đông người Việt nhiều tai tiếng, còn có các khu Brixton, quận Lambeth, London, nơi đây gần 70% dân cư là người da đen và Việt Nam, nơi số người sử dụng và buôn bán ma túy tai tiếng nhất xứ Anh. cũng chính nơi đây, ngoài các băng đảng người Việt còn có các băng đảng tội phạm da đen từ Jamaica sang hoạt động dữ dội, triệt hại lẫn nhau, thường xuyên xảy ra những vụ đụng độ bằng hàng nóng. Địa bàn “nóng” xung quanh chợ trời Brixton và con đường
Coldharbour Lane
nối liền chợ đến Camberwell Green, ban đêm người lương thiện hoặc yếu bóng vía không dám lái xe đi qua, nơi tụ điểm buôn bán công khai ma túy này.
Chợ trời Brixton khá rộng, hàng hóa rẻ kể cả lương thực thực phẩm, thu hút người mua từ các quận liền kề. Trong buổi đi chợ ngày Chủ nhật, chỉ một quãng đường quanh chợ chưa đầy 500 mét, vợ chồng tôi chứng kiến 3 vụ trẻ em da đen giao tép heroine cho khách hàng. Hút cần sa công khai là chuyện nhỏ, chỉ trừ khi nào “ngứa mắt” lắm cảnh sát mới chất vấn, lục túi khám xét, nếu số lượng nhỏ, đành bỏ qua. Lấy đâu ra nhà tù và tiền đâu nuôi báo cô chúng! Mùi cần sa rất đặc trưng, chỉ một lần ngửi qua, lần sau ai hút, thoáng qua nhận ra liền. Một điều rất lạ, kẻ hút cần sa khi phê thường không đập phá mà lại cười như phát khùng.

Cây cần sa là loại cây gì? Trong trang Web Wikipedia ghi: Cần sa còn gọi tài mà, gai dầu, gai mèo (Cannabis) là thực vật có hoa bao gồm ba loài: Cannabis sativa L., Cannabis indica Lam. và Cannabis ruderalis Janisch. Ba loài này là thực vật có nguồn gốc ở Trung Á và các khu vực xung quanh. Cần sa đã được sử dụng từ lâu để lấy sợi, dùng như chất ma túy và điều trị một số bệnh.
Năm 2000, tôi sửa boiler, người thợ da trắng xin phép hút thuốc trong bếp. Trời đang mưa nặng hạt, vợ con tôi đi vắng, thông cảm dân nghiền, tôi đồng ý. Anh ta ngồi xuống ghế, lấy bao thuốc Dunhill để lên bàn, rút một điếu, không châm lửa mà xé điếu thuốc, rắc lên tờ thuốc lá cuốn. Thấy lạ, tôi chăm chú nhìn. Tay trái anh lần trong cạp quần bò, lôi ra 1 gói giấy bạc nhỏ. Một cục vàng vàng như đất thó, to hơn ngón chân cái lộ ra, anh ta bẻ 1/5, bóp cho nát rồi rải đều lên thuốc lá, cuốn lại. Thấy tôi tái mặt, anh ta giải thích, vì có bệnh (?) nên mới sử dụng và hỏi tôi có thử một điếu không. Tôi lắc đầu, cám ơn. Anh ta, bảo: “Hút ở nhà thế này đỡ hơn ra pub, say bia rượu rồi choảng nhau.”
Đây là lần đầu tiên trông thấy cần sa và chứng kiến cách hút cần sa, tôi thật sự choáng, không ngờ có người hút cần sa ngay trong nhà mình. Chuyện lỡ rồi, biết làm sao. Tò mò tôi hỏi, “Cục này giá bao nhiêu?”. Anh ta bảo, “Rẻ, 20 bảng”. Tôi hỏi, “Mỗi ngày hút mấy cục?”. Anh bảo, “Một, hôm nào gặp bạn, hai cục”. Anh châm lửa, rít một hơi, nuốt thật sâu, mùi ngai ngái, khen khét thật khó chịu tỏa ra từ hai lỗ mũi của anh làm tôi sặc sụa. Tôi mở toang cửa bếp, anh biết ý, ra phía sát cửa, rít vội. Tuy đã hơn 10 năm nhưng tôi không thể nào quên cái mùi ngai ngái, khen khét của nó, khác hẳn mùi thuốc lá, xì-gà mà tôi đã từng một thời nghiện. Sau khi anh ta đi, tôi mở hết các cửa, cố tống khứ mùi quỷ quái đó ra khỏi nhà. Ấy thế, vợ tôi đi chợ về, vào bếp, cứ hít hít đánh hơi, bảo, “Nhà mình có cái mùi gì lạ thế!”
Đến năm 2007 chính phủ Anh lại nâng cần sa từ bảng C lên bảng B, từ đó những kẻ trồng cần sa mới bị truy tố tội hình sự.
Năm 2005, tôi gặp anh B. người bị bắt về tội trồng cần sa, anh ta kể: “Đêm ấy, đang ngồi xem ti vi, cảnh sát tông cửa ập vào, mình bị bắt quả tang, tạm giam 3 ngày, họ thả. Ra tòa, chỉ bị cảnh cáo, có tù tội gì đâu.”
Anh Ph., bị tù 6 tháng năm 2007, do trồng cần sa, bảo tôi: “Tù Anh quốc khỏe re. Ngày ăn 3 bữa, có sách báo, ti vi xem hàng ngày. Sáu tháng ngồi tù mình béo trắng ra mới chết chứ! Có như Việt Nam đâu, tù làm bỏ mẹ lại ăn đói, không có chăm nuôi có mà chết sớm.”
Thời gian tham gia ban điều hành cộng đồng quận C., tôi gặp một số người Việt bị tù do uống rượu lái xe, họ kể, sợ nhất bị “bạn tù” da đen hiếp, có người bị lòi dom mà không thể tố cáo với cai tù. Chính vì thế, khi đã ra tù, họ sợ vào tù hơn sợ gặp cố nội. Không biết anh Ph. có bị tù da đen hiếp không mà khoe “sống trong tù khỏe re!”
Chính vì sự trừng phạt với kẻ tội phạm quá nhẹ, không đủ sức răn đe đã làm chúng nhờn, coi thường pháp luật. Hơn nữa lợi nhuận ma túy quá lớn nên thu hút rất nhiều người, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ người Việt cũng tham gia trong tổ chức tội phạm trên toàn thế giới.
Thanh Trúc, phóng viên RFA, có đăng bản tin Một phụ nữ Việt Nam cầm đầu một tổ chức buôn ma túy, xin trích dẫn:
Hôm thứ Ba vừa qua, một phụ nữ Việt Nam ở Canada, bà Trần Thị Phượng, bị kêu án sáu năm tù vì tội cầm đầu một tổ chức vận chuyển và buôn bán ma túy xuyên quốc gia.
Ông Ross Feinstein, viên chức ngoại vụ của cơ quan chuyên trách các vấn đề an ninh xuyên biên giới ICE, xác nhận với đài Á Châu Tự Do:
“Bà Trần là người đứng đầu một tổ chức quốc tế buôn bán ma túy đã chuyển từ Canada vào Hoa Kỳ mấy triệu viên Ecstasy, tức thuốc kích thích gây nghiện, và nhiều loại ma túy khác từ năm 2002 cho đến khi  bị bắt vào tháng Tư 2008.
Những loại  ma túy này do các băng nhóm tội phạm người Châu Á ở Canada sản xuất, khi đưa vào Mỹ thì được phân phối đến các băng nhóm buôn bán ma túy nội địa. Trung bình mỗi năm khoảng một trăm ngàn viên thuốc kích thích gây nghiện được bà Trần và những người đồng lõa đưa vào đất Mỹ.”
Không chỉ người thất nghiệp, nghèo, học vấn thấp tham gia mà cả bác sĩ, chuyên viên phẫu thuật, cũng bán linh hồn cho quỷ. Theo tôi được biết, lương chuyên viên phẫu thuật từ 150 ngàn đến 250 ngàn bảng/năm, lương một kỹ sư mới ra trường khoảng 26 ngàn đến 28 ngàn bảng/năm. Nhưng so với lợi nhuận “trồng cỏ” vẫn chưa thấm vào đâu, vì thế từ một bác sĩ phẫu thuật anh ta dấn thân vào con đường tội lỗi.


Một bác sĩ Việt Nam bị tù vì tội buôn cần sa
Tờ Daily Mail ở Anh loan tin một bác sĩ người Việt bị tống giam 5 năm tù về tội rửa “hàng triệu bảng” tiền lợi nhuận từ hệ thống trồng cần sa.
Theo tờ báo, ông Nguyễn Chinh, 43 tuổi, chuyên viên phẫu thuật chỉnh hình xương và cột sống, đã từng điều trị cho ngôi sao bóng đá Thierry Henry, ra tòa hồi tháng 3, Chính bị kết tội cùng với vợ, tên Tâm, can tội chuyển gần 3, 5 triệu bảng Anh về Việt Nam cho gia đình vợ. Người em trai vợ, Nguyễn Kính Quốc cũng can tội đồng lõa, trồng cần sa và rửa tiền.
Hàng năm số tiền thu được do trồng cần sa của các băng đảng người Việt ở UK lên tới nhiều triệu bảng Anh đã được “rửa” bằng con đường chính ngạch cũng như “tiểu ngạch” đầu tư vào bất động sản và các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Những đồng tiền kiều hối này đã giúp chính phủ Việt Nam tăng trưởng GDP hàng năm. Thập niên 1990, từ vài trăm triệu, đến năm 2008 kiều hối đã trên 8 tỷ Mỹ kim, bằng 10% tổng thu nhập quốc gia (GDP). Để duy trì món tiền khổng lồ từ “trên trời” rơi xuống này, Bộ Chính trị, chính phủ Việt Nam đã tìm mọi cách thu hút kiều hối. Vì thế Nghị quyết 36 đã ra đời, nhằm khai thác triệt để lợi thế này. Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể hối hả soạn thảo chính sách, chủ trương xâm nhập sâu vào cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở các nước “đế quốc sài lang”. Mấy năm gần đây, thông qua VTV4, các đoàn thể, hội đồng hương, hội doanh nghiệp, đoàn thanh thiếu niên, hội phụ nữ… được thành lập ở nhiều nước, kêu gọi họp mặt nhằm mục đích nắm vững danh sách người Việt hải ngoại. Chương trình “Kiều hối” ra đời để vận động Việt kiều gửi tiền (sạch, bẩn không phân biệt) xây đựng đất nước!

Kiều hối gửi về ngoài những đồng tiền sạch (xuất khẩu lao động, trợ giúp thân nhân), còn có rất nhiều tiền bẩn do người rơm rửa tiền. Chúng ta làm phép tính cộng trừ nhân chia sẽ rõ, 8 tỷ Mỹ kim kiều hối do chính phủ Việt Nam công bố, chia đều cho gần 3 triệu người Việt hải ngoại, từ trẻ sơ sinh đến người già gần đất xa trời, bình quân mỗi năm, một người Việt gửi về Việt Nam # 3000 Mỹ kim!
Tiền ở đâu ra mà Việt kiều gửi về Việt Nam cho thân nhân tiêu sài một người mỗi năm 3 ngàn Mỹ kim, # 60 triệu đồng tiền Việt, nếu như trong số đó không có tiền bẩn của những kẻ tội phạm?

Chúng ta, Việt kiều lương thiện, đi làm phải nuôi gia đình, trả góp tiền nhà, tiền xe, tiền xăng nhớt, lễ tết… số dư chẳng còn là bao, có chăng đủ chi phí những chuyến du lịch ngắn ngày, giúp đỡ chút đỉnh cho thân nhân, làm sao mỗi đầu người có thể gửi 3 ngàn Mỹ kim về Việt Nam, biếu không những người “ngồi chơi xơi đô-la” một cách ngon lành, dễ dàng đến như vậy? Đồng tiền sạch không thể có nhiều như vậy! Đấy là con số chính ngạch, gửi qua ngân hàng, dịch vụ công khai, còn dịch vụ “dán cửa kính” ở các nhà hàng, tiệm đồ khô của người Việt trên toàn thế giới, tiền gửi có thể cao gấp nhiều lần mà không một ai có thể biết chính xác!

Dịch vụ chuyển tiền chui như thế nào? Xin kể vài “chiêu”. Trước năm 2004, họ thuê người Việt về thăm thân nhân đem về với giá 200 ngàn bảng/một vé khứ hồi. Sau 3 vụ bị hải quan Heathrow Airport phát hiện, gần như mất trắng, họ chuyển sang “chuyển tiền tại chỗ.”

Ở UK, hàng năm có khoảng 5000 sinh viên Việt Nam du học, chi phí trung bình cho 1 sinh viên từ 1000 đến 3000 bảng/tháng. Chính sách gửi ngoại tệ ra nước ngoài của chính phủ Việt Nam nhiêu khê, gây rất nhiều khó khăn, cho nên dịch vụ chuyển tiền lậu trở thành “cứu cánh”, không những dễ về thủ tục, chuyển nhanh, kín đáo, chỉ sau 24 giờ, con em họ nhận được, cước phí “mềm”, (giao động từ 5 đến 7% tùy theo lượng tiền gửi), còn gửi qua nhà băng, qua Western Union hay bưu điện cước phí từ 10% trở lên.
Ai muốn chuyển tiền (sạch, bẩn) về Việt Nam, cứ đến tất cả các Mini-Supermarket của người Việt tại Vương quốc Anh sẽ được phục vụ chu đáo. Đây là hệ thống rửa tiền mà chính phủ Anh đã không (biết)/để ý đến.

Thời kỳ Lê Duẩn, chính phủ Việt Nam gọi người Việt hải ngoại là “bọn lưu vong phản động”, kẻ lười biếng, chống phá cách mạng. Cuối thập niên 1980 nền kinh tế Việt Nam bên bờ vực thẳm, khi bức tường ô nhục Berlin bị đập, khối cộng sản Đông Âu sụp đổ và cuộc biểu tình của hàng triệu sinh viên Trung Quốc tại Thiên An Môn làm rung chuyển chế độ cộng sản Trung Quốc, họ choàng tỉnh, buộc phải “đổi mới” trong nước và “cởi mở” với người Việt hải ngoại.

Kiều hối đã hà hơi thổi ngạt, hồi sinh nền kinh tế và cứu chính phủ Việt Nam khỏi sụp đổ. Họ hiểu, “bọn lưu vong phản động” chính là đàn cá-hồi-thuyền-nhân béo hú, cần khai thác. Nghị quyết 36 ra đời năm 2004, chính thức hóa hệ thống đánh bắt cá-hồi-thuyền-nhân, theo cách gọi của bác Tưởng Năng Tiến, và thả những đàn cá hồi (non) nhập cư lậu, đi khắp 5 châu 4 bể, hy vọng đàn cá này sẽ trưởng thành, giàu có trong tương lai, hàng năm kiều hối của họ sẽ đổ về tăng trưởng không ngừng.
Nghị quyết 36 chỉ là kế thừa và mở rộng chính sách kiều vận của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1940 với người Việt ở Thái, Lào và Campuchia, bổ sung thêm nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý người Việt xa quê.

Trở lại quá khứ, ba mươi nhăm năm xưa, ngày 30-4-1975, Sài Gòn rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Cũng từ ngày ấy hàng triệu người phải biệt xứ sống cuộc đời tỵ nạn cộng sản trên 90 quốc gia, họ là đàn cá cá-hồi-thuyền-nhân, sau 30 năm vượt bao khó khăn, tự đứng lên từ hai bàn tay trắng, đã vô tình bị mắc lưới, mồi câu của Nghị quyết 36, giúp chính quyền trong nước mỗi năm thu nhiều tỷ Mỹ kim.

Cảnh di tản ở Bến Bạch Đằng, Sài Gòn

Thuyền nhân trên biển

05-5-1975 Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đang trả lời các nhà báo tại trại tị nạn đảo Guam.

Nghị quyết 36 ra đời, đã thu vét nhiều cá-hồi-thuyền-nhân (cỡ bự) về đầu quân (hàng) chính quyền cộng sản, trong đó có Nguyễn Cao Kỳ và nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy.
Nghị quyết 36 không chỉ “đánh vét cá-hồi-thuyền-nhân” mà còn thả đàn cá hồi (bé dại, ngây thơ) đi khắp 5 châu 4 biển trên trái đất này kiếm sống.
Đây là một trong những con cá hồi thời Nghị quyết 36, nhẹ dạ cả tin lời đường mật của các thế lực mafia cộng sản, đua nhau nộp 20 ngàn Mỹ kim, xuất khẩu lao động chui, đã không may mắn, nếu chưa bị bắt thì cũng nằm đường nằm chợ, vô gia cư, khốn khổ nơi đất khách quê người.

Người phụ nữ Việt nằm co ro trên hè đường Đông Âu. (Ảnh: Huỳnh Tâm)

14 người Việt bị bắt trong thùng xe tải lớn nhập cư lậu vào Anh (Theo BBC Việt ngữ 7-9-2010)

Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà nội, ngài Mark Kent, đã phải than phiền, “người Việt nhập cư lậu đã ảnh hưởng không mấy tốt đẹp đến hình ảnh cộng đồng người Anh gốc Việt ở UK.”

Cảnh sát Vương quốc Anh đã đưa ra đề nghị người Anh gốc Việt hãy giúp đỡ chính phủ trong chiến dịch truy quét tội phạm nhập cư bất hợp pháp và trồng cần sa bằng cách gọi điện thoại miễn phí, không cần thông báo danh tính. Xin giới thiệu với độc giả:
Call 0845 125 2222 for all non-emergency policing matters.
Call 999 if you have a genuine emergency requiring the attendance of the police (for example a crime is in progress or someone is in immediate danger).
If you have any information about a crime and don’t want to leave your name you can call Crimestoppers on 0800 555 111.

© 2010 Lâm Hoàng Mạnh
© 2010 talawas

.
.
.

No comments: