Monday, October 4, 2010

CÂY TĂM TRE, CÁI BỒN CẦU và CHỊ TẠP VỤ TRUNG QUỐC

Đào Tuấn
Đăng ngày: 15:58 04-10-2010

Lại một lần nữa con số nhập siêu vượt trên ngưỡng 1 tỷ USD, và cũng một lần nữa, tỷ trọng nhập siêu từ Trung Quốc cán mức 80%. Các đây cũng đã lâu, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Đình Thiên cho rằng: “Trong quan hệ thương mại với TQ, VN đóng vai trò chuyên trách cung cấp nguyên, nhiên liệu và nông sản thô, còn TQ thì xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ thấp và trung bình với khối lượng lớn vượt trội”. Nhận định này đúng với tình hình suốt từ năm 2000 đến nay và chưa biết bao giờ mới trở thành lỗi thời. Chúng ta đã xuất những gì: Dầu thô, than, cao su…toàn những tài nguyên thô mang tính chất nguyên liệu. Đổi lại, hằng hà sa số những mặt hàng thua xa trong nước về chất lượng, được nhập về ồ ạt: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xăng dầu; sắt thép; phân bón; nguyên phụ liệu dệt may, da giày...Ngoại tệ từ việc xuất khẩu tài nguyên được dùng để mua các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng công nghệ thấp. Và không thể không kể tới 90% các dự án kinh tế trọng điểm, dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng rơi vào tay các nhà thầu TQ. Tất cả chỉ vì yếu tố giá rẻ.

Thâm hụt thương mại Việt-Trung đang tăng vọt kể từ khi quan hệ hợp tác thương mại nội khối ASEAN+3 được triển khai năm 2000. Nếu như năm 1999, kim ngạch xuất khẩu của TQ vào VN chỉ đạt 673 triệu USD thì 10 năm sau đó, con số đã tăng gấp 24,4 lần, lên tới 16,44 tỷ USD. Cũng trong 10 năm này, hàng VN xuất sang TQ chỉ tăng khoảng 6,6 lần, từ 746 triệu USD lên 4,91 tỷ USD. Con số 26,2 tỷ USD tổng giá trị thương mại hai chiều trong tương quan với hai nền kinh tế biểu hiện là 17% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam , nhưng chỉ chưa đến 1% tổng kim ngạch XNK của Trung Quốc. Năm 2009 đã ghi nhận một kỷ lục đến phi lý: Tổng nhập siêu của VN từ TQ đã vượt qua tỷ trọng 90%. Năm nay, sự tồi tệ không hề có dấu hiệu được cải thiện khi hết quý II, nhập siêu từ TQ đã tăng 27,6%. Bộ Tài chính bấy giờ đã cho rằng: “Đây là con số rất đáng báo động”. Đến hết quý III, 80% là từ TQ. Và cuối năm thì không ai dám đưa ra một con số tiên đoán. Vô số những lời cảnh báo đã được đưa ra về tình trạng nhập siêu của VN rằng chỉ cần thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc nhập siêu từ TQ. Nhưng càng muốn thoát, nền kinh tế Việt Nam càng lún sâu hơn vào sự lệ thuộc.

Câu cửa miệng của các quan chức trong chiến lược XNK nghe rất quen rằng chỉ cho nhập những gì trong nước không thể sản xuất. Nhưng những cây tăm tre made in China cho thấy những quy định chỉ có hiệu lực trên giấy. Chỉ trong 6 tháng, đã có tới 286 tấn tăm tre, trị giá gần 40.000 USD được nhập khẩu từ Trung Quốc về TPHCM. Cảng Cát Lái đã làm thủ tục nhập khẩu cho khoảng 714 tấn tăm, với kim ngạch tương đương 99.679 USD. Những chiếc tăm tre, chui từ cửa khẩu tiểu ngạch lên tờ khai hải quan chính ngạch đang cho thấy sự phi lý trong cả sản xuất và điều hành XNK đối với mặt hàng này bởi dù đã áp thuế 10% đối với tăm TQ và 25% đối với tăm Đài Loan nhưng giá tăm nhập khẩu vẫn chỉ rẻ bằng một nửa tăm trong nước. Sự dễ dãi trong quản lý XNK đã khiến những đồng USD nhọc nhằn từ gạo, từ dầu thô được dùng để đổi lấy…tăm tre, tước đoạt cả chút công ăn việc làm cuối cùng của hàng chục ngàn người khiếm thị. Đã có khá nhiều cuộc nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, nhưng cho đến nay, không ai biết được vì sao sản phẩm của Trung Quốc lại rẻ đến thế”, Phó Viện trưởng Viện quản lý giá Bộ Tài chính, TS Vũ Đình Ánh nói. Chưa hề có một cuộc kiện bán phá giá của VN đối với hàng hóa TQ. Lý do là bởi chưa cơ quan quản lý nào có ý định trả lời cho câu hỏi giá rẻ đến mức vô lý này.

Cây tăm, tuy bé, nhưng là cái dễ nhìn thấy. Còn rất nhiều thứ không phải người dân nào cũng thấy. 3 năm gần đây, khi 90% các dự án tổng thầu EPC của hầu hết các dự án thượng nguồn, các trọng điểm của nền kinh tế, rơi vào tay các nhà thầu TQ, một lần nữa bài toán giá rẻ lại được đặt ra. Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương có lần buột miệng rằng: Ước 90% các nhà máy nhiệt điện than trong Qui hoạch 6 đều do Trung Quốc làm. Vì sao cứ có “yếu tố Trung Quốc” là y như rằng gói thầu đó lớn đến cỡ nào, quy định ngặt nghèo đến cỡ nào cũng thuộc về nhà thầu TQ? Hay nghe ông Hường giải thích: Hệ thống thiết bị quản lý điều khiển, công nghệ cao của Trung Quốc thua kém các nước G7, nhưng điều quan trọng là giá thầu rẻ hơn các nhà thầu thuộc các nước G7. Khi mở thầu các dự án điện, giá thầu của các nhà đầu tư Trung Quốc quá hấp dẫn. Nếu 1 nước G7 bỏ thầu với suất đầu tư là hơn 2000 USD/kWh thì ở dự án của Trung Quốc, chỉ khoảng 1000 USD/kWh…Và khi đó, với một mức giá rẻ như vậy, cộng với cam kết về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, thì không có lý do gì mà Việt Nam “từ chối” hồ sơ của họ, nhất là khi chúng ta luôn thiếu vốn làm điện”. Có lẽ rõ ràng nhất cho câu hỏi: “Việt Nam không dám từ chối việc TQ tham gia với cái giá chỉ rẻ bằng một nửa hay không thể thoát ra được sự lệ thuộc về kinh tế” là câu trả lời thật thà của Phó Cục trưởng Cục Đấu thầu- Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Ngô Ngọc Quy : Rất nhiều dự án lớn sử dụng nguồn vốn vay thương mại từ TQ,  vì vậy việc buộc phải chọn nhà thầu nước này là đương nhiên.

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành (QĐ 87) về Quy chế Quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng với việc lệ thuộc vào nguồn vốn vay thương mại và những cái giá bèo thì xem ra việc thực hiện quy định này trong thực tế là có dành ngoại lệ cho Trung Quốc?
Cũng trong quyết định 87, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu: Tổng thầu nước ngoài chỉ được đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế kỹ thuật và lao động tay nghề cao mà Việt Nam không đáp ứng được. "Điều tôi thấy khó hiểu nhất là Quyết định 87 đã rõ, nhưng nhiều chủ đầu tư mặc nhiên coi việc nhà thầu Trung Quốc mang lao động phổ thông sang như chuyện đã rồi", Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Nguyễn Văn Thụ than vãn. Chuyện mang sang VN từ cái bu-lông, con ốc vít cho đến cái bô đi ị, từ anh công nhân cuốc đất ở dự án Bô Xít Nhân cơ đến chị dọn dẹp ở dự án Nhà máy đạm Cà Mau đang cho thấy cái bẫy giá rẻ đang gây hại lớn cho cả sản xuất của nền kinh tế và đời sống của người dân trong nước. Chưa kể tới việc các dự án giá rẻ sau đó hầu hết đều đội giá, đều chậm tiến độ và có lẽ, như những chiếc xe máy nhái “Loncin mui trần hai chỗ” tràn ngập từ TP tới thôn quê thập niên 90, chẳng mấy chốc phải đủn thẳng ra bãi phế liệu.

“Một điều dường như phi lý nữa là trong hơn 20 năm qua, FDI của Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI đổ vào nước ta, nhưng nếu là tổng thầu EPC thì có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm. Trung Quốc không mặn mà với FDI mà chỉ muốn thắng thầu!  Các nhà thầu Trung Quốc có thế mạnh gì thế nhỉ? Không giúp tiền, không giúp kỹ thuật… chỉ là một “anh làm thuê”! Sao họ có thể “khống chế” dây dưa với chủ? Muốn làm gì thì làm?
(Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy)
------------------------------

Nhập siêu từ Trung Quốc    (thanhnien.com.vn)
.
.
.

No comments: