Thursday, May 6, 2010

MỘT THOÁNG CHĂMPA (ký sự)

Một thoáng Chămpa

Kay Dee Wong

6.05.2010

http://damau.org/archives/12145

Qua khỏi cầu Cồn Tiên từ phía Châu Đốc chừng vài cây số là đến địa phận người Chămpa. Bảy làng Chăm Châu Đốc sinh hoạt dọc theo bờ sông Hậu; Koh Taboong, Mat Chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Kaghia, Sabâu. Không rõ tự khi nào, người Chămpa đã đến đây an cư, lập nghiệp sống hài hòa với người Việt, tuy nhiên bản sắc dân tộc của họ vẫn còn giữ nguyên cho đến ngày nay. Quá khứ vương quốc này là một bài trường ca bất diệt vừa hùng tráng vừa bi thương. Một thời oanh liệt người dân nước Chiêm, lừng ghi chiến công vang khắp non sông. Chế Bồng Nga một ông vua tài ba về quân sự từng đẩy lui bốn lần tấn công của quân Đại Việt và quân Nguyên Mông Cổ. Thời ấy họ mang quân đánh Chân Lạp, gây chiến với nước Đại Việt nhiều phen. Từ năm 1371 đến 1383, chiến binh Chămpa bốn lần đánh chiếm Thăng Long. Năm 1390 Chế Bồng Nga tử trận trong lúc tiến đánh Thăng Long lần thứ tư. Cái chết của Chế Bồng Nga khép lại trang sử oai hùng cho dân tộc Chămpa.

Theo sử liệu, năm 1471 nước Đại Việt tiến quân vào phía nam đánh Chămpa. Hơn bốn chục ngàn quân Chămpa bị giết, bắt hơn ba chục ngàn tù binh đưa về Thăng Long. Đây là cuộc chiến đẫm máu, tàn khốc và bi thương nhất trong lịch sử Chămpa. Một vết mực đen in đậm trên tờ giấy trắng cho nước Đại Việt. Cuộc chiến khốc liệt này gần như tiêu diệt, xóa sổ vương quốc Chămpa vĩnh viển ra khỏi bản đồ thế giới để lại kinh đô Đồ Bàn miền Trung một nổi buồn hiu hắt nghìn thu.

Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận,
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang,
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận,
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.

Năm 1692 chúa Nguyễn Phúc Chu xua quân đánh vùng Khánh Hòa, dân tộc Chămpa lại một phen tan tác trong cơn binh đao khói lửa. Sử liệu Khmer ghi lại khoảng 5000 gia đình Chămpa trèo đèo lội suối đến Kontum vượt Trường Sơn sang Chân Lạp, tức Campuchia ngày nay, xin tỵ nạn. Quốc vương Chân Lạp mở rộng vòng tay nhân ái đón họ. Số còn lại lui dần vào Đồng Nai, Gia Định. Những cuộc nổi dậy thưa thớt của người Chămpa dành lại đất nước không dựng lại lịch sử oai hùng của họ. Những cuộc xâm lấn gọi là mở mang bờ cõi phía nam của vua quan triều Nguyễn dần dần đồng hóa người Chămpa. Phải chăng những người ở phương bắc luôn có ý định nam tiến như vậy ?

Cuộc chiến cuối cùng năm 1832 vua Minh Mạng mang quân xâm chiếm tất cả phần đất còn lại, Chămpa bị xóa sổ hoàn toàn. Tên gọi vương quốc Chămpa với nền văn minh 1000 năm tại Đông Nam Á biến mất. Lịch sử mở mang bờ cõi của nước Đại Việt cũng có nghĩa là lịch sử đau thương mất nước của dân tộc Chămpa hào hùng.

Điệu ru Hời ai oán, thống thiết vẫn còn vang vọng trong lòng người dân Chămpa qua hàng bao thế kỷ nắng mưa. Sương khuya lạnh lẻo rơi trên tháp Chàm hoang tàn cùng những bóng ma Hời đêm đêm hiện về chờn vờn khóc than những đống xương khô đã ngã xuống để gìn giữ đất nước họ. Thung lũng chiều mưa hay là nước mắt của các oan hồn Chiêm quốc xót thương cho dân tộc mình ? Chuyện được kể rằng những kiến trúc sư Âu Châu khi đến thánh địa Mỹ Sơn, thung lũng thần linh, trùng tu những cổ tháp đổ nát, trong mơ họ thường bắt gặp các Chiêm nữ ngực trần Apsara lung linh hiện ra từ đá, họ nghe tiếng vó ngựa khua dồn dập của đoàn chiến binh thắng trận khắp nơi trở về.

Vào những đêm trăng sáng hay những buổi chiều, con cháu Chămpa ngồi quây quần bên ánh lửa nghe các bô lão trong làng kể về thiên tình sử Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân. Họ tự hào kể con cháu về các anh hùng dân tộc, về những chiến công hiển hách, vang dội của tổ tiên ngày trước. Họ mơ tưởng về một đất nước đã bị diệt vong ngay trên mảnh đất họ đang sống mà lòng ngậm ngùi đau xót. Ngày xa xưa đây là cảnh thanh bình êm ả.

Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm Quốc,
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi,
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp,
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui.
Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng,
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh.

Đâu đó trong thung lũng thần linh, cụ già ngừng tay quét lá thu khô dưới chân tháp. Mắt cụ hoang vắng nhìn ra đồi núi bao la trong nắng chiều tà còn xót lại trên đỉnh tháp chơ vơ. Đâu rồi dấu xưa xe ngựa, đền đài lầu các ? Đâu rồi Chiêm nữ uốn mình hoa gọi nắng chiều vàng ? Đâu rồi đoàn chiến binh ? Đâu rồi những Chiêm nữ mang gùi hái trà trong sương sớm ? Hay chỉ còn lại cây xanh núi đồi bao bọc lấy quá khứ ? Người xưa đâu? Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu. Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.

Từ đó người dân Chămpa tan tác như đàn chim tha phương tứ xứ sau những cơn bão chiến tranh gần 400 năm vùi dập giống nòi họ. Ngày nay con cháu mang giòng máu Chămpa di tản khắp nơi trên địa cầu. Họ cố giữ gìn và phát huy nền văn hóa Chămpa mãi về sau. Đó là ước vọng của họ.

Sỏi Đá Xôn Xao

Tôi đến thăm làng Chăm Châu Đốc vào một buổi trưa nắng gắt. Những đốm nắng nhảy múa chập chờn trên đường trông như những điệu múa các tiên nữ Apsara xứ Đồ Bàn xa xưa. Nhìn thấy một ngôi thánh đường nằm bên con lộ tôi dừng lại ghé vào thăm. Thánh đường cao ráo, rộng rãi. Mái vòng cung, theo lối kiến trúc Trung Đông. Viền sơn màu xanh nhạt nổi bật lên trên bức tường màu trắng. Gió lồng vào cửa sổ mát rượi. Người Chămpa đa phần ở đây theo đạo Hồi, thờ thánh Allah. Năm lần trong một ngày, sáng sớm hừng đông, trưa ngọ, xế chiều, hoàng hôn và khuya họ đến giáo đường trong xóm đi lễ. Họ quay mặt về hướng Tây, hướng thánh địa Mecca đọc kinh Koran cầu nguyện. Tôi dừng chân nơi đây, không gì khác hơn là muốn một lần nhìn thấy thiếu nữ Chămpa đi lễ trong trang phục truyền thống. Chắc hẳn là đẹp lắm. Lúc tôi vào thì anh seak (người trông coi thánh đường) đang trải chiếu, bày kinh sách cho buổi lễ trưa. Anh cho biết hơn nửa giờ đồng hồ nữa buổi lễ mới bắt đâu.

Tôi rời thánh đường và kiếm quán nước ngồi nghỉ trong khi chờ đợi buổi lễ. Đi trên con lộ nắng nóng tôi chợt nhớ đến nhà thơ Quang Dũng năm nào. Thuở xưa trên đường hành quân ông ghé lại một quán nước bên đường. Nhìn thấy cô gái nghèo xơ xác, ông đem lòng thương nhớ. Ông cảm hứng làm bài thơ ‘quán bên đường’:

….

Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là khách mười phương

Cuối bài ông viết;

Hồn khách vương vài qua sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay…

(Sau này Đoàn Thạch Biền viết truyện ngắn tựa Tôi hay mà em đâu có thương.)

Quán nước ấy biết mô tìm bây chừ hè ? Lang thang một hồi rồi tôi cũng tìm đường được quán nước đó. Tôi hớn hở bước vội vào mong giải cơn khát đang khô cả cổ. Bất chợt tôi ngựng người lại. Hình ảnh tự nhiên của cô gái Chămpa ngồi trên võng khiến tôi vô cùng lúng túng. Tôi hỏi thầm có phải đây là cảnh sinh hoạt thường ngày theo lối sống của họ hay không. Mà lúc nớ tôi có thì giờ tự hỏi, thầm nhủ kể ra cũng hay lắm rồi. Nhìn lướt qua, tôi cảm nhận những gì cô sở hữu trên người. Đẹp. Đẹp tuyệt như thiên tiên Apsara. Rứa rồi, tôi lính quýnh, phân vân không biết mình nên đến hỏi mua nước hay rời khỏi quán. Duy chỉ một điều tôi biết chắc rằng lúc ấy tôi đi không nỡ, ở không xong. Tình thế răng mà nguy hiểm đến quá bất ngờ. Cuối cùng cậu ta rời quán trả lại sự tự nhiên xinh như mộng cho cô.

Chừng năm phút sau, tôi quay vào quán cho cơn khát hơn là sự hiếu kỳ muốn gặp lại cảnh ấy. Cô gái Chămpa vẫn ung dung ngồi ngang trên võng, hai chân thong thả chạm nhẹ vào nền xi-măng giữ đều cho chiếc võng đung đưa. Miệng cô hò hơ cho con bú như lúc đầu tôi mới vào. Cô chẳng giật mình, cũng chẳng ngại ngùng khi có người lạ mặt đến, ít nhất trong lúc này. Cậu ta một lần nữa bối rối, ngơ ngác như con nai(tơ) lạc bầy.

Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ,
Có xôn xao là sỏi đá xôn xao.
Lưu luyến à ? Chắc là không đâu !

Lần này tôi lang thang trên đường lâu hơn mới trở lại quán. Theo tôi là hai người bạn. Chúng tôi ngồi vào bàn. Em bé đang ngon giấc trong võng. Cô gái ấy đứng dọn dẹp nơi quầy nước. Cô đến bàn hỏi:.-Uống gì ? Tôi không khỏi cười thầm khi nghe cô hỏi uống gì(cô nhấn giọng ở chữ gì) thay vì giống như người Việt(miền Tây) cô khẽ hỏi các anh uống gì hông. Khi cô mang nước đến tôi nhìn cô kỹ hơn. Dáng người cô cao ráo. Tóc đen như mun, dài nửa lưng giống mây phủ lưng chừng đèo. Nước da cô từ khuôn mặt đến chân trắng toát trên chiếc xà-rông đen cô đang mặc. Nét mặt, ánh mắt cô mơ màng quá đổi. Chốn xa xôi này mà có những bông hoa xinh đẹp nao lòng như rứa. Năm xưa vua Càn Long sáu lần giả dạng thường dân xuống Giang Nam tán gái vì lẽ đó. Hoa đồng cỏ nội luôn có sức hút kỳ lạ cho những kẻ thích phiêu lưu sông hồ gió trăng. Tôi đến đây trễ rứa mà đã ngẩn ngơ huống gì đến sớm chừng vài năm, có lẽ tôi giống như mấy cậu thư sinh xứ Quảng ra Huế thi rồi chưn đi không đành.

Những Thiên Thần Nhỏ

Tôi rời quán nước đi dọc theo con lộ đến cầu Đôn(tôi cố tình hỏi để cô chỉ đường). Cầu Đôn dài và hẹp làm bằng ván ráp lại. Chân đi nghe xập xình. Xuống khỏi cầu là đến quán bán quà lưu niệm cho du khách; mũ, nón, xà-rông, thổ cẩm các thứ lạ mắt. Tôi men theo lối mòn đất bùn dẫn đến bờ sông. Có lẽ đây là sông Hậu ? Xa xa rải rác trên sông là những ngôi nhà nổi của người Chămpa sống lâu năm nơi đây.

Thấy mấy đứa nhỏ bơi ngoài sông. Tôi đứng trên cầu khỉ hỏi xuống:

-Nước mát không ?

Một cậu bé ở dưới nước nói vọng lên:

-Mát lắm. Xuống tắm cho vui chú.

-Chú…không tắm đâu.

Cậu bé hụp xuống nước rồi ngoi lên nói:

-Vậy con…thảy bùn cho chú tắm nghe ?

Nó với tôi nhe răng cười ha hả. Cậu bé này coi bộ lém lắm.

Tôi đi bộ vào bờ. Cậu bé lọt tọt theo sau. Vừa đi cậu vừa vắt cái khăn rằn ráo nước rồi máng lên người. Tôi hỏi:

-Hôm nay không đi học sao ?

-Dạ tụi con đang nghỉ Tết.

Các em nhỏ ở đây lễ phép hay là tôi đã quá tuổi gọi bằng anh. Có lẽ cả hai đều đúng.

Ngừng một chặp, cậu tiếp:

-Chú cho con hai nghìn đồng mua vở học đi chú ?

Cậu kéo dài chữ chú nghe sao sao lúc ấy. Tôi hỏi nữa đùa nửa thật:

- Mua vở hay mua kẹo ?

-Dạ con hông mua kẹo đâu chú. Ăn kẹo bị sâu răng.

Tôi mỉm cười cho câu trả lời lém lỉnh của cậu.

-Sao nói tiếng Việt giỏi vậy. Tôi cắc cớ hỏi.

-Con học tiếng Việt mà chú.

Cậu chỉ tôi đi ngược lên lại cầu ván lúc nảy, bên kia đường, có một quầy bán tạp hóa. Khi tôi đi bộ lên cầu với cậu thì có bốn em bé đi theo tôi. Mấy em nói như reo:

-Chú ơi, cho con một cuốn vở đi học nghe.

Nhìn lại, tôi thấy mỗi em trên tay bưng một cái khay nhựa đựng bánh kẹp. Các em đi dạo bán bánh cho du khách đến đây tham quan. Mồ hôi nhễ nhại trên trán các em nhưng nụ cười hiền lành không rời môi. Tuổi thơ các em thoáng hiện trong ký ức tôi những ngày còn ở biển Nam Ô; sáng sớm đi xin cá, làm pháo, lượm củi lụt, tắm sông, tắm biển với lũ bạn học. Tuổi thơ, tuổi thần tiên trong đời.

Các em dẫn tôi vào quán đối diện cầu Đôn. Giá mỗi cuốn như lời cậu Rôn nói. Tôi mua tặng mỗi em một cuốn vở và cây viết. Nhìn các em hớn hở đợi món quà trong ngày lòng tôi cũng vui mừng không kém. Tôi ngồi xuống lựa từng cây viết. Tôi lấy tờ giấy và nhờ các em viết tên cho tôi. Khoi Jah lớp 1, 7 tuổi. Gia Cốp, lớp 4, Háp Số Lớp 5c, Kho Fi Rol, lớp 5. Ron lớp 8, 13 tuổi.

-Em tên gì ? Mấy tuổi ? Tôi hỏi em bé nhỏ nhứt.

-Con tên Mưbarut. 6 tuổi học lớp 1.

-Em là con gái, vậy anh lựa cho em cây viết màu hồng nghe.

Em cười đẹp tựa sao sáng. -Cảm ơn chú.

Một lát sau, có thêm ba em nhỏ nữa vào quán. Nhìn mấy bạn có viết vở, ba em cũng muốn. Không khí trong quầy tạp hóa nhộn nhịp hẳn lên. Em thử viết, em ngắm vở mới, nói cười thuyên hiên. Tôi hỏi mua thêm vở cho ba em mới vào. Cô chủ quán cho biết chỉ còn một cuốn. Tôi nói vậy anh tặng hai em viết thôi vì vở đã hết. Hai em còn lại nói:

-Quán trên kia có bán vở đó chú. Cô chủ quán người Chămpa và tôi nhìn các em cười. Các em khôn thật. Tôi lấy bốn nghìn gởi cho hai em với hai cây viết.

Xong xuôi chúng tôi rời quán. Các em săm se món quà trong tay. Đoạn đường này xe cộ qua lại đông. Ngó bên trái, bên phải vắng xe tôi lùa mấy em qua đường như gà mẹ lùa bầy gà con đi ăn. Tôi mang máy ra chụp vài tấm hình các em đứng trên cầu Đôn làm kỷ niệm. Giải tán xong, tôi đi về lại phía nhà thờ. Tôi thấy hai em nhỏ băng qua đường mang trên tay cái khay bánh. Tôi hỏi:

-Hai em đi đâu vậy ?

-Dạ đi mua vở. Hai em chỉ tay về phía trước.

Tôi đi cùng hướng hai em rồi rẽ vào nhà thờ. Khi tôi đến thì mọi người đang cầu nguyện trong thánh đường. Tôi đứng im lặng bên ngoài nhìn vào. Chợt có tiếng động sau lưng. Tôi quay lại thấy cậu bé đang chạy vào, bỏ đôi dép trên bực thèm. Tôi nhận ra đó là cậu Rôn. Cậu bé lúc này khác hẳn lúc tôi gặp cậu ở bờ sông, lăn xăn, lém lỉnh. Cậu đội chiếc mũ tròn, áo trắng dài tay và chiếc xà-rông với nhiều hình vuông nhỏ xanh đậm trông giống những chấm màu trên đuôi chim công. Cậu nhìn thật thánh thiện. Cậu vừa bước vào nơi làm lễ thì tôi gọi nhỏ cậu. Cậu quay người lại, tôi nhanh tay chụp cậu một tấm hình trong thế hối hả. Mười phút sau, giáo đường tan lễ. Mọi người ra về. Tôi đứng trước sân ngẩn người ra vì không thấy một bóng hồng Chămpa nào trong số họ. Hỏi ra mới biết ở đây thiếu nữ đến giáo đường vào những dịp lễ lớn trong năm. Thôi rồi Lượm ơi. Mục đích ban đầu tôi đến đây là xong. Xà-rông lất phất trên lộ, tóc dài thoảng trong gió đành đợi lần khác vậy.

Từ miền Trung xa xôi tôi vội vã đến thăm làng Chămpa Châu Đốc rồi vội vã đi. Thời gian lưu lại ngắn ngủi chưa đủ cho tôi tìm hiểu những phong tục và lối sống của họ. Tuy vậy tôi gặp nhiều chuyện thú vị không mong đợi trước; bất ngờ nhìn thấy thiếu nữ Chămpa làm tôi bối rối và hơn nữa có dịp sinh hoạt với mấy em nhỏ miền quê.

Một cuốn vở, một cây viết – giá tiền chừng đó đôi khi các em ở thành phố lắc đầu từ chối rứa mà nơi này thật quý, nó mang cho các em niềm vui nho nhỏ. Trong một sự tình cờ, các em cũng mang đến cho tôi ít nhiều niềm vui hay tạm gọi đó là những giây phút hạnh phúc. Hạnh phúc đơn sơ, giản dị như vậy mà ai đâu có ngờ !

Đêm trước đó, cách Châu Đốc một thành phố, tôi vào một tiệm Internet Café gởi thư cho bạn. Tôi thấy mấy em tuổi nhỏ bằng Ron, Gia Cốp, Háp Số ngồi tán dóc say sưa trên mạng. Một cậu bé chơi trò điện tử, mỗi cái đập tay trên bàn phím là mỗi câu văng tục chửi thề với bạn bên cạnh. Tôi nghe mà lòng ngao ngán. Em đánh mất tuổi hồn nhiên đã bao giờ ? Những chữ em dùng sao chúng đến quá sớm với tuổi thơ của em như vậy ? Em ảnh hưởng bởi môi trường hay nhiều điều khác tác động đến ?

Sự thật thà, lễ phép và tính hồn nhiên của các em Chămpa Châu Đốc làm tôi nhớ mãi. Hình ảnh các em đã dừng chân tôi nơi đây trong chuyến du lịch Đông Nam Á dài ngày của tôi. Cho dù là nơi đâu của những ngày rong chơi còn lại Khoi Jah, Ron, Gia Cốp, Háp Số, Kho Fi, Mưbarut… vẫn là những thiên thần nhỏ của tôi.

Nhớ về khay bánh và những giọt mồ hôi rịn trên trán các em dưới trời nắng nóng. Tuổi thơ cơ cực sẽ giúp bước chân các em mai sau vững vàng và yêu quý cuộc sống.

Nhớ mãi về tuổi thơ các em nơi đây. Chămpa, một thoáng.


Luang Prabang, Laos

March 2010

Thơ văn, nhạc, từ ngữ mượn từ các tiền bối Hồ Xuân Hương, Nguyên Sa, Quang Dũng, Xuân Tiên, Trần Tiến, Dohamide, Chế Lan Viên, Quế Hương, http://vi.wikipedia.org

.

.

.

No comments: