CHÍNH QUYỀN KHÔNG BẢO VỆ ĐƯỢC NGƯỜI LƯƠNG THIỆN?
Tạ Phong Tần
May 6, '10 1:20 A
http://suthatcongly.multiply.com/journal/item/37
Ông Lâm Văn Bi - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau đã thông báo với báo chí rằng lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau cho biết cơ quan giám định y khoa Cà Mau đã có kết quả đánh giá tỉ lệ thương tật của cháu Hào Anh là trên 60%. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bổ sung hành vi “cố ý gây thương tích” (theo Điều 104 BLHS) đối với vợ chồng Giang - Thơm.
Công an huyện Đầm Dơi cũng đã ra quyết định khởi tố thêm hai người làm công cho vợ chồng Giang - Thơm là Lưu Văn Khánh (17 tuổi, ở phường 8, TP Cà Mau) và Lâm Văn Quỳnh (18 tuổi, ở xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi). Khánh và Quỳnh được xác định có vai trò đồng phạm với Giang - Thơm nên cùng bị khởi tố về hành vi “hành hạ người khác”.
Người dân khu vực xung quanh trại tôm giống Minh Đức của vợ chồng Giang - Thơm phản ánh ông Lý Thái Triều - Công an viên phụ trách ấp Phú Hiệp (Luật CAND không quy định chức danh Trưởng CA ấp như một số báo đưa tin) nhiều lần vào trại tôm nhậu với Giang, biết rõ sự việc nhưng không báo cáo lên cấp trên xử lý.
Điểm lại một số vụ chủ hành hạ, đánh đập trẻ làm thuê nổi cộm trong thời gian gần đây cho thấy có ít nhất 4 vụ chính quyền địa phương đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn.
Đơn cử như vụ cháu Văn Minh Phương 12 tuổi bị chủ là bà Nguyễn Thị Yến (ở ấp Ngãi Trung, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) hành hạ, đánh đập gây đa chấn thương. Ngày 19/4/2004 Công an huyện Tiểu Cần đã khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Thị Yến.
Hay 4 em bé tại cơ sở may gia công ở Tân Bình, TP HCM làm công không được trả tiền lại bị nhà chủ bấm kìm vào môi, dùng tuốc-nơ-vit chọc vào hậu môn, Tết chỉ được ăn đồ thiu... Trên thân thể các em đầy những vết thương, có vết vừa mới bị đánh, có vết đã thành sẹo dài 3 đốt ngón tay. Chỉ một đoạn ngắn trên mảng lưng và mông em Phúc đã in dấu tích 20 vết sẹo. Môi trên em sưng vù, hai cánh tay đầy vết thương, chỗ bầm đen, chỗ còn tứa máu.
Em Vũ Thị Văn, 16 tuổi, làm thuê cho gia đình ông Bùi Đức Kháng (1/10 Tân Thành, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) từ năm 13 tuổi, em phải làm việc từ 6g-22g với mức lương 500.000 đồng/tháng. Em thường xuyên bị con trai ông Kháng là Bùi Trần Nghị (26 tuổi) đánh đập dã man. Nghị thường xuyên đánh em bằng roi và dây điện, có lần Nghị lấy bàn ủi nóng ủi lên tay em. Chiều 10/10/2008, tại Bệnh viện Đa khoa Tân Bình (TP.HCM), các bác sĩ cho biết em Vũ Thị Văn đến cấp cứu trong tình trạng thần kinh hoảng loạn, suy sụp tinh thần, lo sợ, tay có vết sẹo thâm do bàn ủi ịn vào. Sau đó, báo đưa tin em Văn đột nhiên “mất tích”, sự việc chìm vào quê lãng.
Ngày 29/6/2009, UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) xác nhận thông tin đã tiếp nhận và đang chăm sóc em Đinh Văn Thiện, sinh năm 1994, dân tộc Ca Dong, trú tại xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Em Thiện vừa bỏ trốn do không chịu nổi cảnh hành hạ, ngược đãi đến cùng cực, đã liều mình chạy trốn vào rừng và tìm đường trở về nhà… Theo Vietnamnet, năm ngoái cũng tại bãi đào vàng này, hàng chục trẻ em làm vàng không chịu nổi sự hà khắc của chủ bãi cũng đã tìm đường chạy trốn. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả.
Rõ ràng, sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì cơ quan điều tra chỉ xử lý hành vi của kẻ trực tiếp gây nên tội ác (chủ sử dụng lao động trẻ em) mà chưa thấy có vụ việc nào xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài tại địa bàn do cán bộ đó quản lý cả.
Ông Nguyễn Thanh Hòa- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho báo Tuổi Trẻ biết báo cáo của 63 tỉnh, thành phố năm 2009 cho thấy tại VN vẫn còn 25.000-27.000 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ông Hòa khẳng định đây chỉ là số liệu báo cáo, chứ thực tế chắc chắn con số này sẽ cao hơn.
Căn cứ kết quả giám định thương tích của Hội đồng Giám định pháp y tỉnh Cà Mau, hành vi của vợ chồng Giang - Thơm có đủ dấu hiệu phạm tội ở khoản 3 điều 104 BLHS.
Khoản 3 điều 104 BLHS quy định như sau:
“Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31%-60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm”.
Những tình tiết định khung đối với hành vi phạm tội của Giang - Thơm là:
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.”
Nếu tính mạng của cháu Hào Anh bị xâm phạm ở mức độ nguy hiểm thì vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm sẽ bị truy tố, xét xử theo khoản 4 điều 104, có mức hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Căn cứ khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự về việc “khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại” thì: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Hành vi phạm tội của vợ chồng Giang - Thơm rơi vào khoản 3 (có thể khoản 4) Điều 104 BLHS, nên dù có hay không có đơn bãi nại cơ quan tố tụng vẫn phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật. Đơn bãi nại của phía bị hại (nếu có và tự nguyện) chỉ là tình tiết để Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo, chớ không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án.
Điều 105 BLTTHS còn quy định rõ: “Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”. Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, đơn bãi nại của chị Thoa không có giá trị pháp lý để được xem là tình tiết giảm nhẹ cho Giang - Thơm vì chị Thoa bị cưỡng ép ký đơn rút yêu cầu truy tố. Cơ quan tố tụng sẽ coi như không có đơn bãi nại của chị Thoa.
Luật quy định là thế nhưng từ luật đến đời sống thực tế vẫn còn một khoảng cách xa.
Bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh) kể với nhà báo khi bà lên bệnh viện chăm con thì bị Mã Ngọc Thơm (vợ chủ trại tôm Minh Đức) dùng xuồng máy bám theo chặn đường.
"Cô ta nói là nếu tôi không ký thì khi họ ra tù sẽ trả thù. Bằng không, họ sẽ lo hết tiền chữa trị cho Hào Anh và cho 20 triệu đồng gửi ngân hàng. Sợ quá, tôi bèn ký vào đơn do họ viết và nhận một triệu đồng", chị Thoa kể. Ông Nguyễn Thanh Bình - trưởng Công an xã Ngọc Chánh - nói: “Chị Thoa đưa đơn bãi nại viết tay cho tôi, tôi đã nộp cho Công an huyện Đầm Dơi. Trong đơn bãi nại có nội dung là mặc dù đã biết Hào Anh bị hành hạ nhưng yêu cầu cơ quan công an không xử lý hình sự Giang - Thơm”.
Trước lực lượng Công an các cấp hùng hậu dàn ra từ trên xuống dưới, trước tình trạng đau đớn thê thảm, thân thể biến dạng vì thương tích cháu Hào Anh phải gánh chịu (người mẹ nào không khỏi đứt ruột đau lòng) mà chị Thoa vẫn phải bấm bụng ký đơn bãi nại cho kẻ thủ ác. Phải chăng người dân không tin vào khả năng chính quyền có thể bảo vệ sự an toàn cho người lương thiện trước bóng tối của các thế lực xấu xa phủ trùm lên đời sống người nghèo?
Tạ Phong Tần
.
.
.
No comments:
Post a Comment