Tuesday, May 25, 2010

GIÁO XỨ CỦA "NHỮNG TÊN PHẢN ĐỘNG"

Nhà Thờ kiểu Việt Nam:

2. Giáo xứ của “những tên phản động”

Lê Diễn Đức – Dịch và giới thiệu

Tháng Năm 25, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/05/25/nha-th%e1%bb%9d-ki%e1%bb%83u-vi%e1%bb%87t-nam-2-giao-x%e1%bb%a9-c%e1%bb%a7a-%e2%80%9cnh%e1%bb%afng-ten-ph%e1%ba%a3n-d%e1%bb%99ng%e2%80%9d/

Nhóm anh em tham gia hoạt động dân chủ và báo chí tự do chúng tôi ở Ba Lan nhận được từ tác giả Jacek Dziedzina tờ Phụ bản “Nhà Thờ kiểu Việt Nam” của Tuần báo Công giáo Ba Lan “Gosc Niedzielny” (Khách Chủ Nhật), người vừa có mặt ở Việt Nam trở về sau dịp lễ 30 tháng Tư.

Phụ bản chuyên đề “Nhà Thờ kiểu Việt Nam” ghi lại những câu chuyện, những cuộc gặp gỡ giữa tác giả với người Việt từ ba miền Bắc – Trung – Nam, đặc biệt với giáo dân vùng Sơn La, Huế, Vũng Tàu, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý.

Tôi sẽ cố gắng lần lượt dịch và giới thiệu tới bạn đọc những phóng sự và hình ảnh thú vị được ghi lại bởi nhà báo Ba Lan Jacek Dziedzina.

Bản nhận được từ tác giả ở dạng PDF, do vậy tôi không thể dẫn link cho bạn đọc. Những ai có nhu cầu kiểm chứng bản gốc tiếng Ba Lan xin liên hệ trực tiếp với tôi qua điện thư: ledienduc@gmail.com

--------------------------------

Tiếp theo: Phần I

.

Giáo xứ của “những tên phản động”

Jacek Dziedzina

Nói không quá, ở đất nước này Nhà Thờ luôn đầy người và số lượng người mới theo đức tin phát triển nhanh chóng. Một tháng ở Việt Nam cho phép chúng tôi hiểu rằng, đây không phải là một sự cường điệu nào.

.

E-mail bị kiểm tra

Viên chức ở cửa khẩu sân bay Hà Nội uể oải đóng dấu tiếp, chấp thuận cho qua biên giới. Ông ta đưa lại hộ chiếu, đường tự do ta đi. Nhưng tại sao sau khi phục vụ tôi ông ta lại ra khỏi cabin của mình và nói chuyện qua điện thoại? Tôi đã lượng trước mọi tình huống trong thòi gian ở Việt Nam, do đó, chắc chắn ông ta đang báo cáo rằng chúng tôi đã có mặt… Bình tĩnh đã nào, trong số hành khách của hãng hàng không Nga Aeroflot bay từ Moscow, tôi là người cuối cùng trong hàng đợi, do đó, ông ta có thời gian trống để gọi điện thoại và nắn lưng. Tôi cười cho chính sự nghi ngờ của mình.

Tuy nhiên, để tự bào chữa, tôi đã có gần hai tháng liên lạc với những người Việt hứa sẽ giúp đỡ tôi tại chỗ: “Bây giờ tôi không thể viết tất cả mọi thứ, email bị kiểm tra”; “Hãy chú ý địa chỉ này”; “Trong mọi trường hợp đừng đi tới làng ấy và không gặp linh mục đó, gặp phiền nhiễu là chắc chắn”; “Tôi sẽ giúp ông một tài xế taxi tin tưởng để đưa ông tới những nơi ông muốn”; “Chúng tôi sẵn sàng gặp ông, nhưng chúng ta phải cẩn thận, vì chúng tôi hoạt động bí mật”.

Đường sang Việt Nam từ Moscow và bay máy bay của Nga mặc dù không tiện nghi lắm nhưng là lựa chọn tốt nhất vì các lý do lịch sử. Chính từ Moscow, người cha của nước Việt Nam thống nhất Hồ Chí Minh đã mang chế độ xã hội chủ nghĩa về nước. Ngoài ra, lãnh đạo hãng hàng không của Nga hình như không nhận thấy rằng Liên Xô đã sụp đổ từ hai thập kỷ trước, bởi vì cho đến nay trang phục của các chiêu đãi viên vẫn không thay đổi, trên cánh tay mang phù hiệu với biểu tượng búa liềm của Xô-Viết. Thậm chí năm năm trước ở Nga, qua kính sau của chiếc chiếc xe Kamaz cũ tôi nhìn thấy những bó hoa tươi dưới tượng Lenin ảnh chân dung của Stalin, cho nên bồ đồng phục của Aeroflot tạo nên ấn tượng. Hơn thế, phi hành đoàn có lẽ không thay đổi từ thời Andropov. Tuy nhiên có một cái gì đó rất trí tuệ: ít bị sốc hơn khi vào Việt Nam. Nó dễ làm ta quen với các áp phích màu đỏ khắp nơi, kỷ niệm 80 năm tình hữu nghị với người Anh lớn, những phụ nữ trên máy kéo và chân dung của Bác Hồ mỉm cười, như thường được gọi ở đây là lãnh tụ đầu tiên của Cộng Sản Việt Nam.

.

Hoặc là chồng hoặc nhà nước

Có điều ở đây không phải là dấu ấn của quá khứ còn lại. “Tôi hoàn toàn tin tưởng ở Đảng của chúng tôi”- Hiền, một nữ sinh viên Hà Nội nói, và sẵng sàng và nói nhiều về chính trị. Chúng tôi ngồi trên ghế bên bờ Hồ Hoàm Kiếm ở trung tâm thủ đô, một nơi phổ biến để chụp hình các đám cưới và bài tập thể dục tai chi. Hiền, tự dưng từ đâu đến, hỏi tôi có thể ngồi được không. – “Tôi nghĩ rằng, vì lợi ích cho sự ổn định của đất nước tốt hơn khi chỉ một đảng cầm quyền” – Cô nói có vẻ thành thật. Cô học môn sử và muốn giảng dạy ở trường. Nhà nước bao cấp đào tạo giáo viên tương lai và công an, vì thế không phải lo lắng gì về tiền bạc. Sau khi tốt nghiệp cũng chẳng phải lo không biết sống bằng gì . Giáo viên tại Việt Nam có giá. Thật ngạc nhiên, giáo viên dạy ở thôn quê kiếm được nhiều hơn giáo viên thành phố: gần 8 triệu đồng Việt Nam, hay khoảng 400 USD một tháng. Giáo viên thành phố chỉ phân nửa. Hiền nói rằng, chính quyền muốn thực hiện cách này để khuyến khích giáo viên dạy ở các tỉnh, và những người ở thành phố thì có thể kiếm thêm bằng nghề khác. – “Còn ông, ông làm nghề gì?” – Cô ta hỏi. Tôi trả lời qua loa. – “Như vậy ông đi du lịch cũng là làm việc?”. Tôi có cảm tưởng cô gái dễ thương này sẽ còn tiết lộ nhiều hơn qua các câu hỏi. Và cô có vẻ cảm thấy kém tự tin khi tôi bắt đầu chuyển hướng cuộc đàm thoại. – “Cô lựa chọn thế nào giữa lòng trung thực với nhà nước và với chồng?” – Tôi hỏi và tôi có thể nhìn thấy nụ cười miễn cưỡng và cái nhìn kín đáo sang bên cạnh. – “Tôi chọn nhà nước”. – Cô nói với giọng nói bình tĩnh. – “Còn nếu nhà nước này bị cáo buộc sai chồng cô và bỏ tù anh ấy vì đức tin?” – Rõ ràng tôi đang làm mệt cô gái. Cô không còn trả lời như cái máy nữa. – “Tôi lựa chọn sự trung thực với nhà nước” – Vẻ mặt cô gái thật bi kịch, bởi vì ngay sau đó cô nói thêm: – “Nhưng nếu tin tưởng chồng, tôi sẽ đề nghị chính quyền trả tự do cho anh”.

Cô xin lỗi một chút để bắt điện thoại. Vào lúc đó, liếc mắt, tôi thấy Hiền không ngần ngại nhìn vào đúng một hướng với vẻ sốt ruột, rõ ràng tìm kiếm ai đó, mặc dù cô đã nói là không đợi ai cả.

.

Chờ 30 năm để được thụ phong linh mục

Giao thông đường phố ở Hà Nội nên được đưa vào thế giới di sản của UNESCO. Một sự hỗn loạn và điên rồ, nhưng trong đó có cách thức của nó và không làm tổn thương ai, điều mà tôi đã không nhìn thấy ngay cả ở Trung Đông. Một chuỗi vô tận của xe gắn máy, có thể chở cả cái tủ hai mét hay con lợn ngọ nguậy bên này, bên kia, cũng như cảm tưởng của du khách ham thích, được di chuyển theo một quy tắc đơn giản: người lái xe không cần suy nghĩ có thể hay không, mà là có cần không. Bằng cách này, dễ hiểu những người cưỡi xe gắn máy đi dưới giây điện hay trên vỉa hè giữa những quán ăn di động và ghế nhựa.

Một trong những nút giao thông ồn ào nhất ở trung tâm của phố cổ, nằm trên quảng trường có Nhà Thờ Thánh Joseph được xây đựng từ thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Giữa tuần mà cứ lúc lúc lại có người tới ngồi trên ghế gỗ hoặc từ nhà thờ đi ra. Hầu hết trẻ tuổi. Cha Anthony, người chăm sóc nhà thờ nói: – “Ở giáo xứ này, chúng tôi có khoảng 100 lễ rửa tội cho người lớn mỗi năm và cả Hà Nội có đến 300 người muốn được rửa tội” – Linh mục nhìn vẻ ngạc nhiên không dám tin của tôi – “Những người đến đây, nghe lời của Đức Chúa qua loa phát thanh ở bên ngoài hoặc vào bên trong nghe giảng đạo, và khi nhìn thấy hàng xóm của mình là những Kitô hữu, họ cũng muốn trở thành một trong số đó”– Linh mục giải thích lý do tại sao có nhiều người nhập đạo. Trong cả Việt Nam có khoảng 40 ngàn người lớn mỗi năm trở thành môn đệ của Chúa Kitô – Những người có liên hệ với Giáo hội Việt Nam cho biết.

Tại Hà Nội, chủng viện được chia làm hai toà nhà vì số người muốn học quá đông. Một nhà có 168 chủng sinh học, nhà khác có 150. Không thiếu những người muốn thụ phong linh mục nhưng nhà nước hạn chế chúng tôi số chủng sinh nhận vào nhà dòng – Linh mục Fr. Antoni giải thích. Tuy vậy, có những học viên nhà dòng tại Hà Nội xuất thân từ các tỉnh không có nhà dòng, hoặc do số lượng chủng sinh bị hạn chế khiến họ không thể nhập học để sau đó trở thành linh mục. Kể từ năm 1954, khi người cộng sản nắm quyền tại miền Bắc Việt Nam và đuổi thực dân Pháp đi, cho tới năm 1989 không một nhà dòng nào được hoạt động hợp pháp. Cũng có các hoạt động của một số đơn vị đơn lẻ với mức nhập học hạn chế, ví dụ 6 năm mới có lần. Các vị linh mục tương lai phải học bí mật, giống như một trong những giám mục ở miền Bắc. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào buổi tối muộn, linh mục yêu cầu chúng tôi đừng để lộ tên ông. – “Thế nhưng rồi người ta vẫn biết các anh đang ở chỗ tôi” – Linh mục điềm tĩnh nói. – “Chúng tôi luôn luôn bị theo dõi, họ biết chúng tôi làm gì, đi đâu, gặp ai” – Linh mục xác định – “Nhưng tôi không hề sợ” – Linh mục nói tiếp.

- “Tôi đã phải chờ 30 năm để được thụ phong linh mục” – Ông nói với ánh mắt của một cựu chiến binh. Ông nhập chủng sinh viện năm 1958 nhưng một năm sau đó ông phải trở về nhà. Như vậy vẫn chưa thấm tháp gì so với hầu hết bạn bè ông, những người bị đẩy vào trại tập trung chỉ vì muốn nhập học nhà dòng. Vị giám mục này tới tận những năm 90 mới được phong linh mục. Giờ đây, những khoá học được mở tiếp nhưng lại bị phiền phức bởi các rào cản cứng nhắc: từ 7 tới 10 học viên mỗi năm, tùy theo giáo phận. Thế nên các linh mục tương lai vẫn phải học hành bí mật hoặc học ở nước ngoài để rồi được phong linh mục ở nước ngoài.

.

Xe ủi đất ở tu viện

Cạnh thánh đường và nhà dòng là ngôi nhà của Giáo hội đã bị thu hồi. Hiện giờ là một trường tiểu học của nhà nước đang hoạt động. Vấn đề quyền sở hữu là một trong những bình diện lớn nhất trên tuyến xung đột nhà nước và Giáo hội. Không xa thánh đường, trong công viên nhỏ có một tòa nhà mà từ những năm 50 từng là Tòa Khâm sứ. Cộng sản đã tịch thu tòa nhà này cùng thời điểm cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vatican mà cho tới nay chưa được nối lại. Chính là toà nhà mà hai năm trước giáo dân đã biểu tình ôn hòa và tổ chức cầu nguyện để đòi hoàn trả. Đây ra một cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất của giáo dân kể từ mấy chục năm nay. Chuyện được kết thúc bằng sự can thiệp và đàn áp của công an.

– “Sinh viên tham gia biểu tình bị ghi tên và bị nhận xét hạnh kiểm xấu ở trường” – Một trong những phụ nữ từng tham gia sự kiện đã xảy ra ấy nói với tôi. Đang là thứ 7, cô vừa ra khỏi thánh đường đầy chật người, nơi buổi lễ cầu nguyền buổi tối kết thúc. Tuổi trung bình của những người dự lễ là 25. Những hàng người dài không ngớt đợi tới lượt được xưng tội. – “Các phương tiện truyền thông liên tục tấn công và bêu xấu chúng tôi, còn chúng tôi thì chằng có cách nào tự vệ” – Cô gái nói. Giáo dân Việt Nam không có báo chí, đài phát thanh hay truyền hình riêng của mình. Ở miền Nam có tờ “Công giáo và Dân tộc” nhưng hoàn toàn chịu sự chỉ đạo của nhà chức trách, được phát hành bởi một nhóm nhỏ “giáo dân yêu nước” sử dụng vào việc tuyên truyền đánh phá Công giáo. Người Công giáo cũng không được mở trường trừ trường tiểu học, cũng như bệnh viện và không được làm việc tại các cơ quan hành chính hay công an. – “Nào chúng tôi đâu có muốn làm cách mạng, chúng tôi chỉ cầu nguyện tự do cho Việt Nam” – Cô sinh viên nói tiếp – “Chúng tôi còn cầu nguyện cho cả những người cộng sản, trong lòng chúng tôi không có thù hận” – Cô gái nói thêm ngay. – “Tôi thừa nhận rằng, tôi chẳng biết gì về các nhà chính trị của nước tôi. Trong khi biết tất cả về Barak Obama, thậm chí tôi không biết tên họ của thủ tướng Việt Nam!” – Cô nói với sự cởi mở rất đỗi thật thà. – “Chính quyền thường nói họ thu hồi đất của Nhà thờ để phục vụ công ích. Được thôi, nếu đó là bệnh viện hay trường học. Nhưng khi họ lấy nhà đất của Nhà thờ để xây dựng trên đó khách sạn hay là khu vui chơi, giải trí thì chúng ta nói về cái công ích gì đây?” – Cô sinh viên đặt câu hỏi biện luận.

Đứng trên quan điểm của ý thức hệ Lenin-nít đang thực thi tại Việt Nam thì trong vấn đề này câu chuyện thật đơn giản: không có sở hữu tư nhân, bởi vì mỗi khoảnh đất, mỗi bất động sản, nhà nước nhân danh nhân dân đứng ra quản lý, và nếu nhà nước cho rằng cần phải thay đổi mục đích sử dụng đất, nhà nước sẽ hành xử như ông chủ hợp pháp. Theo logic ấy, có thể kể, tu viện Giáo hoàng ở Đà Lạt thuộc miền trung Việt Nam đang bị phá bỏ. Thay vào đó sẽ là tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại. Xe ủi đã tràn qua các nhà thờ ở Thiên An, Vĩnh Long, Long Xuyên và Nha Trang. Với lệnh hoàn trả mà trong thực tế chẳng thể kháng cự, trong năm nay nhà chức trách đã yêu cầu giáo dân Cồn Dầu, thuộc ngoại ô Đà Nẵng ở miền trung Việt Nam. Lệnh giải tỏa cũng được đưa ra cho các sơ dòng Ngưỡng Thánh Giá Thiêng ở Sài Gòn. Chúng tôi đã tìm cách gặp được các sơ. Các sơ từ chối tuân thủ quyết định của chính quyền. Bây giờ họ đang chờ diễn biến tiếp theo. Cũng với một logic tương tự, giáo dân Thái Hà ở Hà Nội gặp phải những khó khăn từ lâu nay.

.

Giáo xứ của “những tên phản động”

Cha Peter Nguyễn Văn Khải vài lần bảo đảm với tôi qua SMS: “Các anh đừng sợ, Chúa bên cạnh chúng ta, bản thân chúng tôi cũng không sợ”. Đây là sự hồi đáp cho những lo lắng rằng, khi tới thăm dòng Chúa Cứu Thế liệu chúng tôi có thực sự mang đến thêm khó khăn. Tất nhiên không phải nói về phía mình. Chúng tôi sẽ trở về Ba Lan, còn họ là những người tại chỗ. Giáo phận Thái Hà hiện nay có lẽ là cộng đồng công giáo được biết nhiều nhất tại Việt Nam. Và cũng là một trong những giáo phận bị chính quyền nhòm ngó nhất. Chúng tôi tới nơi hẹn bằng taxi nhưng không nói địa chỉ cụ thể và yêu cầu lái xe đậu cách xa vài trăm mét. – “Nhưng mà họ vẫn biết là các anh ở đây” – Cha Peter cười, giống như kể chuyện hài hước thú vị ông chỉ cho chúng tôi những chiếc camera gắn sau cột. Trong phòng riêng của nhà dòng, chúng tôi kinh ngạc xem những tấm hình đã biết từ trước cảnh các giáo dân bị đánh đập ở Đồng Chiêm, nơi mà vào tháng Giêng năm nay, công an và quân đội theo lệnh Trung ương đã cho phá hủy thánh giá trên đồi nghĩa địa. Máu đã chảy nhưng may mắn không ai bị chết. Các cha dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân đã tới Đồng Chiêm để bày tỏ ủng hộ. Họ cũng bị đánh.

Ở Thái Hà, lễ cầu nguyện buổi tối vào giữa tuần nhưng nhà thờ đầy chật người trẻ tuổi. Và đây là một hiện tượng không bình thường, thậm chí lưu ý rằng, 60% xã hội Việt Nam là những người chưa tới 35 tuổi. Vào Chủ Nhật, có tới 8 lễ cầu nguyện được cử hành với khoảng 2 ngàn con chiên trong mỗi lễ. Tại một trong những tòa nhà hiếm hoi mà chính quyền hiện còn để yên cho dòng Chúa Cứu Thế, một vài người tin cẩn đang chờ. Quân, một luật sư có liên hệ với giáo phận, từng tu nghiệp tại Hoa Kỳ. Khi trở về Việt Nam ông đã bị tịch thu hộ chiếu vì những phát biểu phê phán chính quyền cộng sản trong thời gian ở châu Âu. Ông trải qua một thời gian ngắn trong tù. – “Tôi đã quen với chuyện cứ một thời gian nào đó tôi bị sự giám sát chặt chẽ, đôi khi tôi phải toan tính sao để ra khỏi nhà mà qua mặt được sự theo dõi”– Ông cười nói. Tất cả mọi người trong nhóm này đều khá ôn hoà khi nói về những hiện tượng phân biệt đối xử và trấn áp. Kể cả người đang ngồi với chúng tôi, tu sĩ Antoni Nguyễn Văn Tang (cứ hai người Việt thì có một mang họ này, từ triều đại vua Nguyễn), người có tấm hình được lưu truyền khắp thế giới khi ông bị đánh đập vì lý do muốn tới thăm giáo xứ Đồng Chiêm như đã nói ở trên, trò chuyện với tất cả mọi người với nụ cười hiền hoà.

Phần lớn đất thuộc giáo phận Thái Hà đã bị nhà nước tịch thu. Cũng tại đây đã xảy ra các cuộc biểu tình lớn khi chính quyền tịch thu đất bất hợp pháp, lần này thì lấy cớ xây dựng công viên. Vào năm 2008, một số giáo dân Thái Hà đã bị kết án tù vì tham gia vào các “hành vi chống chính quyền” trong một phiên toà mang tính biểu diễn. Hàng ngàn người đã đốt nến cầu nguyện đòi thả tự do cho họ. Các cha dòng Chúa Cứu Thế thì bị buộc tội “có âm mưu lật đổ chính quyền”. Kể từ đó, giáo phận Thái Hà liên tục bị giám sát. Những người Việt cho chúng tôi xem các thứ gom được từ Đồng Chiêm như mảnh vụn của Thánh Giá bị phá huỷ và các bình đựng hơi cay mà công an đã sử dụng chống lại các giáo dân biểu tình. Trên bình đựng hơi cay có in hàng chữ rõ ràng: Được sản xuất bởi Bộ Công An. Ông luật sư hỏi địa chỉ email của tôi. Tôi ghi địa chỉ lên mảnh giấy, và lúc này tôi có cảm giác không khí xung quanh căng thẳng hơn. Một ai đó đi tới ông luật sư truyền đạt thông tin gì đó. Ông luật sư ngay lập tức xé mảnh giấy mà tôi vừa viết địa chỉ email, rồi bực bội nhét các mẩu giấy vào túi sau và ám hiệu cho chúng tôi rằng, chúng tôi nên rời khỏi nơi đây. – “Chúng ta liên lạc với nhau sau” – Ông nói với vẻ nôn nóng mỗi lúc một tăng. Tôi đã kịp ghi lại địa chỉ của ông.

.

Thánh giá bị phá bỏ

Vào thời điểm cuối của những ngày ở Việt Nam chúng tôi mới tới Đồng Chiêm. Trước đó, từ Hà Nội, những người bạn đã đi cùng chúng tôi trước hết tới giáo phận ở một làng lân cận. Lễ cầu nguyện mỗi ngày có khoảng 600 người của một giáo phận với 2500 giáo dân, tất cả đều là hành đạo. Chúng tôi chuyển sang xe hơi khác có kính râm. Chúng tôi vượt qua đống đá trải ra đường trong mục đích gây khó khăn cho việc đi tới làng này kể từ sự kiện đẫm máu đã xảy ra. Một chiếc cầu duy nhất dẫn tới thôn kể từ sự kiện tháng Giêng bị công an mật canh chừng chặt chẽ. Hôm nay chiếc cầu có vẻ như thông thoáng. Chủ chăn giáo phận nói: – “Cho đến hôm nay không hề có một chút nghi ngờ gì về quyền sở hữu quả đồi, từ 200 năm nay đã nằm trong tay Giáo hội. Vấn đề phát sinh khi người dân dựng thánh giá trên đó. Quân đội, công an đã tới và cây thánh giá bị phá huỷ. Tôi phải tới trình công an và đành chấp thuận việc huỷ bỏ thánh giá. Tôi lo ngại cho giáo phận, để họ không bị đánh đập nữa” – Ông nói.

Một linh mục khác bước vào nói gì đó với vị chủ chăn. Ông sợ hãi kết thúc nhanh cuộc nói chuyện. Những tay mật vụ đeo kính râm chú ý tới chiếc xe của chúng tôi. Chúng tôi tẩu thoát vào phút chót. Cha Khải tin rằng, nếu chúng tôi đã không tới đây nhanh thì có thể họ sẽ cản đường và chiếc cầu cũng có người đứng canh. – “Và nếu họ không thấy trong chúng ta khuôn mặt quen của linh mục ở giáo phận bên cạnh thì chúng ta có thể bị ném đá” –Linh mục nói thêm.

Vừa về tới ngoại ô Hà Nội chúng tôi đã gặp hai chiếc xe với những công an được trang bị vũ khí tận răng. – “Ô, chính là tên đã từng tấn công tôi” – Linh mục chỉ qua kính xe một trong những tay công an mà ông vài lần đã phải trốn chạy. – “Rất có thể họ đi tới Đồng Chiêm, chắc mật vụ đã báo tin về chuyến thăm của chúng ta” – Ông lo lắng nói.

Ngay khi trở lại Ba Lan, tôi nhận được tin một nhóm dân tiếp theo bị đánh đập vì đã dám tới gần nơi thánh giá bị phá huỷ.

Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức

Còn tiếp….

.

.

.

No comments: