Tuesday, May 25, 2010

NELSON MANDELA - HÀNH TRÌNH CỨU MỘT DÂN TỘC

Nelson Mandela - hành trình cứu một dân tộc

Đỗ Hùng

20/02/2010 23:17

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201008/20100220231726.aspx

"Khi tôi bước chân ra khỏi ngục tù, sứ mệnh của tôi là giải phóng cả người bị áp bức lẫn người áp bức. Một số người nói sứ mệnh đó đã hoàn thành. Nhưng tôi biết là không phải. Sự thật là chúng ta chưa có tự do; chúng ta mới chỉ đơn thuần đạt được quyền tự do lựa chọn cuộc sống tự do, và quyền không bị áp bức. Chúng ta chưa bước những bước cuối của chặng đường, mà mới chỉ là bước đầu tiên trên một chặng đường dài và khó khăn. Để được tự do, không đơn giản chỉ là tháo bỏ xiềng xích của một con người, mà phải biết sống theo cách mà tôn trọng và tăng cường sự tự do của người khác. Thử thách thực sự đối với niềm tin vào tự do của chúng ta mới chỉ bắt đầu.

Tôi đã bước trên con đường dài tới tự do. Tôi đã cố không dao động; tôi đã bước những bước nhầm hướng trên con đường đó. Nhưng tôi đã khám phá một bí mật, rằng sau khi vượt qua một ngọn núi dốc, chúng ta lại thấy có nhiều ngọn núi khác cao hơn cần vượt qua. Tôi đã dành một giây phút để nghỉ ngơi ở đây, để trộm ngắm khung cảnh vinh quang xung quanh mình, để nhìn lại quãng đường mình đã đi qua. Nhưng tôi chỉ dừng trong giây lát, bởi tự do đi kèm với trách nhiệm, và tôi không dám nấn ná, khi con đường dài tôi đi vẫn chưa tới đích."

Nelson Mandela

-----------------------

Khi Nelson Mandela bước qua cánh cổng nhà tù Victor Verster cũng là lúc đất nước Nam Phi bắt đầu một cuộc đổi thay kỳ vĩ.

Những ngày giữa tháng 2 này, đất nước Nam Phi và nhiều nơi trên thế giới đã long trọng kỷ niệm ngày Nelson Mandela được trả tự do. Nhiều năm đã trôi qua nhưng cái ngày người anh hùng dân tộc của Nam Phi bước ra khỏi chốn lao tù vẫn được người ta nhớ tới bởi tính chất lịch sử của nó.

Ngày đó, sau 27 năm sống trong ngục tù, Mandela đã được trả tự do. Và ngay sau phút giây đầu tiên được ngắm nhìn bầu trời bao la ấy, Mandela bắt tay vào công cuộc xây dựng tự do, hàn gắn những chia cắt trong lòng dân tộc.

.

Buổi chiều ở Kaarl

Cái nắng nóng 40 độ C ở Kaarl hôm đó đã không cản bước được những con người yêu tự do kéo đến vây quanh khu trại giam Victor Verster, mà ngày nay đã được đổi tên thành Trung tâm Cải tạo Drakenstein. Trước đó không lâu, vị tổng thống da trắng Frederik de Klerk thông báo sẽ trả tự do cho Nelson Mandela, người đã ngồi tù suốt 27 năm vì tội “lên kế hoạch phá hoại nhà nước”. Người dân Nam Phi từ khắp nơi đổ về quanh khu trại giam để chào đón người anh hùng của họ, người đã bước vào nhà tù với một phong thái hiên ngang từ nhiều năm trước.

Trong đám đông đổ về khu Victor Verster, có những người chào đời sau khi Mandela vào tù, có những người đã quên hẳn ngoại hình của Mandela, do việc sử dụng hình ảnh của ông bị cấm dưới thời Apartheid. Nhưng tất cả đều đến đây, đơn giản ông là niềm tự hào, niềm hy vọng, là tương lai của họ, của đất nước Nam Phi bị chia rẽ sâu sắc này.

Cũng trong đám đông đó, có những người chờ đợi giây phút Mandela được trả tự do với một tâm trạng lo âu, thậm chí hoảng sợ.

“Ai cũng muốn biết người đàn ông này sẽ làm gì một khi được tự do. Có người nói rằng chiến tranh sẽ nổ ra, có người lo sợ dân da trắng sẽ bị đuổi khỏi đất nước Nam Phi…”, Kevan Heesom, hồi đó là một cậu bé trong một gia đình người Anh, bồi hồi kể lại trên chuyên trang kỷ niệm 20 năm ngày tự do của Mandela. Nỗi lo lắng của những người như Heesom là có thể hiểu được. Mandela từng là một nhà đấu tranh bất bạo động. Nhưng rồi, ông và các đồng chí của mình đã sử dụng vũ lực để chống lại chế độ Apartheid vốn áp đặt một chính sách kỳ thị hà khắc lên người da đen. Mandela đã bị người da trắng đại diện cho chế độ Apartheid bỏ tù. Giờ đây, khi được trả tự do, có thể ông sẽ báo thù. Cái lối tư duy này thậm chí đã đẩy không ít người vào quyết định rời khỏi Nam Phi. “Tôi đã tự nhủ rằng mình phải rời khỏi nơi đây vì đất nước này sắp rơi xuống vũng lầy rồi”, Charles Brown, giờ đã là một công dân Úc, kể lại trên BBC.

Và rồi, giây phút mà người ta chờ đợi đã đến. Đó là vào lúc 16 giờ 14 ngày 11.2.1990. Từ sau cánh cổng nhà tù Victor Verster, Nelson Mandela bước ra. Ông giơ nắm tay đầy cương quyết, rồi vẫy chào đám đông với một nụ cười rạng rỡ. Những người chào đón ông có thể đọc thấy tất cả các thông điệp mà họ chờ đợi trong nụ cười ấy. Nụ cười không chứa đựng hận thù. Nụ cười của cuộc đấu tranh vì tự do vẫn tiếp diễn. Nụ cười của niềm tin mãnh liệt vào một tương lai, nơi mà dân tộc Nam Phi hòa chung một khối, bỏ quá khứ Apartheid đen tối lại phía sau. Đám đông cuộn chảy hét vang: “Madiba muôn năm!”, “Madiba vĩ đại!”. Madiba là tên gọi tôn vinh Mandela.

Sau những bước chân tự do đầu tiên, người anh hùng Mandela đã du hành về thành phố Cape Town cách đó chừng 60 km. Ngay trong buổi tối 11.2 đó, cựu tù nhân Mandela đã đứng trước biển người, nói những lời cương quyết:

“Cuộc đấu tranh của chúng ta đã bước vào khoảnh khắc quyết định. Hành trình đến với tự do của chúng ta là không thể đảo ngược. Đây là lúc cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt trận. Cho phép mình ngơi nghỉ lúc này là một sai lầm mà các thế hệ tương lai sẽ không thể nào tha thứ cho chúng ta”.

Và ông đã cùng nhân dân tiếp tục cuộc đấu tranh, nhưng không phải bằng con đường bạo lực đẫm máu, để đưa đất nước tươi đẹp này thoát khỏi đêm trường Apartheid.

.

Từ ngục tù đến tự do

Để có được ngày tự do ấy, Nelson Mandela đã trải qua những tháng ngày dài đằng đẵng trong chốn lao tù. Đó là 27 năm, thời gian đủ để một người chào đời sống cho tới lúc trưởng thành. Quãng thời gian trong tù ấy thực sự là một đêm trường, nhưng cũng từ đêm đen ấy, một ngày mới tươi sáng đã đến với dân tộc Nam Phi.

Bắt đầu vào thập niên 1940, khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid manh nha tại Nam Phi, chàng trai Nelson Mandela đã chọn cho mình chỗ đứng về phía những người bị áp bức, kỳ thị. Ông và một người đồng chí đã thành lập hãng luật để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo cũng như tham gia các hoạt động đối kháng ôn hòa. Trong giai đoạn đầu, Mandela chịu ảnh hưởng đường lối đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi. Nhưng biện pháp bất bạo động này vẫn là một điều cấm kỵ của chính quyền Apartheid. Năm 1956, Mandela và 150 người khác bị bắt với cáo buộc phản quốc. Phiên tòa kéo dài sau đó kết thúc với việc các bị cáo được tuyên trắng án vào năm 1961.

Khi con đường đấu tranh bất bạo động bị ngăn cấm, Mandela đã tiến hành đấu tranh vũ lực để xóa bỏ chế độ Apartheid. Cuộc đấu tranh vũ trang cùng với việc tham gia đảng Đại hội Dân tộc châu Phi vốn bị chính quyền cấm cản đã khiến Mandela trở thành đối tượng bị truy đuổi của cảnh sát. Tháng 8.1962, với sự giúp sức của tình báo Mỹ, chính quyền Nam Phi đã bắt giữ Mandela cùng nhiều đồng chí của ông. Lại thêm một phiên tòa dài nữa. Lại thêm những bản án “phá hoại chính quyền” và “phản quốc” nữa. Và cuối cùng, vào ngày 12.6.1964, Tòa án Tối cao Pretoria của chính quyền Apartheid đã tuyên án chung thân đối với Mandela về tội “lên kế hoạch phá hoại nhà nước” cùng một số tội danh khác. Trước tòa, Mandela, lúc này 46 tuổi, đã thừa nhận hành vi của mình bằng những lời đanh thép:

“Tôi không phủ nhận rằng tôi đã lên kế hoạch phá hoại. Tôi làm điều đó không phải vì sự khinh suất hay vì sở thích bạo lực. Tôi đã lên kế hoạch này theo sau những đánh giá nghiêm túc và bình tĩnh về tình hình chính trị nảy sinh sau nhiều năm nhân dân chúng tôi bị người da trắng bóc lột, áp bức dưới chế độ chuyên quyền”.

Và Mandela cùng những người bị kết án đã bước lên xe cảnh sát với nụ cười trên môi trước sự cổ vũ của đám đông ủng hộ vây quanh trụ sở tòa án.

Phần lớn thời gian ở tù, Mandela bị nhốt trong một xà lim bé nhỏ ở đảo Robben. Trong hoàn cảnh ngục tù đằng đẵng, ông vẫn luôn giữ được khí tiết của một chiến sĩ dám dấn thân vì đại nghĩa. Mandela từng nhiều lần từ chối các điều kiện trả tự do của nhà cầm quyền. Chính vì vậy mà uy tín của ông ngày một lớn trong lòng người dân Nam Phi, bất chấp chính quyền Apartheid đã sử dụng mọi biện pháp để ngăn cấm việc truyền bá hình ảnh, tài liệu về ông. Rốt cuộc, bản án khắc nghiệt của nhà cầm quyền nhằm triệt tiêu ý chí chiến đấu của ông, cũng là của người dân Nam Phi bị áp bức, đã trở nên vô hiệu.

Sau những cởi mở dè dặt cuối thập niên 1980, vị tổng thống da trắng mới lên cầm quyền Frederik de Klerk đã đi xa hơn trên con đường xóa bỏ chế độ Apartheid khi bãi bỏ nhiều đạo luật kỳ thị. Hàng loạt đảng phái chính trị từng bị cấm đoán được phép hoạt động. Và cuối cùng, vào tháng 2 cách đây 20 năm, ông Klerk tuyên bố trả tự do cho Mandela, người sẽ đi vào lịch sử nhân loại như một nhà đấu tranh kiệt xuất cho tự do, hòa giải và tha thứ.

Sau khi rời nhà tù Victor Verster và sau những lời đanh thép ở Cape Town, Mandela tiếp tục cuộc đấu tranh của mình, đó là cuộc đấu tranh bất bạo động để hòa giải những ân oán của quá khứ cũng như phá bỏ mọi thành lũy của chế độ Apartheid. Rốt cuộc, chế độ Apartheid bị bãi bỏ. Mandela trở thành Tổng thống Nam Phi vào năm 1994. Đó là cuộc bầu cử đầu tiên với những ý nghĩa dân chủ thực sự. Nelson Mandela, dù đã cùng đám đông hô vang “Chính quyền thuộc về chúng ta” khi ở Cape Town trong buổi tối tự do đầu tiên sau 27 năm tù đày, đã chọn cách bước lên nắm chính quyền bằng việc tuân thủ đầy đủ nguyên tắc của một nền chính trị dân chủ lành mạnh. Và ông cũng chỉ làm tổng thống trong một giai đoạn ngắn - từ 1994 đến 1999 - sau đó rời chính trường và trao quyền chọn người kế nhiệm vào tay cử tri Nam Phi.

Mandela vĩ đại không chỉ bởi quá trình đấu tranh, những năm tháng bất khuất trong chốn lao tù, hành trình xóa bỏ chế độ Apartheid hay nỗ lực hòa giải dân tộc. Ông còn bất tử bởi đã xây dựng những nền móng vững chắc cho nền dân chủ ở Nam Phi. Công lao xóa bỏ chế độ Apartheid của ông sẽ trở nên vô nghĩa nếu rốt cuộc ông không xây dựng được một nền dân chủ lành mạnh cho đất nước này.

Đỗ Hùng

.

.

Hãy thử so sánh Hồ Chí Minh với Nelson Mandela ?

.

.

.

No comments: