Monday, October 4, 2010

TÍNH VIỆT Ở ĐÂU TRONG 1000 NĂM THĂNG LONG ?

Tính Việt ở đâu trong 1000 năm Thăng Long?
Liêu Thái/Người Việt
Sunday, October 03, 2010

Ðại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vừa chính thức khai mạc hôm 1 tháng 10, 2010 tại Hà Nội. Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại chọn giờ G vào 1 tháng 10? Thời điểm ấy gắn vào ý nghĩa gì? Và nó liên quan đến những gì? Rõ là câu trả lời rất mù mờ, vô hướng...


Có lẽ tôi phải trích ra đây một phần nội dung thảo luận giữa tôi và ba người bạn (một nghệ sĩ thư pháp chữ Việt, một là nhà thơ và một là nhà báo) trong cuộc trò chuyện chiều nay giữa tôi với họ. Vì một số lý do tế nhị, tôi xin phép thay tên họ bằng A, B, C. Tôi xin chịu trách nhiệm về tính chân xác của toàn bộ nội dung phía bên dưới.


Tượng 'cụ' rùa Hồ Gươm trên đường phố Hà Nội hôm 30 tháng 9, một ngày trước khi đại lễ 1000 năm Thăng Long khai mạc với chi phí tốn kém đến gần $5 tỉ, bằng 10% ngân sách mỗi năm của cả nước. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/120603-big_VN-ThangLong01-0310.jpg

A: Một khoản chi phí quá lớn cho một công việc nghe không ổn một chút nào, gần năm tỉ dolla, con số bằng một phần mười ngân sách quốc gia đem đốt vào chuyện phù phiếm, lố lăng. Ðể có được cái ngân sách gần năm mươi tỉ dolla, dân tộc Việt Nam
đã trả giá gần mấy ngàn năm này ông à, không thể tiêu xài vô tội vạ vậy được...

Sao lại không trích lấy một phần mười nó để làm chương trình có tính thuần Việt, mang hồn vía dân tộc, số tiền còn lại dùng để xây bệnh viện, trường học. Vì hiện nay, những cơ sở y tế, học đường vẫn còn ít, còn nhiều vấn đề nhiêu khê?... Vấn đề dân sinh còn thấp, họ đóng thuế để họ được tốt hơn chứ chẳng ai đóng cho mình vẽ trò lễ lạt, ăn tiêu đâu!

Rồi lại thêm cảnh cán bộ ngồi chễm chệ xem chương trình, ăn uống, khách sạn... có ngân sách lễ hội, trong khi đó dân đen chổng khu đóng thuế, rồi nhướng cổ mà coi chực, héo túi mà chơi lễ (nếu ham vui!). Thử hỏi có một quốc gia nào mà ông-chủ-nhân-dân lại “ốt dột” và lép vế trước đầy-tớ-cán-bộ như nước ta chứ?!

B: Nhưng cái nào ra cái đó ông à, chuyện lễ có khoản khác, chuyện xây trường có khoản khác. Không thể nhập nhằng như vậy!

C: Tôi không đồng quan điểm với bác B, bác đã nhầm, nhầm to!

B: Vì sao nói tôi nhầm, đề nghị ông giải thích!

A: Theo chỗ tôi nghĩ, người có đủ tư cách tham gia, tham dự đại lễ ngàn năm quá ít. Vì sao tôi nói quá ít, vì trước anh linh tổ tiên, chúng ta phải thật sự sạch sẽ, phải là con người liêm khiết mới đủ tư cách thắp nén nhang báo công với tổ tiên. Bạn thử nhìn lại tất cả những con người tham gia trong đại lễ này, có ai đủ tư cách cho bạn tin chắc chắn rằng họ không từng hối lộ, tham ô, móc ngoặc, bằng giả, làm lũng đoạn ngân sách quốc gia? Và bạn thử nhìn lại xem vấn đề dân tộc, có mấy người giữ thể diện quốc gia, nếu không nói là từng có vài trường hợp làm hoen ố?

Ðó là chưa nói đến những người làm chính khách có những phát biểu ngô nghê, làm cho hình ảnh dân tộc trở nên xí hề trước ống kính...

B: Nhưng đây lại là một phạm trù khác nữa. Các ông đã đi quá đà!

C: Tôi nghĩ chúng ta đang suy nghĩ và đi đúng hướng.

A: Ðúng như anh C nói, tôi còn nghĩ lẽ ra trong đại lễ ngàn năm Thăng Long, phải có sự tham gia của những người yêu nước như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Ðài, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh... Vì sao? Vì họ là những người con xứng danh của dân tộc, họ yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do, yêu sự toàn vẹn lãnh thổ, yêu dân chủ và nhân quyền của dân tộc, họ là những trí thức đích thực.

B: Các bác đang nói gì vậy? Các bác có biết đó là những người phản động, là những kẻ bất đồng chính kiến?

C: Ồ, thì đương nhiên trong cái nhìn của chính quyền, của Ðảng thì họ là những con người phản động, họ phản động đối với Ðảng Cộng Sản, phản động đối với chính quyền đương thời. Nhưng họ là những người tiến bộ, xét trên bình diện dân tộc thì họ xứng đáng ông à! Phải sòng phẳng chứ!

B: Kẻ phản động thì không có bất cứ tư cách nào!

A: Anh bình tĩnh, tôi sẽ phân tích anh nghe chỗ này nếu anh chịu khó đừng cắt ngang lời tôi! Anh nên nhớ rằng lịch sử một quốc gia, một dân tộc trải dài suốt tiến trình ra đời và tiến hóa của con người, và suốt trên tiến trình ấy, nhiều chế độ chính trị đi qua dân tộc cụ thể nào đó, Việt Nam là một dân tộc cụ thể, đã có nhiều chế độ chính trị, nhiều vương triều và đảng phái đi qua nó, mỗi vương triều, đảng phái chỉ thực hiện hết sứ mệnh và vai trò thời đoạn của nó với lịch sử. Và không ai được phép đồng nhất vương triều, đảng phái của mình với dân tộc cả, đó là việc làm phản khoa học. Vậy thì xét trở lại đại lễ 1000 năm Thăng Long, nếu chỉ tính trong một ngàn năm nay cũng đã thấy sự phong phú trong thay đổi chính trị của nó. Và khi xét trên bình diện lịch sử, văn hóa thì phải xét trên tổng thể, thành phần tham gia, tham dự, đại diện ưu tú của nhân dân cũng phải được xét trong tổng thể. Không thể tách rời theo giai đoạn chính trị được.

B: Ông vui lòng nói rõ hơn, ông đi vòng nhiều quá!

A: Ồ, tôi không hề đi vòng, nhưng không sao, tôi nói thẳng nhé! Xét trên bình diện lịch sử, văn hóa và nhân chủng thì những người tôi nêu trên đây có quá đủ tư cách để làm gia vào ghế đại biểu danh dự trong đại lễ sắp tới.

B: Vì sao?

A: Vì họ không tham ô, không làm mất đất của tổ tiên, không làm lũng đoạn tài ngân sách quốc gia, họ yêu nước, đơn giản vậy thôi! Và trên hết, họ là những trí thức, họ được học hành bài bản, bằng cấp của họ là bằng cấp thực thụ, tiếng nói của họ mang sức nặng trí tuệ và tâm huyết dành cho nhân dân, họ xứng đáng đốt nén nhang báo công với tổ tiên trong giây phút thiêng liêng!

C: Ðó là tôi chưa muốn nói đến vấn đề tính Việt, hồn Việt nằm ở đâu trong đại lễ này, toàn là thuê chuyên gia nước ngoài, đã vậy còn dựng phim ngay tại Trung Quốc, làm phim về lịch sử dân tộc mà lại làm ngay trên đất nước của kẻ đã có cả ngàn năm đô hộ ta. Làm vậy để làm gì nhỉ?

Tôi hỏi ông, có khi nào mình chạp mả dòng họ mình mà sang nhà thờ tộc của một dòng họ khác để tổ chức? Làm như vậy con cháu chắc chắn khi dự xong nó sẽ nghĩ rằng dòng họ mình và dòng họ có nhà thờ tộc kia vốn chung huyết thống, và cả dòng họ mình đang hành hương về đất tổ bằng cách tổ chức chạp mả ở nhà thờ gốc.

Làm phim lịch sử Việt Nam tại Trung Quốc là một cách ngầm gửi thông điệp như vậy đấy! Rồi đây, khi con cháu xem phim xong, nó sẽ sinh mối tương hệ trong tiềm thức giữa cảnh Trung Quốc và tổ tiên Việt Nam. Phim càng hay, càng hoành tráng thì hiệu ứng này càng cao mà thôi! Ðó là cách bán nước trên con đường văn hóa.

B: Vì chúng ta thiếu những nhà đạo diễn tài ba, chúng ta thiếu những nhà sản xuất có đẳng cấp nên phải nhờ đến chuyên gia nước bạn, nhất là chuyện may cổ trang cho phim như Tiến Sĩ Ðoàn Thị Tình đã nói với BBC.

Gánh hàng rong của một phụ nữ trên đường phố Hà Nội trong những ngày diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


C: Anh đã nhầm trong điểm này. Thử đặt lại vấn đề nhé, bà Ðoàn Thị Tình nói là bà đã thiết kế được mẫu cổ trang thời Lý, như vậy có mẫu thì chỉ cần thực hiện, may nó ra mà thôi, không lẽ người Việt, thợ Việt dốt đến mức chỉ may một mẫu thiết kế sẵn mà làm không xong à? Trong khi đó rất nhiều, mẫu thời trang tinh tế của nước ngoài vẫn do các hãng may ở Việt Nam thực hiện đó thôi! Hoặc là bà Tình nói không thành thật, hoặc là trong chuyện này có vấn đề khuất tất, chỉ vậy thôi!

Và chính những nếp nghĩ của những tiến sĩ như bà Tình, ông Lan và khối người khác mà cái tính Việt trong lễ hội ngày càng bị lai căng, ngày càng trở nên luộm thuộm, nhì nhằng. Không ra Trung Quốc mà cũng chẳng phải của Việt Nam... và nói cho công tâm thì cái đại lễ một ngàn năm này không phải của dân tộc Việt Nam mà của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, vì lẽ, trong ngày đại lễ, trên điểm cao nhất sẽ là quốc kỳ và biểu tượng của Ðảng Cộng Sản bay phấp phới qua đầu tượng vua Lý Thái Tổ, trên bầu trời...

Ðiều này nói lên thông điệp gì? Và đặc biệt nữa là trong lúc cờ đỏ sao vàng ở Hà Nội đang bay thì cờ Trung Hoa cũng đang bay phấp phới trên bầu trời của họ để chào đón ngày quốc khánh... Một sự trùng hợp ngẫu nhiên à? Rồi chuyện kết thúc 1000 năm Thăng Long vào ngày quốc khánh Ðài Loan? Và chiếu dời đô vua Lý ban ra vào tháng mấy? Những điều này có trái khoáy lắm không? Vô cùng... Quả là vô cùng...!

B: Ông thì biết quái gì mà nói vậy? Chúng ta là lũ dân ngu khu đen ăn sắn luộc nói chuyện chính trị...!


Nghe đến đây, tôi phát hiện ra ông B đã lớn tiếng và anh A cũng đã nổi nóng, có lẽ cuộc thảo luận sẽ chuyển sang hướng không hòa nhã nên tôi tìm cách tản mọi người ra, kết thúc cuộc thảo luận.

Trên đường từ quán cà phê về, tôi lan man suy nghĩ: Tính Việt trong 1000 năm Thăng Long chiếm bao nhiêu phần trăm nhỉ?! Khi mà phim lớn nhất dành cho đại lễ đóng tại Trung Quốc, chương trình múa còn có rất nhiều điệu có xuất xứ Trung Quốc, đặc biệt là múa Bát Man Tấn Cống, đây cũng là điệu múa có xuất xứ Trung Quốc nhằm mô phỏng kiểu cách các nước nhỏ mà họ gọi là man di mọi rợ sang cống triều (trong những nước ấy có cả nước Ðại Việt mà họ là Nam Bang, Nam Man...) cho hoàng đế Trung Hoa.

Rồi lại chuyện ngân sách bị chi tiêu quá nặng, tiền thuế của nhân dân... Tự dưng, tôi thấy chuyến này có vẻ người Trung Hoa “ngư ông đắc lợi” hơn cả. Xin thở dài một cái!

.
.
.

No comments: