Khánh Minh
04/10/2010 | 4:06 sáng
Sân khấu cũ, kịch bản cũ, nhân vật mới, vở kịch tái diễn hoàn chỉnh.
Thay thế Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, lần này là giáo sư Phạm Minh Hoàng. Điểm khác biệt: ông Phạm Minh Hoàng có 2 quốc tịch Pháp và Việt Nam, là Việt kiều tự nguyện hồi hương về giảng dạy trong nước từ năm 2000. Khi bị bắt, ông đang là giáo sư hợp đồng tại trường Đại học Bách Khoa.
Qua lời thú nhận của ông trên clip video thì ông Hoàng là đảng viên của Đảng Việt Tân từ năm 1998.
Như vậy kể từ ngày bị “bắt khẩn cấp” 13.08.2010 đến ngày 29.09.2010, chỉ hơn một tháng bị thẩm vấn điều tra (không biết bằng phương pháp nặng tay hay nhẹ tay?) thì người đảng viên Việt Tân này đã thú nhận hết mọi tội.
Khi ông mới bị bắt thì vợ ông, bà Lê Thị Kiều Oanh lên tiếng phản đối, nói rằng: ông Hoàng không phải là đảng viên Việt Tân, bà cũng không biết gì về tổ chức này.
Trong đơn xin khoan hồng, ông Hoàng viết: “Trong tất cả các bài viết của tôi dưới bút danh Phan Kiến Quốc gửi cho Việt Tân để phát tán lên mạng internet, có nhiều chi tiết không đúng sự thật mà mục đích là làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tôi nhận thức việc làm của tôi như trên là vi phạm luật pháp Việt Nam . Tôi mong được Nhà nước xem xét, khoan hồng để tôi sớm trở về đoàn tụ với gia đình”.
Nhìn hình ông qua video, gương mặt sáng, trí thức, đượm vẻ lo âu, suy nghĩ, giọng nói ông là giọng nói của người Bắc 54 (Bắc di cư), nghe ông đọc trơn tru bài bản đã viết sẵn, sao thấy quá thất vọng và buồn nặng trĩu.
Rồi tự hỏi, chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay có phương pháp thẩm vấn điều tra gì hiệu quả đến mức những quí vị trí thức đấu tranh cho dân chủ, vừa bị bắt chỉ hơn một tháng là thú nhận mọi tội lỗi, kể cả tội tày đình nhất là “tổ chức phá hoại nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền” và tha thiết “xin khoan hồng để sớm trở về với gia đình”.
Điều đáng chú ý nữa là những quí vị này đều có liên quan đến Đảng Việt Tân, hay là người do Đảng Việt Tân xây dựng.
Rồi so sánh những thành viên Việt Tân này với những tù nhân bất khuất mới được ra tù hay mới được tạm tha gần đây và thấy sự khác biệt quá xa: những tù nhân lão thành, khi vào tù tóc vẫn còn đen, đến nay đã phơ phơ đầu bạc: Nguyễn Anh Hảo (23 năm tù) Trương Văn Sương (33 năm 4 tháng tù) Nguyễn Hữu Cầu (hơn 30 năm), Trần Văn Thiêng (án 20 năm nhưng đã ở tù hơn 20 năm)… Danh sách còn dài nữa.
Khác biệt quá xa ở đây là những tù nhân này dù bị thẩm vấn nặng, bị khủng bố tinh thần, không được thăm nuôi, bị cùm biệt giam rất lâu, có người bị tra tấn đến chết như tù nhân thiếu úy Trần Quang Trân bị án tử hình ngày 19.06.1982 tại trại tù Tiên Lãnh[1], nhưng vẫn kiên quyết không viết bản thú tội, không xin khoan hồng để được giảm án, sớm được trở về với gia đình.
Những người này cũng không phải thành viên của Mặt trận Hoàng Cơ Minh trước đây (tên gọi tắt của Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam), tiền thân của Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng, gọi tắt là Việt Tân.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, một bạn tù của ông Trương Văn Sương kể lại: “Nhiều lần ông Sương bị đưa xuống những khu biệt giam tại trại Ba Sao, ông đã phanh ngực thách thức công an và hô vang những khẩu hiệu tranh đấu cho tự do dân chủ”.
Cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Quang có nhiều kỷ niệm với ông Nguyễn Hữu Cầu: “Sống trong tù với anh Nguyễn Hữu Cầu một thời gian không dài lắm, tôi cảm phục chí khí bất khuất kiên cường của anh Cầu. Anh đã gần 500 lần viết những lá đơn để kháng cáo tội bị gán cho mình. Nhà tù đã dùng biết bao cực hình để khuất phục ý chí của anh. Nhưng chưa một lần nào viết bản kiểm điểm mà anh ghi vào đó rằng ‘tôi nhận tội’ cả. Mà anh ghi thế này: ‘Tôi luôn luôn giữ quan điểm là tôi vô tội. Người có tội chính là Đảng Cộng sản Việt Nam ’. Vì vậy anh luôn luôn bị biệt giam, bị cùm. Người ta bị cùm 14 ngày và bị biệt giam 3 tháng là xong. Anh Cầu bị biệt giam 3 năm liền. Họ biệt giam như vậy nhằm sử dụng bệnh tật để giết chết người tù già tuổi. Nhưng may mắn số trời để cho anh sống.”
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, hơn 20 năm, 30 năm trong tù của những lão tù nhân trên tính ra là bao nhiêu hằng số thiên thu, vậy mà họ vẫn giữ được tinh thần bất khuất. Số tù nhân trẻ bất khuất cũng có, như luật sư Lê Thị Công Nhân, và cô không phải thành viên Đảng Việt Tân.
Trong khi đó, những người có liên hệ đến Đảng Việt Tân vừa bị bắt, mới qua điều tra thẩm vấn, đã thú nhận mọi tội và xin khoan hồng. Điều này làm tôi suy nghĩ về qui mô tổ chức, phương thức tuyển chọn thành viên, đào tạo đảng viên, xây dựng cơ sở của Đảng Việt Tân, một đảng tương đối có tổ chức, quá trình hoạt động lâu dài từ 1975 đến nay, cơ sở rộng khắp từ Mỹ, Úc, Âu châu, Việt Nam, Thái Lan… Trong hai thập niên 80 và 90, Mặt trận Hoàng Cơ Minh hoạt động khá mạnh, thu hút đông đảo thành viên, nhưng rồi trong nội bộ xảy ra các vụ tranh chấp, số đảng viên rời tổ chức khá đông, gây mất tin tưởng nơi cộng đồng người Việt hải ngoại.
Năm 1995 một đảng viên của Mặt trận Hoàng Cơ Minh cho tôi xem ít tài liệu, hình ảnh và cương lĩnh của Mặt trận, xem qua thấy ngay về hình thức họ hình như sao chép giống Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước năm 75. Trên trang đầu cuốn sổ nhỏ cương lĩnh là hình ông Hoàng Cơ Minh để bộ râu dài, tóc hơi bạc trắng, trên cổ có khăn rằn, giống như hình ông Hồ Chí Minh; mấy tấm hình khác cho thấy thành viên của Mặt trận mặc áo bà ba đen, cổ đeo khăn rằn, còn đồng phục cho thanh niên là sơ-mi nâu, quần đen. Tôi hỏi, sao giống cán bộ giải phóng miền Nam trước 75 quá? Họ nói, để dễ tạo niềm tin cho dân miền Nam ! Không hiểu họ có tìm hiểu tâm lý người dân miền Nam chưa, chứ bản thân tôi, dân miền Nam thành thị, bỏ quê hương ra đi, thì cứ mỗi khi nhìn thấy bộ bà ba đen với cái khăn rằn, đôi dép râu hay nón cối là phát ớn lạnh rồi! Đến nay thì hình thức kiểu trên có vẻ đã chấm dứt.
Đặc biệt những tấm hình chụp các buổi họp nội bộ đều chụp từ sau lưng, để không lộ mặt đảng viên, và những tấm hình ở hội họp cấp cao đều không có phụ nữ. Họ e ngại phụ nữ dễ tiết lộ bí mật nội bộ chăng? Phương thức kết nạp thành viên của họ cũng giống như kết nạp thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam . Thanh niên phải được kết nạp vào Đoàn trước, vào Đảng phải qua ba bậc: cảm tình đảng, đối tượng đảng, rồi mới thành đảng viên.
Dù tổ chức có vẻ qui mô chặt chẽ, kết nạp thành viên khó khăn, nhưng không biết chính quyền cộng sản Việt Nam có gài được người vào tổ chức của Mặt trận không. Hãy xem, đợt “Đông tiến 1″ năm 1986, tiến quân qua Lào để xâm nhập vào Việt Nam thì mới đến biên giới đã bị bộ đội Việt Nam phục kích, đánh chặn, tổn thất nặng. Đến đợt “Đông tiến 2″ năm 1987 vượt sông Mekong, định xâm nhập vào Tây Nguyên để xây dựng căn cứ, thì cũng bị đón lõng ở bên sông, bị tấn công, thất trận, ông Hoàng Cơ Minh bị thương và chết nơi đây.
Phải chăng vì muốn mở rộng cơ sở khắp nơi, khuếch trương danh tiếng, phát triển quân số, nên Mặt trận đã kết nạp thành viên đông đảo, do đó đã bị cộng sản cài người làm nội tuyến?
Cách đây không lâu có một bà là đảng viên Việt Tân ở Mỹ, đi du lịch về Việt Nam ngắn hạn, rồi trở qua Mỹ an toàn. Bà kể là bà đã gặp gỡ người này, người kia, mà nhà nước không biết bà là ai, bà có vẻ tự hào hoàn thành sứ mệnh được giao. Nhưng chỉ ít lâu sau thì những người có vinh hạnh gặp bà, đều lần lượt vào tù. Bà ắt hẳn không biết chính quyền cộng sản bình thản cấp visa để bà về nước, rồi để bà ra đi bình yên, có khi còn cho bà về nhiều lần nữa, thì mới từ từ chộp được một mẻ cá to. Bà hơi bị nhầm và hơi ngây thơ khi tưởng họ không biết gì về bà.
Sau khi bị bắt thì nhóm luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức đều khai đã từng tham gia khóa huấn luyện bất bạo động do Việt Tân chủ trì ở Pattaya, sau đó tham dự họp với Nguyễn Sĩ Bình ở Phuket (Thái Lan). Theo báo Tuổi Trẻ thì tháng 11-2009, ông Phạm Minh Hoàng cùng vợ và Nguyễn Thanh Hùng (một thành viên của Việt Tân) sang Malaysia tham dự khóa học “phương pháp đấu tranh bất bạo động” do Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Ngọc Đức và Nguyễn Thị Thanh Vân “đứng lớp”.
Dường như những nhà trí thức này quá tự tin, họ không nghĩ rằng khi một nhóm người cùng đi ra nước ngoài, mà lại toàn là “top-manager”, thì nếu không vì mục đích business tất phải vì “top-secret” gì đó, một chính quyền đa nghi như nhà nước Việt Nam làm sao mà không chú ý, nhất là những hành động, phát ngôn của những người này đã bị chính quyền quan tâm sâu sát từ lâu. Ngay Đảng Việt Tân cũng không biết đã sai lầm khi tổ chức khóa học đông người, mà những người tham dự đều biết lẫn nhau. Để so sánh: Tôi nghe một vài cán bộ kể lại rằng trước kia ở những cuộc họp, học tập trong R hay địa điểm bí mật ở Củ Chi, Tây Ninh, các đảng viên cộng sản đều phải che kín mặt, ngồi xa nhau, đêm ngủ trong một hầm riêng, để không ai biết ai, như thế khi hoạt động bị bại lộ, họ không thể khai báo gì về những thành viên khác. Khi đi vào, đi ra khỏi cơ sở bí mật, thì đi từng người theo các ngả khác nhau.
Tôi còn nhớ sau vụ án nhà thờ Vinh Sơn, có một cuộc họp mặt giữa giáo dân và ngành công an, tại địa điểm là Trường Quốc gia Hành chánh cũ (trên đường Trần Quốc Toản cũ). Hôm đó ông Mai Chí Thọ, hình như lúc đó là Giám đốc Sở Công an Thành phố, lên bục cầm micro nói giọng sang sảng, cố ý dằn mặt giáo dân, đại ý như sau: “Tôi nói cho các anh chị biết, những việc các anh chị làm hiện nay thì Việt cộng chúng tôi đã làm từ xưa rồi, như giả vờ đến nhà thờ cầu kinh, hẹn gặp mặt ở nghĩa trang, quán nước, cải trang làm người bán hàng để lén lút trao đổi tài liệu, thư mật cho nhau thì chúng tôi đều đã làm hết rồi, nên tôi xin các anh thôi cho, đừng có hoạt động chống phá nữa, các anh tay mơ lắm!”
Từ trường hợp của bà điệp viên “không-không-biết” từ Mỹ về Việt Nam và giáo sư Phạm Minh Hoàng gần đây, tôi thấy vấn đề xây dựng cơ sở và đào tạo thành viên của Đảng Việt Tân có lẽ chưa cẩn mật, đã làm thiệt mất bao nhiêu đảng viên ưu tú. Hơn nữa còn làm nản lòng, mất niềm tin của nhiều người đang trông đợi một cuộc đổi đời trong nước. Mỗi khi tổ chức nào bị thất bại, có nhân vật nào bị bắt, bị lên truyền hình nhận tội, người ta lại chép miệng thở dài: “Quái, không biết mấy tay này làm ăn kiểu gì, cứ mới ngo ngoe, chưa làm nên trò trống gì đã bị tom rồi, đồ dởm!”
Giương cao ngọn cờ đấu tranh giành tự do, dân chủ, phát triển dân sinh, Đảng Việt Tân đã thu hút được nhiều thành viên trí thức ưu tú, những người có tấm lòng yêu nước, yêu dân chủ thật sự, đó là điểm thành công nhất. Nhưng để đào tạo một đảng viên trung kiên, có dũng khí can trường, đối mặt với nhà tù, chịu đựng những vụ tra tấn hành hình thì chưa đạt. Những người đến với Đảng Việt Tân vì chán ghét chế độ kềm kẹp, bất công trong nước, vì lý tưởng trong sáng thì có, nhưng việc rèn luyện ý chí đấu tranh, kinh nghiệm với mùi nhà tù thì còn thiếu, có thể gọi đó là “những nhà cách mạng amateur”.
Ngay cả bộ phận đầu não của Việt Tân, đã có sự rèn luyện ý chí, huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu, phương thức chiến đấu và đào tạo nhân lực có bản lĩnh cho kế hoạch lâu dài chưa? Đối phó với một chính quyền cáo già đầy mưu mô lão luyện như vậy thì hoạt động của đảng đối lập cần chuyên nghiệp hơn, mưu trí hơn, kỷ luật chặt chẽ hơn, cẩn mật hơn nhiều.
Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây có những đảng viên trung kiên, khi bị bắt đã không khai báo cơ sở, không lộ tên những đồng chí của mình, chịu đựng tra tấn đến chết? Tất nhiên số người phản bội, khai báo cơ sở cũng có, nhưng là số ít. Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam đã đào tạo được những người tài trí, ẩn mình trong chính quyền miền Nam, tạo được uy tín bằng chính khả năng của họ, được tin tưởng, đạt đến chức vụ rất cao mà không bị phát giác như: Vũ Ngọc Nhạ (trong chính quyền Ngô Đình Diệm) Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo… Điều đáng chú ý là những nhân vật này đều hoạt động đơn tuyến. Họ không có thành viên cùng họp, cùng làm với họ. Họ có nhiều bí danh, hoá trang thành người khác tùy lúc, tùy hoàn cảnh, làm nghề khác, chính người thân trong gia đình còn không nhận ra dù họ ở trước mặt, có khi không biết họ ở đâu, làm gì nữa kìa.
Đảng Việt Tân có cài được nhân vật nào được chính quyền cộng sản tin cậy tương tự như vậy chưa? Nếu chưa thì cuộc chiến đấu cho tự do, dân chủ của Đảng Việt Tân hẳn còn nhiều gian nan.
© 2010 Khánh Minh
© 2010 talawas
[1] Xin xem chi tiết về Vụ án Trần Quang Trân tại đây:
.
.
.
No comments:
Post a Comment