Phần mềm mã nguồn mở giúp vượt tường lửa: TOR
Khánh An, phóng viên RFA
2010-04-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TOR-free-anti-censorship-tool-KhAn%20-04262010195030.html
TOR là một phần mềm mã nguồn mở khá uy tín giúp người dùng vượt tường lửa, bảo vệ tính riêng tư và bảo mật của thông tin trao đổi trên internet.
.
Làm chủ tính riêng tư
TOR vốn là dự án nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ, sau được đưa ra sử dụng rộng rãi, miễn phí trên toàn thế giới.
Khánh An phỏng vấn ông Andrew Lewman, Giám đốc điều hành của Dự án TOR. Trước hết, ông Andrew Lewman giới thiệu sơ luợc về TOR:
Ông Andrew Lewman: TOR là một công cụ phần mềm cho phép bạn làm chủ tính riêng tư và ẩn danh trên mạng. Nó giúp bạn kiểm sóat lượng thông tin mà bạn gửi cho người khác qua các website trên mạng một cách ẩn danh. Những thông tin về bạn có thể bị tiết lộ mà bạn không hề biết, đơn giản như địa chỉ IP có thể cho biết thông tin được gửi đi từ nơi nào trên thế giới, rồi từ đó có thể tìm ra nơi bạn sống, những chỗ bạn đi shopping… TOR không những giúp bạn bảo mật các thông tin trên mạng, đồng thời còn giúp bạn vượt qua các bức tường lửa kiểm sóat thông tin nữa.
Lần đầu tiên, TOR chính thức ra mắt là năm 2003 nhưng những nghiên cứu trước đó về mật mã và khả năng xác định bạn là ai trên internet thì đã được bắt đầu từ những năm đầu 90.
Khánh An: Ông có thể cho biết số lượng người sử dụng TOR hiện nay trên thế giới là bao nhiêu không?
Ông Andrew Lewman: TOR là phần mềm về bảo mật, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi không đòi hỏi thông tin và cũng không lưu giữ thông tin khi khách hàng download và sử dụng phần mềm. Những gì chúng tôi thực sự lưu giữ lại đó là nơi mà phần mềm được download, cài đặt và sử dụng. Chúng tôi có thể nói đó là những quốc gia nào và từ đó chúng tôi phân tích các dữ liệu. Tính cho đến nay, chúng tôi đã có khoảng 30 triệu lượt người download TOR.
Khánh An: Những quốc gia nào sử dụng TOR nhiều nhất, thưa ông?
Ông Andrew Lewman: 3 quốc gia đứng đầu là Trung Quốc, Đức, Mỹ, tiếp theo là Pháp, Thụy Điển và các nước khác.
Khánh An: Thế còn Việt
Ông Andrew Lewman: Chúng tôi cũng có người sử dụng tại Việt
Khánh An: Để sử dụng TOR, khách hàng phải làm thế nào?
Ông Andrew Lewman: Cách dễ nhất để dùng TOR là download từ website (http://www.TORproject.org/easy-download.html.en), sau đó giải nén và cài đặt vào máy tính. Kích hoạt TOR mỗi khi cần sử dụng. Bạn có thể tham khảo chi tiết từng bước hướng dẫn cài đặt qua video trên website.
.
Lợi thế và khiếm khuyết
Khánh An: Đâu là lợi thế và khiếm khuyết của TOR so với các công cụ bảo mật khác?
Ông Andrew Lewman: Có 2 điều. Thứ nhất, thế mạnh của TOR là được tập trung nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi phải nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều để tìm ra câu trả lời về việc nên hay không nên bỏ thêm một tính chất mới vào phần mềm TOR. Đây có thể là một công việc khó chịu đối với một doanh nghiệp, nhưng đối với chúng tôi là một tổ chức phi lợi nhuận, sứ mệnh của chúng tôi là thực hiện các nghiên cứu để phát triển hơn các phương tiện và kỹ thuật về bảo mật. Còn điều bất lợi là chúng tôi thường cập nhật những tính chất mới cho công cụ, có người đặt câu hỏi là tại sao chúng tôi không làm ra sản phẩm và bỏ lên internet thôi, nhưng qua điều tra chúng tôi biết được có nhiều người mà cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào việc bảo mật và đó cũng chính là mục tiêu mà chúng tôi nhắm tới khi làm sản phẩm.
Có một điều là bạn phải hiểu những gì TOR có thể làm và không thể làm cho bạn. Bạn cần phải có một máy tính và những phần mềm đáng tin cậy. Bản thân phần mềm TOR là do những người thiện nguyện tạo nên để giúp bạn bảo mật thông tin. Nếu bạn không quan tâm lắm đến chuyện bảo mật mà chỉ muốn mọi thứ nhanh và đơn giản thì tôi khuyên bạn nên sử dụng những phầm mềm khác, bởi vì TOR có thể làm tốc độ truy cập, download bị chậm do thông tin được truyền đi qua nhiều nơi trên thế giới. Nguyên tắc hoạt động của TOR là thông tin từ một nơi được gửi đi sẽ qua ít nhất 3 máy chủ trung gian, có thể ở châu Á, ở Đức hay một nơi nào đó khác, như Nam Mỹ chẳng hạn, để bảo đảm rằng thông tin được bảo mật.
Khánh An: Hiện nay, đối tượng nào sử dụng TOR nhiều nhất, thưa ông?
Ông Andrew Lewman: Đại đa số là những người dân thường giống như bạn và tôi. Có thể họ dùng cho công việc làm ăn hoặc có thể một thành viên trong gia đình hay người quen của họ là nạn nhân của bạo hành hay đang bị ung thư chẳng hạn, mà không muốn những người khác trong gia đình biết nên họ sử dụng TOR trong lúc tìm kiếm các thông tin liên quan. Ngoài ra, có nhiều phóng viên cũng sử dụng TOR khi gửi và nhận những thông tin nhạy cảm.
Khánh An: Nếu ở những vùng mà đường truyền internet có tốc độ chậm thì người sử dụng có dùng TOR được không?
Ông Andrew Lewman: Vâng, có. Hầu hết các hoạt động trên internet không cần nhiều băng thông, chỉ trừ những tập tin âm thanh, video hay điện thoại video.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay cả ở những khu vực có đường truyền chậm hoặc không ổn định, TOR cũng không gây ảnh hưởng đáng kể trên công việc của họ. Tuy nhiên, nhiều người chỉ mở TOR lên khi cần thiết thôi vì hầu hết những hoạt động thông thường không cần phải bảo mật. Chúng tôi cũng đang làm việc cật lực để làm cho tốc độ của TOR nhanh hơn.
Khánh An: Mức độ bảo mật thành công của TOR như thế nào, thưa ông?
Ông Andrew Lewman: TOR được làm ra nhằm bảo vệ bạn trong những hoạt động trên mạng internet, chúng tôi không can thiệp vào những thông tin mà bạn gửi. Bạn có thể mở TOR lên rồi vào Facebook mà Facebook không biết được bạn là ai và đang ở đâu. Điều quan trọng là bạn phải truy cập những website đáng tin cậy. Những gì bạn gửi đi, chúng tôi không kiểm sóat được nhưng chúng tôi bảo đảm 100% về sự riêng tư và ẩn danh của bạn.
Khánh An: Cảm ơn ông Andrew Lewman đã dành cho RFA cuộc trò chuyện hôm nay.
.
Copyright © 1998-2010 Radio Free
.
.
.
No comments:
Post a Comment