Monday, October 4, 2010

AI YÊU BÁC HỒ CHÍ MINH

Đại Nghĩa
04/10/2010 | 3:02 sáng

Ngày xưa khi còn học lớp ba, lớp nhì, vào mỗi kỳ nghỉ hè tôi thường theo mẹ về quê ngoại ở vùng “giải phóng” chơi đùa với những người con của ông cậu thật là thú vị. Thuở ấy tôi thường hay hát nghêu ngao mấy câu:
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao, rầu hơi dài
Bác chúng em nước da nâu vì sương gió
Bác chúng em thề cương quyết trả thù nhà…

Sau này khi lớn, lên trung học, tôi không còn có dịp về quê ngoại nữa, ngay cả ngày bà ngoại mất mà tôi cũng không được về thọ tang, những câu hát ấy đã mờ phai trong ký ức. Và hôm nay ngồi viết bài này về “bác Hồ Chí Minh” thì không làm sao tôi còn hát lại câu: “Ai yêu bác Hồ Chí Minh…” được nữa vì tôi đã biết lời ca này do một nhạc sĩ dựa theo những mẩu chuyện kể tự tô vẽ, ca ngợi mình, đánh lừa thiên hạ và đánh lừa trẻ con, thật không có sự trơ trẽn nào bằng.

Hồ Chủ tịch thường mặc bộ đồ áo ka ki, đi giày vải đen. Tóc Người đã hoa râm, trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng, râu che nửa miệng, mặt gầy, da ngăm đen, khiến ta nghĩ đến sương gió dãi dầu trong rừng sâu và những nỗi gian khổ của chiến tranh du kích.

Nhà văn Phạm Đình Trọng trong bài “Ăn mày dĩ vãng….”, có đoạn viết vạch trần cái ý đồ gian xảo của ông HCM như sau:
Ngay sau ngày 2-9-1945, hầu hết người dân Việt Nam vẫn ngơ ngác chưa biết Hồ Chí Minh là ai!… Hồ Chí Minh liền tự tay viết tập sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch và kí tên người viết là Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện kể tưởng như chân thực nhưng vẫn mang không khí huyền thoại, mang cảm hứng anh hùng ca. Trong tập sách đó cũng chính Hồ Chí Minh tự nhận là Cha già dân tộc!”.

Cựu đại tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín, nguyên Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân và báo Nhân dân, từng có nhiều dịp tiếp xúc, gặp gỡ với Hồ Chủ tịch, trả lời trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Trà Mi của đài RFA:
Tôi coi ông ta không phải là thần thánh, chỉ là một con người bình thường như mọi người khác, tức là cũng có ưu điểm và khuyết điểm, có những đóng góp tích cực và tiêu cực. Về tư tưởng, nhiều người cho rằng ông ta không phải là người yêu nước. Còn tôi, tôi khẳng định ông ta là một nhân vật yêu nước, nhất là thời trai trẻ của ông.
Theo tôi, khi ông Hồ sang Pháp năm 1911 lúc đầu không phải vì mục đích tìm đường cứu nước. Lúc bấy giờ ông ta gặp phải một bi kịch gia đình. Ông cụ là tri huyện Bình Khê vì đánh chết nông dân nên bị đuổi ra khỏi ngành quan lại, tha phương ở phía Nam. Mất chỗ dựa, ông Hồ quyết định ra đi tìm kế sinh nhai và giúp đỡ gia đình…
Tuổi trẻ bây giờ quan trọng nhất là cần có tư duy độc lập. Tất cả những gì mình tiếp thu được nên sàng lọc qua bộ óc, suy nghĩ của mình xem đúng hay sai. Về việc họ ca ngợi đạo đức Hồ Chí Minh, tôi nghĩ tuổi trẻ cần phải biết rõ là ông Hồ trong hoạt động cách mạng có sai lầm lớn là giả dối nhiều lắm. Một ví dụ đơn giản là ông ta tự viết ra quyển sách nói về tiểu sử của mình, ký tên là Trần Dân Tiên… trong đó còn ghi là Hồ Chí Minh không có vợ con, suốt đời chỉ nghĩ đến dân tộc, thế nhưng thật ra, ông ta có nhiều vợ.
Điều này đã được chứng minh đầy đủ như ông ta đã cưới bà Tăng Tuyết Minh ở Quảng Châu, Trung Quốc, có rõ cả ngày giờ, giấy hôn thú, ảnh và thư từ cơ mà. Rồi sau này, khi ông về Hà Nội rồi, người ta cũng biết chính ông Trần Quốc Hoàn bố trí cho ông một cô tên là Nông Thị Xuân, hằng tuần lễ vào gặp ông, và ông Hồ đã có con là anh Nguyễn Tất Trung nay đã hơn 50 tuổi. (  RFA online ngày 19-5-2007 )

Ông Lữ Phương, nguyên Thứ trưởng Văn hóa trong Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói về “huyền thoại Hồ Chí Minh” như sau:
Những mẩu chuyện về đời Hồ Chủ tịch do chính ông viết (“Nhân dân gọi Chủ tịch là Cha già dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của tổ quốc Việt Nam”). Về sau vì có lẽ vì thấy hơi quá lố, hình ảnh ấy không còn được nhắc lại, mấy chữ “Bác Hồ” được thay vào và giữ mãi cho đến khi ông mất…
Bà Kim Hạnh lúc làm Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, vì đăng ở trang nhất tin nói về bài thơ của ông (bí danh Lý Thuỵ khi từ Liên Xô sang Trung Quốc khoảng 1925) gửi người vợ Tàu mà bị cách chức và đuổi khỏi làng báo. Một nhà nghiên cứu Mỹ, khi truy tầm hồ sơ mật của Đệ tam Quốc tế lưu trữ tại Moscow sau khi Liên Xô sụp đổ, đã tìm thấy tài liệu cho biết khi đi dự một Đại hội Quốc tế cộng sản ở Nga, ông đã khai có vợ và người ấy chính là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chứ không phải là ai khác!
Dư luận Hà Nội râm ran từ lâu chuyện ông ăn ở với một cô tên Xuân, cô này do mật vụ Trần Quốc Hoàn đưa về để phục vụ cho ông nhưng sau cho người giết đi để bịt miệng tung tích, có đứa con trai được Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông đem về nuôi…
Gần đây nhân Đại hội 9 của Đảng (tháng 4 năm 2001), các hãng thông tấn phương Tây đã nói đến khá nhiều chuyện năm 1941, khi về nước, ông đã quan hệ với một nữ cần vụ người dân tộc và sinh ra Nông Đức Mạnh, mới được bầu làm Tổng Bí thư Đảng.
Những chuyện tình nói trên, hư thực ra sao chưa được chứng minh thật thuyết phục, nhưng xét về mặt đạo đức cá nhân thật ra chẳng có gì quan trọng lắm…
Có nhiều chuyện không vui vẻ lắm, như chuyện ông bị cho ra rìa suốt trong quãng đời còn lại trước khi ông mất là đáng chú ý nhất. Sau CCRĐ năm 1956 ở miền Bắc, do nhập từ Trung Quốc, quá thất đức và sai lầm, ông đưa Võ Nguyên Giáp, uy tín như cồn sau Điện Biên Phủ, ra thay mặt Đảng xin lỗi nhân dân…
Hồ Chí Minh là một trong rất nhiều thanh niên yêu nước vào lúc bấy giờ. Nhưng từ đó cho rằng vì yêu nước mà ngay từ đầu đã có ý định phải ra nước ngoài để tìm giải pháp cứu nước thi điều này không nhất thiết phải là tất yếu. Một người Pháp nghiên cứu về Việt Nam là D. Hémery có tìm ra được tờ đơn của Hồ Chí Minh đề ngày 15-9-1911 ở Marseille -ký là Paul Tất Thành – gửi chính phủ Pháp xin vào học trường École coloniale (một loại trường tạo công chức cho các thuộc địa) và đã bị từ chối. Nhà sử học này cũng tìm ra một số thư của ông – cũng ký là Paul Tất Thành – nhiều lần gửi về nước nhờ Khâm sứ Trung kỳ hỏi thăm tin tức và chuyễn tiền cho cha…
Tư tưởng Hồ Chí Minh… Nhưng xét kỹ thì đây không phải là sáng kiến hay ho gì lắm. Hồi Hồ Chí Minh còn sống, ông đã trả lời nhiều người rằng ông không có tư tưởng gì cả. Nếu có một người xứng đáng ở Á châu này thì đó chính là Mao Trạch Đông (chính vì vậy mà Điều lệ Đảng Đại hội II đã ghi: chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, phong cách Hồ Chí Minh). (Việt Tide số 14 ngày 19-10-2001)

Tiến sĩ Sophie Quinn-Judge là tác giả cuốn Ho Chi Minh – The Missing Years. Cuốn sách này dựa trên những tài liệu của Pháp, nhất là của Quốc tế Cộng sản được giải mật sau khi Liên Xô sụp đổ:
Năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai đến Hong Kong và làm việc trong văn phòng của ông Hồ. Và khi đó quan hệ giữa hai người đã bắt đầu. Trong năm 1931, một lá thư của ông Hồ báo cáo rằng ông sẽ lấy Nguyễn Thị Minh Khai làm vợ… Rồi đến năm 1934, trước ngày Quốc tế Cộng sản lần 7 tổ chức thì trong các tài liệu về các đại biểu tham gia Đại hội đều nói về Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Quốc tức Hồ Chí Minh. Và trong toàn bộ thời gian đó hai người sống ở Matxcơva hai người là vợ chồng”.

Giáo sư Hoàng Tranh, một nhà “Hồ Chí Minh học” ở Quảng Tây xác nhận với Lê Quỳnh đài BBC:
Trong cả buổi nói chuyện, giáo sư Hoàng Tranh ca ngợi Hồ Chí Minh là “lãnh tụ vĩ đại”. Tôi hỏi ông nghĩ thế nào về Tư tưởng HCM, khi mà Chính cương điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1950 ghi rõ “Chủ nghĩa Mác–Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, và tác phong Hồ Chí minh”. Ông nghĩ Hồ Chí Minh có tư tưởng gì không?
Vị giáo sư khẳng định là có, nhưng nói chung chung: “Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản quý giá của nhân dân Việt Nam, mà còn của nhân dân thế giới…
Thực tế việc ông Hồ Chí Minh có người vợ Trung Quốc đã được nhiều người dân ngay tại Việt Nam bàn tán từ lâu. Tại Trung Quốc, hiện nay người ta nói thoải mái về chuyện này – có ít nhất hai bài báo khác đăng trên báo chí phổ thông ở đại lục cùng nói về bà Tăng Tuyết Minh.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết về cuộc hôn nhân của ông Hồ với Tăng Tuyết Minh như sau:
Mùa hè năm 1926, qua sự mai mối của một trợ thủ đắc lực là Lâm Đức Thụ, Nguyễn Ái Quốc gặp Tăng Tuyết Minh, ông rất có cảm tình với cô gái Quảng Châu có gương mặt trái xoan, da trắng, điềm đạm, đoan trang, thông minh này.
Tháng 10 năm 1926, Nguyễn Ái Quốc, khi đó lấy tên là Lý Thuỵ, tổ chức tại nhà hàng Thái Bạch, với sự chứng kiến của Thái Sướng, Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Chu Ân Lai) và một bộ phận học viên khóa huấn luyện phụ vận…
Nguyễn Ái Quốc đã vài lần nhờ người chuyễn thư cho Tăng Tuyết Minh nhưng không có kết quả. Khi ở Thái Lan ông đã viết một lá thư bằng chữ Hán… Bức thư này bị mật thám Đông Dương chặn được ngày 14 tháng 8 năm 1928, hiện được lưu trữ tại CAOM (viết tắt của Centre des Archives d Outre-Mer – Trung tâm lưu trữ hải ngoại).

Cuộc đời làm chính trị của ông Hồ mắc phải nhiều lỗi lầm, trong đó có việc nghe theo lời Mao Trạch Đông tàn sát đồng bào mình một cách không thương tiếc trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất. Theo cựu đại tá Bùi Tín và thượng tọa Thích Quảng Độ thì có từ 500 đến 700 ngàn người bị sát hại, còn theo tài liệu chính thức Lịch sử kinh tế tập 2, có đến 172.008 người bị quy là địa chủ thì trong đó oan sai là 123.266 người.
Cùng lúc ấy ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng cho tiến hành chiến dịch “Người cày có ruộng” nhưng chẳng chết một người dân nào. Thế là sao? Ông Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân kể về “Bí mật Hồ Chí Minh như sau:
Mùa hè năm 1952 Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải CCRĐ. Sau thấy không thể từ chối được nữa, Bác mới quyết định thực hiện CCRĐ… Mùa hè năm 1952, sau khi đi Trung Quốc và Liên Xô về, Bác cho chuẩn bị hội nghị cán bộ năm 1953, quyết định CCRĐ. Trung Quốc cử đoàn cố vấn sang. Bao gồm cố vấn công an, cố vấn tổ chức, cố vấn tuyên truyền…
Nguyễn Thị Năm tức là Cát Thành Long có người con là trung đoàn trưởng ở cục chính trị của Văn Tiến Dũng. Gia đình bà trong Tuần lễ Vàng có hiến 100 lượng vàng. Bà còn tham gia công tác Hội Phụ nữ từ năm 1945 đến 1953. Tôi chưa đến đó lần nào, các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ thường ăn cơm ở nhà bà.

Cụ Nguyễn Văn Trấn, trong hồi ký Viết cho mẹ và Quốc hội cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy nghe theo lệnh của Trung Quốc buộc phải CCRĐ như thế nào, và việc ấy giao cho cụ Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Đảng thi hành. Nhưng đến khi toàn dân đã cất tiếng oán thán “long trời lở đất”, thì ông Hồ Chí Minh mới cho dừng lại. Ông trốn trách nhiệm và đè cụ Tôn ra mà cách chức, điều này nói lên tư cách của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại:
Ác hết sức là cố vấn Trung Quốc hiến cho cái kế “Phóng tay”. Phóng tay! Nói nôm na (theo Nam bộ) là “cứ việc làm thả cửa”. Và họ dẫn lời vàng ngọc nguỵ biện “à la Mao Trạch Đông”: “Kiểu uông tất tu quá chinh”. Có nghĩa là: muốn uốn khúc cây cong, ắt phải kéo nó quá chiều.
Trời ơi Đảng của tôi đã nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật trở lại chết bao nhiêu vạn sanh linh…
Có lần anh chị em Nam bộ đại biểu tôi đến gặp ông già Tôn mà hỏi, tại sao ổng để cho CCRĐ giết người như vậy?
Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, vừa đi và nói: “Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, mầy biểu tao còn dám nói cái gì?”

Cựu đại tá Quân đội Nhân dân trả thẻ Đảng Phạm Quế Dương trả lời phỏng vấn của Việt Tide (số 44 ngày 17-5-2002) về vấn đề CCRĐ như sau:
Cụ Hồ làm nhiệm vụ đấu tranh cho dân tộc ông cũng phải nhờ nước ngoài. Ông về nước cũng phải nhờ bà con nhà giàu. Ông ở nhà thị xã, kêu gọi“ Tuần lễ Vàng” để lấy tiền của bà con. Đáng lẽ, ông phải cảm ơn người ta mà ông lại quay lại đánh người ta. Chuyện đó đáng để lịch sử lên án.

Một nhà trí thức trẻ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn trả lời đài VOA về việc CCRĐ của ông Hồ Chí Minh:
Theo tôi cột mốc rõ nhất cho sự phi dân chủ hóa để trở thành độc tài toàn trị cộng sản của chính thể VNDCCH, một cái tên rất dân chủ, là việc Đảng Lao động Việt Nam phát động CCRĐ, được cụ Hồ gọi là cuộc “cách mạng long trời lở đất”, vào năm 1953. Bao trùm toàn bộ cuộc “cách mạng” này là sự tuỳ tiện của chính phủ cụ Hồ trong việc bắt giữ, hành hạ, bắn giết, tịch thu gia sản đối với hàng trăm nghìn người Việt Nam…
Cụ Hồ cũng đã thể hiện sự tránh né trách nhiệm của người đứng đầu hệ thống chính trị trong vụ CCRĐ khi để đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra xin lỗi nhân dân và chỉ để một số nhân vật cấp dưới chịu kỷ luật.
Tiếp sau sai lầm CCRĐ là vụ án Nhân văn – Giai phẩm, bách hại không biết bao nhiêu nhân tài lỗi lạc của đất nước như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, triết gia Trần Đức Thảo, giáo sư Trương Tửu, học giả Đào Duy Anh…, ngoài ra còn không biết bao nhiêu văn thi sĩ có tài cũng bị trù dập đến mai một như Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan…

Kế thừa truyến thống “Chiêu hiền đãi sĩ”, sau hơn hai tháng tuyên bố độc lập, ngày 14-11-1945, Bác Hồ ra lời kêu gọi “Nhân tài và kiến quốc”. Một năm sau, Bác lại ra chỉ thị “Tìm người tài đức”, một lần nữa Người khẳng định “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài.
Trong chiến dịch CCRĐ ông Hồ đã cho phát động khẩu hiệu sắt máu “Trí, Phú, Địa, Hào: đào tận gốc, trốc tận rễ”. Thành phần trí thức được ưu tiên đưa lên hàng đầu trong những đối tượng mà Đảng Cộng sản cần thanh toán. Học theo gương Bác, ngày nay bao nhiêu nhân tài chỉ vì đưa ý kiến trái ngược với lợi ích của Đảng mà phải vào tù, như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Minh Hoàng… còn những nhà trí thức của Viện IDS cũng phải tự giải thể.

Xét về Hồ Chí Minh thì phải có lâu năm sau này thì xét mới không thiên lệch. Hiện bây giờ thì người ta oán nhiều lắm. Oán ấy là oán Đảng Cộng sản, những người có đầu óc Marxiste hồi ấy. Chuyện đầu hết là: tranh giành, chém giết những người quốc gia. Đấy là một cái họ trách. Cái thứ hai là lúc Cải cách Ruộng đất, gọi là trong nước có người giàu, người nghèo, chênh lệch. Cái thứ ba là: phương pháp của Marxiste, lúc ấy họ chỉ có một chiều, nghĩa là sự thật chỉ có một mà thôi. Không có sự thật thứ hai. Không được nói trái nhau. Nghĩa là họ không lý luận như người thường, cho nên sự oán với sự ghét nhiều lắm.

Sử gia Pháp Pierre Brocheux, người đã bỏ ra hơn nửa thế kỷ nghiên cứu về Hồ Chí Minh, đã đưa ra nhận định như sau trong bài phỏng vấn của đài BBC vào tháng 9 năm 2003:
Theo nghiên cứu của tôi thì cả một giai đoạn trước khi qua đời, ông Hồ bị cách ly khỏi quyền lực, tức là không có quyền gì, ông ấy biến thành một biểu tượng. Vì thế cuốn sách của tôi còn có một tựa đề nữa là “Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng biến thành một biểu tượng”. Ý tôi muốn nói ông bị người ta biến thành một biểu tượng không có quyền, một biểu tượng yếu về quyền lực.

Theo một bài viết của Vũ Kỳ (thư ký riêng của Hồ Chí Minh đăng trên báo Văn nghệ Xuân cách đây vài năm), công lao của Hồ Chí Minh trong cuộc “tổng tấn công và nổi dậy” 1968, vẻn vẹn chỉ có một bài thơ “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua, Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà…” Sau khi ghi âm bài thơ này thì ông được đưa đi… nghỉ. Vũ Kỳ thuật rằng ông Hồ chỉ biết ngày giờ cuộc “tổng tấn công và nổi dậy” nổ ra qua đài phát thanh nghe được ở nơi ông được gửi đi nghỉ là Bắc Kinh.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã bị thất sủng kể từ phong trào “xét lại chống Đảng”. Chính hai ông đã bị “đưa đi nước ngoài ngồi chơi xơi nước” trong khi cuộc tổng tấn công khai diễn. Lúc ấy cả những người thân cận của ông Hồ như cụ bí thư Vũ Đình Huỳnh và người con trai là Vũ Thư Hiên cũng bị cho đi tù.
Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng đã thúc đẩy một kế hoạch đầy nguy cơ về “tổng tấn công” trên phạm vi toàn quốc thông qua một Bộ Chính trị đang lưỡng lự, bất chấp sự phản đối của tướng Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh (“Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975” của Merle L. Pribbenow II do Nguyễn Việt dịch, talawas)
Cụ Nguyễn Văn Trấn, nhà cách mạng lão thành Nam bộ tả cảnh ông Hồ bị thất sủng trong hồi ký Viết cho mẹ và Quốc hội:
“Tao nói cho mầy nghe nha”, Bùi Công Trừng nói tiếp, “về chuyện lão già Hồ Chí Minh. Tao nghe thằng Thọ âm mưu lật đổ ông già, và lấy Nguyễn Chí Thanh thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên nghiên cứu lý luận Mác-Lênin. Chuyện nước giao cho Nguyễn Chí Thanh…”
“Mày coi, coi nó tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn ngàn kính mến của chúng ta bận bộ đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà day mặt ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá quay vô, đưa tay để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc Hà: ‘Bác để cho anh em nói đã mà’. Tao đếm lão Hồ, đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc: ’Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo.’ Và ông nói xuội lơ: ‘Thấy lợi người ta cho tên lửa vô; thấy bất lợi thì người ta rút ra. Có chi mà!’” (trang 328)

Kết thúc bài này, xin mượn lời nhận xét về ông Hồ của hai người, một nhà trí thức trẻ và một nhà cách mạng lão thành:
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: “Khi cầm quyền, cụ Hồ đã để cho chính phủ của cụ tạo ra nhiều tiền lệ cầm quyền độc đoán, nhẫn tâm, phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu, có thể nói, lớn đến mức mà vết hằn sâu của nó đến nay vẫn còn hiện rõ trong cả hệ thống chính quyền hiện thời”.
Nhà nghiên cứu Lữ Phương: “Thời trai trẻ, tôi quý trọng ông Hồ Chí Minh là do ông đã tô đậm cái tình cảm tự nhiên đó trong tôi biết trách nhiệm với đất nước. Nhưng cũng chính vì tình cảm và trách nhiệm ấy mà khi tóc tôi đã bạc rồi, tôi không còn có thể mù quáng tin vào ông nữa.”

© 2010 Đại Nghĩa
© 2010 talawas
.
.
.

No comments: