VÕ HƯNG THANH
Sàigòn 04/10/2010
Khái niệm “xã hội cộng sản” nguyên thủy là ý niệm đầu tiên được Mác đặt ra cho lý thuyết kinh tế xã hội của mình. Đó như là tiền đề của quan điểm duy vật lịch sử mà nhiều người đã biết. Tuy nhiên khái niệm như vậy đã thực sự sâu sắc, xác đáng, hay khách quan chưa, thì kể từ khi nó được Mác đặt ra, phần lớn người ta vẫn hãy còn mơ hồ, chỉ tin theo, mà không hề có sự nhận xét, phán đoán, hay việc tìm hiểu đối với ý nghĩa thực chất, khách quan của nó. Những người có niềm tin thụ động và cả tin này, đặc biệt nhất trong số đó có ông Trần Đức Thảo, một người từng nổi tiếng là “nhà triết học” Việt nam xuất sắc nhất khi ông ta còn sống.
Thật ra khái niệm “xã hội cộng sản” nguyên thủy là khái niệm hoàn toàn không đúng. Nó không có ý nghĩa khách quan, không có giá trị lô-gích, mà chỉ là sự gắn kết khiên cưỡng giữa khái niệm nguyên thủy và khái niệm cộng sản. Đúng ra, chỉ có thể nói loài người lúc khởi điểm trong lịch sử là xã hội loài người nguyên thủy, mà không thể gọi đó là xã hội “cộng sản” nguyên thủy của loài người. Mác gán ghép giả tạo hay miễn cưỡng như vậy, thật sự chỉ là muốn dùng điều này để làm khởi điểm cho chính học thuyết về xã hội “cộng sản” khoa học sau này của mình.
Mác cho rằng xã hội “cộng sản nguyên thủy” như là một giai đoạn tiền đề sơ khai đầu tiên, sau đó đi đến giai đoạn phản đề là xã hội tư hữu, tư sản, kể cả xã hội tư bản là đỉnh cao nhất, rồi cuối cùng giai đoạn tổng đề là xã hội cộng sản khoa học. Ý nghĩa phát triển của lịch sử mà Mác cho là khách quan như vậy được ông ta gọi là ý nghĩa “biện chứng”, một khái niệm được rút ra từ triết học duy tâm của Hegel, để làm nền cho quy luật phát triển khách quan của lịch sử theo như ông quan niệm. Việc đưa một ý nghĩa duy tâm sang duy vật là một điều mang râu ông nọ cắm cằm bà kia một cách trái khoáy, giả tạo, có dịp sẽ được nói đến, ở đây chỉ dừng lại ở ý nghĩa lịch sử thuần túy của khái niệm gọi là xã hội “cộng sản” nguyên thủy.
Tất nhiên, khái niệm này là một khái niệm hết sức quan trọng và nó luôn luôn mang tính chất thời sự, kể cả hiện nay, nên không thể hời hợt bỏ qua mà cần nói đến. Bởi nó là tiền đề quan trọng của cả một học thuyết được gọi là khoa học cũng như được nhiều người từng tin tưởng, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, ít ra cũng trên những thực tế, mục tiêu hay các ý nghĩa nào đó. Một khái niệm có tầm quan trọng như thế thì không thể không được đặt lại. Bởi đặt lại cũng mang một ý nghĩa triết học hoặc khoa học khách quan nào đó, và tất nhiên cũng đặt lại trong tinh thần đối thoại, trong ý hướng tranh biện cùng với mọi người mà chính tác giả bài viết này mong muốn.
Cũng cần nói rõ, đây không chỉ là vấn đề học thuật thuần túy, mà là ý nghĩa khoa học và triết học khách quan thật sự, cho nên cũng không có việc tầm chương trích cú theo nghĩa thụ động, tầm thường, cứ hở ra là trích dẫn kinh điển như kiểu bửu bối mà thói Trần Đức Thảo cũng như nhiều người khác vẫn làm, mà đây chỉ là những tư duy lô-gích cụ thể thật sự, mà mọi người đều có thể nhận xét và suy nghĩ được trong mọi khả năng phán đoán thực tế, chính xác, khách quan và thẳng thắng của mình. Bởi chính ý nghĩa do mọi người ngày nay tìm ra, xác định mới là quý nhất, còn kiểu tầm chương trích cú, viện dẫn kinh điển chỉ nói lên ý nghĩa thụ động, tinh thần lệ thuộc, nô lệ thơ ngây và đơn giản vào người xưa, mà không mang ý nghĩa thiết thực, nghiêm túc, đúng đắn, cần thiết nào khác.
Quả vậy, ở đây trước hết cần phân biệt giữa cái có, cái không có, và cái sẽ có. Cái có là cái thực tại, cái không có là cái phi thực tại, cái sẽ có chỉ có thể đi từ cái đã có mà không thể đi từ cái không có. Thế thì trong khái niệm xã hội nguyên thủy của loài người, đó là cái có. Khái niệm tài sản lúc đó là cái không có. Do đó, khái niệm xã hội nguyên thủy là cái có thật, còn khái niệm xã hội “cộng sản nguyên thủy” là cái không có thực. Bởi xã hội nguyên thủy là xã xã hội con người gần với thiên nhiên nhất, lúc đó chưa nảy sinh tư tưởng tư hữu, chưa phát sinh tư hữu, chưa có thực tế tư hữu, nên cũng không thể bảo đó là một hình thái xã hội “cộng sản” nguyên thủy như Mác đã nhận thức hay chứng minh được.
Cái hạt cây chẳng hạn, lúc đầu chỉ mới có cái mầm cây mà chưa thể có cái cây. Không thể bảo cái cây vốn đã chứa ngay từ đầu trong cái mầm cây hay trong cái hạt, bởi nói như vậy là hoàn toàn ngớ ngẩn, không thực tế, không xác đáng và phi lô-gích. Bởi mọi cái gì phát triển về sau không thể có chứa đựng đầy đủ ngày từ đầu, mà chỉ là tiềm năng sơ thủy đã được phát huy ra trong kết hợp với hoàn cảnh cụ thể khách quan nhất định. Cũng vậy, không thể bảo bào thai và đứa trẻ là người lớn chưa thành hình, bởi nói như vậy là phi thực tế. Bào thai và đứa trẻ là nguồn gốc ban đầu của người lớn, mà không thể là người lớn đã được chứa sẵn trong đó. Điều này ngày nay sinh học đã nói rõ về các bản đồ gene vốn có, song vẫn không đi ra ngoài chính những điều đơn giản nhất như chúng ta đang nói.
Vậy thì, gán một cái chưa có hay không có vào cái đang có là một điều hoàn toàn không có cơ sở và phi lô-gích. Trong xã hội nguyên thủy của loài người hoàn toàn chưa có thực tế các tài sản hay khái niệm tư hữu, vậy làm sao bảo đó là xã hội “cộng sản” nguyên thủy cho được. Đây quả chỉ là cách nói ngây thơ, cách nói liều, cách suy đoán chủ quan, giả tạo, nhưng nhiều người vẫn cứ tin hoặc cứ vin vào đó. Cái cây to lớn về sau, con người trưởng thành đầy đủ về sau chỉ là sự phát triển lịch sử về sau của cái mầm. cái hạt, cái bào thai, đứa trẻ, mà không thể bảo rằng mọi cái sau vốn đã chứa ngay từ đầu trong các cái trước.
Mặt khác, khi con người gần với thiên nhiên, tất cả đều là chung, đó là trạng thái tự nhiên của xã hội. Ngay cả xã hội loài vật cũng vậy, thế giới khách quan đều là của chung của chúng, như khi con vật đã xây dựng được gì đó về phần mình, đã thu nhặt được gì đó về phần mình, đã săn bắt được gì đó về phần mình, cái đó liền lập tức biến thành của riêng của nó, liền trở nên “tư hữu” của nó, ít ra trong giai đoạn, chốc lát cần thiết nào đó, cho tới khi nó sử dụng xong, đã thỏa mãn yêu cầu và bỏ đi. Cái tổ chim, cái hang, con mồi, vùng lãnh thổ, thậm chí nhiều khi cả con đường đi quen thuộc nào đó, vẫn có thể trở thành ý nghĩa “của riêng” nơi con vật cụ thể, trong hoàn cảnh, tình huống nhất định nào đó, là điều mà không ai có thể chối bỏ.
Tương tự như thế, lúc khởi thủy nhân số ít ỏi, hoàn cảnh tự nhiên chi phối tất cả, con người không cần hay không có “của riêng” chỉ là lẽ đương nhiên. Nhưng khi xã hội phát triển lên, con người đông ra, tài nguyên tự nhiên eo hẹp hơn, thế là con người phải có ý thức của riêng nhằm đối phó với nhiều sự bất tiện khác nhau tự nhiên trong cuộc sống. Khái niệm tài sản hay tư hữu dù trong mức độ sơ khởi và đơn giản nhất vẫn đã hình thành, đó là cái lô-gích tự nhiên của phát triển khách quan, không thể cho đó là trạng thái tiêu cực hay điều xấu theo cách nghĩ chủ quan, tiên kiến như nhiều người vẫn có. Thật ra, chính tâm lý tư hữu tạo ra xã hội tư hữu mà không phải xã hội tư hữu tạo ra tâm lý tư hữu như Mác vẫn nói. Sự nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hậu quả, giữa phương tiện và mục đích, luôn là điều mà Mác vấp phải.
Quả vậy, con người tồn tại là qua thân xác, đó là nguyên lý chung của mọi sự vật cụ thể. Song thân xác chỉ là điều kiện của ý thức con người. Điều này cũng có nghĩa tài sản hay tư hữu cũng chỉ là phương tiện, là điều kiện cho thân xác tồn tại mà không là gì khác. Con người sống thực tế là qua ý thức, mặc dầu thân xác là công cụ hiển nhiên và thực tế nhất. Có nghĩa tài sản luôn luôn chỉ là phương tiện của xã hội, còn chính ý thức cá nhân, ý thức mọi người, ý thức xã hội, hay nói chung mọi khía cạnh khác nhau về tinh thần, về hạnh phuc, về sự tiện ích, về nền văn hóa văn minh mới là mục tiêu hay mục đích tối hậu nhưng không phải chỉ là tài sản hay kết cấu của chế độ tài sản xã hội nào đó hoàn toàn nhất thiết hoặc bắt buộc phải có.
Chẳng hạn, nếu thế gian này chỉ duy nhất một con người tồn tại, tất nhiên anh ta cũng không cần thiết phải có khái niệm tư hữu. Nhưng khi tài nguyên nào đó hạn hẹp, không đủ phân phối theo tự nhiên, thế là yêu cầu tiện ích bản thân phải xuất hiện, đó cũng là nguyên nhân phát sinh mục tiêu tư hữu mà không là gì khác. Đó cũng là tâm lý con người thay đổi khi xã hội sung túc, xã hội chiến tranh, xã hội thiên tai xảy ra về sự tranh giành các phương tiện vật chất thiết yếu cần thiết là những thực tế luôn luôn vẫn có và hết sức tự nhiên. Nói khác chính bản năng sống, nhu cầu bảo đảm cuộc sống cá nhân hay tập thể trong những hoàn cảnh nào đó nhất định là nguyên nhân của ý nghĩa tư hữu, mà ý nghĩa tư hữu tự nó không phải hoàn toàn tự nhiên hay độc lập. Do đó sự phân biệt cộng sản và tư sản chỉ là sự phân biệt dư thừa, giả tạo, không cần thiết, không khoa học, không khách quan, ấu trĩ và không đủ cơ sở.
Trong một gia đình chẳng hạn, do ý nghĩa máu huyết, do bản năng truyền giống và nuôi dưỡng con cái, mọi tài sản trong đơn vị đó đều là tài sản chung, hay cụ thể hơn, là tài sản chung của cha mẹ, cũng không thể bảo đây là xã hội cộng sản thu nhỏ, bởi vì không phải là phép cộng hay phép chia máy móc, giả tạo nào đó cả. Cũng có nghĩa chính cái nguyên nhân quyết định cái hậu quả, cái quan trọng hơn quyết định cái ít quan trọng hơn, cái hạnh phúc gia đình, mục đích gia đình quyết đinh về ý nghĩa tài sản mà không là gì khác. Đó cũng là trường hợp khi con cái lớn lên, sự phân chia ra vẫn hoàn toàn tất yếu, hay khi vợ chồng ly dị nhau, sự phân chia tài sản chung vẫn là tất yếu, như là điều hoàn toàn thực tế, khách quan, không thể nào lý luận ngược lại. Cho nên, chính sự nhầm lẫn hay đánh đồng giữa mục đích và phương tiện, giữa nguyên nhân và hậu quả, mà con người đã tạo nên một lý thuyết hay đơn giản hơn là các khái niệm và ý tưởng giả tạo.
Vả chăng mọi tài sản cụ thể trong xã hội đều mang ý nghĩa vật chất. Nhưng đã là vật chất thì phải được tạo ra, sử dụng, biến chuyển theo thời gian, hao mòn và biến mất theo thời gian. Ngoài ra, mọi tài sản cụ thể đều do các cá nhân con người tạo ra mà không phải do ý nghĩa xã hội chung chung. Xã hội chỉ là ý niệm tập hợp về các cá nhân mà không là gì khác. Đó là một khái niệm thực chất luôn biến chuyển, bởi vì chất lượng, số lượng, các mối quan hệ của từng cá nhân trong xã hội đó vẫn luôn biến chuyển. Tất nhiên tài sản được tạo ra do lao động, do máy móc, cả do ý thức của chính con người. Điều này cũng có nghĩa sự tổ chức lao động, sự phân công lao động tự nhiên trong xã hội là nguyên nhân, là nguồn gốc của mọi tài sản nói chung, mà không là gì khác. Cá nhân với lao động và ý thức nào đó của mình làm ra các vật thể. Và khi nhiều cá nhân hay mọi cá nhân trong xã hội cùng hợp sức lại trong những cơ chế hay cơ cấu lao động nào đó thì làm ra tài sản, như nhu cầu và sự đáp ứng nhu cầu chung của xã hội.
Nhưng ý nghĩa cơ chế là ý nghĩa kỹ thuật. Đó cũng là tính cơ động và tính hiệu quả. Chính tính cơ động và tính hiệu quả tạo ra cơ chế mà hoàn toàn không thể ngược lại. Bởi mọi cơ chế nào chỉ do suy nghĩ chủ quan đặt ra trước thì hoàn toàn phản tự nhiên, phản hiệu quả, như trường hợp các xã hội bao cấp mà mọi người đều rõ. Có nghĩa mọi con người trong xã hội tiên quyết là những cá nhân tự do. Song mỗi cá nhân tự do này tuy cùng đều là những đơn vị sinh học, đơn vị cụ thể, đơn vị pháp lý như nhau, nhưng thực tế hoàn cảnh, ý thức, tâm lý, năng lực, tiềm lực, thân phận, định mệnh hiện tại, và triển vọng đều không ai giống ai. Đó mới là thực chất của xã hội mà không phải xã hội chỉ là tập hợp những đơn vị, những con số đồng đẳng như kiểu toán học. Đó cũng là nguồn gốc của mọi sự tổ chức lao động. Có nghĩa tổ chức lao động là yêu cầu kỹ thuật mà cũng là kết quả của tâm lý con người. Do vậy, lịch sử phát triển thực chất là do từ mọi sản phẩm con người làm ra và con người hưởng thụ, mà không phải chỉ do mối quan hệ xã hội thuần giữa con người với nhau trong quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp như Mác vẫn thường nhấn mạnh.
Cho nên, nếu thiên nhiên là môi trường của xã hội, thì xã hội cũng là môi trường của các cá nhân. Mỗi cá nhân đều là chính mình trừ ra tổng thể môi trường hay toàn thể vũ trụ trong đó nó tồn tại. A – a = A – 1, đó chính là ý nghĩa của chủ thể cá nhân như là một đơn vị tồn tại giữa lòng vũ trụ tự nhiên và giữa lòng xã hội. Bởi thế, xã hội thích nghi với tự hiên mà không thể thay đổi được tự nhiên, cá nhân thích nghi với xã hội mà không thể đổi thay tuyệt đối được xã hội. Bởi tự nhiên luôn luôn là cái đã có, lịch sử cũng luôn luôn là cái đã có, trong khi đó xã hội và cá nhân luôn luôn là cái đang có. Điều này cũng chẳng khác gì núi non là cái đã có, nhu cầu và điều kiện của xã hội của xã hội là cái đã có, nên việc vượt qua các chướng ngại đã có chỉ là đục hầm, làm đường đèo, mà không thể san bằng cả một địa thế núi rừng tự nhiên nào đó. Cách mạng thế giới theo đúng nghĩa chỉ là việc tạo nên các ý nghĩa mới nhằm để vượt lên được các cái cũ phần nào đã ít còn phù hợp, nhưng không có nghĩa là xóa bài làm lại tất cả, phục dựng hết thảy lại từ đầu. Điều này đối với mọi quốc gia dân tộc cũng đều phải như vậy, không có cái gì được gọi là cách mạng triệt để ngay từ khởi điểm như nhiều người vẫn nhầm lẫn.
Chẳng hạn như tháp Effel hay tượng Nữ thần tự do, hoặc bất kỳ di tích lịch sử nào khác trong đời sống nhân loại, nó phải ở vào các vị trí nhất định nào đó, mà không thể có mặt khắp nơi, cũng không phải tất cả mọi người trên thế gian đều chiêm ngưỡng được, nhưng chỉ có những người có điều kiện hay sự may mắn nào đó, mới có thể đi đến tham quan thực tế. Thế cho nên, mọi sự công bằng khác trong xã hội cũng thế. Mỗi cá nhân luôn luôn tùy theo hoàn cảnh, điều kiện thực tế nào đó của mình, nhưng không thể hoàn toàn giống nhau, hay được thụ hưởng mọi cái như nhau trong cuộc sống xã hội. Cho nên, khái niệm cộng sản là khái niệm hoàn toàn không thực tế, nó trái tự nhiên và hàm chứa một sự suy bì, hay ý nghĩa tiêu cực, tính ỷ lại hoặc một sự đố kỵ ngụy trang nào đó. Bởi vì, nói cho cùng, mọi lao động cá nhân dù hình thức như thế nào, sau rốt cũng đi cả chung vào xã hội. Mọi sản phẩm của xã hội không loại trừ, từ cơ sở vật chất đến khoa học kỹ thuật, văn hóa, đời sống, đều có sự đóng góp nào đó của mọi cá nhân trên phương diện này hay phương diện khác, và mọi thành tự đó là điều kiện hưởng thụ cho mọi người đến sau và cứ như vậy. Có nghĩa lịch sử xã hội luôn mang ý nghĩa xã hội mà không thể nào khác.
Mác cũng cho rằng các khái niệm cộng sản trước ông ta là những khái niệm cộng sản trẻ thơ, thô kệch, chỉ có khái niệm cộng sản của ông mới thật sự khoa học, tiên tiến nhất. Tuy nhiên, niềm tin này của Mác thực chất lại cũng dựa vào niềm tin nơi thuyết biện chứng của Hegel, vốn được chính Hegel cho là khoa học, và cả Mác cũng cho là khoa học. Thật ra, khái niệm biện chứng thực chất chỉ là một ý niệm triết học, nó chỉ là sự suy luận duy lý và trừu tượng, một tư duy tư biện thuần túy, một ý tưởng nhằm lý giải các hiện tượng phổ biến trong thực tế như là sự mâu thuẫn và vượt qua mâu thẫn tự nhiên, còn ý nghĩa hay giá trị khoa học thực tế của nó vẫn chỉ là sưh mệnh danh, một niềm tin, mà không có cơ sở nào xác đáng, cụ thể hay khách quan cả. Bởi vì, nếu phân tích một cách rốt ráo, khái niệm biện chứng nếu có chỉ là khái niệm tổng thể siêu hình nào đó theo quan điểm duy tâm của Hegel, mà nó không thể trở thành như một nguyên lý chính xác, bao quát, tự nhiên, hay tuyệt đối khách quan, đầy đủ trong thiên nhiên cũng như trong xã hội, hay cả trong lịch sử.
Cho nên, trong thực tế, đời sống của cá nhân luôn luôn vượt lên, đời sống của xã hội luôn luôn vượt lên, toàn cả lịch sử luôn luôn phát triển, nhưng không hàm ý sự chối bỏ hay phủ định nó, hoặc cũng không có nghĩa mỗi giai đoạn sau của mỗi giai đoạn cục bộ của chúng đều luôn trở nên hay hơn hay vượt lên hơn chính giai đoạn trước một cách hoàn toàn máy móc. Con đường zig zắc, hay con đường chữ chi của lịch sử nói chung, cũng như của mỗi cá nhân, vẫn là điều có thật. Lịch sử là sự phát triển tổng thể, nhưng không chắc mỗi giai đoạn đều giống nhau, vì vẫn có những giai đoạn thụt lùi, là một ý nghĩa khách quan hoàn toàn chính xác. Vì vậy, việc gộp chung lịch sử vào một khái niệm trừu tượng, kiểu từ xã hội cộng sản nguyên thủy nhất thiết phải tiến lên xã hội cộng sản khoa học, là điều hoàn toàn tưởng tượng theo kiểu máy móc, không có cơ sở khách quan, không thực tế hiển nhiên như trên đã nói. Hạt cây sinh ra cái cây, những không có nghĩa cuối cùng toàn bộ cái cây sẽ biến lại thành hạt cây. Quả là một cách suy nghĩ ấu trĩ, không khách quan, không thực tế, hay cũng có thể nói là hoàn toàn quái dị. Hạt cây do cây sinh ra không phải chính là cái hạt của buổi ban đầu, điều này chắc hẵn mọi người đều biết.
Bởi thế, con đường phát triển chủ yếu của nhân loại là con đường phát triển của trí tuệ, của khoa học kỹ thuật, của văn hóa, không phải của đấu tranh giai cấp như Mác hoàn toàn tưởng tượng. Bởi sự đấu tranh nhằm tồn tại trong thiên nhiên, hay sự đấu tranh sinh tồn chỉ là lẽ tự nhiên. Đấu tranh là do yếu tố phản công bằng, phản tiến hóa hay do tính cách tiêu cực nào đó xuất hiện, không phải đấu tranh tự nó luôn luôn có. Nhưng những yếu tố nguyên do đó vẫn chỉ phát sinh do ngẫu nhiên, do trì lực của tự nhiên, do tâm lý bản năng của con người, không phải quy luật phổ quát hay thiết yếu phải có. Do đó khái niệm về mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn cũng thuần túy là sự tưởng tượng, sự trừu tượng hóa và khái quát hóa quá đáng về những thực tế cục bộ, tự nhiên, có thật. Chính sự cường điệu hóa, khái quát hóa những gì không mang tính phổ quát và quy luật mới là điều trái khoa học mà không phải khoa học như nhiều người vẫn nghĩ.
Bởi như ngay trong gia đình, trong bản thân nhiều khi vẫn còn có xung đột, huống gì là trong tự nhiên và trong xã hội. Cho nên xung đột xảy ra khi khuynh hướng đi lên bị chận lại bởi khuynh hướng ngược lại. Sự mâu thuẫn về quyền lợi riêng tư, về ý thức chủ quan, về tâm lý bản năng nói chung, vẫn luôn là điều không thể tránh trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào, bởi nó chỉ mang ý nghĩa thực tế trong cuộc sống khách quan, mà không phải về mặt lý thuyết tự nhiên bao quát nào cả. Cường điệu sự mâu thuẫn thực tế về mặt cá nhân hay tập thể trong các điều kiện nhất định nào đó trở thành quy luật theo danh nghĩa đấu tranh giai cấp trong lịch sử và trong xã hội, quả là điều suy diễn quá đáng, mang tính phiên diễn giả tạo, mà thật sự không khách quan và không thực tế. Bởi cơ chế cấu trúc trong mọi sinh hoạt xã hội không thể không có, cơ chế tổ chức lao động và kỹ thuật lao động không thể không có. Không ai nghĩ rằng một đội bóng lại không có tổ chức, một xí nghiệp hay nhà máy lại không có tổ chức, ngay cả một trường học không thể không có tổ chức, do vậy sự nhầm lẫn giữa cấu trúc và sự đấu tranh, hay sự đánh đồng cả hai quả là điều hoàn toàn ngờ nghệch và vô lý.
Do thế, ý nghĩa của xã hội không thể không đi đôi với ý nghĩa của nhà nước. Cho dù các thể chế nhà nước trong lịch sử luôn luôn vẫn đổi thay và phát triển, nhưng điều đó không có nghĩa nhà nước chỉ là công cụ của giai cấp thống trị và bóc lột như Mác từng nói. Nhà nước đã xuất hiện trong lịch sử như cái khung sườn chung cho xã hội, như là một công cụ điều khiển, quản lý, thống nhất xã hội, còn ý nghĩa của nhà nước đó cụ thể như thế nào còn tùy theo từng hoàn cảnh, trường hợp, hay từng thời kỳ phát triển lịch sử cụ thể nhất định. Do đó, mơ tưởng một xã hội cộng sản khoa học trong tương lai không còn nhà nước, không còn giai cấp, không còn phân công lao động, mà mọi cá nhân đều được giải phóng và tự do, quả thật không những là quan điểm không tưởng mà còn hoàn toàn phản khoa học, phản thực tế. Bởi vì mọi thực tế đều phải luôn luôn xây dựng trên cái thực tế đã có trước nó vốn làm nền tảng cho nó, mà không thể xây dựng trên hư vô như kiểu lâu đài xây trên cát. Không có cơ chế xã hội nào mà thoát ly được các nguyên tắc tâm lý, ý thức và bản năng tự nhiên của con người, đó là điều hoàn toàn thực tế.
Thế nên, con đường phát triển lịch sử của nhân loại vẫn luôn là con đường tiến lên không ngừng, những không có nghĩa phải tiến theo những quy hoạch vô hình hay những công thức thuần túy tưởng tượng nào đó. Không một cá nhân nào vượt lên trên được xã hội, không một xã hội nào vượt lên trên được tự nhiên, không một lý thuyết nào vượt lên trên được hoàn cảnh khách quan, đều cho thấy mọi tính cách tương đối, thực tế và hoàn toàn hiện thực của cuộc sống. Chế độ phong kiến và chế độ quân chủ là hoàn toàn khách quan và tự nhiên của những giai đoạn quá khứ nhất định của loài người. Đó là sản phẩm của xã hội, của thời đại một cách tự nhiên mà không thể khác. Nó là con đẻ của lịch sử hiện thực những không phải con đẻ của quy luật lịch sử nào đó như Mác nói theo kiểu năm hình thái xã hội trong quan điểm duy vật lịch sử. Sự trừu tượng hóa lịch sử, sự công thức hóa lịch sử thật sự là điều hoàn toàn giả tạo và đầy tưởng tượng của Mác. Đây chẳng qua là sự sự suy diễn lịch sử khách quan của xã hội theo công thức giáo điều “biện chứng” của Hegel một cách giả tạo, phi thực tế, mà nhiều kẻ du nịnh vẫn cho đó là một sự khám phá “thiên tài”.
Thật ra, Hegel đã từng chủ quan cho hệ thống triết học của mình là duy nhất “khoa học”, và cũng chính điều này đã thành tiền đề để cho Mác cũng chủ quan tự cho hệ thống tư tưởng của mình là “khoa học” cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì Hegel đã khoa học nhưng là duy tâm, thì lật ngược Hegel lại, trở thành khoa học nhưng là duy vật, đó chính là quan điểm lập luận của Mác. Nói khác đi, cái cốt lõi khoa học trong Hegel theo Mác chính là khái niệm biện chứng, nhưng Mác quên một điều chính bản thân biện chứng đó đã là khoa học và chính xác chưa, cũng như từ biện chứng duy tâm chuyển sang biện chứng duy vật có tương thích không lại là điều mà chính Mác không bao giờ nghĩ tới mà chỉ đặt như ra một niềm tin độc đoán, một tiên đề không cần chứng minh hoặc luận giải. Chính khía cạnh này khởi điểm của nó đã là không khoa học, chưa nói đến các ý nghĩa phát sinh ra từ đó. Công thức hóa một điều phi công thức (bởi có ý nghĩa can dự của ý thức con người), là ý đồ hết sức phi lý, không thực tế, hoàn toàn gượng ép và khiên cưỡng.
Nói chính xác hơn, khái niệm duy vật và khái niệm biện chứng là hai khái niệm hoàn toàn không tương thích hay không thích đương. Bởi vì ngay nội hàm của chúng đã hoàn toàn trái ngược và triệt tiêu cho nhau. Người ta chỉ có thể chọn một trong hai mà không thể chọn được cả hai, bởi vì thực chất chính hai khái niệm này là hoàn toàn trái ngược, mâu thuẫn nhau về mặt nguyên lý khoa học cũng như triết học. Ý thức chủ thể con người hay sự sống còn có thể mang ý nghĩa biện chứng nếu có thể nói được như vậy, cho dù cũng chỉ là cách suy đoán. Nhưng vật chất thuần túy, như một cơ chế máy móc thuần túy, có chế cơ học thuần túy mà lại bảo tự bản thân nó là biện chứng thì thật là hoàn toàn ngờ nghệch hay quá đáng. Bởi khoa học phải luôn là nguyên lý và sự chứng minh cụ thể mà không thể chỉ là các suy đoàn hoặc niềm tin thuần túy cảm tính. Chỉ có những tay đại trí thức như Trần Đức Thảo mới có thể bị thuyết phục hay cả tin vào chính một điều phi lý đó về mặt khoa học cũng như về mặt triết học, cho dù trong thực tế thực sự nó hoàn toàn không đúng.
Bởi vì, xã hội không phải là cái gì hình thành nên ngoài con người, mà chỉ là sản phẩm nói chung của mọi con người cụ thể. Do đó, xã hội chỉ mang tính cách lịch sử hiện thực mà không mang tính chất lịch sử tiền định. Xã hội con người từ chỗ nguyên thủy tiến lên xã hội có nền văn minh, từ chỗ không có tài sản tư hữu đến chỗ có tài sản tư hữu, chỉ là sự phát triển theo cách tuyến tính, tự nhiên, không hề là sự phát triển theo công thức tiền chế nào cả. Mọi chế độ xã hội đều thích nghi với hoàn cảnh xã hội cụ thể nhất định. Không thể có cái được gọi là năm hình thái xã hội theo công thức như Mác đặt ra và trong suốt gần thế kỷ qua người ta vẫn nhan nhãn đem vào dạy một cách vô tội vạ trong các trường học, trở thành hoàn toàn giáo điều, phản khoa học và phản giáo dục. Bởi xin nhắc lại, tài sản luôn luôn chỉ là phương tiện của con người những không bao giờ mục đích. Cũng vậy, mọi chế độ xã hội cũng chỉ luôn là phương tiện tồn tại nào đó của xã hội mà không phải là mục đích tối hậu của xã hội. Chính sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện, chính sự đánh đồng giữa mục đích và phương tiện mà đã gây nên biết bao nhiêu hậu quả kinh hoàng cho xã hội và nhân loại trong suốt thời kỳ dài của lịch sử cận đại.
Nói tóm lại, hoàn toàn không thể có các cái được gọi là xã hội cộng sản nguyên thủy và xã hội cộng sản khoa học trong tương lai. Bởi vì những cái đó chỉ là tưởng tượng. Thực tế chỉ có xã hội loài người nguyên thủy và xã hội loài người văn minh phát triển trong tương lai, chỉ có thế thôi. Tất nhiên xã hội loài người nguyên thủy có các thuộc tính tự nhiên phù hợp của nó, và xã hội loài người phát triển trong tương lai cũng có những thuộc tính tự nhiên phù hợp của nó mà hiện tại chúng ta chưa hoàn toàn xác định được. Con người chỉ có thể nghiên cứu về lịch sử, ghi nhận về lịch sử đã qua, những không thể làm đổi thay được những cái đã có. Cũng vậy con người chỉ có thể dự đoán, tạo điều kiện cho xã hội tương lai từ hiện tại khách quan, mà không thể áp đặt, đoan chắc, hay mù quáng về một xã hội tương lai nào đó khi trong hiện tại nó hoàn toàn chưa có. Nguyên lý xã hội là nguyên lý mọi người đều được hưởng dụng tương đối công bằng tùy theo hoàn cảnh cụ thể về những thành quả đã có hay đang có nói chung của toàn thể xã hội, mà không phải nguyên lý xã hội là huy động mọi người phải cùng xây dựng hoặc tiến lên một xã hội hoàn toàn không thể có trong thực tế, tức hoàn toàn không tưởng.
Dùng các khái niệm không chính xác, không đầy đủ như kiểu xã hội “người bóc lột người”, nhằm phiên dịch khác đi cho những hiện thực khách quan nào đó, vì các ý đồ phiêu lưu chính trị nào đó, quả chính nó cũng là điều không chính đáng, không thực tế, và có thể mang đến các hậu quả và những sai lầm tai hại. Đó chỉ là kiểu phá rừng tự nhiên để trồng lại rừng nhân tạo cho được phù hợp với môi trường hơn, nhưng thực chất là phản lại môi sinh, phản lại môi trường như mọi người đều biết. Tất nhiên, xã hội con người không bao giờ là xã hội thiên nhiên, nhưng chắc chắn nó vẫn luôn luôn là xã hội khách quan. Do đó, ý nghĩa của xã hội là ý nghĩa của nhà nước, của cơ chế pháp lý, nhằm để bổ sung vào cho xã hội, nhằm điều chỉnh tích cực các khiếm khuyết tự nhiên của xã hội, mà không thể được thay thế hoàn toàn cho xã hội, hay chỉ là công cụ nhằm khống chế xã hội, theo các ý đồ phiêu lưu chính trị nào đó của các cá nhân hay các thiểu số của xã hội, mà lịch sử đã từng chứng tỏ. Chính sự giải thích giả tạo về lịch sử, sự giải thích giả tạo về con người, cũng như sự giải thích giả tạo về xã hội, đều là những gì tệ hại và phi lý nhất mà xã hội loài người đã từng bị vấp phải một cách hết sức tệ lậu và chua chát. Chính các xã hội Liên xô cũ, khối Đông Âu cũ, hay như Triều Tiên và Cu ba hiện nay, đều là những điển hình tiêu biểu nhất.
Bởi vậy, để kết luận, có thể nói mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội, chung quy lại cũng chỉ là mối quan hệ bên ngoài. Mỗi quan hệ bên ngoài này mà càng chặt chẽ, càng trực tiếp bao nhiêu càng làm cho xã hội càng sơ khai và nô lệ bấy nhiêu. Đó là tình trạng của các xã hội nguyên thủy và xã hội nô lệ như trong lịch sử xã xôi của loài người đã có. Nhưng xã hội càng phát triển, các mối liên hệ này càng trở nên gián tiếp, nhẹ nhàng hơn, đó là các xã hội dân chủ, tự do trong chính nền văn minh hiện đại. Ngược lại trong các xã hội phiêu lưu chính trị, các phần tử cực đoan, các con người phiêu lưu chính trị, khao khát các sự nghiệp bản thân, các vinh quang giả dối, hay ngay cả đến những quyền lợi vật chất cụ thể của mình, lại muốn gắn kết những con người tự do tự tại lại với nhau, theo một cách hoàn toàn chặt chẽ, hết sức lệ thuộc vào nhau, trong những xã hội hoàn toàn độc đoán, nhằm tiến đến những mô hình hay mô thức xã hội máy móc, giả tạo, phi tự nhiên nào đó bằng các chính sách và phương tiện độc đoán, thông qua các sự tuyên truyền một chiều, gượng ép, cũng như sự khống chế mọi cá nhân con người chân chính trong xã hội đó bằng mọi hình thức phù hợp như văn nghệ, giáo dục, tổ chức, cưỡng bách v.v… thì quả thật đã đi ngược lại với chính sự phát triển tự nhiên của lịch sử và của xã hội loài người, cho dù nó được ngụy trang dưới bất kỳ những khái niệm, những tư tưởng hay những học thuyết nào đó mà như trên kia chúng ta đã phân tích.
VÕ HƯNG THANH
Sàigòn 04/10/2010
---------------------------
Cùng một tác giả :
.
.
.
No comments:
Post a Comment