Thursday, May 27, 2010

TỤC ĂN ĐẤT Ở MIỀN BẮC VN ĐÃ BIẾN MẤT

Đã biến mất rồi, tục ăn đất ở Việt Nam

Phạm Ngọc Dương

26/05/2010 06:00

http://www.vtc.vn/394-248571/phong-su-kham-pha/da-bien-mat-roi-tuc-an-dat-o-viet-nam.htm

(VTC News) - Các bà, các chị đi chợ, quên mua thứ gì, chứ đất thì nhất định không quên. Đất được bán rẻ như… đất, nên các bà, các chị chỉ mất vài xu là có đủ đất để “gặm nhấm” cả tháng.


Mấy năm trước, báo chí, truyền hình “khui” ra tục ăn đất ở vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc), khiến dư luận xôn xao một thời. Tôi cũng đã nhanh nhảu có mặt trong “đoàn quân” nhà báo “lùng sục” ở vùng Lập Thạch để tìm được người “xơi” đất thay cơm và cũng đã từng “miệng chữ A mắt chữ O” khi tận mắt chứng kiến những người đàn bà, những người đàn ông cầm miếng đất nhai ngon lành. Nói không ngoa, họ ngồi nhai đất sần sật, sồn sột, cứ như thể đang nhai miếng kẹo dồi, chả thấy nhăn mặt, nhăn mũi gì cả.

Bẵng đi mấy năm, kể từ cái ngày ông Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, TS. Nguyễn Văn Việt tổ chức một buổi biểu diễn ăn đất của người Lập Thạch ở Bảo tàng Dân tộc học ngay giữa thủ đô, chuyện ăn đất không thấy còn xôn xao nữa. Người ta coi chuyện ăn đất cũng trở nên bình thường rồi.

Lần này, đi công tác qua vùng Lập Thạch, tôi lại ghé thăm những người ăn đất từng gây xôn xao không những dư luận trong nước mà cả thế giới. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả cái lần đầu tiên chứng kiến họ ăn đất, đó là… chả còn ai ăn đất nữa.

Hỏi về tục ăn đất, ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch, bảo: “Tôi sống ở đây ngót 60 năm rồi và công nhận là người dân ở đây từng ăn ngói (người dân nơi đây gọi ăn đất là ăn ngói) rất nhiều, nhưng đó là chuyện xa xưa rồi nhà báo à. Cách đây chừng 20 năm, vẫn còn thấy rải rác các cụ già ăn ngói. Vài năm trước, thì còn một số cụ ăn thôi. Những cụ này đều đã được báo chí, truyền hình quay phim, chụp ảnh cả. Giờ chả còn cụ nào ăn nữa đâu. Không còn ai ăn ngói nữa”.

Dẫn tôi đi trên những sườn đồi đá sỏi gan trâu, trong cái nóng hầm hập bỏng rát ngày hè, ông Tuấn nhớ về những ngày xa xưa với một chút luyến tiếc. Bản thân ông không biết tục ăn đất có từ khi nào, nhưng 20-30 năm trước, đất ăn được bày bán tràn lan ở chợ, chợ nào cũng có gian hàng bán đất, như bán rau, bán thịt.

Các bà, các chị đi chợ, quên mua thứ gì, chứ đất thì nhất định không quên. Đất được bán rẻ như… đất, nên các bà, các chị chỉ mất vài xu là có đủ đất để “gặm nhấm” cả tháng.

Không chỉ cùng Lập Thạch, mà nhiều vùng xung quanh như Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hoặc Lâm Thao, Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ, người dân cũng ăn đất, cũng bày bán đất trên mẹt, trên nia, trong rổ như bán kẹo, bánh rán ở chợ. Thậm chí, chị em ở mãi Tuyên Quang, Hà Giang cũng mua đất ở Lập Thạch về ăn.

Đất ăn được ở đây không phải là thứ đất thông thường ngoài vườn, ngoài ruộng mà chúng ta thường thấy. Để lấy được loại đất ăn này, người dân nơi đây phải đào những cái hầm sâu xuống lòng đất 4-5m, thậm chí hàng chục mét. Dưới lòng đất sâu ở vùng Lập Thạch, có những vỉa đất màu trắng, tinh khiết, như những cục phấn, như ruột củ sắn.

Khi đào xuống độ sâu nhất định, gặp nước, hoặc hết lớp đất ăn được, người ta lại đào xuyên ngang, thành những đường hầm trong lòng đất, chẳng khác gì đào vàng. Có người nói vui, bao nhiêu thế kỷ qua, người dân vùng này đã “xơi” rỗng mấy quả đồi!


Ông Nguyễn Công Tuấn đã trực tiếp xuống hầm moi lên một cục đất to tướng, nặng cả chục ký, nhờ một giáo sư ở Trường Đại học Nông nghiệp I, chuyên ngành thổ nhưỡng, tìm hiểu xem trong loại đất mà ông bà cha mẹ và cả vùng Lập Thạch ăn, có thứ chất gì mà họ nghiện như vậy. Vị giáo sư này sau khi phân tích thành phần đã bảo với ông Tuấn rằng, trong cục đất ấy chứa nhiều canxi. Ngoài ra, không có chất gì đặc biệt với cơ thể người.

Cũng có lẽ vì loại đất này nhiều canxi, nên được các bà bầu yêu thích. Những người mang thai thường thiếu canxi, thiếu sắt, nên họ ăn để bổ sung vi chất cho cơ thể. Chỉ có điều, ăn quen miệng rồi bị nghiện, nên đẻ xong vẫn ăn đất, già rồi vẫn bỏm bẻm nhai đất thay trầu. Ông Tuấn kể vui, có bà hàng xóm với ông, bị chồng cấm ăn đất, liền giấu đất vào khắp nơi, từ tủ quần áo đến gác bếp, bồ chứa thóc. Chồng phát hiện vứt đi, vẫn còn ở nhiều chỗ khác, phòng khi cơn thèm đến có thứ mà ăn. Chỉ đến khi 100 tuổi, răng rụng không còn cái nào, cụ mới cai được đất. Cai được món đất không lâu, thì cụ cũng “về” với đất.

Ông Tuấn đào cho tôi xem những miếng đất ăn được, nhìn qua, tôi thấy nó giống những vỉa cao lanh ở vùng Thanh Sơn, Yên Lập mà hàng chục doanh nghiệp đang khai thác ngày đêm để xuất sang Trung Quốc và bán cho các làng nghề nung gốm. Nhiều lần đi qua làng nghề Bát Tràng, tôi cũng thấy thứ đất này được đổ cả đống, to như quả đồi. Người Bát Tràng dùng cao lanh nung gốm để màu men bền và đẹp.


Ấy vậy mà, thứ đất ấy, được người dân vùng Lập Thạch đào lên, đem về phơi khô, cạo sạch những vệt đen, dính sạn, lấy phần trắng nõn trắng nà đem nướng lên ăn. Thực tế, có thể xơi ngay được miếng đất khi moi từ lòng đất lên, nhưng cái việc ăn đất ở xứ này đã được nâng lên thành “nghệ thuật thưởng thức”, thành một thứ đặc sản rồi, nên được chế biến khá cầu kỳ.

Khi đã có được những cục đất trắng nõn nường, người ta lên rừng hái lá sim, bẻ cành tế, ra vườn hái lá ổi làm nguyên liệu. Lá sim, lá ổi được rải dưới mặt rổ, đất xếp lên, rồi lại phủ một lớp lá ổi, lá sim nữa. Cành tế khó cháy, cho nhiều khói. Khói đượm vào lá ổi, lá sim, rồi thấm vào đất. Lạ ở chỗ, nướng đất không cần lửa, chỉ cần ám khói là ăn được. Theo các bà đẻ, cái mùi vị ám khói của đất, khiến đất trở nên bùi, ngậy, cứ bở lại bùi như hạt mít, cứ ngậy như miếng gan lợn nướng săn, càng ăn càng ngon, càng ăn càng nghiện, ăn mãi không no, nhai mãi không chán.

Nhiều người suy diễn rằng, tục ăn đất xuất hiện ở vùng Lập Thạch, tức là vùng đất cổ, nên tục ăn đất có thể có từ thời Hùng Vương. Thậm chí, có nhà khoa học còn dẫn chứng: Trong sách “Lĩnh nam chích quái” chép về tục lệ thời Hùng Vương dựng nước rằng “việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”, nên vì lẽ đó, có thể tục ăn đất có từ thời Hùng Vương và còn lưu giữ quanh vùng đất tổ đến ngày nay. Tuy nhiên, chả có gì chứng minh cho luận điểm này cả. Dù trong hôn nhân có lấy gói đất làm đầu, cũng không có nghĩa là phải ăn đất. Tục ăn đất có từ khi nào, vẫn là vấn đề huyền bí. Chỉ tiếc rằng, chúng ta chưa khám phá được gì nhiều về tục lệ này, thì nó đã biến mất rồi.

Tin nên đọc:

» Gặp cụ bà 110 năm ăn "mầm đá"
» Sửng sốt và hấp dẫn chuyện ăn "mầm đá" tại Phú Thọ
» Những món ăn "kinh hồn bạt vía"


Còn tiếp…

.

.

.

No comments: