Friday, April 30, 2010

ĐỌC SÁCH : MAO TRẠCH ĐÔNG, NGÀN NĂM CÔNG TỘI

Mao Trạch Đông-ngàn năm công tội

Đăng bởi cavenui on Tháng Tư 23, 2010

http://cavenui.wordpress.com/2010/04/23/mao-tr%E1%BA%A1ch-dong-ngan-nam-cong-t%E1%BB%99i/

Nói đến cuốn “Mao Trạch Đông-ngàn năm công tội” lúc này khá muộn, vì từ khi cựu nhà báo Huy Đức giới thiệu nó tháng 10 năm ngoái đến nay, trên mạng bình luận đã nhiều. Nhưng mãi gần đây em mới đọc xong nên giờ mới có chút ý kiến được.

Cuốn này rất dễ mua ở Hà Nội. Nhưng nó không phải là 1 cuốn sách được xuất bản, có giấy phép xuất bản, có ghi thời điểm in xong và nộp lưu chiểu, có tên tác giả ở đầu, có giá tiền ở đuôi, có tên dịch giả vân vân như những quyển sách thông thường khác. Nó là “tài liệu tham khảo đặc biệt” của TTXVN được đóng dưới dạng 1 quyển sách. Những tài liệu dạng này, hồi em hành nghề gần phố Phan Huy Chú em cũng hay mua được ở 1 quầy báo, nghĩa là sách dành cho nội bộ nhưng ngoại bộ vẫn đọc được, số lượng sách đưa ra ngoài không nhiều nên chỉ sau một thời gian là hết. Đến cuốn của ông Tân Tử Lăng (tên tác giả chỉ được nhắc đến ở phần “cùng bạn đọc”) do dư luận quan tâm đặc biệt nên nó được đưa ra ngoài rầm rộ.

Vì nó chỉ là “tài liệu tham khảo” nên những người chủ trương dịch cuốn này không dịch đầy đủ tác phẩm của ông Tân Tử Lăng, họ chỉ dịch những nội dung mà họ cho là “đối tượng được tham khảo cần tham khảo”. Nên có chương dịch dài, có chương chỉ tóm tắt vài dòng, rõ nhất là chương 28 ở trang 147 “Mao Trạch Đông chơi trò chính trị lưu manh” chỉ có 2 câu thế này:

Chương này kể lại việc Mao Trạch Đông bức hại Bành Đức Hoài và Hạ Long, 2 vị nguyên soái từng lập công rất lớn trong chiến tranh giải phóng, là bạn chiến đấu trung thành của Mao. Khi đã quyết tâm mượn tay Hồng vệ binh đẩy 2 người vào chỗ chết thảm khốc, Mao vẫn giả dối tỏ ra quan tâm và tin cậy họ.

Vậy đối tượng cần tham khảo là ai? Theo em đó là các bạn trẻ từ thế hệ 8x trở đi. Vì đối với đối tượng già cũ như em, nội dung cuốn sách này, trừ phần lời kết hơi đặc biệt, còn lại gần như toàn bộ 244 trang đầu tiên chỉ toàn là những điều bọn em đã được đọc, được tuyên truyền thông qua hệ thống tuyên truyền chính phái của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam những năm 80. Cách mạng văn hóa tệ hại thế nào, những chính sách phiêu lưu của Mao làm dân Trung Hoa đói rét thế nào, Mao hãm hại Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ thế nào, chèn ép Chu Ân Lai thế nào, chơi Lâm Bưu ra sao, mụ Giang Thanh làm những trò gì, v.v, thế hệ Cavenui được biết thông qua đài ta chứ không phải đài địch, lề phải chứ không phải lề trái.

Một điều đáng chú ý là khi 2 vị chủ tịch Hồ, Mao còn sống, quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trên bề mặt là cực kỳ thân thiện. Đối đầu công khai từ cuối thập niên 70 thì 2 vị chủ tịch ấy đều đã qua đời. Nhưng nếu như Bắc Kinh thông qua cái loa của Hoàng Văn Hoan chửi bới “tập đoàn Lê Duẩn phản bội lại đường lối cách mạng chân chính, phản bội lại chủ trương đoàn kết với Trung Quốc của Hồ chủ tịch” thì Hà Nội không hề chửi Đặng Tiểu Bình-1 người từng là nạn nhân của Mao và thực hành khá nhiều chính sách khác Mao là kẻ “phản bội lại đường lối cách mạng chân chính, phản bội lại chủ trương đoàn kết với Việt Nam của Mao chủ tịch” mà chửi luôn cả Mao. Có lý do ông Nixon ăn vịt quay dưới thời Mao, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa dưới thời Mao, và cũng có lý do là Liên Xô-nước ủng hộ VN chống TQ, cực kỳ căm ghét Mao. Nhờ điều này mà thế hệ của Cavenui biết được nhiều điều lố bịch của chế độ Mao và Mao++, tóm lại là rất hay ho. (Đồng chí nhạc sĩ bạn nhờ ghi ké 1 câu: Không rõ nhờ chửi Mao mà trong cách điều hành xã hội có cởi mở hơn không, hehe, nhưng ít ra nhạc đỏ Việt Nam sau 79 bắt đầu tình tứ hơn, cho em khát khao anh khi mùa xuân về).

Chị gì Ngọc Bích phát biểu trên BBC rằng thế hệ 8x bị ảnh hưởng của tuyên truyền bài Hoa sâu đậm là rất sai, vì khi sự tuyên truyền này diễn ra trong những năm 80, các bạn 8x còn quá nhỏ. Không biết lề phải ngừng tuyên truyền chống bành trướng Bắc Kinh từ khi nào, chỉ biết khi em hồi hương năm 1993, báo chí ta viết về đảng CS Trung Quốc đã khá là thân thiện. Những điều bọn em biết, các bạn 8x ít có dịp được biết nếu chỉ đọc báo trong luồng, nên đối với họ, cuốn Mao Trạch Đông-ngàn năm công tội, ít nhiều cũng có giá trị tham khảo.

Những gì ông Tân Tử Lăng chửi Mao trong 244 trang đầu tiên của cuốn sách chính là những điều những người cộng sản ghét Mao, trong đó có cộng sản Việt Nam những năm 80, đã chửi Mao. Trừ 1 chỗ (do vậy em mới dùng từ “gần như toàn bộ 244 trang”). Đó là đoạn Tân Tử Lăng chửi Mao về quan hệ với Việt Nam, nhất là đoạn về Bạch Long Vĩ ở trang 55:

“Do nhu cầu đấu tranh chống địch trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Mao Trạch Đông còn khinh suất cho Bắc Việt Nam sử dụng đảo Bạch Long Vĩ thuộc Hải Nam, trên đảo có 2.000 dân Trung Quốc sinh sống, vùng biển xung quanh là mỏ dầu lớn trữ lượng dồi dào. Đến nay lâu ngày qua đi, nảy sinh ý kiến khác về chủ quyền. Thế là tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” cũng không giữ nổi”.

Với đoạn này, lẽ ra các blogger ái quốc phải ghét ông Tân Tử Lăng hơn ông Mạc Ngôn mới phải?

Bỏ qua cái đoạn đó thì 244 trang đầu ông Tân chửi Mao với tư thế của 1 người cộng sản ghét Mao. Ông thường xuyên ca ngợi một số người cộng sản là nạn nhân của Mao, như Bành Đức Hoài, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình. Ở tận trang 244 ông còn ghi kết quả 1 cuộc thăm dò dư luận về những lãnh tụ đáng kính, theo đó Mao không đạt 2% phiếu bầu trong khi Chu Ân Lai được 100%, Đặng Tiểu Bình 97% số phiếu, rồi còn bình luận: “quần chúng nhân dân không lẫn lộn giữa Đảng Cộng sản và Mao Trạch Đông, không vì uy tín của Mao tụt mạnh mà lung lay niềm tin vào Đảng Cộng sản. 10 nhà lãnh đạo đáng kính nhất được lựa chọn đều là đảng viên cộng sản”.

Đùng một cái từ trang 245 trở đi ông Tân như bừng tỉnh chuyển sang ca ngợi dân chủ xã hội mới là đệ tử chân truyền của Marx, Engels, phê phán Lenin và quốc tế III là những người kế thừa chủ nghĩa Blanqui, dẫn chứng về sự thành công ở nhiều nước châu Âu khi dân chủ xã hội nắm quyền hoặc tác động được lên chính quyền v.v. Phần chửi Mao ở khúc đuôi này khác hẳn phần chửi Mao ở khúc đầu, vì không chỉ chửi ông Mao mà chửi cả chủ nghĩa mà những nạn nhân của Mao được ông Tân ca ngợi ở khúc đầu tin theo. Đoạn cuối khá hay, nhiều điều đáng tham khảo, nhưng sự chuyển gam từ trang 244 sang trang 245 chưa nuột lắm, không hiểu đó là do sự kém cỏi của ông Tân Tử Lăng hay của các dịch giả không nêu tên đây?

.

.

China: A Century of Revolution

http://htt.fotech.org/?p=2055

.

.

.

No comments: