Hoàng Kim (Đồng Tháp)
Đăng bởi bvnpost on 04/10/2010
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, đã có một bài viết rất hay về việc cần đổi mới Hội Nông dân với tựa đề “Nông dân Việt Nam cần có tổ chức mạnh để giành thắng lợi trong cơ chế thị trường và chuyển mình thành công trong quá trình công nghiệp hóa” . (1)
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết trong kinh tế thị trường sẽ có nhóm lợi ích: “Ngay trong nước, quá trình phát triển kinh tế thị trường tất yếu không tránh được hình thành các nhóm khác biệt nhau về lợi ích kinh tế và quyền lợi xã hội.”
Vì thế Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định: “Trong xã hội hình thành các nhóm quyền lợi khác biệt ráo riết tranh thủ quyền lực chính trị. Giới doanh nghiệp dù là quốc doanh hay dân doanh, tầng lớp thị dân dù là viên chức hay dân thường vận động cho một hệ thống chính sách đem lại lợi ích cho mình và không phải luôn có lợi cho nông dân, đây là thực tế khách quan của mọi hình thức nhà nước trong cơ chế thị trường.”
Nhận định này rất chính xác. Hiện nay nhóm lợi ích VFA tước đoạt gần hết lợi nhuận của nông dân bằng cách độc quyền mua bán lúa gạo. Chắc chắn VFA đã vận động hành lang (lobby) để Bộ Công Thương đưa vào điều 19 khoản 3: “thương nhân thu mua lúa đảm bảo cao hơn tối thiểu 30% so với giá thành bình quân chung” trong Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo, để tước đoạt lợi nhuận của nông dân một cách hợp pháp.
Để đối phó với nhóm lợi ích, Tiến sĩ Đặng yêu cầu: “Mục tiêu của hội phải là bảo vệ quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa cho nông dân”.
Điều này hết sức đúng đắn. Một hiệp hội mà không quan tâm bảo vệ quyền lợi kinh tế của hội viên, thì tồn tại của hiệp hội vô nghĩa đối với hội viên.
Và Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đưa ra những đề nghị đổi mới Hội Nông dân: “Cần nghiêm túc nghiên cứu phương án đổi mới Hội thành tổ chức kinh tế xã hội, chú trọng vào hoạt động kinh tế. Thành viên của Hội nên tập trung vào tầng lớp nông dân hoặc lao động nông thôn. Những người đại diện của tổ chức nông dân phải được nông dân tín nhiệm bầu lên. Đại biểu tham dự Đại hội đa số phải là người thực sự làm nghề nông. Chương trình nghị sự của Đại hội, nội dung hoạt động của Hội phải tập trung vào việc làm ăn của nông dân, những vấn đề thiết thân đến đời sống lao động nông thôn. Kinh phí của Hội kể cả quĩ lương cho cán bộ dù được nhà nước trợ cấp nhiều nhưng vẫn phải dựa vững vào đóng góp tự giác của hội viên và họat động kinh doanh của Hội.”
Thực tế hiện nay: Cơ quan làm việc của Hội Nông dân do Nhà nước cấp, nhân sự do Nhà nước bổ nhiệm, tiền lương do Nhà nước phát, công việc do Nhà nước phân công. Vậy Hội Nông dân là của Nhà nước chớ đâu phải của nông dân?
Do Hội Nông dân là của Nhà nước, nên thường xuyên chỉ làm những việc có tính phong trào mà không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền lợi của nông dân trong kinh tế thị trường.
Trong 2 năm 2008 và 2009, vấn đề điều hành xuất khẩu gạo của VFA, vấn đề ngừng xuất khẩu gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp bị công luận phản ứng dữ dội, đại biểu Quốc hội chất vấn cả Thủ tướng trên diễn đàn Quốc hội. Thế mà Hội nông dân không hề lên tiếng.
Báo Tiền Phong Online ngày 4/10/2009, trong bài viết “Đặc quyền lãi lớn, nông dân chầu rìa” đã đưa ra chứng cớ rất hiển nhiên rằng: Tổng công ty lương thực miền Nam đã thành lập công ty con là SAIGON FOOD PTE LTD để bán phá giá gạo xuất khẩu.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong bài “Phải cắt sân sau, bỏ đặc quyền” tuyên bố: “Nói thẳng ra, đây là một hành động tội phạm hình sự về mặt kinh tế, gây tác hại rất lớn. Nếu có đầy đủ chứng cứ, cần khởi tố vụ án này.”
Lẽ ra từ những chứng cứ mà báo chí đã nêu, ông Chủ tịch Hội Nông dân phải truy vấn đến cùng, phải yêu cầu Tổng công ty lương thực miền Nam trả lời về những chứng cứ mà báo chí đã nêu, phải yêu cầu các cơ quan pháp luật xác minh những chứng cứ mà báo Tiền Phong đã đưa ra. Phải truy vấn cho đế khi sự thật được phơi bày. Thế nhưng Hội Nông dân Việt Nam im re, không hề thốt một tiếng. Và sự việc được để chìm xuồng.
Hội Nông dân không bảo vệ quyền lợi cho nông dân thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi đây?
Hội Nông dân mà không phải của nông dân nên nông dân chúng tôi thua thiệt đủ đường!
Bán lúa thì bị Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA độc quyền. Họ muốn mua lúa của nông dân chúng tôi bao nhiêu thì mua.
Mua phân thì Hiệp hội phân bón độc quyền. Họ muốn bán phân cho chúng tôi giá bao nhiều thì bán.
Mua thuốc bảo vệ thực vật thì các công ty thuốc độc quyền, giá thuốc xuống thì họ tăng hoa hồng cho đại lý chứ nhất quyết không giảm giá cho nông dân.
Vậy mà Hội Nông dân chưa bao giờ yêu cầu Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh ba lĩnh vực vừa nêu, để đảm bảo quyền lợi cho nông dân.
Hội Nông dân chưa hề yêu cầu Chính phủ đề ra chiến lược lúa gạo để tăng thu nhập cho nông dân, chưa hề yêu cầu Chính phủ đề ra chiến lược cơ giới hóa khâu thu hoạch và sau thu hoạch để hỗ trợ nông dân, chưa hề phản ảnh nhu cầu của nông dân lên Chính phủ.
Vì thế những yêu cầu đổi mới Hội Nông dân của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn rất đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển trong kinh tế thị trường.
Bài viết của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn là bài viết hết sức sâu sắc thể hiện sự am tường của Tiến sĩ về thực chất Hội nông dân hiện nay. Những yêu cầu cần thay đổi của Hội Nông dân trong thời kỳ mới rất cần thiết cho nông dân. Nông dân chúng tôi xin cảm ơn Tiến sĩ về bài viết này.
Tuy nhiên, nông dân có rất nhiều thành phần: người thì trồng lúa, người thì trồng cà phê, người trồng xoài… người lại chăn nuôi gia súc, gia cầm, người lại nuôi cá…. Thế nên mỗi nhóm nông dân trồng những loại cây trồng khác nhau và nuôi những loại gia súc gia cầm khác nhau cần có hiệp hội riêng.
Vì thế tôi thấy rằng ý kiến thành lập Hiệp hội của những người trồng lúa của của Tiến Sĩ Nguyễn Phú Son, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, rất phù hợp với tâm tư nguyện vọng của những người trồng lúa chúng tôi. (2)
Tiến Sĩ Nguyễn Phú Son đưa ra đề nghị như sau: “Để giải quyết và bênh vực quyền lợi của nông dân, nên thành lập hiệp hội người trồng lúa.”
Và Tiến sĩ Nguyễn Phú Son giải thích rõ hơn: “Chúng ta có hiệp hội những doanh nghiệp xuất khẩu để bênh vực quyền lợi của doanh nghiệp, vậy tại sao không xây dựng hiệp hội của những người trồng lúa để nông dân lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình?”
Theo tôi, ngoài nhiệm vụ chính bênh vực quyền lợi của nông dân trồng lúa trong kinh tế thị trường, Hiệp hội những người trồng lúa còn là tiếng nói của nông dân trồng lúa chúng tôi, để phản ảnh cho Chính phủ mọi mặt trong đời sống và trong sản xuất, cũng như tiêu thụ sản phẩm của người trồng lúa, giúp cho Chính phủ đưa ra những quyết sách đúng đắn để phát triển sản xuất và nâng cao đời sống cho chúng tôi.
Tóm lại, nông dân làm lúa chúng tôi rất cần có một Hiệp hội của những người trồng lúa. Xin Chính phủ quan tâm thành lập Hiệp hội cho nông dân chúng tôi. Vì tự thân nông dân chúng tôi không thể làm được.
Tôi xin được kết thúc bài viết bằng kết luận của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: “Hội phải đủ mạnh để tổ chức nông dân xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp, chuyển mình thành công vào nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại và xã hội công nghiệp tương lai. Giai cấp nông dân hôm nay là công nhân và trí thức ngày mai. Tổ chức người lao động đủ mạnh để tự vệ và phát triển trong cơ chế thị trường là thể hiện rõ rệt nhất của định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới.”
Ngày 1/10/2010
H. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(2) Người Lao Động Online, bài “ “Chưa lập hội, nông dân đã tự bơi” ” NLD
-----------------------------------------------
Hoàng Kim (Đồng Tháp)
Tại sao nông dân Việt Nam phải đảm bảo an ninh lương thực thế giới - 22/09/2010 - Hoàng Kim (Đồng Tháp)
Độc quyền lúa gạo: cái ách đang quàng lên cổ nông dân - 18/09/2010 - Hoàng Kim (Đồng Tháp)
“Bức xúc với giá sàn xuất khẩu gạo” (tuoitre.vn)
“Dự báo xuất khẩu gạo sai” (nld.com.vn)
Vì sao nông dân nghèo bị đẩy ra ngoài lề? (SGTT 23-9-10)
.
.
.
No comments:
Post a Comment