Tự do báo chí ở vùng Đông Á
Shirong Chen
Phân tích gia của BBC
Cập nhật: 10:51 GMT - thứ ba, 4 tháng 5, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/05/100504_press_freedom.shtml
Hàng năm, các nhóm vận động nhân quyền liên tục công bố các báo cáo về tình trạng tự do báo chí trên toàn thế giới.
Và không năm nào có sự khác biệt khi họ nhắc đến vùng Đông Á, nơi các quốc gia như Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam thường thấy tên mình trong danh sách "chế độ đe dọa tự do báo chí".
Đó là chưa kể tới Bắc Hàn, Lào và ở một chừng mực nào đó thì cả Singapore.
Năm nay, cả ba tổ chức Freedom House, Human Rights Watch, và Phóng viên không Biên giới (RSF) một lần nữa lên án các hành vi trấn áp tại các nước nói trên qua đánh giá về tình trạng tồi tệ đi của tự do báo chí nói chung trên thế giới.
Chỉ trong năm qua, có 110 nhà báo bị giết, và nhiều người bị hành hạ, đuổi việc hoặc buộc phải bỏ việc. Hình ảnh của lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong-il được dùng trong một quảng cáo của RSF như "kẻ thù của tự do báo chí" ở quốc gia đóng kín này.
Cùng lúc, cuộc đấu tranh cũng đang xảy ra tại những nước nói trên, nơi truyền thông ngoài luồng tìm cách phá vỡ thế kiểm soát của nhà nước, và các công dân mạng ngày một nhiều muốn buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm trước công luận.
.
Ổn định trên hết
Tại Trung Quốc, nhân danh "xã hội hài hòa", chính quyền áp đặt thêm nữa các hạn chế đối với cả báo chí truyền thống và báo chí mạng để bịt đi những lời phản kháng.
Nhà nước kiểm soát mạng Internet ngày một chặt, thể hiện qua vụ tập đoàn Google của Mỹ quyết định chuyển các hoạt động trình duyệt cho người dùng Trung Quốc sang Hong Kong.
Nhưng cùng lúc, sự bùng nổ truyền thông tại Trung Quốc khiến việc ngăn chặn các tiếng nói đòi quyền chính trị từ dân chúng trở nên không thể nào làm nổi.
Đôi khi, "tin không chính thức" lan ra trong không gian mạng nhanh như cháy rừng. Trong một vụ việc gần đây, một quan chức tỉnh ở miền Đông Trung Quốc bị mất chức vì dân mạng lưu truyền ảnh ông ta đeo một chiếc đồng hồ thể thao to và hút thuốc lá đắt tiền.
Vụ việc làm rung chuyển hàng ngũ cán bộ Trung Quốc.
Trong năm qua, chính quyền cũng đổ rất nhiều tiền vào việc khuyếch trương truyền thông nhà nước ra ngoài biên giới, như để cả đài truyền hình trung ương (CCTV) và Tân Hoa Xã mở các kênh vệ tinh.
Tại Miến Điện, chế độ diệt trừ chỉ trích nhằm tạo tính chính danh cho quyền lực.
Zarganar, cây hài nổi tiếng nhất nước, hiện đang chịu án 35 năm tù giam vì phê phán cách chính phủ xử lý vụ bão Nargis năm 2008.
Nhưng kể cả ở nước này, báo chí mạng cũng khoanh lại giới hạn của kiểm duyệt và sự kiểm soát chính thống. Các mạng xã hội trao phương tiện cho báo chí công dân để rồi thế giới có được thông tin về Miến Điện và các đe dọa hàng ngày mà blogger và nhà báo tự do phải chịu đựng.
Tại Việt Nam, trong những năm qua có một số nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt, hoặc bỏ tù.
Dù đất nước vẫn đang mở cửa về kinh tế, và chính quyền tìm cách trình ra bên ngoài hình ảnh về tự do, công dân Việt Nam vẫn không được quyền hưởng tự do báo chí.
Tại đây, cũng giống như ở Trung Quốc, chính quyền đôi khi tìm cách lợi dụng ảnh hưởng của Internet để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc được nhà nước kiểm soát (state-controlled nationalism).
Còn ở Indonesia, luật về tự do thông tin mới thông qua sẽ thử thách chính quyền xem họ được chuẩn bị tới mức độ nào để cho phép đất nước có tự do báo chí.
Tại quốc gia vẫn còn trong quá trình chuyển đổi sang dân chủ, chủ đề "quyền lực đối diện với tự do báo chí" chưa bao giờ mất đi tính thời sự.
Cạnh đó, sự lan truyền của Internet cũng khiến chính trị phải thay đổi. Các cuộc phản đối từ dưới lên cũng có thể giúp cho người vô tội ra khỏi nhà tù, giống như chuyện đã xảy ra ở Trung Quốc.
Tất nhiên, các nhà chính trị và lãnh đạo tôn giáo có lo ngại về quyền lực của dân chúng mà cuộc cách mạng công nghệ thông tin đem lại.
Họ đưa ra các quy định mới và tạo ra các luật chơi mới để ngăn chặn trào lưu này. Ý tưởng chung là không muốn "tự do như Mỹ" nhưng cũng không muốn "kiểm soát chặt như Trung Quốc".
Trong cả bốn nước nêu trên, điều được ghi nhận là truyền thông mạng đã và đang đóng vai trò lớn để thúc đẩy tự do. Nhưng chỉ thế thôi thì cũng sẽ không đạt được mục tiêu tạo ra nền truyền thông hết bị "lọc".
Tháng này, UNESCO mở cuộc thảo luận: "Bình luận chính trị trên mạng không theo quy định có giúp cho quá trình dân chủ?"
Tự do báo chí thường được cho là tồn tại song hành với nền dân chủ. Nếu thế, tự do báo chí ở vùng Đông Á sẽ còn khó hiện diện.
.
Bài của biên tập viên chuyên về Trung Quốc, ông Shirong Chen (Trần Thời Vinh) viết cho BBC World Service để đánh dấu ngày Tự do Báo chí Quốc tế 3/05/2010.
.
.
.
No comments:
Post a Comment