Saturday, May 1, 2010

THỰC TRẠNG VIỆT NAM QUA NHẬN XÉT CỦA CÁC NHÀ DÂN CHỦ

Thực trạng Việt Nam qua nhận xét của các nhà dân chủ

Thanh Quang, phóng viên RFA

2010-04-30

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Real-situation-of-vn-society-in-pro-democracy-activists-eyes-ThQuang-04302010215017.html

Đã 35 năm kể từ khi đất nước Việt Nam thống nhất dưới sự cai trị của chính quyền công sản, xã hội Việt Nam diễn tiến ra sao qua cái nhìn của những nhà đấu tranh cho nhân quyền dân chủ?

Kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975, sau khi Sài Gòn thất thủ, nhà cầm quyền CS Việt Nam kiểm soát toàn cõi đất nước và từng bước củng cố đối nội cũng như ra sức gia tăng vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Sau 35 năm kể từ biến cố 30 tháng Tư ấy, mặc dù giới cầm quyền Việt Nam bày tỏ lạc quan là đang đưa đất nước, dân tộc tới chỗ tự do, hạnh phúc, không những tạo điều kiện cho kinh tế tiếp tục tăng trưởng vượt bậc mà còn bảo đảm mọi quyền tự do căn bản, kể cả nhân quyền, cho người dân. Câu hỏi được nêu lên là sau hơn 3 thập niên ấy, thực trạng xã hội Việt Nam hiện ra sao?

.

Sẵn sàng quên dân?

Thanh Quang: Một trong những nhà dân chủ và nghiên cứu sâu sắc trong nước, giáo sư Nguyễn Thanh Giang, có cái nhìn tổng quát về thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay mà không khỏi thấy buồn cho dân tộc, đất nước và cả thân phận của mình.

GS Nguyễn Thanh Giang: Hồi thời trẻ, tôi rất tha thiết muốn gia nhập đảng CSVN, vì tôi coi đảng CSVN, những bậc tiền bối của đảng CSVN là những người có tấm lòng yêu nước, sẵn sàng lên máy chém, sẵn sàng xả thân vào cuộc cách mạng cam go đầy gian khổ để không những đánh đuổi ngoại xâm mà còn xóa bỏ áp bức, bất công. Nhưng thực tế khiến không chỉ tôi mà còn đại đa số người Việt Nam, trong đó có cả đa số đảng viên, đều thấy rằng họ bị lừa, bị nhầm lẫn giữa lý tưởng ban đầu với thực trạng bây giờ; giữa tư cách của những chiến sĩ cách mạng CS chân chính với những người mang danh cộng sản bây giờ chỉ biết úp mặt vào cái ghế của họ, úp mặt vào quyền lợi của họ.

Họ sẵn sàng quên nhân dân, thậm chí xem nhân dân vốn bị nhiều thiệt thòi nên đấu tranh cho quyền lợi của mình trở thành kẻ thù của họ. Và họ sẵn sàng đàn áp nhân dân. Đó là những việc cực kỳ đau lòng mà đôi khi nghĩ về số phận của dân tộc, chúng tôi không thể nào không tràn nước mắt để thương xót cho một dân tộc rất quả cảm, thông minh và có đầy đủ mọi điều kiện sống sung sướng, có thể trở thành một nước tiên tiến ngang với các nước tiên tiến trên thế giới, hay ít nhất cũng hơn hẳn các nước Đông Nam Á. Nhưng thực tế thì Việt Nam bây giờ còn tụt hậu so với các nước Đông Nam Á.

Thanh Quang: Một người có tâm huyết với vận nước và dân tộc, không ngại đấu tranh liên tục, dù tù tội, cho nhân quyền, dân chủ Việt Nam là BS Nguyễn Đan Quế. Nhân thời điểm đánh dấu biến cố 30 tháng Tư năm 1975, BS Nguyễn Đan Quế nhận xét tổng quát về thực trạng Việt Nam:

Nguyễn Đan Quế: Liền sau “Tháng Tư Đen” năm 1975, cộng sản chỉ mới thống nhất được đất nước về phương diện địa lý. Còn về phương diện xã hội, thì nỗi bất mãn của quần chúng tăng thêm, nhân thêm, nói một cách tổng quát như vậy.

Thanh Quang: Theo GS Trần Khuế, một nhà nghiên cứu Hán Nôm và luôn ưu tư về vận nước, dân tộc, thì kể từ năm 1975 tới nay, VN xem chừng như tiếp tục rơi vào những cuộc khủng hoảng khó có thể khắc phục được. Nguyên nhân vì sao? GS Trần Khuê giải thích như sau:

GS Trần Khuê: Từ 75 tới nay thì tôi thấy đất nước rơi vào những cuộc khủng hoảng lớn. Và từ đó tới nay vẫn tiếp tục khắc phục khủng hoảng. Nhưng tại vì giới cầm quyền không giải quyết những vấn đề cơ bản cho nên khắc phục rất chậm trễ. Theo tôi thì một trong những nguyên nhân chủ yếu, gốc của mọi vấn đề, là quyền lực ở Việt Nam không được giám sát, không được chế tài. Do đó mà sinh ra nhiều tệ nạn là lạm dụng quyền lực, lộng quyền, từ đó sinh ra tham nhũng cùng nhiều tệ nạn xã hội khác. Nhưng họ chưa tìm ra được một cơ chế thích hợp để thoát khỏi khủng hoảng.

.

Bất công đầy dẫy

Thanh Quang: Nhắc đến xã hội, theo GS Nguyễn Thanh Giang, đó là một sự xáo trộn về đạo lý, tình trạng bất tín phổ biến và bất công thì đầy dẫy:

GS Nguyễn Thanh Giang: Ra ngoài xã hội, nhân viên không tin thủ trưởng. Ngay cả những người lãnh đạo cao nhất, thời cụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi đến thời ông Phan Văn Khải, thời ông Nguyễn Tấn Dũng cũng nói rằng trên bảo dưới không nghe. Đấy là một sự băng hoại về đạo lý, không còn ai tin vào ai cả. Vì điều đó người ta nói rằng “Thượng bất chính thì hạ tác loạn”. Trên, các ông không tin dân thì ở dưới, dân cũng không tin các ông. Và bản thân các ông nói không đúng, nói một đàng làm một nẻo. Làm tư bản thì nói là làm xã hội chủ nghĩa. Rồi nói xóa bỏ áp bức bất công thì áp bức bất công đầy dẫy ra đấy. Nói là phải sống theo pháp luật thì các ông đạp lên pháp luật.

Thanh Quang: GS Nguyễn Thanh Giang nhân tiện cũng nhắc tới một lãnh vực quan trọng được coi là rường cột xã hội nhưng không được quan tâm, phát triển đúng mức và đúng cách, đó là lãnh vực giáo dục:

GS Nguyễn Thanh Giang: Môi trường giáo dục của xã hội Việt Nam bây giờ so với các nước tiên tiến, nó kém ở trình độ giáo dục, kém ở giáo dục con người, kém về cả truyền bá kiến thức, về tư duy, về xây dựng con người. Nhưng không phải chỉ kém so với các nước tiên tiến bây giờ đâu, mà còn so ngay với bản thân của Việt Nam hồi thời Pháp thuộc, thì nền giáo dục Việt Nam bây giờ cũng kém rất xa. Thậm chí kém so với thời phong kiến, vì thời các cụ lúc đó, học vấn đâu ra đấy, có nhân nghĩa lễ trí tín. Còn bây giờ không có ai tin ai. Trong nhà trường học trò không tin thầy.

Thanh Quang: Đề cập tới giáo dục, BS Nguyễn Đan Quế có nhận xét như sau:

BS Nguyễn Đan Quế: Về giáo dục, đặc biệt là về đạo đức đã xuống dốc rất nhanh. Nền giáo dục dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin đã đào tạo nhiều thế hệ một cách sai lầm, đạo đức băng hoại. Giáo dục trung học rồi đại học dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin thì hoàn toàn hỏng và phải thay đổi hẳn. Phải nói thế này, sau năm 1995 khi mà Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Việt Nam, thì Hoa Kỳ cùng các nước Phương Tây đã giúp Việt Nam rất nhiều trên phương diện kinh tế, giáo dục. Nhưng thành phần quản lý nền giáo dục Việt Nam rất kém và không muốn thay đổi. Thành ra nền giáo dục Việt Nam bây giờ đang ở giai đoạn mà theo tôi rất là nguy hiểm, phải nói là lâm nguy, đòi hỏi Hà Nội phải có quyết định thay đổi hẳn nền giáo dục này. Nếu không nó sẽ đưa đến tình trạng càng ngày càng băng hoại nữa đối với giới trẻ Việt Nam. Và nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển bền vững được vì nền giáo dục này.

Thanh Quang: Nhắc đến kinh tế, GS Trần Khuê lưu ý rằng Việt Nam đang theo đuổi kinh tế tư bản chủ nghĩa trong khi chưa có được luật pháp rõ ràng khiến dẫn tới nhiều điều tiêu cực. Vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên trong chiều hướng nguy hiểm cũng là nỗi ưu tư sâu đậm của GS Trần Khuê:

GS Trần Khuê: Tình hình chung của Việt Nam cũng như của Trung Quốc là càng xây dựng kinh tế gọi là đổi mới, mà thực chất là kinh tế tư bản chủ nghĩa, nếu không có luật pháp rõ ràng, sẽ dẫn tới sự móc ngoặc rất lớn giữa giới kinh doanh, đặc biệt là những người kinh doanh gian lận móc ngoặc với chính quyền, làm trì trệ đáng sợ. Riêng ở Việt Nam, còn có vấn đề đáng chú ý, đó là, ngoài hố ngăn cách giàu nghèo rộng quá, còn có chuyện khai thác kiệt quệ tài nguyên đất nước, như là vấn đề than, bô-xít, rừng đầu nguồn. Đó là những vấn đề mà hiện nay dư luận rất lo lắng.

Thanh Quang: Theo nhận định của BS Nguyễn Đan Quế, thì nền kinh tế Việt Nam hiện có phát triển so với mấy thập niên qua, nhưng đó là một sự phát triển có tính cách nhất thời, thiếu bền vững, dựa trên nguồn trợ giúyp từ bên ngoài và dựa trên sự bóc lột sức lao động của nông dân, công nhân:

BS Nguyễn Đan Quế: Kinh tế Việt Nam quả có phát triển do mở cửa, do Việt Nam được gia nhập WTO. Điều đó đúng. Với nguồn vốn ODA, những nguồn viện trợ khác, thì quả thật nền kinh tế Việt Nam có phát triển, chỉ có dựa trên chỉ số tổng sản lượng quốc dân. Nhưng lực lượng lao động không có chất lượng, không được đào tạo có bài bản. Rồi nông dân cũng không được đào tạo gì cả. Nghĩa là hàm lượng chất xám trong đào tạo không có bao nhiều, không thể cạnh tranh trên trường quốc tế được. Hiện bây giờ hố ngăn cách giàu nghèo ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Thành thị và nông thôn nữa cũng cách biệt rất xa.

Còn nền kinh tế Việt Nam bây giờ chủ yếu là dựa trên việc lấy tài nguyên quốc gia đem bán, lấy sức lao động của công nhân hoặc lợi dụng sức lao động của nông dân trong khi nhà nước đứng làm trung gian thu mua, mang sản phẩm đi bán. Nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn không có tính cách bền vững, không lo đầu tư gì vào người nông dân hay công nhân để cho họ tiến lên, làm ra những sản phẩm khá hơn, có khả năng cạnh tranh trên thế giới. Do đó, nền kinh tế VN bây giờ có tính cách thu mua, có tính cách lợi dụng, có tính cách bóc lột người nông dân và có tính cách nhất thời. Nó hoàn toàn không bền vững.

.

Vi phạm nhân quyền

Thanh Quang: Có lẽ một lãnh vực của Việt Nam tiếp tục được công luận trong và ngoài nước đặc biệt chú trọng và bày tỏ quan ngại nhiều nhất là vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền – lãnh vực mà giới cầm quyền Việt Nam luôn khẳng định là không hề vi phạm. Về vấn đề này, GS Trần Khuê nhận xét như sau:

GS Trần Khuê: Tôi thấy về vấn đề tự do tôn giáo cũng như dân chủ, nhân quyền nó có nhiều vấn đề. Mà trong lãnh vực này thì tôi thấy giữa chính quyền Hà Nội và giới tôn giáo có cách xử sự với nhau, có lúc đúng nhưng cũng có lúc chưa đẹp, chưa khéo khiến sinh nhiều lủng củng. Còn về dân chủ thì rõ ràng là rất chậm chạp. Tôi lấy thí dụ năm họp Đại hội 7 thì mới đưa được vào điều gọi là “Xây dựng một xã hội công bằng, văn minh”. Chúng tôi phản đối. Sau đó, tới Đại hội 9, họ mới đưa được vào là “Xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Chúng tôi lại tiếp tục phản đối rằng tại sao lại đưa “dân chủ” vào giữa, vì nếu không có dân chủ thì làm sao có công bằng, văn minh được ? Thì tới Đại hội 11 tới này, người ta mới chuyển dịch được chữ dân chủ lên trên, tức là “xây dựng mà xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Như thế là phải mất 20 năm mới đưa được chữ “dân chủ” vào. Và 10 năm mới nhích được chữ “dân chủ” lên trên chữ “công bằng”. Tức là chỉ có 2 cm ở trên văn bản thôi mà phải mất 10 năm. Đấy là những việc rất khó khăn, chứng tỏ rằng người tat hay đổi tư duy, thay đổi não trạng rất chậm chạp. Nhưng hiện nay từ văn bản đến thực hiện còn bao lâu nữa, thì đây là sự đấu tranh của nhân dân và sức ép của quốc tế.

Thanh Quang: GS Nguyễn Thanh Giang thì nêu lên những thí dụ cụ thể hơn để minh chứng cho việc giới cầm quyền VN tiếp tục vi phạm quyền tự do, dân chủ, bày tỏ cảm tưởng, kể cả lòng ái quốc của người dân:

GS Nguyễn Thanh Giang: Những trường hợp rất rõ ràng là không phải các anh em trẻ chưa có thành tích gì thì các ông sẵn sàng trùm chăn và đập chết ngay, mà những người như chúng tôi từng rất gian nan đi với cuộc cách mạng này suốt hơn nửa thế kỷ, bây giờ mấy ông có kể gì pháp luật đâu, có kể gì đạo lý đâu. Các ổng rất dã man khi đối xử với một người không có tội như là tội nhân thì chính các ông là tội phạm. Tôi phải nói là họ đối xử tệ với tôi, nhưng chưa đến nỗi quá tệ bằng nhiều anh em khác. Những anh em ấy chỉ có treo khẩu hiệu. Mà khẩu hiệu gì ? Họ treo khẩu hiệu là đòi “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, treo khẩu hiệu “ Tham nhũng là hút máu dân”. Họ chỉ làm mỗi việc đó thôi thì bị tống vào tù hàng 3-4 năm, 6-7 năm. Hay là như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy thì đâu đến nỗi để họ bày ra cái chuyện là cho người vào gây sự rồi đánh chồng người ta. Rồi đối với người phụ nữ chân yếu tay mềm như thế cũng bị đánh. Cuối cùng những thằng côn đồ kia không bị gì. Mà họ đem một nhà văn nữ ra bỏ tù suốt 3-4 năm trời như vậy thì còn đạo lý nào? Đối xứ với một con người như vậy thì còn gì là đạo lý, còn gì là pháp luật?

Thanh Quang: BS Nguyễn Đan Quế nhận xét về diễn biến liên quan tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở VN, và bày tỏ quyết tâm của những nhà dân chủ như sau:

BS Nguyễn Đan Quế: Hiện bây giờ, trong cũng như ngoài nước, dư luận thế giới chú ý đến tự do thông tin, tự do Internet, tự do phát biểu. Điều đó đúng. Và chúng tôi, những người trực tiếp đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ cũng thấy đó là hàng đầu. Mặt trận Internet hiện bây giờ, nhà cầm quyền cũng muốn kiểm soát. Và anh em đấu tranh cho dân chủ cũng muốn dùng nó để phát biểu. Đây là mặt trận giữa một bên có quyền hành, uy quyền, một bên có số đông; một bên độc tài còn một bên có chính nghĩa. Mặt trận này, theo tôi, phải bằng mọi giá, những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam, những người tự do thông tin, những người chủ trương tự do Internet trên toàn cầu phải nên ủng hộ chúng tôi để, tại mặt trận cực kỳ gian khổ này, những anh em đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam phải thắng. Có thắng trên mặt trận này thì mới đẩy dân chủ hóa Việt Nam tiếp tục đi lên được. Bằng mọi giá chúng tôi phải thắng mặt trận này.

Thanh Quang: Vừa rồi là nhận định của BS Nguyễn Đan Quế, cùng với 2 nhà dân chủ lão thành trong nước là GS Nguyễn Thanh Giang và Giáo Sư Trần Khuê, về thực trạng xã hội VN sau hơn 3 thập niên kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975.

Thanh Quang tường thuật từ Bangkok, Thái Lan.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved

.

.

.

No comments: