Wednesday, May 5, 2010

VIỆT NAM GIỮ THẾ THỦ TRƯỚC THÁI ĐỘ THÂN THIỆN CỦA HOA KỲ

Việt Nam giữ thế thủ trước thái độ thân thiện của Hoa Kỳ

The Hanoist

Nguyên Hân lược dịch

05-05-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7406


Mười lăm năm sau ngày quan hệ hai nước được bình thường hóa, mối hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tiến triển từ từ, từng chút một.

Cả hai bên đều muốn chống lại sự xây dựng quân sự và ý định xưa nay muốn thống trị toàn vùng của Trung Quốc – bao gồm vùng biển Nam Hải vốn mang tính chiến lược, nơi một phần tư mậu dịch thế giới đi ngang qua và cũng là nơi mà Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác đang tranh chấp hai dãy gồm nhiều quần đảo mà người ta tin rằng có chứa nhiều khoáng sản.

Trong lúc ý đồ của Hoa Kỳ tương đối rõ ràng -- đẩy sâu mối quan hệ với quân đội Việt Nam và thiết lập những mảng hợp tác – thì phía Hà Nội lại hết sức bối rối, lúng túng như thợ vụng mất kim trước chuyện có nên chăng; và nếu có, thì như thế nào đây để là một đối tác chiến lược với Hoa Thạnh Đốn, một cựu thù của mình trước đây.

Mặt khác, Việt Nam lại thích thú với sự quan tâm ở cấp cao từ phía Hoa Kỳ. Tháng Mười năm 2008, hai nước bắt đầu cuộc họp an ninh hằng năm ở cấp thứ trưởng. Được phía Hoa Kỳ gọi là “hội thảo quân sự -chính trị” (political-military talks), các nhà ngoại giao Việt Nam thì thông báo biến cố này như là một “đối thoại chiến lược”.

Theo một nhà ngoại giao có mặt trong buổi họp này, Đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ ông Lê Công Phụng công bố về cuộc đối thoại này lần đầu tiên trong lúc phát biểu ở một buổi tiệc được tổ chức tại tòa Đại sứ Việt Nam ở Hoa Thạnh Đốn một tháng trước đó, làm một số khách người Mỹ ngạc nhiên.

Nhưng cũng có những mối quan tâm từ phía Việt Nam về mối quan hệ quân sự qúa gần gũi giữa hai nước. Bắt đầu từ năm 2003, chiến hạm Hoa Kỳ đã cập bến Việt Nam để tiến hành một loạt trao đổi quan hệ ngoại giao liên quan đến quân sự. Cùng lúc chào mừng những cuộc viếng thăm mang tính biểu tượng cao của Hải quân Hoa Kỳ, Việt Nam thoạt đầu hạn chế chỉ một chiến hạm viếng thăm Việt Nam trong mỗi năm và bảo đảm hải quân Trung Quốc cũng có quyền viếng thăm Việt Nam như thế.

Ước muốn xoa dịu Trung Quốc phản ảnh trong một loạt chính sách của nhà nước Việt Nam, từ việc những hoạt động với Hoa Kỳ sẽ được trình bày như thế nào trong hệ thống truyền thông do nhà nước kiểm soát, cho đến cái thói quen gởi một phái đoàn cấp cao đi Trung Quốc cùng lúc có bất kỳ cuộc viếng thăm Hoa Kỳ nào của giới chức cấp cao của Việt Nam.

Hôm tháng Ba, một chiếc tàu tiếp vận của Hải quân Hoa Kỳ đã âm thầm vào cảng Vân Phong trong 16 ngày nằm gần cảng Cam Ranh mang tính chiến lược. Cảng Cam Ranh có độ sâu nổi tiếng này khởi thủy được xây bởi Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Việt Nam và sau khi cộng sản chiếm miền Nam, đã trở thành một căn cứ then chốt cho Hạm đội Thái Bình Dương của Liên bang Xô-Viết. Lần ghé này của tàu tiếp vận USNS Richard E. Byrd đã không được chính thức thông báo, nhưng mục đích cho lần ghé này là nhằm sửa chữa và cung cấp hậu cần theo một thỏa thuận toàn diện của hai bên.

Tháng Mười Hai năm 2009, Tướng Phùng Quang Thanh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thứ hai viếng thăm Hoa Thạnh Đốn kể từ khi cuộc chiến chấm dứt. Như thường lệ, phái đoàn cao cấp của Bộ Quốc phòng đi Trung Quốc trước và sau chuyến đi Mỹ của Tướng Thanh. Sự nể vì Bắc Kinh được thấy qua “bạch thư” về chính sách quốc phòng của Hà Nội, khi những tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng phương Bắc được làm nhẹ đi.

Nhìn chung, mối quan hệ ấm áp hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã mang đến nhiều kết qủa thật và hứa hẹn. Việt Nam đã được mời quan sát hải quân Hoa Kỳ diễn tập với các nước đồng minh trong vùng, bao gồm Thái Lan. Đang có thảo luận hợp tác tìm kiếm và cứu cấp ngoài khơi Việt Nam và Hoa Kỳ đang huấn luyện lực lượng bảo an của Việt Nam trong những công tác do Liên Hiệp Quốc chỉ huy.

Sĩ quan Việt Nam cũng đã được mời tham dự trong chương trình Huấn luyện Giáo dục và Quân sự (IMET), là chương trình của Hoa Kỳ nhằm phát triển mối quan hệ với những nhà lãnh đạo quân sự trong tương lai. Mặc dù không có chương trình hợp tác nào trong những chương trình này mang một ý nghĩa đặc biệt hết, nhưng mỗi chương trình này cho thấy sự hợp tác đậm sâu hơn giữa Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn, và làm thuận tiện hơn cho sự có mặt của hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển Nam Hải.

Bạn hay vừa bạn-lẫn-thù?

Mặc dù quan hệ với Hoa Kỳ đã tiến triển trong nhiều lãnh vực khác nhau, mối quan hệ này vẫn có một sự mâu thuẫn sâu sắc ở Hà Nội về việc sẽ tiếp tục như thế nào đây trong tương lai tới. Vấn đề không thuần ở chuyện nhạy cảm đối với cảm nhận của Trung Quốc. Mà chính là rất nhiều nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam sợ hãi cái gọi là “diễn tiến hòa bình,” tên gọi ám chỉ đến những sức mạnh khôn lường thúc đẩy sự cởi mở chính trị mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể kiểm soát được.

Tình trạng hoang tưởng này được biểu lộ qua nhiều cách. Mới hôm đầu tháng, nhà nước Việt Nam từ chối không cấp chiếu khán nhập cảnh cho nữ dân biểu Loretta Sanchez, một thành viên cao cấp của Ủy ban Quân sự Hạ viện và cũng là người bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ. Theo bản thông báo của dân biểu Sanchez, Việt Nam lấy làm lo lắng về khả năng bà sẽ nêu bật những vi phạm nhân quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam được ghi nhận trước đây và hiện đang xảy ra.

Sự hoài nghi đôi khi mang tính riêng tư, cá nhân. Mùa thu năm 2008, Hà Nội không chấp nhận viên tùy viên quân sự của Hoa Kỳ phục vụ ở tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội vì nguồn gốc của người này. Sinh ở Việt Nam, Đại tá Patrick Reardon được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi lúc còn nhỏ. Nhà nước Việt Nam vẫn nghi ngờ những người Việt Nam sống ở nước ngoài, đặc biệt là những người có ảnh hưởng chính trị.

Chứng hoang tưởng khằn trong não trạng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng ảnh hưởng đến quyết định ở cấp cao nhất. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào tháng Mười Hai năm rồi được tường thuật là bị trì hoãn hai lần. Theo một nguồn tin từ Việt Nam, sự trì hoãn này do có ý kiến khác biệt nhau trong bộ chính trị, về mục đích của chuyến đi.

Trong lúc ông bộ trưởng Phùng Quang Thanh được xem như là người thân phương Tây, những người khác trong giới lãnh đạo đảng -- chẳng hạn như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tướng Nguyễn Chí Vịnh -- lại dựa vào Bắc Kinh như một bờ giậu chính trị và lấy làm thận trọng với mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Cái nhìn xung đột nhau được phản ảnh qua câu nói rất phổ biến giờ đang được đồn miệng khắp nước: “Đi (qúa thân) với Trung Quốc, thì mất nước và còn đảng. Đi (qúa thân) với Mỹ, thì còn nước và mất đảng.”

Đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang đối diện. Ai biết được mấy vị sĩ quan cấp úy và tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ học được gì khi họ theo học ở các đại học huấn luyện sĩ quan của quân đội Hoa Kỳ? Mặc dù hiện đang có đà gia tăng sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chắc rằng mối quan hệ này sẽ ba hồi khi nóng khi lạnh trong tương lai tới.


© DCVOnline

Nguồn:
(1) Vietnam's guarded US embrace. Asia Times Online, 24 April 2010
(2) Theo Asia Times Online, tác gỉa The Hanoist chuyên viết về con người và nền chính trị của Việt Nam.

.

.

.

No comments: